YouMed

Cây thuốc nam trị ung thư phổi: Có hiệu quả hay không?

Thạc sĩ Bác sĩ Dư Thị Cẩm Quỳnh
Tác giả: ThS.BS Dư Thị Cẩm Quỳnh
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Ung thư phổi là loại ung thư gây tử vong hàng đầu. Nó khiến người bệnh kiệt quệ về sức khoẻ, tinh thần, suy giảm chất lượng cuộc sống,… Những yếu tố này vô hình chung đã cản trở việc tiếp tục điều trị của người bệnh. Y học cổ truyền có những quan điểm điều trị như thế nào, hiệu quả ra sao trong điều trị ung thư phổi? Thực hư cây thuốc nam trị ung thư phổi? Bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Dư Thị Cẩm Quỳnh sẽ giúp bạn hiểu biết thêm những vấn đề trên.

Giới thiệu về ung thư phổi

1. Theo Y học hiện đại1 2

Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư. Căn bệnh đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người trên toàn thế giới. Trong đó, ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (NSCLC) chiếm khoảng 85%.

Phương pháp điều trị tiêu chuẩn của NSCLC đã đạt được kết quả lâm sàng phi thường dựa trên phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch, vân vân.

Ung thư phổi là bệnh lý nguy hiểm gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh
Ung thư phổi là bệnh lý nguy hiểm gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh

2. Theo Y học cổ truyền1 2 3

Ung thư phổi thuộc về bệnh phế trong y văn cổ của Y học cổ truyền. Trong Hoàng Đế Nội Kinh có câu “khu vực bị các yếu tố gây bệnh xâm nhập thường thiếu khí”; “ khi bên trong có đủ khí sinh lực, các yếu tố gây bệnh không có cách nào xâm nhập vào cơ thể”.

  • Cơ chế gây bệnh chủ yếu của ung thư phổi là nguyên khí suy giảm và độc vật xâm nhập, kế đến là đờm và huyết ứ.
  • Các mầm bệnh từ bên ngoài sẽ xâm nhập vào phế khi con người có nguyên khí bị thiếu hụt và mất cân bằng âm dương. Chức năng phế không điều hòa dẫn đến phế khí bị tắc nghẽn, suy giảm, khí huyết bị ứ trệ, dịch cơ thể phân bố rối loạn. Thủy dịch trong cơ thể tích tụ lại thành đờm, gây khí trệ, huyết ứ ở kinh phế.
  • Sau đó, khí, huyết, đờm và độc kết hợp với nhau dần dần tạo thành một khối trong phổi. Hơn nữa, suy yếu do chính căn bệnh ung thư gây ra và quá trình điều trị liên tục (phẫu thuật, hóa trị và xạ trị) sẽ càng làm tổn thương hơn khí và huyết.
  • Do đó, sử dụng Y học cổ truyền hiện nay được xem là liệu pháp bổ trợ trong điều trị ung thư phổi.

Quan niệm của Đông Y về điều trị ung thư phổi

Phép trị chính là điều chỉnh sự mất cân bằng bằng cách “phù chính” và “trừ tà”. Tức là, nếu khả năng miễn dịch của cơ thể quá yếu thì khả năng phát triển của khối u sẽ tăng mạnh.

“Phù chính” có nghĩa là bồi bổ cơ thể, tăng cường khả năng miễn dịch chống ung thư. Đồng thời “trừ tà” trực tiếp ức chế sự phát triển, sinh sôi, xâm lấn và di cư của tế bào khối u. Khi sinh khí phục hồi, cơ thể có thể ức chế tế bào ung thư, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống.

Có rất nhiều phương pháp điều trị Đông y (như thuốc thảo dược nói chung (theo cách gọi vùng miền có thể là thuốc nam hay thuốc bắc), châm cứu, thực phẩm và dưỡng sinh,…). Trong đó, thuốc thảo dược là phần quan trọng nhất.

Một bài thuốc y học cổ truyền được cấu tạo bởi nhiều vị khác nhau, phân bố theo Quân Thần Tá Sứ. Sự kết hợp này rất cần thiết để mang lại hiệu quả. Bài thuốc có thể điều chỉnh sự tăng sinh, chết theo chương trình, bám dính và di chuyển của các tế bào ung thư. Đồng thời cũng ức chế sự hình thành mạch khối u, thay đổi hệ thống miễn dịch cơ thể.1 2

Kết hợp thuốc Y học cổ truyền có hiệu quả trong điều trị ung thư phổi hay không?

Kết hợp với hoá trị – xạ trị1

Sự kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại đã thực hiện tốt trong lĩnh vực điều trị ung thư phổi. Ghi nhận được nhiều kết quả như:

  • Nó có thể làm tăng độ nhạy cảm của hóa trị và xạ trị, giảm tác dụng phụ và các biến chứng liên quan khác. Sự kết hợp của bài thuốc y học cổ truyền và hóa trị liệu có thể làm giảm độc tính do hóa trị liệu gây ra. Bài thuốc có vị Hoàng kỳ kết hợp cùng với hóa trị liệu giúp giảm các phản ứng phụ như giảm bạch cầu trung tính, buồn nôn và nôn,…
  • Điều đáng chú ý là khi kết hợp thuốc còn cải thiện hiệu quả lâm sàng và điều chỉnh khả năng hoạt động của khối u.
  • Những bệnh nhân điều trị kết hợp có tỷ lệ sống sót sau 1 năm cao hơn so với hóa trị liệu đơn thuần.

Điều trị bổ trợ sau khi dùng liệu pháp nhắm trúng đích2

So với liệu pháp nhắm trúng đích đơn thuần, liệu pháp bổ trợ kết hợp giữa Đông – Tây cho hiệu quả lâm sàng tốt hơn (ức chế khối u, tỷ lệ sống trung bình) và tính an toàn.

  • Ví dụ, bài thuốc Tứ quân tử thang. Đây là một bài thuốc y học cổ truyền với bốn loại Nhân sâm, Bạch phục linh, Bạch truật, Cam thảo. Bài thuốc Tứ quân tử có thể tăng cường tác dụng của gefitinib trong ức chế sự phát triển và di căn của khối u ở chuột.
  • Đông trùng hạ thảo Trung Quốc (phân biệt với Đông trùng hạ thảo Việt Nam) cung cấp hoạt chất cordycepin. Chúng có thể ức chế sự phát triển của chu kỳ tế bào, gây ra quá trình chết theo chương trình của tế bào ung thư. Nó cũng có tác dụng chống ung thư tương đương với afatinib. Việc sử dụng kết hợp Đông trùng hạ thảo cordycepin với các loại thuốc điều trị hiện nay có thể giải quyết vấn đề kháng thuốc của các loại thuốc điều trị nhắm trúng đích.
  • Hoàng liên chân gà cho chiết xuất coptis (ECC) có thể điều trị bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ kháng EGFR-TKI bằng cách ức chế Mcl-1 và Bcl-2.
Bài thuốc Tứ quân thang gồm 4 loại dược liệu Nhân sâm, Bạch phục linh, Bạch truật, Cam thảo
Bài thuốc Tứ quân thang gồm 4 loại dược liệu Nhân sâm, Bạch phục linh, Bạch truật, Cam thảo

Các loại thuốc thường dùng

Hiện nay có khoảng 133 loại thuốc y học cổ truyền đã được sử dụng trong lịch sử để điều trị ung thư phổi. Các loại thuốc được sử dụng có tác dụng chữa bệnh trên mô phổi và có thể tăng cường hệ thống miễn dịch.

Vào năm 2013, tạp chí khoa học PLoS One đã công bố một bài đánh giá về 24 thử nghiệm lâm sàng của Trung Quốc đối với bệnh ung thư phổi không phải tế bào nhỏ.4 Trong đó các vị thuốc, bài thuốc thường dùng nhất là:

  • Hoàng kỳ: Một trong những loại thảo mộc được sử dụng rộng rãi nhất trong y học Trung Quốc, Hoàng kỳ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch trong các thử nghiệm lâm sàng. Theo nghiên cứu được hỗ trợ bởi Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Kettering, Hoàng kỳ hạn chế sự phát triển và lan rộng của khối u, làm giảm tác dụng phụ của hóa trị liệu và có thể tăng cường tác dụng của các loại thuốc hóa trị liệu như cisplatin và carboplatin.5
  • Nam sa sâm.
  • Cam thảo.
  • Bạch phục linh: người bệnh ung thư phổi bị phù nề (giữ nước bên dưới da) có thể được giảm nhẹ nhờ phục linh. Loại thảo mộc này có tác dụng lợi tiểu, có thể làm giảm sản xuất đờm và giúp người bệnh ngủ ngon hơn.
  • Bạch hoa xà thiệt thảo: Loại thảo dược này đã cho thấy tác dụng ngăn ngừa chống ung thư trong các nghiên cứu thí nghiệm trên động vật.6
  • Thiên môn đông: Nghiên cứu mới chỉ được tiến hành trên chuột cho thấy hoạt động chống ung thư đối với bệnh bạch cầu và ung thư phổi.7
  • Bài thuốc Kim phúc khang: Là bài thuốc gồm 12 loại thảo dược, có chứa Hoàng kỳ. Được phát triển tại Đại học Y học cổ truyền Trung Quốc Thượng Hải đặc biệt để điều trị ung thư phổi. Công thức này đã được thử nghiệm lâm sàng trong nhiều thập kỷ và được cơ quan quản lý dược phẩm Trung Quốc phê duyệt vào năm 1999. Người bệnh hóa trị liệu dùng kèm Kim Phúc Khang tăng tỷ lệ sống sót cao hơn khi so với hóa trị đơn thuần.8
  • Bài thuốc Dưỡng chính tiêu kết: Đây là bài thuốc được sử dụng để điều trị ung thư nói chung trong y học cổ truyền. Một nghiên cứu năm 2015 được công bố trên tạp chí The Journal of Translational Medicine cho thấy bài thuốc làm giảm tăng sinh tế bào ung thư phổi trong môi trường phòng thí nghiệm.9
Hoàng kỳ là vị thuốc được nhắc đến nhiều khi nói về việc điều trị ung thư phổi bằng các dược liệu
Hoàng kỳ là vị thuốc được nhắc đến nhiều khi nói về việc điều trị ung thư phổi bằng các dược liệu

Còn nhiều tranh cãi trong sử dụng thuốc Y học cổ truyền trong điều trị ung thư phổi

Các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành các thử nghiệm lâm sàng như vậy trong nhiều thập kỷ. Họ tin rằng các bằng chứng này ủng hộ việc sử dụng các thuốc và bài thuốc y học cổ truyền trong điều trị ung thư. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nghiên cứu khoa học từ phương Tây không đồng thuận một cách rõ ràng.

Những tranh cãi trong nghiên cứu khoa học còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Đứng ở vai trò điều trị, đặc biệt chuyên ngành ung bướu, các bác sĩ đều mong muốn người bệnh có thể trạng, chất lượng cuộc sống tốt để tiếp nhận được điều trị và kéo dài sự sống. Do đó, cần có sự liên kết, thảo luận điều trị, hội chẩn chuyên khoa Ung bướu và Y học cổ truyền. Người bệnh không tự ý sử dụng bất kỳ các loại thuốc nào, cho dù là thuốc Y học cổ truyền.

Hi vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn thông tin về cây thuốc nam trị ung thư phổi và những thông tin liên quan. Hiện nay, tác dụng của thuốc – bài thuốc y học cổ truyền trong việc tiêu diệt tế bào ung thư phổi còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, Đông y có thể giúp người bệnh chiến đấu với căn bệnh bằng cách phục hồi cơ thể, điều chỉnh cân bằng âm dương, khí huyết,… Từ đó, có thể cải thiện chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Traditional Chinese medicine and lung cancer——From theory to practicehttps://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0753332221001669

    Ngày tham khảo: 22/03/2023

  2. The modulatory properties of Si Jun Zi Tang enhancing anticancer of gefitinib by an integrating approachhttps://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0753332218354416

    Ngày tham khảo: 22/03/2023

  3. The Possibility of Traditional Chinese Medicine as Maintenance Therapy for Advanced Nonsmall Cell Lung Cancerhttps://www.hindawi.com/journals/ecam/2014/278917/

    Ngày tham khảo: 22/03/2023

  4. The Efficacy of Chinese Herbal Medicine as an Adjunctive Therapy for Advanced Non-small Cell Lung Cancer: A Systematic Review and Meta-analysishttps://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0057604

    Ngày tham khảo: 22/03/2023

  5. Safety and pharmacokinetic trial of docetaxel plus an Astragalus-based herbal formula for non-small cell lung cancer patientshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3746541/

    Ngày tham khảo: 22/03/2023

  6. Anticancer Activities of Oldenlandia diffusahttps://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/J157v04n01_03

    Ngày tham khảo: 22/03/2023

  7. Huang KC (1993) In the Pharmacology of Chinese Herbs. p. 361, CRC press, Boca Raton, FL, USA.

  8. Lung Cancer Prevention and Therapy Using the JinFuKang Herbal Mixturehttps://link.springer.com/article/10.1007/s40495-015-0037-7

    Ngày tham khảo: 22/03/2023

  9. YangZheng XiaoJi exerts anti-tumour growth effects by antagonising the effects of HGF and its receptor, cMET, in human lung cancer cellshttps://translational-medicine.biomedcentral.com/articles/10.1186/s12967-015-0639-1

    Ngày tham khảo: 22/03/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người