YouMed

Có nên cho trẻ uống thuốc tăng chiều cao?

Bác sĩ LÊ HỮU NGHĨA
Tác giả: Bác sĩ Lê Hữu Nghĩa

Người Việt chúng ta thường có chiều cao khiêm tốn so với thế giới. Khi mà kinh tế mỗi gia đình càng ngày càng ổn định thì các bậc phụ huynh càng có mong muốn cho con mình được phát triển toàn diện, không những về thể chất, tinh thần, học vấn mà còn về ngoại hình. Biết được nỗi khao khát được cải thiện chiều cao của các ông bố – bà mẹ, nhiều trang mạng tràn ngập các quảng cáo “có cánh” về các thuốc tăng chiều cao: “tăng chiều cao siêu tốc”, “tăng chiều cao từ thiên nhiên”, “tăng chiều cao siêu hiệu quả”…

Vậy các thuốc này là gì, thực hư về hiệu quả như thế nào? Mời quý độc giả cùng YouMed tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc tăng chiều cao là gì?

Thật dễ dàng để mua được một sản phẩm giúp tăng chiều cao hiện nay. Tại các cửa hàng thực phẩm chức năng, trang bán hàng online, những sản phẩm tăng chiều cao được quảng cáo “tăng chiều cao cấp tốc”, “thành phần 100% thiên nhiên”, “tăng chiều cao sau ít nhất một tháng sử dụng”. Sản phẩm có xuất xứ từ nhiều nước khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Australia…, được quảng  cáo phù hợp với người 3-27 tuổi.

Thành phần ghi trên nhãn của các sản phẩm này chủ yếu là nano canxi, protein, vitamin A, quả óc chó Ba Tư, nhung hươu, hải sâm… Giá khá đa dạng, từ 490.000 đến 2,7 triệu đồng một sản phẩm. Có sản phẩm còn có thành phần là hormone tăng trưởng GH.

Ngoài thuốc và thực phẩm chức năng còn có si rô, cốm bổ xương, kẹo ngậm… được giới thiệu giúp tăng chiều cao cho trẻ em dưới 10 tuổi mà không rõ thành phần.

Các nghiên cứu khoa học cho thấy chiều cao thường không phát triển sau 24 tuổi, nhưng một số sản phẩm giúp tăng chiều cao vẫn được quảng cáo là dùng cho cả những người dưới 30 tuổi.

Chiều cao trung bình của nam, nữ Việt Nam so với thế giới
Chiều cao trung bình của nam, nữ Việt Nam so với thế giới

2. Sự tăng trưởng của trẻ bình thường

Các loại thuốc tăng chiều cao được quảng cáo dựa trên sinh lý bình thường của cơ thể người. Như vậy, để hiểu được về hiệu quả của thuốc, trước hết chúng ta phải nắm được sự phát triển bình thường là như thế nào.

Tăng trưởng trong thời thơ ấu phụ thuộc vào sự hoạt động nhịp nhàng và liên kết của nhiều hệ cơ quan. Quá trình này bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố từ khi mới thụ thai đến khi sinh ra và lớn lên đến hết tuổi dậy thì. Tăng trưởng cũng bị ảnh hưởng bởi sự tương tác của nhiều hormone, bao gồm hormon tăng trưởng (GH), hormone tuyến giáp, insulin và hormone giới tính. Tất cả đều có ảnh hưởng khác nhau ở các giai đoạn tăng trưởng khác nhau.

Sự tăng trưởng có thể được phân loại thành bốn giai đoạn chính: thai nhi, sau sinh / trẻ sơ sinh, thời thơ ấu và tuổi dậy thì.

2.1. Giai đoạn bào thai

Giai đoạn này chịu ảnh hưởng bởi dinh dưỡng của mẹ, kích thước tử cung, các yếu tố tăng trưởng và insulin. Chúng có thể có tác dụng lâu dài trong suốt cuộc đời chứ không phải chỉ trong một giai đoạn.

Dinh dưỡng của mẹ bao gồm cả trước khi thụ thai và suốt quá trình mang thai. Trước khi có thai mẹ bị thiếu chất, thai kì không cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, trẻ sinh ra thiếu chất hoặc bị chậm tăng trưởng trong tử cung. Sau sinh trẻ sẽ mất một khoảng thời gian để “tăng trưởng bù”. Tử cung nhỏ làm thai không phát triển được.

Một số nghiên cứu cho thấy nhiều trẻ sinh non bị giảm độ nhạy với insulin sau này trong đời. Điều này có liên quan đến việc bắt đầu dậy thì sớm hơn.

2.2. Thời kì sơ sinh

Sau sinh, tăng trưởng tiếp tục với tốc độ nhanh. GH và hormone tuyến giáp đóng vai trò lớn trong giai đoạn tăng trưởng nhanh sau sinh này. Những ảnh hưởng lớn khác bao gồm insulin và dinh dưỡng tổng thể.

2.3. Các giai đoạn sau đến tuổi dậy thì

Tăng trưởng sau đó chậm lại trong thời thơ ấu.

Đến tuổi dậy thì, trẻ bắt đầu phát triển nhanh về chiều cao. Giai đoạn này chiếm khoảng 17% tổng chiều cao của người trưởng thành. Ví dụ: ở một người lớn cao 1.6m thì trước khi dậy thì người đó cao khoảng 1.2m – 1.3m. Thời kì này, hormone giới tính đóng vai trò quan trọng,  Trung bình, các bé gái bước vào tuổi dậy thì ở tuổi 9. Con trai có xu hướng bước vào tuổi dậy thì muộn hơn, trung bình ở tuổi 11. 

Ngoài dinh dưỡng, tập luyện thể thao có ý nghĩa với sự phát triển chiều cao trong giai đoạn này.

2.4. Sự phát triển của xương

Từ khi sinh ra, chiều cao của con người tăng dần cùng với sự phát triển của xương. Do đó, tăng chiều cao bản chất là sự dài ra của xương.

Để chắc khỏe, xương phải phát triển hài hòa theo hai phía: chiều dài và chiều rộng. Phát triển ở hai đầu xương giúp xương tăng chiều dài. Màng thân xương phát triển để tăng bề dày.

Đĩa sụn tiếp hợp là khu vực tăng trưởng trong một xương dài. Lớp sụn ở đây sẽ hóa cốt khiến xương dài ra dần dần. Mặt đĩa phía đầu xương, lớp sụn được hình thành. Ở phía thân xương bên dưới, sụn sẽ được hóa cốt và xương phát triển dài ra. Như vậy, đĩa sụn tiếp hợp là yếu tố quyết định cho việc dài xương.

Trong khi phát triển tăng chiều dài, xương cũng gia tăng đường kính ngang tương ứng. Các tế bào hủy xương sẽ “ăn” các xương cũ lót bên trong khoang tủy, sau đó các tế bào tạo xương sẽ sản xuất mô xương mới bên dưới màng xương.

Chiều cao bắt đầu tăng nhanh khi bước vào tuổi dậy thì. Sau đó chậm lại dần và dừng lại khi kết thúc tuổi dậy thì. Vào cuối giai đoạn này, các đĩa sụn tiếp hợp ở hai đầu xương sẽ hoàn toàn hóa cốt. Tới đây, các xương không thể phát triển dài hơn nữa. Vì vậy người thanh niên ổn định với chiều cao đó đến khi “trưởng thành”. Thông thường, tuổi dậy thì kết thúc vào khoảng 18-20 tuổi với nữ và 20-23 tuổi với nam.

Sự phát triển của xương
Sự phát triển của xương

3. Dinh dưỡng và tăng trưởng

3.1. Canxi

Canxi là yếu tố thiết yếu trong cấu tạo mô xương để hệ xương khỏe mạnh. Tăng lượng canxi trong khẩu phần ở trẻ nhỏ và thiếu niên sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của xương. Bổ sung can xi ở giai đoạn trẻ nhỏ trước dậy thì (dưới 10 tuổi) có hiệu quả rõ rệt về tăng mức khoáng hóa xương hơn là bổ sung ở giai đoạn dậy thì.

Nhu cầu canxi khác nhau theo lứa tuổi và tình trạng sinh lý. Trẻ nhỏ cần lượng canxi cao vì trẻ đang phát triển. Đặc biệt có 2 giai đoạn trẻ tăng tốc về chiều cao là trẻ dưới 5 tuổi và thời kỳ tiền dậy thì.

Lưu ý là thành phần canxi và phospho phải cân đối thì xương mới phát triển được.

Bảng nhu cầu canxi theo tuổi
Bảng nhu cầu canxi theo tuổi

3.2. Vitamin D

Vitamin D là vi chất không thể thiếu cho sự phát triển xương và sức khỏe nói chung ở mọi lứa tuổi. Chúng giúp cơ thể hấp thu canxi, phospho và lắng đọng canxi và phospho vào xương. Trẻ nhỏ thiếu vitamin D sẽ bị bệnh còi xương do không hấp thu được canxi.

Đa số thực phẩm đều nghèo vitamin D. Một số thực phẩm chứa vitamin D là dầu cá, trứng, sữa, bơ, gan cá… Một nguồn cung cấp vitamin D nữa là ánh sáng mặt trời. Tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời hàng ngày là cần thiết cho mọi lứa tuổi để tiếp nhận đủ lượng vitamin D. Tuy nhiên, hiện nay, lo ngại tác động tiêu cực của ánh nắng mặt trời lên da trẻ em, nên trẻ nhũ nhi cần bổ sung khoảng 400 I.U (đơn vị ) vitamin D mỗi ngày thay vì phơi nắng.

3.3. Protein (đạm)

Protein đóng vai trò then chốt trong việc hình thành hệ xương và tích lũy khối lượng xương. Giai đoạn tăng trưởng mà dinh dưỡng kém bao gồm thiếu cả protein và năng lượng thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển xương. Khi lượng protein ăn vào không đủ sẽ nguy hại tới sự rắn chắc của xương.

Lý do là cơ thể không sản xuất và kích hoạt đầy đủ một nhân tố tăng trưởng IGF1. IGF1 là hoạt chất kích thích sự tạo xương. Đồng thời IGF1 còn có chức năng kích thích hấp thu canxi, phospho tại ruột. Không những thế, nó còn tăng cường chuyển hóa canxi, vitamin D tại thận.

tăng chiều cao ở trẻ

Hiện nay, người ta đã chứng minh được rõ mối quan hệ tích cực giữa hàm lượng protein ăn vào và khối lượng xương ở trẻ. Thời kỳ trẻ nhỏ và dậy thì, cơ thể cần có đủ protein để tạo và kích hoạt được IGF1. Từ đó giúp hệ xương, hệ cơ, hệ thần kinh và toàn bộ cơ thể trẻ phát triển hết tiềm năng di truyền.

3.4. Các chất dinh dưỡng khác

Ngoài những chất chính kể trên, cơ thể còn phải cân đối và đầy đủ các chất dinh dưỡng khác nếu muốn phát triển chiều cao tối ưu. Không thể không kể đến các chất – vi chất có vai trò quan trọng với hệ miễn dịch. Một trẻ suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, thiếu máu, hay bị nhiễm trùng sẽ không thể phát triển tốt về cả thể chất lẫn tinh thần.

>> Suy dinh dưỡng là một lý do khiến trẻ không thể cao được. Tìm hiểu ngay bài viết của bác sĩ về Suy dinh dưỡng ở trẻ để chăm sóc tốt nhất cho bé yêu của bạn

Sau sinh, xương ngoài vai trò tăng trưởng còn góp phần trong việc tạo máu. Trẻ thiếu máu kéo dài có thể gây chậm tăng trưởng do kém nuôi dưỡng ở xương. 

4. Vậy thuốc tăng chiều cao có thực sự hiệu quả?

Các loại thuốc tăng chiều cao cho trẻ, thành phần là can-xi, ma-nhê, kẽm, vitamin D, các probiotics; được gia hương liệu, đường hóa học, thực chất chỉ là thực phẩm chức năng. Đa phần sản phẩm tăng chiều cao đều chứa canxi. Nhưng cần phải biết là loại hợp chất canxi gì, liều dùng ra sao. Nếu lạm dụng sẽ dẫn đến dư thừa canxi, gây sỏi thận, suy thận, vôi hóa mô mềm…. Nguy hiểm hơn là vôi hóa các mạch máu nuôi cơ quan, gây hẹp, tắc lòng mạch.

Một số thuốc được quảng cáo là có hormone GH. Điều này đến thời điểm hiện tại vẫn là phản khoa học. GH có bản chất là protein, bắt buộc phải cho vào cơ thể bằng đường tiêm. Nếu uống chúng sẽ được tiêu hóa hoàn toàn giống như thịt. Nếu có hấp thu vào cơ thể cũng sẽ không còn tác dụng.

Cho đến nay không có một loại thuốc hay sản phẩm nào có thể giúp trẻ bình thường tăng chiều cao một cách thần kì như quảng cáo được. 

Khi sử dụng bất kỳ một sản phẩm nào cần phải xem xét thành phần, liều dùng, chỉ định và chống chỉ định. Việc cho trẻ sử dụng bất kì thuốc gì mà không có sự tư vấn của các chuyên gia y tế rất dễ dẫn đến việc trẻ bị dư thừa chất. Điều này sẽ làm rối loạn các quá trình chuyển hóa trong cơ thể trẻ. Không những không giúp trẻ cao lên, mà còn gây ra các hệ lụy tăng cân, tắc mạch,… Nguy hiểm hơn là ngộ độc, đặc biệt từ các sản phẩm được quảng cáo là thiên nhiên.

>> Có thể bố mẹ quan tâm: Béo phì ở trẻ em: Những nhiều bố mẹ hiện đại cần biết!

Con phát triển khỏe mạnh, tối ưu về trí tuệ, thể chất, chiều cao là mong ước chính đáng của bất cứ ai, song các chuyên gia đặc biệt khuyến cáo việc sử dụng bất cứ sản phẩm nào để giúp trẻ tăng chiều cao, các bậc cha mẹ phải gặp bác sĩ về chuyên khoa. Nhất là việc sử dụng hormone hoặc thuốc với trẻ em phải cần sự kiểm soát rất chặt chẽ từ các nhà chuyên môn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Growthhttps://pedsinreview.aappublications.org/content/32/9/404

    Ngày tham khảo: 15/05/2020

  2. Bone Growth and Developmenthttps://courses.lumenlearning.com/wm-biology2/chapter/bone-growth-and-development/

    Ngày tham khảo: 15/05/2020

  3. Mechanisms of Growth Plate Maturation and Epiphyseal Fusionhttps://www.karger.com/Article/Fulltext/327788

    Ngày tham khảo: 15/05/2020

  4. Growth hormone secretion during sleephttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC297368/

    Ngày tham khảo: 15/05/2020

  5. Bone metabolism in children and adolescents: main characteristics of the determinants of peak bone masshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3917578/

    Ngày tham khảo: 15/05/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người