YouMed

Cỏ roi ngựa: Vị thuốc hoạt huyết từ loài cây thân thuộc

Bác sĩ PHẠM THỊ LINH
Tác giả: Bác sĩ Phạm Thị Linh
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Cỏ roi ngựa có tên khoa học là Verbena officinalis L. Cây còn có tên gọi khác là Mã tiền thảo. Thuộc họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae). Cây có vị đắng, tính hơi mát. Bài viết dưới đây của Bác sĩ Phạm Thị Linh sẽ giới thiệu rõ hơn về loài cây này. 

Tổng quan về Cỏ roi ngựa

Mô tả về dược liệu

Cỏ roi ngựa là cây thảo, mọc thành bụi, chiều cao trung bình từ 30 – 60 cm. Thân vuông, mọc đứng, có lông.

Lá mọc đối, xẻ thành những thùy hình lông chim không đều, mép có răng cưa, phiến lá men theo cuống đến tận gốc.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành bông hoặc chùy, dài 20 cm, phân nhánh nhiều. Lá bấc có mũi nhọn, hoa nhỏ mọc sít nhau, màu lam tím nhạt. Đài có 5 răng nhỏ, có lông, tràng có ống hình trụ hơi cong. Quả nang, có 4 nhân, hạt nhỏ.

Mùa hoa quả: tháng 3 – 9.

cỏ roi ngựa
Cỏ roi ngựa là cây thảo, mọc thành bụi

Phân bố, sinh thái

Cây này là loài phân bố rộng rãi ở một số nước Đông Nam Á, Đông Dương, Ấn Độ và Nam Trung Quốc.

Ở Việt Nam, dược liệu mọc rải rác khắp các tỉnh đồng bằng, trung du và vùng núi thấp.

Cây ưa sáng, sinh trưởng nhanh. Cây ra hoa quả nhiều. Tái sinh tự nhiên bằng hạt.

Bộ phận dùng

Phần trên mặt đất thu hái vào lúc cây đang ra hoa, phơi hay sấy khô.

Hoạt chất từ Cỏ roi ngựa

Toàn cây chứa tridoidtridoid glycosid, tanin, chất nhầy, adenosinβ-caroten. Lá chứa tinh dầu.

 Hoa cỏ roi ngựa
Hoa cỏ roi ngựa

Tác dụng dược lý của Cỏ roi ngựa

Cao cồn có hoạt tính chống viêm đối với viêm kết mạc mắt thỏ và cũng có tác dụng giảm đau.

Glycosid verbenalin trong dược liệu không độc và có tác dụng giống thần kinh đối giao cảm.

Glycosid verbenin có trong dược liệu có tác dụng lợi sữa, làm tăng tiết sữa ở động vật cho con bú.

Chất acetosid có tác dụng chủ vận đối với tác dụng chống run của levodopa và có tác dung chống tăng huyết áp và giảm đau.

Toàn bộ cây Cỏ roi ngựa có hoạt tính kháng khuẩn và kháng siêu vi khuẩn Cytomegalovirus ở chuột. Dược liệu có hiệu quả điều trị và dự phòng sự tạo sỏi thận có thể do tác dụng khử khuẩn, và cũng có thể có liên quan tới sự có mặt của saponin.

Công dụng của Cỏ roi ngựa

Cỏ roi ngựa có vị đắng, tính hơi mát, vào 2 kinh: can và tỳ, có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, thông kinh, thanh nhiệt, lợi tiểu, sát trùng, giải độc.

Cây được dùng để chữa tử cung tích huyết, sốt rét mạn tính, chướng bụng, sưng vú, mụn nhot, kinh nguyệt không thông, khí hư, lỵ ra máu, ho ra máu, chảy máu cam, phù.

Liều dùng: Ngày dùng 6 -12g dược liệu khô. Có thể giã cây tươi và lấy nước uống, bã đắp chữa mụn nhọt, sưng vú. Còn dùng nước sắc uống và rửa trị lở ngứa hạ bộ.

cỏ roi ngựa
Cỏ roi ngựa có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, thông kinh, thanh nhiệt, lợi tiểu, sát trùng

Bài thuốc có chứa Cỏ roi ngựa

1. Chữa kinh nguyệt không thông, huyết ứ, đau bụng dưới

Dược liệu giã nhỏ, nấu cao, uống mỗi lần một thìa với rượu vào lúc đói. Ngày uống 3 lần.

Dược liệu 12 g, Hương phụ chế 16 g, Quy vĩ 12 g, Tô mộc 10 g, Tam lăng 8 g, Huyền hồ 8 g, Hồng hoa 8 g, Cam thảo 4 g, nước 400 ml. Sắc còn 100 ml, uống làm 3 lần trong ngày.

2. Chữa hạ bộ lở ngứa

Dược liệu 80 g, Hạt xà sàng 40 g, đun sôi với nước rồi xông vào chỗ ngứa, sau lấy nước đó rửa, ngày 1 lần.

3. Chữa đái gắt buốt

Cỏ roi ngựa 20 g, Mã đề 20 g. Sắc uống trong ngày.

4. Chữa viêm cầu thận mạn tính

Dược liệu 500 g, Bồ hóng bếp 400 g, Vỏ bưởi đào 600 g, Bích ngọc đơn 400 g, Ích mẫu 300 g, Quế thanh, Bạch phản, Đại hồi, Thảo quả, mỗi vị 200 g, Khô phàn 200 g.

Cách chế: Cỏ roi ngựa và ích mẫu nấu cao, rồi trộn với bột các dược liệu khác làm thành viên bằng hạt hồ tiêu. Ngày dùng 40 g liên tục.

5. Chữa nhọt vú, tắc tia sữa, sưng đau

Cỏ roi ngựa một nắm, Gừng sống 1 củ, giã nhỏ, chế vào 1 chén rượu, vắt lấy nước cốt uống, bã đắp chỗ đau.

Xem thêm: Mẹ làm gì để thông tắc tia sữa sau sinh?

6. Chữa viêm gan, gan cứng, bụng chướng, hay viêm thận thủy thũng

Dược liệu, Ích mẫu, Mộc thông, Cỏ xước, Rễ cỏ tranh, mỗi vị 20 g. Sắc uống.

7. Chữa ngộ độc thực phẩm

Lấy 1 nắm to dược liệu, sắc uống.

8. Chữa lở ngứa bằng Cỏ roi ngựa

Dược liệu nấu nước tắm rửa, xoa xát.

9. Chữa viêm họng, đau họng, họng sưng đau rát

Sử dụng cành và lá thảo dược, giã lấy nước, vắt phần nước cốt, bỏ bã, cho thêm một lượng sữa tươi vừa đủ, khuấy đều. Dùng ngậm và nuốt từng ngụm nhỏ để cải thiện tình trạng viêm họng.

Xem thêm: Cây Lưỡi hổ: Vị thuốc trị viêm họng, khàn tiếng

10. Chữa kinh nguyệt không đều

Dùng thảo dược tươi 40 g, Ngải cứu 25 g, Ích mẫu 200 g, Cỏ tháp bút 10 g, sắc thành nước, dùng uống 2 lần trong ngày. Uống trước khi hành kinh 10 ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.

Lưu ý

  • Phụ nữ mang thai phải thận trọng khi sử dụng.
  • Những người mắc chứng thấp nhiệt và huyết nhiệt, nhưng tỳ âm hư mà vị khí suy nhược không nên dùng.

Bài viết trên đã cung cấp thêm thông tin về liều dùng cũng như công dụng của Cỏ roi ngựa. Cây có vị đắng tính mát, có nhiều công dụng chữa các bệnh như chướng bụng, sưng vú, mụn nhọt, kinh nguyệt không thông…Tuy nhiên, cũng giống như những dược liệu khác. Quý độc giả cần tham khảo thêm ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Viện Dược liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – Tập II. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người