YouMed

Cường tuyến cận giáp và những điều cần biết

bác sĩ đào thị thu hương
Tác giả: Bác sĩ Đào Thị Thu Hương
Chuyên khoa: Nội thần kinh

Tuyến cận giáp là các tuyến nằm phía sau tuyến giáp ở vùng cổ dưới, có kích thước bằng hạt gạo. Các tuyến cận giáp sản xuất hormone tuyến cận giáp PTH. Hormone này giúp duy trì sự cân bằng thích hợp của canxi trong máu và các mô phụ thuộc vào canxi để hoạt động bình thường. Cường tuyến cận giáp là khi tuyến cận giáp tạo ra quá nhiều hormone trong máu.

1. Các loại cường tuyến cận giáp

Có hai loại cường cận giáp. Gồm: cường tuyến cận giáp nguyên phát và cường tuyến cận giáp thứ phát

  • Trong cường cận giáp nguyên phát, sự phát triển kích thước quá mức của một hoặc nhiều tuyến cận giáp gây sản xuất quá mức hormone. Điều này khiến lượng canxi trong máu tăng cao, có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho bệnh cường cận giáp nguyên phát.
  • Cường cận giáp thứ phát xảy ra do một bệnh lý khác gây giảm canxi trong máu. Cơ thể sẽ điều chỉnh bằng cách tăng lượng hormone cận giáp, nhằm làm tăng lượng canxi. Điều này theo thời gian sẽ gây ra cường cận giáp thứ phát.
Vị trí của tuyến cận giáp
Vị trí của tuyến cận giáp

2. Triệu chứng của cường tuyến cận giáp

Cường cận giáp thường được chẩn đoán trước khi các dấu hiệu và triệu chứng được biểu hiện rõ ràng. Các triệu chứng của cường cận giáp là kết quả do nồng độ canxi cao trong máu, nước tiểu và quá thấp trong xương. Điều này gây ra các rối loạn chức năng ở mô và các cơ quan.

Các triệu chứng có thể biểu hiện từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng. Bao gồm:

  • Loãng xương.
  • Sỏi thận.
  • Tăng tần số đi tiểu.
  • Đau bụng.
  • Dễ mệt mỏi hoặc cảm thấy mất sức.
  • Trầm cảm hoặc hay quên.
  • Đau xương khớp.
  • Thường xuyên phàn nàn về bệnh mà không rõ nguyên nhân.
  • Buồn nôn, nôn hoặc chán ăn.

3. Nguyên nhân

Cường cận giáp là do các yếu tố làm tăng sản xuất hormone tuyến cận giáp.

Các tuyến cận giáp duy trì mức độ thích hợp của cả canxi và phốt pho trong cơ thể. Điều này được thực hiện thông qua bài tiết hormone tuyến cận giáp PTH. Vitamin D cũng tham gia vào việc điều chỉnh lượng canxi trong máu.

Thông thường, cơ chế duy trì sự cân bằng này hoạt động rất hiệu quả. Khi nồng độ canxi trong máu xuống quá thấp, các tuyến cận giáp sẽ tiết ra đủ PTH để khôi phục lại sự cân bằng. PTH làm tăng mức canxi bằng cách giải phóng canxi từ xương và tăng lượng canxi hấp thụ từ ruột non.

Khi nồng độ canxi trong máu quá cao, các tuyến cận giáp sản xuất ít PTH hơn.

Nồng độ canxi trong máu có ảnh hưởng đến cường tuyến cận giáp
Nồng độ canxi trong máu có ảnh hưởng đến cường tuyến cận giáp

Nhưng đôi khi một hoặc nhiều tuyến cận giáp sản xuất quá nhiều hormone. Điều này dẫn đến lượng canxi cao bất thường và lượng phốt pho thấp trong máu.

Canxi được biết đến với vai trò giữ cho răng và xương khỏe mạnh. Canxi cũng hỗ trợ việc truyền tín hiệu trong các tế bào thần kinh và tham gia vào quá trình co cơ. Phốt pho, một khoáng chất khác, hoạt động cùng với canxi để cùng duy trì những chức năng này.

Cường cận giáp có thể xảy ra do vấn đề với tuyến cận giáp (cường cận giáp nguyên phát) hoặc do một bệnh khác ảnh hưởng đến chức năng của các tuyến (cường cận giáp thứ phát).

Cường cận giáp nguyên phát

Các nguyên nhân gây cường cận giáp nguyên phát gồm:

  • Nguyên nhân phổ biến nhất là do u lành tuyến cận giáp.
  • Tăng sản tuyến cận giáp cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp.
  • Ung thư tuyến cận giáp là nguyên nhân rất hiếm gặp.

Cường cận giáp thứ phát

Cường cận giáp thứ phát là kết quả của một tình trạng khác làm giảm nồng độ canxi. Điều này khiến tuyến cận giáp phải tăng sản xuất hormone để bù đắp lượng canxi đã mất. Các yếu tố có thể góp phần gây ra cường cận giáp thứ phát bao gồm:

  • Thiếu canxi trầm trọng. Cơ thể có thể không nhận đủ canxi từ chế độ ăn uống, thường là do hệ tiêu hóa không hấp thu được canxi.
  • Thiếu vitamin D trầm trọng. Vitamin D giúp duy trì lượng canxi thích hợp trong máu. Nó cũng giúp hệ tiêu hóa hấp thụ canxi từ thức ăn. Cơ thể sản xuất vitamin D khi da tiếp xúc với ánh nắng. Thực phẩm cũng cung cấp một phần vitamin D cho cơ thể. Nếu cơ thể không nhận đủ vitamin D, lượng canxi có thể giảm xuống.
  • Suy thận mạn. Thận có chức năng chuyển đổi vitamin D thành một dạng mà cơ thể có thể sử dụng. Nếu thận hoạt động kém, vitamin D không được chuyển đối, dẫn đến không thể sử dụng được và làm lượng canxi giảm xuống, khiến mức hormone tuyến cận giáp tăng lên. Suy thận mạn là nguyên nhân phổ biến nhất của cường cận giáp thứ phát.

4. Các yếu tố nguy cơ mắc phải

Bạn có thể tăng nguy cơ bị cường cận giáp nguyên phát nếu bạn:

  • Phụ nữ đã mãn kinh.
  • Thiếu canxi hoặc vitamin D kéo dài và nghiêm trọng.
  • Những rối loạn di truyền chẳng hạn như đa u nội tiết tuýp 1.
  • Xạ trị vùng cổ trong điều trị ung thư.
  • Dùng lithium, một loại thuốc thường được sử dụng để điều trị rối loạn lưỡng cực.

5. Biến chứng của cường tuyến cận giáp

Các biến chứng của cường cận giáp chủ yếu liên quan đến ảnh hưởng lâu dài của tình trạng thiếu canxi trong xương và quá nhiều canxi trong máu. Các biến chứng thường gặp bao gồm:

  • Loãng xương. Việc mất canxi thường dẫn đến xương yếu, giòn, dễ gãy.
  • Sỏi thận. Quá nhiều canxi trong máu có thể dẫn đến quá nhiều canxi trong nước tiểu. Từ đó tạo ra các cặn canxi nhỏ, cứng và các chất khác hình thành trong thận. Sỏi thận thường gây ra cơn đau dữ dội khi đi qua đường tiết niệu.
  • Bệnh tim mạch. Mức canxi cao có liên quan đến các tình trạng tim mạch, chẳng hạn như huyết áp cao và một số loại bệnh tim khác.
  • Suy tuyến cận giáp sơ sinh. Cường cận giáp nặng, không được điều trị ở phụ nữ mang thai có thể gây ra mức canxi thấp nguy hiểm ở trẻ sơ sinh.

>> Bạn có thể tìm hiểu thêm: Tuyến giáp: Cấu trúc, chức năng và các bệnh lý thường gặp.

Loãng xương là một trong các biến chứng của cường tuyến cận giáp
Loãng xương là một trong các biến chứng của cường tuyến cận giáp

6. Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Đi khám bác sĩ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của bệnh cường cận giáp. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị, bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, điều quan trọng là phải chẩn đoán nhanh chóng, chính xác và điều trị thích hợp cường tuyến cận giáp.

7. Chẩn đoán

Cường tuyến cận giáp có thể được gợi ý chẩn đoán dựa vào các dấu hiệu và triệu chứng đang tồn tại. Ngoài ra, cần thực hiện thêm các xét nghiệm để khẳng định chẩn đoán này.

Xét nghiệm máu

Có thể chẩn đoán được cường cận giáp nếu xét nghiệm máu có lượng hormone tuyến cận giáp cao sau khi đã xác nhận được tình trạng nồng độ canxi trong máu cao.

Các kiểm tra bổ sung

Sau khi chẩn đoán cường cận giáp, cần thực hiện thêm các xét nghiệm để loại trừ những nguyên nhân thứ phát có thể xảy ra. Ngoài ra, xét nghiệm giúp xác định các biến chứng và mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Các xét nghiệm bao gồm:

  • Kiểm tra mật độ khoáng của xương. Xét nghiệm này được thực hiện để xem liệu bạn có bị loãng xương hay không.
Kiểm tra mật độ xương
Kiểm tra mật độ xương
  • Xét nghiệm nước tiểu. Việc thu thập nước tiểu trong 24 giờ có thể cung cấp thông tin về mức độ hoạt động của thận và lượng canxi được bài tiết qua nước tiểu. Nếu lượng canxi rất trong nước tiểu rất thấp, có nghĩa đây là một tình trạng không cần điều trị.
  • Các xét nghiệm hình ảnh của thận. Có thể sử dụng Xquang hoặc các xét nghiệm hình ảnh khác ở vùng bụng để xác định xem bạn có bị sỏi thận hay những bất thường khác về thận hay không.

Các triệu chứng của bệnh cường tuyến cận giáp có thể do bất kỳ rối loạn nào gây ra, bao gồm cả một số nguyên nhân có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Cường tuyến cận giáp cần phải được chẩn đoán sớm, chính xác để có điều trị thích hợp. Vì vậy, nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của bệnh cường cận giáp, hãy đi khám bác sĩ sớm nhất có thể.

Bác sĩ Đào Thị Thu Hương

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hyperparathyroidism/symptoms-causes/syc-20356194

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người