Lưu ý của bác sĩ về những dấu hiệu ung thư âm đạo
Nội dung bài viết
Dấu hiệu ung thư âm đạo trên thực tế hầu như không rõ ràng. Chẩn đoán ung thư âm đạo giai đoạn đầu có cơ hội chữa khỏi tốt nhất. Ung thư âm đạo di căn ra ngoài âm đạo sẽ khó điều trị hơn. Vì vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số lưu ý của bác sĩ về những dấu hiệu ung thư âm đạo nhé.
Nguyên nhân của ung thư âm đạo
Ung thư âm đạo là một loại ung thư hiếm gặp xảy ra trong âm đạo – ống nối từ tử cung với bộ phận sinh dục ngoài. Nó thường xảy ra nhất ở các tế bào lót trên bề mặt âm đạo, còn gọi là ống sinh.
Phụ nữ mang virus u nhú ở người (HPV) có nhiều khả năng mắc bệnh ung thư hiếm này hơn. Những phụ nữ đã bị nhiễm virus herpes simples cũng có nguy cơ cao bị ung thư âm đạo.
Yếu tố nguy cơ mạnh hơn là nếu mẹ của người phụ nữ dùng loại thuốc diethylstibestrol (DES). Những phụ nữ có mẹ dùng DES phát triển ung thư biểu mô tuyến tế bào rõ của âm đạo hoặc cổ tử cung thường xuyên hơn phụ nữ trong dân số nói chung. Sẽ có 1 trường hợp mắc loại bệnh này trong 1.000 con gái của những phụ nữ dùng DES trong thời kỳ mang thai.
Một yếu tố nguy cơ khác là bị ung thư cổ tử cung.
Hút thuốc làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư âm đạo của phụ nữ.
Ai dễ mắc ung thư âm đạo hơn?
Ung thư âm đạo phổ biến hơn ở phụ nữ từ 60 tuổi trở lên. Gần một nửa số trường hợp xảy ra ở phụ nữ 70 tuổi trở lên. Chỉ khoảng 15% trường hợp mắc bệnh ở phụ nữ dưới 40 tuổi.
Dấu hiệu ung thư âm đạo
Các tình trạng tiền ung thư, chẳng hạn như VAIN và ung thư âm đạo giai đoạn đầu thường không gây ra các triệu chứng. Ung thử ở giai đoạn sau có thể gây ra các triệu chứng. Nhiều trường hợp VAIN và ung thư âm đạo giai đoạn đầu có thể được phát hiện thông qua khám phụ khoa thường xuyên hoặc xét nghiệm Pap.
Triệu chứng phổ biến nhất của ung thư âm đạo là chảy máu âm đạo bất thường. Chảy máu âm đạo trong hoặc sau khi mãn kinh có thể là dấu hiệu của một vấn đề và cần được thảo luận với bác sĩ.
Các dấu hiệu ung thư âm đạo khác bao gồm:
- Tiết dịch âm đạo bất thường.
- Khó tiểu hoặc đau khi đi tiểu.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Đau ở vùng xương chậu (phần dưới của bụng, giữa hai xương hông).
- Đau lưng hoặc chân.
- Sưng chân.
- Chức năng ruột bất thường.
Có những triệu chứng trên không phải lúc nào cũng có nghĩa là bạn bị ung thư. Trên thực tế, những triệu chứng này có nhiều khả nặng được gây ra bởi bệnh khác ngoài ung thư, chẳng hạn như nhiễm trùng. Cách duy nhất để biết nguyên nhân gây ra những vấn đề này là đến khám bác sĩ.
Chẩn đoán ung thư âm đạo
Bác sĩ sẽ sử dụng nhiều xét nghiệm để tìm nguyên nhân của các dấu hiệu ung thư âm đạo và chẩn đoán nó. Họ làm các xét nghiệm để tìm hiểu xem liệu bệnh ung thư có di căn đến các bộ phận khác của cơ thể từ nơi nó bắt đầu hay không. Nếu điều này xảy ra, nó được gọi là di căn. Ví dụ các xét nghiệm hình ảnh có thể cho biết ung thư đã lan rộng chưa. Bác sĩ cũng có thể làm cho làm các xét nghiệm để biết phương pháp điều trị nào hoạt động tốt nhất.
Nếu ung thư được chẩn đoán, việc giảm bớt các triệu chứng vẫn là một phần quan trọng trong việc chăm sóc và điều trị ung thư. Đây có thể được gọi là chăm sóc giảm nhẹ hoặc chăm sóc hỗ trợ. Nó thường được bắt đầu ngay sau khi chẩn đoán và tiếp tục trong suốt quá trình điều trị.
1. Khám vùng chậu
Bác sĩ sẽ kiểm tra âm đạo, phần còn lại của đường sinh sản, bàng quang và trực tràng để kiểm tra bất kỳ thay đổi bất thường nào.
2. Xét nghiệm Pap
Trong quá trình xét nghiệm Pap, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng cạo bên ngoài cổ tử cung và âm đạo và lấy một mẫu mô để xét nghiệm. Trong quá trình đó, phụ nữ thường cảm thấy một chút áp lực khi bác sĩ lấy mẫu mô, nhưng thường sẽ không có cảm giác đau. Xét nghiệm HPV là một phần của xét nghiệm Pap ở phụ nữ trên 30 tuổi.
3. Soi cổ tử cung
Bác sĩ có thể soi cổ tử cung để kiểm tra âm đạo và cổ tử cung xem có bất thường nào không. Đặc biệt khi xét nghiệm Pap hoặc HPV. Máy soi cổ tử cung là một dụng cụ đặc biệt, tương tự như kính hiển vi, giúp phóng đại bề mặt của cổ tử cung và âm đạo. Máy soi cổ tử cung cung cấp cho bác sĩ hình ảnh phóng đại của các mô âm đạo và cổ tử cung.
Máy soi cổ tử cung không đưa vào cơ thể phụ nữ. Việc kiểm tra không gây đau đớn, có thể được thực hiện tại phòng khám của bác sĩ và không có tác dụng phụ. Bên cạnh đó, xét nghiệm này có thể được thực hiện trên phụ nữ mang thai.
4. Sinh thiết
Sinh thiết là lấy một lượng mô nhỏ để kiểm tra dưới kính hiển vi. Các xét nghiệm khác có thể gợi ý ung thư, nhưng chỉ sinh thiết mới có thể chẩn đoán xác định liệu các dấu hiệu bất thường có phải của ung thư âm đạo không. Loại sinh thiết được thực hiện sẽ phụ thuộc vào vị trí của mô được sinh thiết.
Đối với hầu hết các loại ung thư, sinh thiết là cách chắc chắn duy nhất để bác sĩ biết liệu một khu vực trên cơ thể có bị ung thư hay không. Trong sinh thiết, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô nhỏ để xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Nếu không thể làm sinh thiết, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm khác giúp chẩn đoán.
5. Siêu âm
Siêu âm sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh các cơ quan nội tạng.
6. Nội soi
Nội soi cho phép bác sĩ nhìn thấy bên trong cơ thể bằng một ống mềm, mỏng (ống nội soi). Người bệnh có thể được cho uống thuốc an thần khi ống đưa qua miệng, hậu môn, âm đạo, niệu đạo hoặc một vết mổ nhỏ. Thuốc an thần sẽ giúp thư thái, bình tĩnh hoặc buồn ngủ hơn.
7. Chụp cắt lớp vi tính (CT hoặc CAT)
Chụp CT sử dụng tia X chụp từ các góc độ khác nhau. Máy tính sẽ kết hợp nhưng bức ảnh này thành một hình ảnh ba chiều chi tiết cho thấy bất kỳ sự bất thường hoặc khối u nào. Chụp CT có thể được sử dụng để đo kích thước của khối u. Đôi khi, một loại thuốc nhuộm đặc biệt gọi là môi trường tương phản sẽ được sử dụng để cung cấp chi tiết hình ảnh tốt hơn. Thuốc nhuộm này có thể được tiêm vào tĩnh mạch của bệnh nhân hoặc uống dưới dạng viên thuốc hoặc chất lỏng để nuốt.
8. Chụp cộng hưởng từ (MRI)
MRI sử dụng từ trường, không phải tia X, để tạo ra hình ảnh chi tiết của cơ thể. Tương tự chụp CT, một loại thuốc nhuộm đặc biệt gọi là môi trường tương phản sẽ được sử dụng để cung cấp chi tiết hình ảnh tốt hơn.
9. Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET)
Chụp PET thường được kết hợp với chụp CT, được gọi là PET-CT. Chụp PET là cách để tạo ra hình ảnh của các cơ quan và mô bên trong cơ thể. Một lượng nhỏ chất đường phóng xạ được tiêm vào cơ thể bệnh nhân. Chất đường này được tiếp nhận bởi các tế bào sử dụng nhiều năng lượng nhất. Bởi vì ung thư có xu hướng sử dụng năng lượng tích cực, nó hấp thu nhiều chất phóng xạ hơn. Sau đó sử dụng một máy quét để phát hiện chất này. Từ đó tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể.
Nếu bạn đang có các biểu hiện về dấu hiệu ung thư âm đạo, hãy nói chuyện với bác sĩ. Bác sĩ sẽ hỏi bạn đã trải qua các triệu chứng trong bao lâu, tần suất… Điều này để giúp tìm ra nguyên nhân của vấn đề, được gọi là chẩn đoán. Hãy nhớ rằng, vấn đề được chẩn đoán chính xác càng sớm, bạn càng có thể bắt đầu điều trị sớm và việc điều trị sẽ có hiệu quả hơn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Vaginal Cancer: Diagnosishttps://www.cancer.net/cancer-types/vaginal-cancer/diagnosis
Ngày tham khảo: 21/04/2021