Đau khi giao hợp: nguyên nhân và lời khuyên từ bác sĩ
Nội dung bài viết
Đau khi giao hợp có thể xảy ra bắt nguồn từ những nguyên nhân thực thể hay nguyên nhân tâm lý. Đau khi giao hợp được hiểu là đau bộ phận sinh dục có tính chất dai dẳng hoặc tái phát nhiều lần, xảy ra ngay trước, trong hoặc sau khi giao hợp. Hiện nay đã có những phương pháp điều trị tác động vào nguyên nhân và có thể giúp loại bỏ hay giảm bớt những khó chịu này.
Những triệu chứng đau thường xuất hiện trong khi giao hợp
Nếu mắc chứng giao hợp đau, bạn có thể xuất hiện những cảm giác như:
- Cảm giác đau chỉ xuất hiện khi có thâm nhập liên quan đến tình dục.
- Đau với mọi sự thâm nhập, bao gồm cả việc đặt băng vệ sinh.
- Cảm giác đau ở sâu, xuất hiện khi “đẩy”.
- Đau rát hoặc đau nhức.
- Đau nhói và kéo dài nhiều giờ sau khi giao hợp.
Nguyên nhân gây ra chứng đau khi giao hợp là gì?
Nguyên nhân của chứng giao hợp đau khác nhau tuỳ mỗi người và tuỳ thuộc vào hoàn cảnh như đau xuất hiện khi thâm nhập hay đau xuất hiện khi đẩy sâu. Yếu tố cảm xúc cũng có thể liên quan đến các dạng khác nhau của chứng đau khi giao hợp.
1. Nguyên nhân trong đau khi thâm nhập
Đau khi thâm nhập nhập có thể liên quan đến rất nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:
- Bôi trơn không đủ: Tình trạng này thường do màn dạo đầu không đủ. Ngoài ra, giảm nồng độ estrogen xuất hiện sau mãn kinh, khi sinh con hay cho con bú cũng có thể là một nguyên nhân gây ra vấn đề này. Một số loại thuốc nhất định ảnh hưởng đến ham muốn tình dục và cảm giác hưng phấn cũng làm giảm bôi trơn và gây ra cảm giác đau đớn khi “lâm trận”.
- Chấn thương hay kích thích: Tình trạng này thường xuất hiện sau một tai nạn, phẫu thuật vùng chậu, cắt âm vật hay rạch âm hộ trong quá trình sinh đẻ.
- Viêm, nhiễm trùng hay bệnh da liễu: Nhiễm trùng vùng sinh dục hoặc đường tiết niệu có thể gây ra đau khi giao hợp. Bệnh chàm hoặc các vấn đề về da khác ở vùng sinh dục cũng có thể gây ra chứng này.
- Viêm âm đạo: Những cơn co thắt không tự chủ của các cơ ở thành âm đạo có thể làm cho động tác thâm nhập trở nên đau đớn.
- Các bất thường bẩm sinh: Những bất thường phát hiện ngay sau sinh cũng có thể gây ra đau đớn khi giao hợp, chẳng hạn như âm đạo hình thành không hoàn chỉnh hay tồn tại một màng ngăn lỗ âm đạo (màng trinh bít).
2. Nguyên nhân gây cảm giác đau sâu
Cảm giác đau sâu thường xảy ra sau khi thâm nhập sâu. Ở một số vị trí có thể xuất hiện cảm giác đau nhiều hơn. Các nguyên nhân gây ra tình trạng này bao gồm:
- Một số bệnh và tình trạng sức khoẻ: Tình trạng này có thể do các bệnh như lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu, sa tử cung, tử cung ngược, u xơ tử cung, viêm bàng quang, hội chứng ruột kích thích, rối loạn chức năng sàn chậu, bệnh trĩ và u nang buồng trứng.
- Sau phẫu thuật hay điều trị y khoa: Sẹo từ phẫu thuật vùng chậu, như sau phẫu thuật cắt tử cung, có thể gây đau khi giao hợp. Các phương pháp điều trị bệnh ung thư, chẳng hạn như xạ trị và hoá trị cũng có thể gây ra những biến đổi làm cho hoạt động tình dục trở nên đau đớn.
3. Yếu tố cảm xúc
Cảm xúc liên quan mật thiết với hoạt động tình dục. Vì thế, cảm xúc cũng là một yếu tố góp phần gây ra chứng đau khi giao hợp. Các yếu tố cảm xúc có thể ảnh hưởng bao gồm:
- Các vấn đề tâm lý: Những cảm xúc như lo lắng, trầm cảm, tự ti về ngoại hình, sợ thân mật hay các vấn đề về mối quan hệ có thể là một yếu tố gây giảm mức độ kích thích và kết quả là cảm giác khó chịu hoặc đau đớn.
- Căng thẳng: Cơ vùng sàn chậu có xu hướng thắt chặt lại để đáp ứng lại các căng thẳng trong cuộc sống. Tình trạng này có thể góp phần gây đau khi giao hợp.
- Tiền sử bị lạm dụng tình dục
Đôi khi có thể khó để biết liệu các yếu tố cảm xúc có liên quan đến chứng đau khi giao hợp hay không. Cơn đau ban đầu có thể dẫn đến nỗi sợ xuất hiện cảm giác đau lần nữa. Tình trạng này khiến bạn khó thư giãn và hệ quả là càng đau nhiều hơn. Về sau, bạn có thể bắt đầu tránh giao hợp vì bạn cho rằng việc đó gây ra đau đớn.
Chẩn đoán đau khi giao hợp như thế nào?
Bác sĩ sẽ đánh giá những yếu tố sau:
- Bệnh sử và tiền căn trước đây: Bác sĩ sẽ hỏi lần đầu cơn đau xuất hiện, vị trí đau, cảm giác như thế nào và có phải có xảy ra với mọi bạn tình và mọi tư thế tình dục hay không. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về quan hệ tình dục trước đây, tiền căn phẫu thuật và sinh đẻ của bạn. Bạn nên trả lời trung thực những vấn đề này để bác sĩ có thể tìm ra nguyên nhân cơn đau một cách chính xác.
- Kiểm tra vùng chậu: Bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu kích ứng da và nhiễm trùng. Thăm khám để tìm các vấn đề liên quan bất thường cấu trúc. Bác sĩ cũng sẽ chỉ định siêu âm vùng chậu nếu nghi ngờtình trjang đau là do một số nguyên nhân khác.
Những phương pháp điều trị chứng đau khi giao hợp
1. Sử dụng thuốc
Nếu nhiễm trùng hay bệnh nào đó góp phần gây ra cơn đau của bạn, điều trị vào những nguyên nhân này có thể giải quyết cảm giác đau. Thay đổi các loại thuốc gây ra tình trạng bôi trơn không đủ cũng là một cách giải quyết.
Đối với nhiều phụ nữ mãn kinh, chứng đau khi giao hợp chủ yếu là do bôi trơn không đủ vì nồng độ estrogen thấp. Thông thường, tình trạng này có thể giải quyết bằng cách bôi estrogen trực tiếp vào âm đạo.
Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm ở Hoa Kỳ cũng đã chấp nhận thuốc ospemifene (Osphena) để điều trị chứng đau khi giao hợp mức độ trung bình đến nặng ở những phụ nữ có tình trạng đau do bôi trơn không đủ. Ospemifene hoạt động tương tự như estrogen trên niêm mạc âm đạo. Tuy nhiên, những hạn chế của các thuốc này là gây ra cảm giác nóng bừng, tăng nguy cơ đột quỵ hay hình thành cục máu đông và nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.1
Một loại thuốc khác dùng để giảm đau khi giao hợp là prasterone (Intrarosa). Thuốc có dạng một viên nang để đặt trong âm đạo hằng ngày.
2. Những phương pháp điều trị khác
Một số phương pháp điều trị không dùng thuốc cũng có thể có ích:
- Liệu pháp giải mẫn cảm: Bạn sẽ được dạy các bài tập thư giãn để giảm các cơn đau.
- Tư vấn về tình dục hoặc các liệu pháp tình dục: Nếu quan hệ tình dục đã gây đau đớn một thời gian dài, bạn có thể sẽ có những cảm xúc tiêu cực với kích thích tình dục kể cả sau khi điều trị. Nếu đã xuất hiện tình trạng bạn và bạn tình tránh quan hệ thân mật do cảm giác đau, bạn có thể cần giúp đỡ để cải thiện vấn đề này và khôi phục lại quan hệ thân mật. Nói chuyện với chuyên gia tư vấn về tình dục có thể giúp bạn giải quyết những vấn đề này. Ngoài ra, liệu pháp nhận thức – hành vi cũng có ích trong thay đổi những ý nghĩ và hành vi tiêu cực.
Những khuyến cáo về lối sống của bác sĩ dành cho bạn
Bạn và bạn tình có thể giảm thiểu tối đa cảm giác đau với những thói quen sau đây:
- Đổi tư thế: nếu đau xuất hiện khi đẩy sâu, hãy thử đổi vị trí khác.
- Giao tiếp với bạn tình: hãy đề cập những gì mang lại cảm giác dễ chịu và những gì không. Hãy nói ra nếu bạn cần đối tác chậm lại.
- Đừng vội vàng: màn dạo đầu dài hơn có thể giúp kích thích bôi trơn tự nhiên.
- Sử dụng chất bôi trơn: giúp cho tình dục thoải mái hơn. Có thể thử nhiều nhãn hiệu khác nhau để tìm ra cái phù hợp với bản thân.
Đau khi giao hợp có thể do nguyên nhân thực thể hay bắt nguồn từ yếu tố cảm xúc. Cảm giác đau không chỉ ảnh hưởng đến sự thoả mãn ham muốn mà về lâu dài còn có thể gây giảm ham muốn tình dục và tránh né quan hệ. Do đó, bạn nên đến bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và khắc phục chứng đau khi giao hợp, tránh những hệ luỵ về sau.
Nhiều phụ nữ gặp vấn đề với việc rối loạn chức năng tình dục. Vậy rối loạn chức năng tình dục ở phụ nữ có phải là bệnh lý? Cùng tìm hiểu ngay: Rối loạn chức năng tình dục ở phụ nữ có phải là bệnh lý?
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
OSPHENA® (ospemifene) tablets, for oral usehttps://www.accessdata.fda.gov/drugsatfda_docs/label/2019/203505s015lbl.pdf
Ngày tham khảo: 10/09/2020