Những xét nghiệm đo đường huyết hiện nay
Nội dung bài viết
Việc đo đường huyết không còn xa lạ với chúng ta khi chăm sóc sức khỏe. Đường huyết được xem là chỉ số quan trọng theo dõi các bệnh lý chuyển hóa như bệnh tiểu đường,… Để phòng ngừa nguy cơ bệnh, chúng ta cần hiểu biết về những xét nghiệm đo đường huyết hiện nay. Trong bài viết sau đây ThS.BS Vũ Thành Đô sẽ cập nhật những điều cần biết về việc đo đường huyết và trước khi đo. Kính mời bạn đọc cùng tìm hiểu.
Tổng quan về chỉ số đường huyết
Đường huyết có tên gọi khác là glucose. Đây là một dạng monosaccharide (tức là đường đơn). Các dạng monosaccharide có thể kể đến như fructose, galactose, ribose. Chúng ta nhận được glucose từ những thực phẩm như bánh mì, trái cây, rau củ, các sản phẩm chế biến từ sữa. Hay nói cách khác, những thức ăn có lượng carbohydrate dồi dào sẽ chuyển hóa thành glucose.
Bật mí nhỏ với bạn: đo đường huyết là chiếc chìa khóa vàng để duy trì hoạt động cơ thể tối ưu. Khi mức glucose ổn định, chúng ta thường không chú ý đến chúng. Nhưng khi chỉ số này ra khỏi mức bình thường, lại gây những ảnh hưởng trực tiếp lên thể trạng. Vì thế, người ta thường nói rằng điều tốt nhất là sự điều độ, hài hòa. Đường huyết cũng vậy, chúng ta cần giữ chúng ở mức ổn định.
Xét nghiệm đo đường huyết hiện nay
Hiện nay có 3 xét nghiệm có giá trị theo dõi và chẩn đoán đường huyết. Trong đó đo đường huyết ngẫu nhiên và lúc đói có thể đo bằng thiết bị tại nhà. Ngược lại, nghiệm pháp dung nạp glucose lúc đói được làm tại bệnh viện.
Đo đường huyết ngẫu nhiên
Đây là xét nghiệm đo đường trong huyết tương. Cách đo này có thể thực hiện ngẫu nhiên bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Nó không đòi hỏi người được đo phải nhịn ăn trước khi thực hiện. Chỉ số này có thể chẩn đoán đái tháo đường type 1.
- Chỉ số đường huyết ngẫu nhiên bình thường dưới 11,1 mmol/l (dưới 200 mg/ dl).
- Chỉ số đường huyết ngẫu nhiên sẽ cao hơn mức bình thường này.
Đo đường huyết lúc đói
Xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói cần nhịn ăn ít nhất 8 tiếng. Do đó, xét nghiệm này thực hiện vào buổi sáng. Chỉ số này thường dùng để chẩn đoán bệnh tiểu đường type 2. Hay có thể thực hiện trong trường hợp người có những yếu tố nguy cơ mắc bệnh này.
- Chỉ số đường huyết lúc đói bình thường dưới 11,1 mmol/l (dưới 200 mg/ dl).
- Chỉ số đo đường huyết lúc đói khi chẩn đoán bệnh tiểu đường là trên 7 mmol/l (trên 126 mg/ dl).
Kiểm tra dung nạp glucose đường uống (OGTT)
Phương pháp này thực thiện tại bệnh viện. Bạn sẽ được uống 75gr glucose và đo đường huyết sau 2 tiếng.
- Chỉ số đường huyết khi thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose bình thường dưới 7,8 mmol/l (dưới 140 mg/ dl).
- Chỉ số đường huyết lúc đói khi chẩn đoán bệnh tiểu đường là trên 11 mmol/l (trên 200 mg/ dl).
Xét nghiệm HbA1c
Đây là xét nghiệm chẩn đoán bệnh đái tháo đường ở bệnh viện. Có lẽ chỉ số này là chính xác nhất. Nó phản ánh lượng đường huyết của bạn trong 2-3 tháng trở lại.
- Chỉ số đo HbA1c bình thường dưới 42 mmol/ mol (6,0%).
- Chỉ số đo HbA1c tiền đái tháo đường 42 đến 47 mmol/ mol (6,0 đến 6,4%).
- Chỉ số đo HbA1c chẩn đoán bệnh tiểu đường là từ 48 mmol/ mol trở lên (từ 6,5%).
Tại sao đo đường huyết lại quan trọng?
Đo đường huyết thường xuyên là chiến lược bảo vệ sức khỏe cho người khỏe mạnh và bệnh nhân tiểu đường. Bởi lẽ khi càng lớn tuổi, chỉ số này càng khó kiểm soát và dễ ra khỏi ngưỡng an toàn. Khi chỉ số này vượt khỏi mức an toàn, bạn nên tập thể dục đều đặn, cải thiện chế độ ăn uống và thay đổi lối sống lành mạnh hơn.
Kiểm tra đường huyết định kỳ sẽ giúp phát hiện nhanh bệnh lý, thực hiện biện pháp cải thiện. Đường huyết khi quá thấp hoặc quá cao cũng gây độc cho cơ thể. Khi chỉ số này quá cao, chúng sẽ làm giảm chức năng tại thận, tim mạch, thần kinh. Đồng thời, chúng gây thoái hóa võng mạc, những vết thương hở dễ hoại tử. Một số trường hợp khác, đường huyết tụt hay tăng vọt có thể gây hôn mê, thậm chí đột quỵ.
Cần chuẩn bị gì để đo đường huyết?
Bạn nên ăn uống như thế nào trước khi đo?
Khi thực hiện bất kỳ xét nghiệm máu nào tại bệnh viện, chúng ta thường được yêu cầu phải nhịn ăn trước đó ít nhất 8 tiếng. Bởi lẽ các chất dinh dưỡng từ thức ăn như vitamin, khoáng chất, chất béo, carbohydrate… sẽ ảnh hưởng nồng độ máu của bạn. Những xét nghiệm sau đây bạn cần nhịn ăn trước đó: đo đường huyết, chức năng gan, lipid máu, chức năng thận.
Đồng thời, một lưu ý cho những tín đồ cà phê. Bạn không được uống cà phê trước khi đo. Ngay cả khi cà phê có màu đen thì chất caffein trong cà phê cũng có thể làm sai lệch kết quả. Đồng thời cà phê là chất lợi tiểu, làm tăng thoát nước cơ thể. Điều này sẽ gây khó khăn khi lấy máu.
Đo đường huyết tại nhà như thế nào?
Ngày nay, đã có những thiết bị đo đường huyết nhỏ gọn có thể thực hiện ngay tại nhà. Bộ dụng cụ đo bao gồm: máy đo chỉ số đường huyết, lưỡi tiếp nhận máu, que gắn kim chích, kim gọi là lancet và bông gòn.
Cách thực hiện khá đơn giản. Bạn chỉ cần chích ngón tay bằng que gắn lancet. Sau đó, nhỏ giọt máu vào lưỡi đo của máy đường huyết. Cuối cùng đọc kết quả sau 20 giây.
Lưu ý rằng bạn nên thực hiện nhẹ nhàng và cẩn thận. Nếu thực hiện không đúng cách có thể gây nhiễm trùng và đau đớn cho vùng được đo.
Mẹo theo dõi kết quả đo đường huyết
Một mẹo nhỏ dành cho bạn khi theo dõi chỉ số đường huyết. Để có cái nhìn tổng quát và toàn diện về tình trạng sức khỏe, bạn cần một cuốn sổ ghi chép lại những thông tin sau đây:
- Ngày và giờ thực hiện đo.
- Thuốc bạn đang dùng và liều lượng.
- Thời gian bữa ăn thường diễn ra.
- Chú ý những thay đổi ăn uống nếu có: ví như bạn thèm ăn ngọt hơn, uống nước nhiều hơn, ăn nhiều cử hơn,…
- Chú ý những biểu hiện cơ thể bất thường nếu có.
Hy vọng bài viết này đã cung cấp những thông tin bổ ích cho bạn đọc về việc đo đường huyết hiện này. Nhận thức được tầm quan trọng của đường huyết sẽ giúp bạn chủ động phòng bệnh. Song song đó, bạn cũng cần chú ý ăn uống và thực hiện mẹo đo kể trên để có thể đạt hiệu quả cao.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Blood Sugar Level Rangeshttps://www.diabetes.co.uk/diabetes_care/blood-sugar-level-ranges.html
Ngày tham khảo: 16/07/2021
-
Blood Glucose Monitoringhttps://www.healthline.com/health/blood-glucose-monitoring#procedure
Ngày tham khảo: 16/07/2021
-
Blood Glucose Monitoring: Tips to Monitor Your Blood Sugar Successfullyhttps://www.healthline.com/health/type-2-diabetes/blood-glucose-monitoring
Ngày tham khảo: 16/07/2021
-
Everything You Need to Know About Glucosehttps://www.healthline.com/health/glucose
Ngày tham khảo: 16/07/2021