Bệnh giang mai có ngứa không?
Nội dung bài viết
Bệnh giang mai thường có biểu hiện là các vết loét xuất hiện trên da. Và câu hỏi thường gặp nhất đối với các triệu chứng này là liệu các vết loét giang mai có ngứa không. Bài viết sau đây của Bác sĩ Phan Văn Giáo sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này cũng như nhận biết các triệu chứng của bệnh. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!
Bệnh giang mai có ngứa không?
Đa phần các triệu chứng giang mai là không điển hình và thường không gây ngứa. Vì vậy mà nhiều người thường gọi giang mai là “kẻ giả vờ vĩ đại”.
Bệnh giang mai lây truyền từ người sang người khi có sự tiếp xúc trực tiếp với các vết loét giang mai – thường được gọi là săng. Săng thường xuất hiện tại cơ quan sinh dục, hậu môn, trực tràng, môi hoặc miệng. Khi người mẹ mang thai cũng có khả năng truyền bệnh cho con của họ.
Thời gian trung bình để phát hiện các triệu chứng nhiễm bệnh giang mai thông thường là sau 21 ngày tiếp xúc với nguồn bệnh. Tuy nhiên con số này có sự dao động từ 10 đến 90 ngày tuỳ vào cơ địa mỗi người.
Bệnh không gây ngứa ở những giai đoạn đầu. Ở những giai đoạn sau thường xuất hiện các vết lở loét, mụn mủ gây ngứa hoặc đau rát. Đôi khi các vết này mờ nhạt rất khó nhận biết và có thể không xuất hiện dấu hiệu ngứa.
Triệu chứng giang mai
Bệnh giang mai diễn tiến theo các giai đoạn, có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng và thậm chí là hàng năm.
Giai đoạn 1
Đây là giai đoạn đánh giá sự khởi đầu của quá trình nhiễm bệnh khi xuất hiện các vết loét hở (hay còn được gọi là săng) tại các vị trí mà xoắn khuẩn giang mai xâm nhập và làm ổ. Săng thường chắc, tròn và không đau, không ngứa, kéo dài từ 3 đến 6 tuần và sẽ tự lành dù cho có điều trị hay không.
Tuy nhiên ở giang mai giai đoạn đầu cần lưu ý rằng bệnh có thể lây truyền cho người khác qua đường tình dục. Và vẫn phải điều trị ngay cả khi vết loét không còn nữa.
Giai đoạn 2
Các vết phát ban da hoặc lở loét ở miệng, cơ quan sinh dục và hậu môn là các dấu hiệu cho thấy bệnh đã tiến triển vào giai đoạn thứ 2. Khi mà bệnh đã phát ban trên một hoặc nhiều vùng của cơ thể. Xuất hiện khi săng ban đầu đang lành hoặc vài tuần sau khi săng đã lành. Một số triệu chứng điển hình của giai đoạn này bao gồm:
- Xuất hiện các đốm sần sùi, màu đỏ hoặc nâu đỏ phía trên lòng bàn tay và lòng bàn chân.
- Có thể xuất hiện những tổn thương lớn, màu xám hoặc trắng thường được gọi là condyloma tại những vùng ấm và ẩm ướt như miệng, nách hoặc vùng bẹn.
- Không gây ngứa.
- Đôi khi khó phân biệt do trông giống như phát ban do các bệnh thông thường gây nên.
Ngoài ra, một số triệu chứng có thể xuất hiện ở giang mai giai đoạn 2 mà bạn cần lưu ý như:
- Sốt.
- Hạch bạch huyết sưng to.
- Đau họng, đau đầu, đau cơ.
- Sụt cân.
- Rụng tóc.
Các triệu chứng của bệnh giang mai thứ phát sẽ biết mất sau một thời gian. Tuy nhiên nếu không điều trị, nhiễm trùng sẽ nhanh tiến triển đến giai đoạn tiếp theo của bệnh.
Giai đoạn tiềm ẩn
Khi đến giai đoạn này, bệnh sẽ không còn các dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng nữa nhưng vẫn âm thầm phát triển và diễn tiến nặng hơn mỗi ngày. Thường chia thành 3 dạng:
- Bệnh giang mai tiềm ẩn sớm: Là khi người bệnh bước vào giai đoạn tiềm ẩn trong vòng 12 tháng xảy ra nhiễm trùng.
- Bệnh giang mai tiềm ẩn muộn: Là khi người bệnh bước vào giai đoạn tiềm ẩn sau 12 tháng xảy ra nhiễm trùng.
- Bệnh giang mai tiềm ẩn không rõ thời gian: Là khi không đủ bằng chứng xác định thời gian xảy ra nhiễm trùng giang mai.
Giai đoạn tiềm ẩn có thể kéo dài trong vài tháng, vài năm và lâu hơn.
Giai đoạn 3
Đây là giai đoạn hiếm gặp, chỉ xảy ra khi bệnh nhân không được điều trị bệnh. Giang mai giai đoạn 3 có thể xuất hiện sau 10 đến 30 năm kể từ thời điểm nhiễm trùng và dễ gây tử vong.
Ở giai đoạn này, xoắn khuẩn giang mai gây ra các tổn thương nghiêm trọng cho các cơ quan trong cơ thể như não, thần kinh, mắt, tim, mạch máu, xương khớp, vân vân. Các triệu chứng diễn ra tuỳ thuộc vào cơ quan bị ảnh hưởng.
Giai đoạn 3 khá hiếm gặp, chỉ xảy ra khi bệnh nhân không được điều trị bệnh
Cần lưu ý rằng, ở bất kỳ giai đoạn lây nhiễm nào, giang mai đều có thể xâm nhập và gây ra các hậu quả nghiêm trọng cho các cơ quan điển hình như:
- Thần kinh (giang mai thần kinh) gây nhức đầu dữ dội, khó khăn trong việc cử động cơ bắp, yếu hoặc liệt cơ, ảnh hưởng tinh thần.
- Hệ thống thị giác (giang mai mắt) với các dấu hiệu như đau hoặc đỏ mắt, có các đốm nổi trong tầm nhìn, nhạy cảm ánh sáng.
- Hệ thống thính giác hoặc tiền đình gây mất thính lực, ù tai, khó cân bằng, chóng mặt, hoa mắt.
Khi nào nên đến khám bác sĩ?
Việc điều trị giang mai là vô cùng cần thiết và cấp bách. Hãy liên hệ ngay các cơ sở khám chữa bệnh, hoặc báo cho chuyên gia y tế nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Chuẩn bị mang thai, hoặc đang mang thai.
- Có quan hệ tình dục với người đã mắc giang mai.
- Nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.
- Đang sống chung với người nhiễm HIV và có quan hệ tình dục.
- Khi mắc phải một trong các triệu chứng nêu trên hoặc xuất hiện các nốt sần, các vết loét không rõ nguyên nhân hoặc có bất kỳ sự thay đổi nào bất thường liên quan đến các cơ quan trong cơ thể.
Xem thêm: Xét nghiệm giang mai là gì? Cách đọc kết quả xét nghiệm
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp câu hỏi liệu giang mai có ngứa không. Giang mai là một bệnh lây qua đường tình dục phổ biến hiện nay. Tuy nhiên các triệu chứng lại không rõ ràng và rất khó để phát hiện. Vì vậy, hãy chủ động tìm hiểu các thông tin về bệnh để bảo vệ chính bản thân và những người xung quanh nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Syphilis – CDC Detailed Fact Sheethttps://www.cdc.gov/std/syphilis/stdfact-syphilis-detailed.htm
Ngày tham khảo: 25/03/2023