Giang mai giai đoạn 3: dấu hiệu và cách điều trị
Nội dung bài viết
Giang mai là một bệnh lây truyền tình dục phổ biến trong cộng đồng và có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh này có thể tiến triển đến giai đoạn 3, gây ra những hậu quả nghiêm trọng và khó điều trị hơn. Trong bài viết sau đây, mời bạn cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu thông tin về giang mai giai đoạn 3 và những ảnh hưởng của nó đến người bệnh nhé!
Giang mai giai đoạn 3 là gì?
Giang mai giai đoạn 3 chính là giai đoạn cuối của bệnh. Một số người mắc bệnh giang mai may mắn không phát triển thành giai đoạn ba. Khoảng 14 – 40% người mắc giang mai bước vào giai đoạn này.1
Khi bùng phát, nó có thể gây ra tác động nghiêm trọng đến nhiều hệ thống cơ quan trong cơ thể, bao gồm tim và mạch máu, não và hệ thần kinh.
Giai đoạn ba của bệnh giang mai là tình trạng rất nghiêm trọng và thường xảy ra trong khoảng 10 – 30 năm sau khi bị nhiễm trùng. Những tổn thương do bệnh giang mai gây ra trên các cơ quan nội tạng có thể gây tử vong. Việc chẩn đoán bệnh giang mai giai đoạn ba có thể được xác định thông qua nhiều xét nghiệm và bác sĩ chuyên khoa.
Giang mai giai đoạn 3 là kết quả của việc không điều trị giang mai giai đoạn nguyên phát hoặc giang mai thứ phát đầy đủ và kịp thời. Nguyên nhân chính gây bệnh là vi khuẩn Treponema pallidum lây lan chủ yếu qua đường tình dục. Khi có một trong những hành động như: quan hệ tình dục không an toàn, hoặc tiếp xúc với máu hoặc dịch cơ thể của người mắc bệnh giang mai.
Khi không điều trị, vi khuẩn sẽ lan rộng trong cơ thể và gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho cơ quan nội tạng.2
Biểu hiện của bệnh giang mai giai đoạn 3
1. Gôm giang mai3
Tại giai đoạn đầu, gôm giang mai có cấu trúc khối tròn cứng, tạo thành ranh giới rõ ràng với vùng da xung quanh. Dần dần, gôm sẽ mềm đi từ bề mặt da đến sâu bên trong, dẫn đến đỏ tấy và không di động.
Sau khi gôm hoàn toàn mềm, nó sẽ tiết ra dịch mủ như kẹo cao su và loét ra, tạo ra một vùng nông tròn, dày và đẫm máu. Khi mủ khô, gôm sẽ biến thành sẹo và kéo da xung quanh ở các vị trí thường gặp như mặt, da đầu, thân, mông, đùi, chân.
Ngoài ra, ở giai đoạn 3, gôm giang mai còn có thể xuất hiện trên niêm mạc môi, má trong, lưỡi, vòm họng và bộ phận sinh dục. Các hạch vùng xung quanh thường cứng, không đau và có mật độ cao.
2. Giang mai tim mạch
Nếu không được điều trị, khoảng 10% bệnh nhân mắc giang mai sẽ phát triển các tổn thương về tim mạch. Khi đó, có thể xác định rằng bệnh nhân đã mắc giang mai trong một thời gian dài, ít nhất là 10 năm và đôi khi lên đến 40 năm.4
Tổn thương giang mai tim mạch phổ biến nhất là viêm động mạch chủ. Triệu chứng lâm sàng thường không đặc hiệu ngoài các triệu chứng tim mạch thông thường.
Nếu bệnh chuyển sang giai đoạn nặng, bệnh nhân có triệu chứng suy tim trái do hở van động mạch chủ. Khám bệnh cho thấy có tiếng thổi tâm trương của hở van động mạch chủ ở vùng cạnh xương ức hai bên; huyết áp tâm thu cao và huyết áp tâm thu thấp được đo. Khi chụp X-quang cho thấy trung thất rộng do giãn vòm động mạch, siêu âm tim cho thấy rõ sự trào ngược qua các lá vào động mạch chủ trong trong thời kỳ tâm trương kèm theo phì đại thất trái.
Nếu tình trạng hở van tim không được cải thiện, lượng máu chảy ngược vào động mạch theo thời gian sẽ vượt quá sức căng của thành và làm giãn động mạch hơn nữa. Khi thành mạch càng yếu thì nguy cơ vỡ sẽ rất cao, tiên lượng tử vong gần như chắc chắn.
3. Giang mai thần kinh5
Hình thái giang mai thần kinh xảy ra khi xoắn khuẩn giang mai xâm nhập sâu vào tủy sống, vào nhu mô não, gây viêm màng não – tủy, viêm tủy và viêm não. Tuy nhiên, dạng này thường xuất hiện rất muộn.
Trong giang mai thần kinh, bệnh nhân có các biểu hiện tổn thương hệ thần kinh trung ương như yếu cơ (đặc biệt ở chi dưới), mất cảm giác, teo cơ, giảm trương lực cơ; rối loạn chức năng tiểu tiện, tình dục khi tủy sống bị tổn thương.
Đôi khi giang mai thần kinh ở giang mai giai đoạn 3 còn khiến người bệnh có các triệu chứng rối loạn tâm thần. Dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thần kinh khác nếu không tìm ra nguyên nhân.
Chẩn đoán giang mai giai đoạn 3 như thế nào?
Chẩn đoán giang mai giai đoạn 3 dựa trên các tổn thương như gôm giang mai. Nếu bệnh tích ở các cơ quan nào thì phải chẩn đoán phân biệt với bệnh của riêng cơ quan đó.
Tuy nhiên, trên thực tế, giang mai giai đoạn 3 nói riêng hay giang mai nói chung chỉ được chẩn đoán khi nghĩ đến và chỉ định xét nghiệm huyết thanh học cho kết quả dương tính.
Giang mai giai đoạn 3 có chữa được không?
Bệnh giang mai có thể dễ dàng chữa khỏi bằng kháng sinh phù hợp trong những giai đoạn sớm. Nếu điều trị muộn, kháng sinh có thể chữa khỏi nhiễm trùng và ngăn chặn tổn thương trong tương lai cho cơ thể người bệnh nhưng những tổn thương mà bệnh giang mai ở giai đoạn 3 đã gây ra không thể thay đổi hoặc chữa lành.2
Điều trị giang mai giai đoạn 3 như thế nào?
Về điều trị, so với các giai đoạn giang mai khác, giang mai giai đoạn 3 vẫn sử dụng kháng sinh nhóm Penicillin là chủ yếu. Hầu hết các xét nghiệm nuôi cấy trong phòng thí nghiệm cho thấy xoắn khuẩn giang mai rất nhạy cảm với Penicillin. Theo đó, không có chủng T. pallidum nào được ghi nhận là kháng thuốc này. Do đó, nên sử dụng Penicillin để điều trị bệnh giang mai ở bất kỳ giai đoạn nào.
Ngoài ra, người đang điều trị giang mai nên kiêng quan hệ tình dục với bạn tình cho đến khi hoàn thành phác đồ điều trị bằng kháng sinh và vết loét giang mai lành hẳn.
Hơn nữa, người mắc bệnh giang mai phải thông báo cho bạn tình biết để họ cũng được xét nghiệm và điều trị đồng thời, nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong việc tiêu diệt xoắn khuẩn và ngăn ngừa tái nhiễm về sau.
Tóm lại, giang mai giai đoạn 3 là giai đoạn cuối của quá trình tiến triển sinh lý bệnh sau khi nhiễm xoắn khuẩn. Lúc này, hầu hết bệnh nhân đã bị tổn thương nội tạng và khó hồi phục hoàn toàn dù được điều trị khỏi nhiễm trùng. Vì vậy, điều quan trọng nhất là phải phát hiện sớm, chủ động can thiệp tích cực ngay từ đầu. Nhằm ngăn chặn sự tiến triển của bệnh, bảo vệ sức khỏe lâu dài cho bản thân cũng như những người xung quanh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Syphilishttps://www.bmj.com/content/365/bmj.l4159
Ngày tham khảo: 21/03/2023
-
Syphilis – CDC Detailed Fact Sheethttps://www.cdc.gov/std/syphilis/stdfact-syphilis-detailed.htm
Ngày tham khảo: 21/03/2023
-
Gummatous penile syphilishttps://linkinghub.elsevier.com/retrieve/pii/S2214250919301325
Ngày tham khảo: 21/03/2023
-
Rawstron SA, Hawkes SJ. Treponema pallidum (Syphilis). In Long SS, Pickering LK, Prober CG, editors. Principles and practice of pediatric infectious diseases. 4th ed. Elsevier Saunders; 2012:943.https://books.google.com.vn/books?id=nQ7-o8JAH7kC&pg=PA943&lpg=PA943#v=onepage&q&f=false
Ngày tham khảo: 21/03/2023
-
Neurosyphilishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK540979/
Ngày tham khảo: 21/03/2023