Hậu quả của bệnh trầm cảm với cơ thể con người
Nội dung bài viết
Hậu quả của bệnh trầm cảm là khá nghiêm trọng, nhất là khi bệnh kéo dài và không được điều trị đúng cách. Những tác động của căn bệnh này không chỉ dừng lại ở tinh thần mà còn kéo sang cả sức khỏe thể chất. Để hiểu rõ hơn các nguy cơ mà nó mang lại, chúng ta hãy cùng theo dõi ngay bài viết dưới đây của Chuyên gia Tâm lý Nguyễn Thị Hương nhé!
Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là chứng rối loạn tâm trạng gây buồn, thấp thỏm và tuyệt vọng thời gian dài. Nó ảnh hưởng đến cảm giác, suy nghĩ và hành vi hằng ngày của người bệnh như ngủ, ăn uống, học tập, làm việc,… Bất kỳ ai cũng có thể bị trầm cảm, bất kể tuổi tác, thu nhập, văn hóa,…1
Người mắc trầm cảm có thể được điều trị bằng thuốc, bằng liệu pháp tâm lý hoặc kết hợp cả hai. Ngoài điều trị chuyên nghiệp, người bệnh cũng có thể thực hiện một số cách hỗ trợ và giúp ích cho việc chữa trầm cảm tại nhà.2
Nếu không điều trị kịp thời, chứng trầm cảm có thể trở nên tồi tệ. Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể thấy khó khăn khi thực hiện các hoạt động hằng ngày, có hành vi làm tổn thương bản thân, thậm chí là tự tử.3
Bên cạnh đó, ngoài sức khỏe tinh thần, bệnh trầm cảm còn ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe thể chất của người bệnh.
Các ảnh hưởng của bệnh trầm cảm đến sức khỏe thể chất
Hậu quả với hệ thần kinh trung ương
Khi mắc bệnh trầm cảm, hệ thần kinh trung ương cũng sẽ bị tác động tiêu cực. Người bệnh sẽ gặp một số tình trạng như hay quên, khó tập trung và khó đưa ra quyết định. Ngoài ra, người bệnh còn bị ám ảnh bởi ý nghĩ về cái chết và có thể làm hại đến bản thân. Trong một vài trường hợp khác, người bệnh có thể chuyển sang uống rượu hoặc sử dụng ma túy. Lúc này, hậu quả của bệnh trầm cảm là khiến họ bị nghiện hoặc tăng các hành vi liều lĩnh, lạm dụng.4
Người mắc trầm cảm còn phải đối mặt với việc khó ngủ hoặc mất ngủ. Việc thiếu ngủ sẽ dẫn đến một số vấn đề sức khỏe khác.5 Một nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa việc thiếu ngủ lâu dài và bệnh huyết áp cao, tiểu đường, các vấn đề liên quan đến cân nặng và một số loại ung thư.6
Nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa
Hậu quả của bệnh trầm cảm còn biểu hiện rõ rệt ở sức khỏe thể chất, mà điển hình là hệ tiêu hóa. Người bị trầm cảm có thể phải đối mặt với một số căn bệnh như đau dạ dày, táo bón, tiêu chảy, triệu chứng buồn nôn, nôn.5
Các ảnh hưởng về đường tiêu hóa có thể sẽ không hết nếu chỉ dừng lại ở việc uống thuốc. Người bệnh cần tích cực thay đổi lối sống và xây dựng thói quen lành mạnh. Đặc biệt là thói quen trong ăn uống và chế độ dinh dưỡng mới có thể khỏe mạnh hoàn toàn.4
Hậu quả của bệnh trầm cảm với hệ tim mạch4
Bệnh trầm cảm và trạng thái căng thẳng có sự liên quan mật thiết với nhau. Trong khi đó, các hormone căng thẳng khiến cho nhịp tim tăng lên và mạch máu co lại. Cơ thể lúc này luôn ở trong tình trạng khẩn cấp. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ mắc bệnh tim mạch là rất cao.
Ngoài ra, trầm cảm cũng làm tăng nguy cơ mắc hoặc tái phát một số căn bệnh. Trong đó tiểu đường, huyết áp cao, cholesterol cao là những bệnh thường thấy.
Sự mệt mỏi kéo dài
Mệt mỏi kéo dài, thiếu năng lượng cũng là một trong những hậu quả của bệnh trầm cảm dễ nhận thấy. Người bệnh thường xuyên cảm thấy bị kiệt sức và không được nghỉ ngơi dù họ có ngủ cả ngày. Cảm giác mệt mỏi này khiến người bệnh không thể thực hiện được các công việc thông thường.7
Việc điều trị chứng mệt mỏi này của người bệnh trầm cảm là rất khó khăn. Thậm chí, ngay cả khi các triệu chứng của bệnh thuyên giảm, sự mệt mỏi vẫn sẽ đeo bám. Một nghiên cứu đã ghi nhận rằng, hơn 90% bệnh nhân trầm cảm nặng cho biết họ gặp tình trạng mệt mỏi nghiêm trọng, dù hơn 80% bệnh nhân này đã sử dụng thuốc chống trầm cảm.8Do vậy, nếu được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm, chúng ta cần có một kế hoạch điều trị kỹ lưỡng cho trạng thái mệt mỏi này.
Rối loạn ăn uống7
Bệnh trầm cảm có thể dẫn đến rối loạn ăn uống. Một người có thể cảm thấy thèm ăn nhiều hơn hoặc chán ăn tùy theo tâm trạng. Họ cũng có thể ăn uống dựa theo cảm xúc và không có bất kỳ quy luật nào. Điều này về lâu dài có thể dẫn đến những tình trạng sức khỏe tồi tệ hơn như suy dinh dưỡng hoặc béo phì.
Mối quan hệ giữa ăn uống và trầm cảm là mối quan hệ hai chiều. Trầm cảm có thể khiến một người chán ăn hoặc thèm ăn hơn. Ngược lại, việc ăn ít hoặc ăn quá nhiều khiến hình ảnh bản thân bị thay đổi cũng có thể dẫn đến trầm cảm.
Hậu quả của bệnh trầm cảm đối với hệ miễn dịch
Trầm cảm cũng có thể khiến hệ miễn dịch hoạt động kém hơn. Từ đó, chúng khiến một người dễ mắc bệnh hơn. Đồng thời, hệ miễn dịch suy yếu cũng khiến một người lâu bình phục hơn khi bị ốm. Người bị trầm cảm có thể dễ bị cảm hay sốt hơn. Ngoài ra, chúng cũng có thể khiến bạn dễ mắc phải các căn bệnh nghiêm trọng như viêm hoặc nhiễm trùng. Đã có nghiên cứu cho thấy giữa chứng viêm và trầm cảm có thể tồn tại mối quan hệ.9
Ngoài ra, mối liên hệ giữa hệ miễn dịch và trầm cảm vẫn đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng nó có thể là do sự căng thẳng.10
Tăng nguy cơ mắc các bệnh thể chất khác
Hậu quả của bệnh trầm cảm đối với hệ miễn dịch còn đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về thể chất khác. Những cái tên điển hình như đau tim, tiểu đường, bệnh thận, viêm khớp,…4 5
Sự liên quan giữa các bệnh này với trầm cảm là một con đường hai chiều. Bệnh trầm cảm có thể làm nặng hơn hoặc phát sinh những căn bệnh này trong cơ thể. Ngược lại, người bị mắc các căn bệnh này cũng có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn. Mối liên quan này có thể khiến việc điều trị cả hai căn bệnh trở nên khó khăn và phức tạp hơn so với thông thường.
Tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm7
Một ảnh hưởng tiêu cực nữa của trầm cảm mà ít người để ý là tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm. Các tác dụng phụ này thường chủ yếu là về mặt thể chất. Chúng cũng có thể nhẹ và thuyên giảm dần khi người bệnh thích nghi với thuốc. Một số dấu hiệu thường gặp khi mắc phải là khô miệng, chóng mặt, buồn nôn, khó ngủ,… Nếu các tác dụng phụ này trở nên nghiêm trọng, người bệnh có thể phải đổi sang phương pháp điều trị khác. Họ cũng có thể được chỉ định ngưng thuốc để đảm bảo sức khỏe.
Hậu quả của bệnh trầm cảm đối với cơ thể là rất lớn. Chúng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu bạn không được điều trị và bệnh kéo dài. Vì vậy, nếu có những dấu hiệu như đau buồn dai dẳng, mệt mỏi, mất hứng thú với các hoạt động thường ngày mà không rõ lý do, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ để được chẩn đoán và hỗ trợ. YouMed hy vọng bài viết đã giúp bạn đọc có thêm thông tin về hậu quả của bệnh trầm cảm nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Depressionhttps://www.nimh.nih.gov/health/publications/depression#pub7
Ngày tham khảo: 12/12/2022
-
Depression (major depressive disorder)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/depression/symptoms-causes/syc-20356007
Ngày tham khảo: 12/12/2022
-
Depressionhttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9290-depression
Ngày tham khảo: 12/12/2022
-
The Effects of Depression in Your Bodyhttps://www.healthline.com/health/depression/effects-on-body#Suicide-prevention
Ngày tham khảo: 12/12/2022
-
How does depression affect the body?https://www.medicalnewstoday.com/articles/322395
Ngày tham khảo: 12/12/2022
-
Short- and long-term health consequences of sleep disruptionhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5449130/
Ngày tham khảo: 12/12/2022
-
The Physical Effects of Depressionhttps://www.verywellmind.com/physical-effects-of-depression-1066890
Ngày tham khảo: 12/12/2022
-
The Fatigue Questionnaire: Standardization in patients with major depressionhttps://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0165178109000584?via%3Dihub
Ngày tham khảo: 12/12/2022
-
The Role of Inflammation in Depression and Fatiguehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6658985/
Ngày tham khảo: 12/12/2022
-
The concept of depression as a dysfunction of the immune systemhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3002174/
Ngày tham khảo: 12/12/2022