Hiểu về chức năng và các thành phần của máu
Nội dung bài viết
Trong cơ thể chúng ra luôn diễn ra những phản ứng chuyển hóa. Việc cung cấp các chất dinh dưỡng và thải các sản phẩn sau hoạt động chuyển hóa là cần thiết. Để tham gia đảm bảo được chức năng này, máu đóng một vai trò rất quan trọng.
Tổng quan về máu
Máu là một chất lỏng, lưu thông trong hệ tuần hoàn, đảm bảo mối liên hệ giữa các cơ quan, bộ phận trong cơ thể.
Máu chiểm khoảng 8% trọng lượng cơ thể của một người trưởng thành.
Nhiệt độ trung bình của máu là 38ºC. Máu có độ pH từ 7,35 – 7,45; mang tính hơi kiềm.
Máu có độ nhớt gấp 4,5 – 5,5 lần nước. Độ nhớt này rất quan trọng đối với chức năng của máu vì nếu máu chảy quá dễ dàng hoặc có quá nhiều sức cản, nó có thể làm căng tim và dẫn đến các vấn đề tim mạch nghiêm trọng.
Máu trong động mạch có màu đỏ tươi hơn máu trong tĩnh mạch nhờ lượng oxy cao hơn.
Hiện nay không có một chất nhân tạo nào có thể thay cho máu.1
Chức năng của máu
Máu có ba chức năng chính: vận chuyển, bảo vệ và điều hòa.2
Chức năng vận chuyển
Chất dinh dưỡng
Các thực phẩm sẽ được ly giải thành các chất dinh dưỡng như acid amin, glucose, acid béo, các chất điện giải, các vitamin và nước khi đi từ dạ dày đến ruột. Ruột hấp thu các chất dinh dưỡng này vào máu. Sau đó, máu vận chuyển đến mô, để mô tổng hợp các chất cần thiết cho hoạt động sống của tế bào nói riêng và cơ thể nói chung.
Chất đào thải
Khi các tế bào chuyển hóa xong, sẽ đào thải các chất như CO2. H+ và NH3 và gan đào thải ure. Các chất đào thải này đi vào máu, máu vận chuyển đến thận, phổi để bài tiết ra ngoài.
Oxy và Cacbon dioxide
Oxy từ không khí khi hít thở vào phổi sẽ khuếch tán vào máu, di chuyển đến tim. Sau đó tim co bóp để bơm máu giàu oxy qua động mạch đến toàn bộ cơ thể. Sau khi các mô trong cơ thể sử dụng O2 sẽ đào thải CO2. Lúc này CO2, theo đường máu tĩnh mạch trở về tim bơm lên phổi và thở ra ngoài.
Hormone
Các tuyến nội tiết nằm rải rác khắp cơ thể giải phóng hormone vào máu, đưa chúng đến các tế bào đích ở xa.
Chức năng bảo vệ
Trong máu có nhiều đại thực bào và các loại tế bào bạch cầu bảo vệ cơ thể khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài, như vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào máu qua vết thương. Các tế bào bạch cầu này cũng giúp tìm kiếm và tiêu diệt các mối đe dọa bên trong cơ thể, như các tế bào có DNA đột biến có thể nhân lên để trở thành ung thư hoặc các tế bào bị nhiễm vi rút.
Ngoài ra, khi có một yếu tố tác động từ bên ngoài như vật nhọn đâm vào cơ thể, làm cho các mạch máu nhỏ bị tổn thương dẫn đến chảy máu. Các tiểu cầu trong máu và một số protein hòa tan trong huyết tương sẽ tương tác để tạo ra các cục máu đông ở vết thương để chặn máu chảy ra ngoài, giúp bảo vệ cơ thể không bị mất máu nhiều hơn.
Chức năng điều hòa cân bằng nội môi trong cơ thể
Máu giúp giữ cân bằng nhiệt độ trong cơ thể. Điều này được thực hiện thông qua huyết tương, huyết tương có thể hấp thụ hoặc tỏa nhiệt, cũng như thông qua tốc độ máu chảy. Khi các mạch máu giãn nở, máu chảy chậm hơn và làm cho nhiệt dễ bị mất đi. Khi nhiệt độ môi trường thấp, các mạch máu có thể co lại làm chậm mất nhiệt ra bên ngoài.
Máu cũng giúp duy trì sự cân bằng hóa học của cơ thể. Protein và các hợp chất khác trong máu hoạt động như chất đệm, giúp điều chỉnh độ pH của các mô cơ thể. Giá trị pH của máu cũng được giữ ở mức lý tưởng từ 7,35 – 7,45. Nó giúp cho chúng ta biết dịch trong máu có tính axit hoặc kiềm như thế nào. Giá trị pH không đổi là rất quan trọng đối với các chức năng của cơ thể.
Thành phần của máu
Máu gồm hai thành phần: huyết tương chiếm khoảng 55% khối lượng của máu. Còn 45% là huyết cầu bao gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.2
Để tách ra được hai thành phần gồm huyết tương và huyết cầu, người ta sử dụng phương pháp quay ly tâm ống máu trong vài phút. Kết quả, ống máu sẽ có 2 dịch màu, màu vàng ở trên là huyết tương, và màu đỏ ở dưới là huyết cầu. 45% huyết cầu còn được gọi là phần trăm hematocrit.
Huyết tương
Huyết tương là một hỗn hợp dịch phức tạp, chứa nhiều thành phần, bao gồm muối khoáng và ác chất hữu cơ bao gồm các protein, carbonhydrate và lipid.2
Protein huyết tương
Protein chiếm khoảng 7-8% huyết tương, bao gồm albumin, globulin và fibrinogen.
Albumin
Là protein do gan tổng hợp, hòa tan trong nước. Albumin có vai trò chính là tạo áp suất keo trong lòng mạch máu.
Ơ những người có bệnh lý ảnh hưởng đến chức năng gan sẽ ảnh hưởng đến khả năng tổng hợp của albumin. Hậu quả thường làm giảm lượng albumin trong huyết tương, giảm áp suất keo trong lòng mạch máu và thoát nước ra khỏi lòng mạch với biểu hiện là cơ thể bị phù. Ngoài ra, albumin còn đóng vai trò như chất chuyên chở các chất khác trong huyết tương như cholesterol, các axit béo và một số muối khoáng, v.v.
Globulin
Được chia nhỏ thành 4 thành phần alpha 1, alpha 2, beta và gamma.
Fibrinogen: là một tiền chất hòa tan của một protein dính gọi là fibrin, tạo nên khuôn hình thành cục máu đông. Fibrin đóng một vai trò quan trọng trong quá trình đông máu của cơ thể.
Carbonhydrate
Đại bộ phận Carbonhydrate trong máu đều ở dạng glucose.
Glucose trong máu là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể. Ngoài ra nó còn tham gia vào thành phần cấu tạo của nhiều chất trong cơ thể.
Lipid huyết tương
Bình thường lượng lipid chứa trong huyết tương khoảng 5-8g/lít. Bao gồm: cholesterol, phospholipid, triglyceride và lipoprotein.
Huyết cầu
Các thành phần của huyết cầu bao gồm: Hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu.
Tế bào hồng cầu
Khác với nhiều loại tế bào khác, hồng cầu không có nhân. Mỗi tế bào hồng cầu chứa hemoglobin có vai trò vận chuyển oxy. Trong các mạch máu nhỏ ở phổi, các tế bào hồng cầu lấy oxy từ không khí khi hít vào và vận chuyển oxy đến tất cả các bộ phận của cơ thể.
Các tế bào cần oxy để trao đổi chất, sau đó tạo ra carbon dioxide như một chất thải. Các tế bào hồng cầu tiếp tục thu nhận carbon dioxide, vận chuyển nó trở lại phổi và thở ra ngoài.
Hồng cầu là những tế bào có dạng hình đĩa, hai mặt lõm. Chính hình thể này giúp hồng cầu tăng diện tích tiếp xúc lên 30%. Hồng cầu có thể thay đổi hình dáng nhờ cấu trúc của chúng. Chúng có thể kéo dài ra khi vận chuyển qua các mao mạch nhỏ.
Tế bào hồng cầu có vòng đời khoảng 120 ngày. Khi hồng cầu đã già, chúng sẽ bị phân hủy trong tủy xương, lá lách hoặc gan.
Tế bào bạch cầu
Bạch cầu là những tế bào có nhân, có thể chuyển động được và luôn thay đổi hình dạng.
Bạch cầu được chia thành bạch cầu hạt và bạch cầu đơn nhân. Bạch cầu hạt bao gồm bạch cầu trung tính, bạch cầu ưa kiềm và bạch cầu ưa acid. Trong khi đó bạch cầu đơn nhân bao gồm bạch cầu mono (đại thực bào) và tế bào lympho.
Tế bào bạch cầu đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch. Tại đây, các loại tế bào bạch cầu khác nhau sẽ có chức năng khác nhau: một số chống lại các tác nhân xâm nhập như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc nấm và làm cho chúng trở nên vô hại. Những tế bào khác tạo ra kháng thể, đặc biệt nhắm vào các vật thể lạ hoặc vi trùng như virus.
Các bạch cầu cũng đóng vai trò trong các phản ứng dị ứng. Ví dụ chúng đảm bảo rằng một người nào đó bị dị ứng với bụi nhà sẽ bị sổ mũi khi họ tiếp xúc với bụi.
Một số tế bào lympho cũng có thể tiêu diệt các tế bào ung thư được hình thành trong cơ thể.
Hầu hết các tế bào bạch cầu có tuổi thọ chỉ vài giờ đến vài ngày. Tuy nhiên, một số tế bào lympho có thể tồn tại trong cơ thể trong nhiều năm.
Tiểu cầu
Tiểu cầu là những tế bào nhỏ được sinh ra trong tủy xương đi vào máu.
Tiểu cầu có các chức năng sau:
- Tiết ra chất co mạch làm co mạch máu, gây co thắt mạch máu khi bị rách, vỡ.
- Tạo thành các chốt tiểu cầu tạm thời để cầm máu.
- Tiết ra chất tạo đông (yếu tố đông máu) để thúc đẩy quá trình đông máu.
- Làm tan cục máu đông khi không còn cần thiết.
- Tiêu hóa và tiêu diệt vi khuẩn.
- Tiết ra hóa chất thu hút bạch cầu trung tính và bạch cầu đơn nhân đến các vị trí viêm.
- Tiết ra các yếu tố tăng trưởng để duy trì lớp lót của mạch máu.
Nguồn gốc của tế bào máu
Ở người lớn, các thành phần của tế bào máu được sản xuất chủ yếu ở tủy xương và phát triển qua nhiều giai đoạn từ tế bào gốc và mẫu tiểu cầu2. Các tế bào bạch cầu như tế bào lympho không chỉ trưởng thành trong tủy xương mà còn trong các hạch bạch huyết. Khi các tế bào được hoàn thành trong tủy xương, chúng được giải phóng vào máu.
Trong cơ thể có một số chất điều chỉnh việc sản xuất các tế bào máu. Ví dụ hormone erythropoietin, được sản xuất trong thận, thúc đẩy sản xuất các tế bào hồng cầu; chất được gọi là cytokine kích thích sản xuất các tế bào bạch cầu.
Các rối loạn về máu
Rối loạn và các bệnh về máu có thể nguy hiểm vì có thể lây lan nhanh chóng trong mạch máu xung quanh cơ thể và làm suy giảm nhiều chức năng được hỗ trợ bởi máu.
Các rối loạn máu phổ biến nhất
Thiếu máu: Đây là tình trạng thiếu hụt hồng cầu hoặc hemoglobin trong máu. Kết quả là, các tế bào không vận chuyển oxy hiệu quả và các triệu chứng có thể bao gồm mệt mỏi và da nhợt nhạt.
Cục máu đông: Nó rất quan trọng đối với quá trình chữa lành vết thương. Tuy nhiên, một số vấn đề làm cục đông hình thành bên trong mạch máu và tạo ra tắc nghẽn. Cục máu đông cũng có thể bị vỡ nhỏ ra và di chuyển qua tim đến phổi, dẫn đến thuyên tắc động mạch phổi.
Ung thư máu: Bệnh bạch cầu, u tủy và ung thư hạch là những loại ung thư máu. Các tế bào máu bị đột biến phân chia không kiểm soát được và không chết đi khi hết vòng đời của tế bào.3
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Blood function and compositionhttps://healthengine.com.au/info/blood-function-composition#C1
Ngày tham khảo: 01/11/2020
-
Blood Basicshttps://www.hematology.org/education/patients/blood-basics
Ngày tham khảo: 01/11/2020
-
Blood: Components, functions, groups, and disordershttps://www.medicalnewstoday.com/articles/196001#disorders
Ngày tham khảo: 01/11/2020