Xét nghiệm điện di huyết sắc tố (hemoglobin) có ý nghĩa gì?
Nội dung bài viết
Huyết sắc tố (hemoglobin) là một loại protein chứa sắt có trong hồng cầu. Huyết sắc tố có nhiệm vụ gắn oxy khi máu qua phổi và vận chuyển oxy đến các mô trong cơ thể..Trong bài viết này sẽ đề cập đến vai trò của huyết sắc tố và xét nghiệm điện di huyết sắc tố. Ngoài ra sẽ đề cập đến các nguyên nhân gây ra thiếu máu và các cách để ngăn ngừa tình trạng này.
Huyết sắc tố (hemoglobin) là gì?
Hemoglobin là phân tử protein trong các tế bào hồng cầu mang oxy từ phổi đến các mô của cơ thể và trả lại carbon dioxide từ các mô trở lại phổi.
Hemoglobin được tạo thành từ bốn phân tử protein (chuỗi globulin) được kết nối với nhau. Phân tử hemoglobin ở người trưởng thành bình thường (viết tắt là Hgb hoặc Hb) chứa hai chuỗi alpha-globulin và hai chuỗi beta-globulin. Ở bào thai và trẻ sơ sinh, chuỗi beta không phổ biến và phân tử hemoglobin được tạo thành từ hai chuỗi alpha và hai chuỗi gamma. Khi trẻ lớn lên, các chuỗi gamma dần được thay thế bằng các chuỗi beta, tạo thành cấu trúc hemoglobin của người lớn.
Mỗi chuỗi globulin chứa một hợp chất porphyrin chứa sắt quan trọng được gọi là heme. Trong hợp chất heme là một nguyên tử sắt, rất quan trọng trong việc vận chuyển oxy và carbon dioxide trong máu của chúng ta. Sắt có trong hemoglobin cũng là nguyên nhân tạo ra màu đỏ của máu.
Hemoglobin cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì hình dạng của các tế bào hồng cầu. Ở hình dạng tự nhiên, các tế bào hồng cầu có hình tròn có tâm lõm ở giữa. Khi cấu trúc hemoglobin bất thường có thể phá vỡ hình dạng của các tế bào hồng cầu, cản trở chức năng và dòng chảy của chúng qua các mạch máu.
Xét nghiệm điện di huyết sắc tố là gì?
Xét nghiệm điện di huyết sắc tố bản chất là đo lượng hemoglobin trong máu.
Nếu điện di huyết sắc tố cho thấy mức độ hemoglobin của bạn thấp hơn bình thường. Điều đó có nghĩa là bạn có số lượng hồng cầu thấp (thiếu máu). Thiếu máu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm thiếu vitamin, chảy máu và các bệnh mãn tính khác.
Nếu xét nghiệm này cho thấy hemoglobin có mức cao hơn mức bình thường. Có thể có một số nguyên nhân tiềm ẩn như: Đa hồng cầu, sống ở độ cao, hút thuốc hoặc thiếu nước trong cơ thể.
Điện di huyết sắc tố sẽ kiểm tra như thế nào?
Nồng độ hemoglobin được đo bằng xét nghiệm máu. Hemoglobin, hoặc Hb, thường được biểu thị bằng gam trên mỗi decilit (g/dL) máu. Mức độ thấp của hemoglobin trong máu liên quan trực tiếp đến mức độ oxy thấp trong cơ thể.
Tại Việt Nam, thiếu máu được chẩn đoán khi Hb dưới 13g/dL ở nam giới hoặc dưới 12g/dL ở nữ giới. Ở trẻ em, mức độ bình thường thay đổi tùy theo độ tuổi.
Trường hợp nào cần điện di huyết sắc tố?
Bạn có thể cần làm xét nghiệm này vì một số lý do sau:
- Giúp kiểm tra sức khỏe tổng thể: Bác sĩ có thể kiểm tra huyết sắc tố của bạn qua tổng xét nghiệm công thức máu. Điều này được thực hiện trong quá trình khám sức khỏe định kỳ để theo dõi sức khỏe tổng quát của bạn và để tầm soát nhiều rối loạn tiềm ẩn, chẳng hạn như thiếu máu.
- Để chẩn đoán tình trạng bệnh: Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm hemoglobin nếu bạn cảm thấy yếu, mệt mỏi, khó thở hoặc chóng mặt. Những dấu hiệu và triệu chứng này có thể chỉ ra bệnh thiếu máu hoặc bệnh đa hồng cầu. Xét nghiệm hemoglobin có thể giúp chẩn đoán những bệnh này hoặc các tình trạng bệnh lý khác.
- Theo dõi tình trạng bệnh lý: Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh thiếu máu hoặc bệnh đa hồng cầu. Bác sĩ có thể làm xét nghiệm để theo dõi tình trạng của bạn và cân nhắc điều trị.
Những bất thường trên xét nghiệm điện di huyết sắc tố?
Mức huyết sắc tố (hemoglobin) cao
Nồng độ hemoglobin cao có thể là dấu hiệu của bệnh đa hồng cầu. Bệnh đa hồng cầu nguyên phát là một loại ung thư máu. Bệnh làm cho tủy xương tạo ra quá nhiều tế bào hồng cầu. Hậu quả làm cho máu nhớt và đặc hơn, làm chậm dòng cháu, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, thuyên tắc phổi.
Bệnh đa hồng cầu rất hiếm. Bệnh tiến triển âm thầm và có thể mắc phải nó trong nhiều năm mà không biết.hông thường bệnh đa hồng cầu thường được vô tình phát hiện khi xét nghiệm máu vì một lý do thăm khám khác. Nếu không điều trị, bệnh đa hồng cầu có thể đe dọa tính mạng. Tuy nhiên nếu như được theo dõi và chăm sóc thích hợp có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và biến chứng của bệnh.
Xem thêm: Bệnh đa hồng cầu nguyên phát: Biểu hiện, chẩn đoán và điều trị
Hemoglobin cao cũng có thể do cơ thể mất nước như trong trường hợp tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết, v.v… Hút thuốc hoặc sống ở các vùng trên cao có thể liên quan đến các bệnh phổi hoặc tim.
Mức huyết sắc tố (hemoglobin) thấp
Mức hemoglobin thấp thường cho thấy một người bị thiếu máu. Có một số loại thiếu máu sau đây:
Thiếu máu do thiếu sắt
Đây là loại phổ biến nhất. Dạng thiếu máu này xảy ra khi cơ thể không có đủ chất sắt. Vì thế không thể tạo ra hemoglobin cần thiết. Dạng này thường do mất máu rỉ rả kéo dài, thường gặp ở phụ nữ không thường xuyên bổ sung sắt khi hành kinh. Ngoài ra, thiếu máu thiếu sắt có thể do kém hấp thu sắt do phẫu thuật cắt bỏ dạ dày. Thiếu máu liên quan đến thai kỳ cũng là một loại thiếu máu do thiếu sắt. Điều này xảy ra do quá trình mang thai và sinh nở cần một lượng sắt đáng kể.
Xem thêm: Y học thường thức: Thiếu máu thiếu sắt
Thiếu máu do thiếu vitamin
Tình trạng thiếu máu do thiếu vitamin xảy ra khi có lượng chất dinh dưỡng thấp, chẳng hạn như vitamin B12 hoặc axit folic (còn gọi là folate ), trong chế độ ăn uống. Những chứng thiếu máu này làm thay đổi hình dạng của các tế bào hồng cầu, khiến hồng cầu hoạt động kém hiệu quả hơn.
Thiếu máu bất sản
Đây là một rối loạn mà các tế bào gốc tạo máu trong tủy xương bị tấn công bởi hệ thống miễn dịch. Hậu quả dẫn đến sản xuất ít hồng cầu hơn.
Thiếu máu tán huyết
Là hậu quả của một bệnh lý khác hoặc do di truyền. Tình trạng xảy ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ trong máu hoặc lá lách.
Xem thêm: Thiếu máu tán huyết và những điều cần chuẩn bị trước khi khám
Thiếu máu hồng cầu hình liềm
Đây là bệnh di truyền trong đó protein hemoglobin có cấu trúc bất thường. Hậu quả các tế bào hồng cầu có hình liềm và cứng, không thể đi qua được các mạch máu nhỏ.
Thiếu máu cũng có thể được gây ra bởi các điều kiện khác, chẳng hạn như bệnh thận và hóa trị cho bệnh ung thư.
Các triệu chứng của thiếu máu là gì?
Các triệu chứng điển hình của hemoglobin thấp (thiếu máu) bao gồm:
- Mệt mỏi.
- Dễ bị hụt hơi.
- Đau đầu, chóng mặt.
- Nhịp tim nhanh, không đều.
- Tay chân lạnh.
- Da niêm nhợt nhạt.
Có những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến nồng độ huyết sắc tố?
Những yếu tố có thể gây thiếu máu (huyết sắc tố thấp)?
Người lớn tuổi hoặc những người thiếu sắt do chế độ ăn uống có thể có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu.
Những người tập thể dục mạnh cũng có nguy cơ cao hơn. Vì gắng sức có thể dẫn đến phá vỡ các tế bào hồng cầu trong máu. Phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc đang mang thai cũng có thể có nhiều nguy cơ bị thiếu máu.
Những người có tình trạng sức khỏe mãn tính, bao gồm: các tình trạng tự miễn dịch, bệnh gan, bệnh tuyến giáp và bệnh viêm ruột, v.v. có thể có mức hemoglobin thấp hơn, làm tăng khả năng phát triển bệnh thiếu máu.
Những yếu tố có thể làm cho huyết sắc tố cao?
Nồng độ huyết sắc tố tăng lên trong những tình huống mà một người cần nhiều oxy hơn trong cơ thể. Do đó, những người bị bệnh phổi hoặc thận, hút thuốc hoặc bị mất nước, có thể có nguy cơ tăng nồng độ hemoglobin.
Phòng ngừa các bất thường nồng độ hemoglobin như thế nào?
Mặc dù không thể ngăn ngừa được hết tất cả các dạng thiếu máu. Tuy nhiên ăn thực phẩm giàu chất sắt, chẳng hạn như thịt bò, rau lá xanh đậm, trái cây sấy khô và các loại hạt có thể ngăn ngừa chứng thiếu máu do thiếu sắt hoặc do thiếu vitamin.
Thịt và sữa là những nguồn cung cấp vitamin B12 dồi dào. Ngoài ra, axit folic có trong nước ép cam quýt, các loại đậu và ngũ cốc tăng cường.
Các Hội Huyết học Hoa Kỳ khuyên bạn nên uống vitamin tổng hợp hàng ngày để giúp ngăn ngừa thiếu máu do dinh dưỡng. Tuy nhiên, người lớn tuổi không nên bổ sung sắt cho bệnh thiếu máu do thiếu sắt trừ khi được bác sĩ hướng dẫn.
Bên cạnh đó, ngừng hút thuốc và uống nhiều nước có thể giúp tránh nồng độ hemoglobin tăng cao.
Điều trị các bệnh lý liên quan đến bất thường nồng độ Hemoglobin?
Điều trị thiếu máu khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân của tình trạng. Những thay đổi hoặc bổ sung chế độ ăn uống có thể cải thiện ở người bị thiếu máu do thiếu sắt hoặc vitamin.
Nếu thiếu máu do một tình trạng khác gây ra, việc điều trị bệnh gốc rễ thường sẽ cải thiện nồng độ Hemoglobin máu.
Thuốc và truyền máu là một trong những lựa chọn điều trị cho bệnh thiếu máu bất sản.
Đa hồng cầu là một tình trạng bệnh kéo dài suốt đời không có cách chữa trị. Tuy nhiên bệnh vẫn có thể được kiểm soát bằng thuốc.
Bệnh hồng cầu hình liềm là một tình trạng giới hạn sự sống. Cách chữa trị duy nhất hiện có là cấy ghép tế bào gốc tạo máu. Tuy nhiên, có nhiều phương pháp điều trị giúp giảm các triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống hơn.
Huyết sắc tố (hemoglobin) thể hiện số lượng hồng cầu bên trong cơ thể. Nếu bạn nghi ngờ có tình trạng thiếu máu như: da xanh, tái nhợt, dễ chóng mặt khi đột ngột đổi tư thế, mệt mỏi. Hãy thử bổ sung các chất giàu chất sắt hoặc uống viên sắt. Nếu tình trạng không cải thiện, bạn nên được tư vấn bởi bác sỹ để tìm nguyên nhân.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Hemoglobin testhttps://www.mayoclinic.org/tests-procedures/hemoglobin-test/about/pac-20385075
Ngày tham khảo: 13/10/2020
-
What's to know about hemoglobin levels?https://www.medicalnewstoday.com/articles/318050
Ngày tham khảo: 13/10/2020