Hoàng liên gai: Vị thuốc cho hệ tiêu hóa
Nội dung bài viết
Từ xa xưa, Hoàng liên gai đã được người dân vùng núi cao Sapa sử dụng trong điều trị các vấn đề thuộc bệnh lý tiêu hóa. Không chỉ ở Việt Nam, Hoàng liên gai còn được sử dụng rộng rãi ở Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước Nam Á khác. Hãy cùng Thạc sĩ Bác sĩ Dư Thị Cẩm Quỳnh khám phá những tác dụng của Hoàng liên gai ngay!
Mô tả dược liệu
Tên gọi, danh pháp quốc tế
- Còn gọi là hoàng mù, hoàng mộc.
- Tên khoa học Berberis wallichiana DC.
- Thuộc họ Hoàng liên gai Berberidaceae.
Đặc điểm thực vật
- Cây bụi, cao 2 – 3 m có những cành vươn dài, vỏ thân màu vàng xám nhạt, mỗi đốt, dưới chùm lá có gai ba nhánh, dài 1 – 1.5cm. Lá mọc thành chùm 3 – 4 lá, có khi tới 8 lá cùng một đốt. Cuống lá ngắn 0.5 – 1 cm, phiến lá nguyên, lá hình mác, mép có răng cưa to, cứng, dài 16 – 17 cm, rộng 4 – 6 cm, mặt trên màu xanh nhạt, mặt dưới màu trắng.
- Hoa màu vàng, mọc thành chùm. Quả mọng hình trái xoan, dài khoảng 1 cm mọc trên một cuống dài 30 – 35mm, khi hạt chin có màu tím đen trong chứa 3 – 4 hạt đen dài 5 – 6 mm, rộng 2 – 3 mm.
- Mùa quả ở Sapa: tháng 5 – 6
Phân bố, thu hái, chế biến
- Hoàng liên gai thường phân bố nhiều ở Trung Quốc.
- Tại Việt Nam, cây hoàng liên gai mọc hoang ở Sapa (quanh thị trấn) và trên những vùng núi cao tỉnh Lào Cai như Ô Quý Hồ, núi Hàm Rồng, xã Trung Lèng Hồ, Bát Xát. Theo tài liệu cũ, nhân dân Sapa gọi cây này là hoàng mù (có lẽ do chữ hoàng mộc là gỗ màu vàng). Tên hoàng liên gai để phân biệt với cây hoàng liên cũng mọc ở đây họ Mao lương.
- Ta có thể sử dụng thân cây và rễ cây. Thân và rễ cây đào về rửa sạch đất cát, cắt ngắn, thái mỏng hay phơi hay sấy khô mà dùng. Không phải chế biến gì khác. Có thể trồng cây này bằng hạt, cây mọc rất dễ dàng tại quanh thị trấn Sapa. Cần đặt vấn đề trồng để bảo đảm nguồn lợi lâu dài.
- Dược liệu sau khi được sơ chế cần bảo quản ở nơi cao ráo, thoáng mát, tránh ẩm.
Bộ phận sử dụng
Bộ phận sử dụng có thể là thân cây và rễ cây.
Thành phần hóa học
Trong thân và rễ cây của hoàng liên gai đều chứa becberin. Hàm lượng đạt tới 3 – 4 %.
Rễ dược liệu có chứa Berberin, Umbellantin, Oxyacanthin.
Tác dụng dược lý
Theo Y học cổ truyền
- Tính vị: Hoàng liên gai có vị đắng, tính hàn
- Quy kinh vào 3 kinh: tâm, tỳ, vị
- Hoàng liên gai được dùng làm thuốc chữa bệnh lỵ, đau mắt, ăn uống kém tiêu.
- Hoàng liên gai ngâm rượu uống chữa những triệu chứng của huyết áp cao như hoa mắt, nhức đầu, chóng mặt, đau ngang lưng. Rượu hoàng liên gai ngậm chữa đau răng.
Theo Y học hiện đại
Dược chất trong cây được dùng làm nguyên liệu chiết xuất berberin.
Tác dụng kháng khuẩn
Hoàng liên gai chữa bệnh lỵ trực trùng. Bệnh lỵ trực trùng là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính do vi khuẩn Shigella gây ra bệnh cảnh đau thốn vùng trực tràng, mót rặn, sốt, tiêu chảy cấp kèm phân có nhày máu.
Ngoài ra còn có khả năng kháng một số chủng vi khuẩn khác như: hai vi khuẩn Gram âm là Pseudomonas aeruginosa và Escherichia coli (cả kháng và nhạy cảm), hai vi khuẩn Gram dương là Bacillus subtilis và Staphylococcus aureus.
Tác dụng trong các bệnh liên quan hội chứng chuyển hóa
Hội chứng chuyển hoá là tên một nhóm bệnh xảy ra đồng thời và có khả năng dẫn đến bệnh động mạch vành, đôt quỵ, đái tháo đường type 2. Các nhóm bệnh liên quan đến hội chứng này đó là tăng huyết áp, tăng đường huyết, mỡ bụng dư thừa và lượng cholesterol trong máu cao bất thường.
Tác dụng hạ lipid và cải thiện tình trạng kháng insulin là những đặc tính được nghiên cứu nhiều nhất của Hoàng liên gai trong nhiều thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên. Ngoài ra còn có các thử nghiệm lâm sàng về tim mạch, chống ung thư, tiêu hóa, thần kinh trung ương, nội tiết, v.v. Hoàng liên gai có độc tính rất thấp ở liều thông thường, cho thấy lợi ích lâm sàng và không có tác dụng phụ lớn.
Tác dụng chống stress oxy hóa trong thoái hóa thần kinh
Việc gia tăng phản ứng oxy hóa trong các mô thần kinh được coi là một trong những yếu tố nguy cơ chính của các bệnh thoái hóa thần kinh. Tiềm năng điều trị của dược liệu nói riêng và chi Hoàng liên nói chung trong các bệnh thoái hóa thần kinh khác nhau như Alzheimer, Parkinson và bệnh Huntington đã được chứng minh bởi nhiều nghiên cứu.
Tác dụng chống khối u
Dược liệu này có tác dụng chống khối u ở nhiều loại khối u trong ống nghiệm, đặc biệt là đối với ung thư vú và ung thư phổi. Tuy nhiên, bằng chứng vẫn chưa đủ trong ung thư đại trực tràng và ung thư dạ dày. Một trong những cơ chế chống khối u của dược liệu là chống tạo mạch.
Liều dùng, cách dùng
- Dùng dưới dạng thuốc sắc, mỗi ngày 4 – 6 gram.
- Có thể tán bột mà uống.
- Chữa bệnh lỵ: Hoàng liên gai 4 gram, nước 150ml, sắc uống trong ngày. Có thể thêm ít đường cho dễ uống.
- Chữa đau răng: Hoàng liên gai 10 gram, rượu trắng 100ml. Ngâm trong 7 – 10 ngày. Sau đó, dùng chấm vào nơi đau răng.
Kiêng kị
Người bị tiêu chảy mạn tính do tỳ hư, tiêu chảy sau ăn đồ sống lạnh không được dùng .
Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm dùng cây Hoàng liên gai. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học.
-
Bệnh lỵ trực trùnghttps://vncdc.gov.vn/benh-ly-truc-trung-nd14507.html#:~:text=%C4%90%E1%BA%B7c%20%C4%91i%E1%BB%83m%20c%E1%BB%A7a%20b%E1%BB%87nh%3A%20B%E1%BB%87nh,c%C3%B3%20di%E1%BB%85n%20ti%E1%BA%BFn%20m%E1%BA%A1n%20t%C3%ADnh).
Ngày tham khảo: 20/10/2020
- Cernáková M, Kostálová D. Antimicrobial activity of berberine--a constituent of Mahonia aquifolium. Folia Microbiol (Praha). 2002;47(4):375-8. doi: 10.1007/BF02818693. PMID: 12422513.
- Imenshahidi M, Hosseinzadeh H. Berberine and barberry (Berberis vulgaris): A clinical review. Phytother Res. 2019 Mar;33(3):504-523. doi: 10.1002/ptr.6252. Epub 2019 Jan 13. PMID: 30637820.