Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh và trẻ em: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị
Nội dung bài viết
Suy hô hấp là một tình trạng cấp cứu ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Do đó, bệnh lý này đang được nhiều phụ huynh quan tâm. Vậy suy hô hấp sơ sinh và trẻ em là gì? Biểu hiện như thế nào? Cách điều trị và phòng ngừa ra sao? Mời độc giả cùng theo dõi bài viết dưới đây của Bác sĩ Nguyễn Ngọc Mai để hiểu rõ các thông tin trên!
Tổng quan về suy hô hấp sơ sinh và suy hô hấp ở trẻ em
Suy hô hấp là tình trạng khó thở một cách nghiêm trọng. Khi đó, hệ hô hấp của trẻ hoạt động gắng sức nhằm đảm bảo quá trình trao đổi khí đầy đủ, đáp ứng nhu cầu chuyển hoá của cơ thể. Suy hô hấp sơ sinh cho thấy sự mất cân bằng trao đổi khí nguyên phát với môi trường bên ngoài ở những ở trẻ vài giờ đầu sau sinh. Suy hô hấp ở trẻ em và sơ sinh thường xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau và biểu hiện bệnh khác nhau.
Biểu hiện suy hô hấp ở trẻ sơ sinh và trẻ em
Ở trẻ sơ sinh và trẻ em, triệu chứng suy hô hấp là khác nhau.
Trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh thường sẽ có dấu hiệu suy hô hấp ngay sau khi sinh. Tuy nhiên, đôi khi các triệu chứng có thể xuất hiện trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi sinh, bao gồm:1
- Da xanh tím.
- Tím quanh môi.
- Co lõm ngực.
- Phập phồng cánh mũi.
- Thở nhanh.
Trẻ em
Những dấu hiệu giúp nhận biết trẻ em bị suy hô hấp bao gồm:
- Tím đầu chi, tím toàn thân.
- Cánh mũi thở phập phồng, thở nhanh nông.
- Co kéo cơ hô hấp phụ, thở rít.
Phân độ suy hô hấp ở trẻ em và trẻ sơ sinh
Hội chứng suy hô hấp ở trẻ em có thể chia thành 3 độ như sau:
Lâm sàng | Độ 1 | Độ 2 | Độ 3 |
Hô hấp |
Nhịp thở tăng < 30%. Không co kéo. |
Nhịp thở tăng 30-50%. Co kéo cơ hô hấp phụ. |
Nhịp thở tăng > 50%. Thở chậm, không đều, ngưng thở. |
Tim mạch |
Nhịp tim nhanh. Huyết áp tăng. |
Nhịp tim nhanh. Huyết áp tăng. |
Nhịp tim nhanh hay chậm. Huyết áp tăng hay giảm. |
Tri giác | Tỉnh | Kích thích, li bì | Lơ mơ, hôn mê |
Đáp ứng với oxy | Trẻ không tím với khí trời | Không tím khi đã cung cấp O2 | Tím ngay cả khi đã cung cấp O2 |
PaO2 (FiO2=21%) | 60-80 | 40-60 | <40 |
Đánh giá | Còn bù | Còn bù | Mất bù |
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng suy hô hấp sơ sinh và suy hô hấp trẻ em
Hiện nay, suy hô hấp đang được nhiều phụ huynh quan tâm. Vậy, bệnh lý này do nguyên nhân nào gây ra?
Suy hô hấp sơ sinh1
Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm:
- Suy hô hấp xảy ra ở sơ sinh thường xuất phát từ nguyên nhân trẻ sinh non. Một thai kỳ đủ tháng là khi thai kỳ đủ 40 tuần. Ở tuần thai này, các cơ quan thường phát triển một cách đầy đủ. Vì thế, nếu trẻ sinh ra sớm hơn, phổi chưa phát triển toàn diện và chưa thể hoạt động bình thường. Do đó chúng gây nên hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh hay còn gọi là bệnh màng trong. Trẻ sinh non có nguy cơ suy hô hấp nặng.
- Ngoài ra, hội chứng này còn bắt nguồn từ việc thiết hụt chất hoạt động bề mặt ở phổi – surfactant. Surfactant duy trì sức căng bề mặt của đường dẫn khí và phế nang, giúp phổi giãn nở. Nếu không đủ surfactant, việc lưu thông khí ở phổi gặp nhiều khó khăn, dẫn đến suy hô hấp.
- Một số ít trường hợp suy hô hấp sơ sinh là do di truyền. Các đột biến gen lặn SP-B hiếm gặp gây suy hô hấp tiến triển ở trẻ em.
Suy hô hấp trẻ em
Trẻ nhỏ có thể nguy cơ dễ bị suy hô hấp hơn so với người lớn do hệ hô hấp của trẻ chưa phát triển một cách toàn diện. Cấu tạo của thành ngực chưa hoàn thiện, xương sườn vẫn còn sụn và chưa hoá xương hoàn toàn.
Đồng thời, trẻ dễ bị nhiễm trùng gây bệnh hô hấp như cúm có thể gây nhiễm trùng hô hấp và nhiễm trùng huyết ở trẻ. Nguyên nhân khác có thể gây thiếu oxy ở trẻ là bệnh hen suyễn và tăng đáp ứng đường thở.
Biến chứng suy hô hấp ở trẻ em và trẻ sơ sinh
Những biến chứng thường xảy ra sau khi bị suy hô hấp ở 2 đối tượng trên bao gồm:1
- Tràn dịch ở tim và phổi.
- Thiểu năng trí tuệ.
- Mù lòa.
- Tăng nguy cơ hình thành huyết khối.
- Xuất huyết ở não hoặc phổi.
- Loạn sản phế quản phổi (rối loạn hô hấp).
- Xẹp phổi (tràn khí màng phổi).
- Nhiễm trùng máu.
- Suy thận.
Chẩn đoán suy hô hấp sơ sinh và trẻ em
Suy hô hấp ở trẻ em và sơ sinh cần được đánh giá một cách tổng thể. Các yếu tố cần được lưu ý bao gồm: tiền sử trước khi sinh, giai đoạn sinh để đánh giá yếu tố chu sinh, biểu hiện cận lâm sàng và lâm sàng.
Chẩn đoán lâm sàng
Chẩn đoán lâm sàng dựa trên dấu hiệu thở. Tần số thở của trẻ thay đổi theo độ tuổi. Thở nhanh khi:
- Đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi: > 60 lần/ phút.
- Đối với trẻ từ 2 tháng tuổi đến 6 tháng tuổi: > 50 lần/ phút.
- Đối với trẻ > 6 tháng tuổi: > 40 lần/ phút.
Ngoài ra, chẩn đoán lâm sàng còn đánh giá các yếu tố sau:
- Sự co kéo của cơ hô hấp như cơ liên sườn, cơ ức đòn chũm, cơ thang, cơ liên sườn cho thấy tình trạng thở gắng sức khi có suy hô hấp cấp ở trẻ. Đặc biệt, dấu hiệu co lõm ngực đặc biệt có giá trị với trẻ dưới 2 tháng tuổi.
- Bên cạnh đó, trẻ có tiếng thở rít hoặc thở khò khè có thể là dấu hiệu trẻ đang có vấn đề tại đường hô hấp.
- Tri giác: lơ mơ, buồn ngủ, bồn chồn, kích thích.
- Da xanh tím.
- Huyết áp tụt, kẹt. Nhịp tim nhanh.
- Vô niệu, thiểu niệu.
Bên cạnh đó, tùy thuộc vào nguyên nhân, các đặc điểm lâm sàng có thể bao gồm sốt, đau ngực, đau màng phổi, nôn mửa và đau bụng.2
Chẩn đoán cận lâm sàng
Khí máu động mạch: suy hô hấp sẽ có biểu hiện giảm oxy máu:3
- PaO2 < 50-60 mmHg.
- SaO2 < 90%.
- Tỷ lệ PaO2/FiO2 < 300.
- PaO2 < 60 mmHg với FiO2 > 40.
Ngoài ra, suy hô hấp còn kèm với tăng CO2 máu:3
- pCO2 > 55
- pCO2 > 50 với nhiễm toan (pH < 7,25)
X – quang ngực: Hình ảnh X – quang ngực cho thấy xẹp phổi lan tỏa, hình hạt thuỷ tinh lan toả ở cây khí phế quản.
Ngoài ra, những xét nghiệm sinh hóa máu, công thức máu, xét nghiệm vi sinh có thể bất thường tuỳ theo nguyên nhân gây bệnh.
Cách điều trị và chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ em bị suy hô hấp
Cách điều trị
Bước đầu tiên là đảm bảo sự thông thoáng của đường thở. Ngoài ra, nên đặt trẻ ở tư thế thoải mái với đầu ở tư thế hít trung bình. Để cổ hạ thấp quá mức có thể làm tắc nghẽn đường hô hấp trên và suy hập sẽ trở nặng hơn. Vì thế nên tránh để cổ hạ thấp, đặt ở tư thế thẳng đứng ngồi trong lòng cha mẹ.
Bước tiếp theo cần cung cấp oxy cho trẻ bằng cannula mũi hoặc ống thông mũi cho đến mask. Việc cung cấp oxy bổ sung được chỉ định ở tất cả bệnh nhi có nguy cơ suy hô hấp, ngay cả khi không có tình trạng thiếu oxy rõ ràng.
Cách chăm sóc
Song song với việc điều trị, cần có phương pháp chăm sóc trẻ một cách đúng cách. Cần chú ý đảm bảo đủ nước, dịch truyền và chất điện giải, điều trị mất nước, kháng sinh thích hợp nếu có tình trạng nhiễm trùng và truyền máu nếu bệnh nhân thiếu máu nặng.
Cách phòng tránh hội chứng suy hô hấp ở trẻ em và trẻ sơ sinh
Phòng tránh suy hô hấp sơ sinh1
Ngăn ngừa sinh non có thể làm giảm nguy cơ hội chứng suy hô hấp ở sơ sinh. Để giảm nguy cơ sinh non, hãy:
- Chăm sóc thai phụ và thai nhi trước khi sinh thường xuyên.
- Phụ nữ mang thai tránh hút thuốc, sử dụng chất kích thích và rượu, bia.
- Ngoài ra, mẹ bầu cần khám thai định kỳ để dự đoán ngày dự sinh, tránh nguy cơ sinh non.
Nếu có khả năng sinh non, người mẹ có thể dùng corticosteroid. Phương pháp này thúc đẩy sự phát triển của phổi nhanh hơn và sản xuất chất hoạt động bề mặt. Điều này rất quan trọng đối với chức năng phổi của thai nhi.
Phòng tránh suy hô hấp trẻ em
Để tránh suy hô hấp trẻ em, cần phát hiện những bệnh lý hô hấp, tim mạch và điều trị một cách kịp thời để tránh nguy cơ suy hô hấp. Bên cạnh đó, cần giữ ấm trẻ, cung cấp đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, tránh cho trẻ nguy cơ mắc bệnh.
Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về suy hô hấp sơ sinh và trẻ em. Tình trạng này cần được phát hiện và điều trị một cách nhanh chóng nhất. Nếu kéo dài, suy hô hấp có thể gây biến chứng nghiêm trọng lên thần kinh cũng như các cơ quan khác của trẻ.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Neonatal Respiratory Distress Syndromehttps://www.healthline.com/health/neonatal-respiratory-distress-syndrome
Ngày tham khảo: 10/02/2023
-
Paediatrics: how to manage acute respiratory distress syndromehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8177958/
Ngày tham khảo: 10/02/2023
-
The Pediatric Patient with Acute Respiratory Failure: Clinical Diagnosis and Pathophysiologyhttps://www.reliasmedia.com/articles/68532-the-pediatric-patient-with-acute-respiratory-failure-clinical-diagnosis-and-pathophysiology
Ngày tham khảo: 10/02/2023