YouMed

Hôi miệng và những vấn đề liên quan đến sức khỏe

bác sĩ đinh thị lan phương
Tác giả: ThS.BS Đinh Thị Lan Phương
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Bạn ngại giao tiếp với những người xung quanh, cảm thấy tự ti vì hơi thở của mình có mùi. Bạn muốn tìm cách để giải quyết vấn đề này, có cần đi khám nha sĩ hay có thể tự điều chỉnh tại nhà. Hãy cùng bác sĩ Đinh Thị Lan Phương tìm hiểu về chứng hôi miệng qua bài viết dưới đây để có thể hiểu hơn về hơi thở của bạn nhé.

Hôi miệng là gì?

Hôi miệng, hay được biết đến như hơi thở có mùi, là một yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến sự tự tin của bạn. Và trong một số trường hợp, bạn có thể cảm thấy lo lắng về vấn đề này. Và, không phải tự nhiên mà các sản phẩm như kẹo cao su, bạc hà, nước súc miệng và các chế phẩm khác được bày bán rộng khắp thị trường để giảm tình trạng này. Tuy nhiên, các sản phẩm này chỉ có tác dụng tạm thời. Để giải quyết tận gốc vấn đề này, bạn cần tìm được nguyên nhân của vấn đề này.

Một số thực phẩm bạn dùng, tình trạng sức khỏe và thói quen sinh hoạt hằng ngày là một trong những yếu tố gây ra tình trạng hôi miệng này. Trong đa số trường hợp, bạn có thể giải quyết bằng cách vệ sinh răng miệng thường xuyên. Nếu như những cách vệ sinh răng miệng thông thường không thể giải quyết được vấn đề này. Hãy đến gặp nha sĩ hoặc bác sĩ để chắc chắn bạn không mắc một tình trạng y khoa nào nghiêm trọng.

Xem thêm: Làm thế nào để ngăn ngừa mảng bám và vôi răng?

Hôi miệng
Tình trạng hôi miệng gây khó chịu cho những người xung quanh

Nguyên nhân dẫn đến hơi thở có mùi

Hầu hết, các nguyên nhân gây ra hôi miệng đều xuất phát từ khoang miệng của bạn. Và dưới đây là một số nguyên nhân có thể kể đến.

Nguyên nhân thường gặp

  • Thức ăn. Sự phân hủy của các hạt thức ăn dính trên răng và xung quanh răng của bạn là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và đó có thể nguyên nhân gây ra tình trạng hôi miệng. Một số thực phẩm như tỏi, hành hay một số gia vị có thể trực tiếp gây ra mùi hôi. Một số thực phẩm sau khi được tiêu hóa, sẽ đi vào máu và đến phổi của bạn, từ đó sẽ ảnh hưởng đến hơi thở của bạn.
  • Thuốc lá và những sản phẩm tương tự. Hút thuốc lá gây ra mùi hôi miệng rất đặc trưng và rất khó chịu. Và những người hút thuốc lá, thường hay mắc những bệnh lý liên quan đến khoang miệng. Đặc biệt là bệnh về nướu răng, một nguyên nhân phổ biến gây ra mùi hôi trong hơi thở.
Hôi miệng
Hút thuốc lá làm hơi thở có mùi hôi và các bệnh về răng miệng như vàng răng hay viêm lợi
  • Vệ sinh răng miệng không thường xuyên. Nếu bạn không vệ sinh răng miệng và dùng chỉ nha khoa hằng ngày, các mảng thức ăn vẫn còn bám lại trong khoang miệng của bạn, và đó là nguyên nhân gây ra tình trạng hôi miệng. Các mảng bám không màu, chứa đầy vi khuẩn bám trên răng của bạn. Và nếu bạn không đánh răng để chải chúng đi, mảng bám này có thể kích ứng nướu của bạn và dần dần, hình thành các túi chứa đầy mảng bám giữa răng và nướu của bạn. Các nha sĩ gọi đó là bệnh viêm nha chu. Lưỡi của bạn cũng là nơi bám của vi khuẩn. Và răng giả không được vệ sinh thường xuyên hay không vừa với khoang miệng cũng trở thành nơi chứa thức ăn và vi khuẩn, và gây nên mùi hôi trong hơi thở của bạn.

Xem thêm: Bạn đã vệ sinh răng miệng đúng cách chưa?

Các nguyên nhân khác

  • Khô miệng. Nước bọt trong miệng có tác dụng làm sạch khoang miệng, loại bỏ các hạt thức ăn. Như vậy, nước bọt và tuyến nước bọt có tác dụng làm giảm tình trạng hôi miệng. Khô miệng là một tình trạng tuyến nước bọt giảm tiết nước bọt. Khô miệng có thể xảy ra tự nhiên khi miệng bạn không đóng kín trong lúc ngủ. Ngoài ra, khô miệng cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo về những vấn đề liên quan đến tuyến nước bọt.
  • Thuốc tây y. Một số loại thuốc có thể gián tiếp gây ra tình trạng hôi miệng thông qua giảm tiết nước bọt. Một số khác có thể bị phân hủy, tạo ra các chất có mùi làm hơi thở có mùi.
  • Nhiễm trùng khoang miệng. Hơi thở có mùi có thể do tác động của một thủ thuật trong khoang miệng của bạn. Như sau khi nhổ răng gây ra tổn thương trong khoang miệng. Hay là do sâu răng, bệnh nướu hay lở miệng.
  • Các tác động của mũi, họng và miệng. Hôi miệng có thể do bệnh lý về amidan, vi khuẩn bám vào và gây ra mùi hôi. Nhiễm trùng hay viêm xoang mạn cũng góp phần gây ra tình trạng hôi miệng.
  • Các nguyên nhân khác. Các bệnh lý khác như ung thư, bệnh lý về chuyển hóa cũng có thể ảnh hưởng lên khoang miệng. Một số chất chuyển hóa tạo ra các chất có mùi đặc trưng và dễ nhận biết. Hay bệnh trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể gây ra tình trạng hôi miệng. Tình trạng này xảy ra ở trẻ em có thể do dị vật như mảng thức ăn trong mũi trẻ.

Triệu chứng

Mùi hôi miệng rất thay đổi, tùy thuộc vào nguồn gốc hay nguyên nhân căn bản gây ra. Một số người trở nên cực kỳ lo lắng và nhạy cảm về hơi thở của họ mặc dù hơi thở của họ không có mùi. Hay một số người mắc chứng hôi miệng nhưng lại không nhận biết được điều đó. Và rất khó để tự đánh giá chính hơi thở của mình, nên bạn có thể nhờ bạn thân hay người thân của mình để xác nhận lại rằng hơi thở của bạn có vấn đề gì hay không.

Nếu hơi thở của bạn có mùi, hãy xem xét lại thói quen vệ sinh răng miệng của mình. Hãy thử thay đổi lối sống, như đánh răng và vệ sinh lưỡi sau ăn. Đặc biệt, nếu bạn chưa sử dụng chỉ nha khoa, hãy thử và có thể mọi thứ sẽ cải thiện. Quan trọng không kém, hãy uống nhiều nước để giúp khoang miệng không bị ứ đọng thứ gì.

Nếu hơi thở của bạn vẫn có mùi sau khi thử các cách trên, hãy đến gặp nha sĩ nhé. Nếu nha sĩ nghi ngờ rằng có một nguyên nhân y khoa nào đó khá nghiêm trọng gây ra tình trạng hôi miệng của bạn, nha sĩ sẽ giới thiệu bạn đến với bác sĩ để giúp tìm ra nguyên nhân chính xác.

Xem thêm: Các bệnh về lưỡi nói gì về sức khỏe của bạn?

Chẩn đoán

Nha sĩ sẽ ngửi hơi thở từ miệng và mũi của bạn, sau đó sẽ đánh giá trên thang điểm. Mùi hôi có thể có nguồn gốc từ mặt sau lưỡi. Do đó, nha sĩ có thể sẽ cạo và đánh giá mùi và tác động của nó lên hơi thở của bạn.

Điều trị hôi miệng

Để giảm mùi hôi, tránh sâu răng và bệnh lý nướu răng, hãy thường xuyên vệ sinh răng miệng. Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng hôi miệng của bạn. Nếu nha sĩ nghi ngờ tình trạng này do một bệnh lý tiềm ẩn nào đó gây ra, bạn sẽ được gới thiệu đến gặp bác sĩ để được tư vấn thêm.

Đối với những vấn đề liên quan đến sức khỏe răng miệng, nha sĩ sẽ giúp bạn kiểm soát chúng. Dưới đây là một số biện pháp mà nha sĩ có thể giới thiệu cho bạn:

  • Nước súc miệng và kem đánh răng. Nếu nguyên nhân đến từ các mảng bám và vi khuẩn trong khoang miệng, nha sĩ sẽ khuyên bạn nên súc miệng để diệt vi khuẩn. Ngoài ra, một số loại kem đánh răng chứa chất kháng khuẩn có thể giúp bạn giảm tình trạng này.
  • Điều trị các bệnh lý khoang miệng. Nếu bạn có vấn đề về nướu, bạn sẽ được tư vấn bởi một chuyên gia về bệnh nướu. Bệnh về nướu răng có thể tích tụ các túi chứa vi khuẩn và thức ăn gây nên mùi. Do đó, đôi khi một số phương pháp điều trị cao cấp cần thực hiện để giải quyết vấn đề. Nha sĩ có thể gợi ý cách thay thế, phục hình răng bị lỗi để giải quyết tận gốc.

Hôi miệng
Vệ sinh răng miệng thường xuyên là cách thức điều trị hôi miệng đơn giản và hiệu quả

Thay đổi lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Những phương pháp phổ biến

Để giảm hay ngăn ngừa tình trạng hôi miệng, bạn có thể áp dụng các phương pháp sau:

  • Vệ sinh răng miệng sau khi ăn bằng cách đánh răng. Hãy mang theo bàn chải đánh răng đến nơi làm việc để bạn có thể vệ sinh sau ăn trưa. Sử dụng kem đánh răng có chứa flo ít nhất 2 lần/ngày, đặc biệt sau bữa ăn. Kem đánh răng có tính kháng khuẩn đã được chứng minh làm giảm mùi hôi miệng. Vì vậy, hãy tập thói quen vệ sinh răng miệng thường xuyên bạn nhé.
hôi miệng
Các bước vệ sinh răng miệng đúng cách
  • Sử dụng chỉ nha khoa ít nhất 1 lần/ngày. Chỉ nha khoa giúp bạn loại bỏ những mảng bám thức ăn xung quanh răng bạn. Đặc biệt là ở kẽ răng, nơi bàn chải đánh răng không thể tác động vào.
  • Vệ sinh lưỡi. Lưỡi của bạn cũng chứa rất nhiều vi khuẩn, vì vậy vệ sinh giúp giảm mùi hôi miệng đáng kể. Bạn có thể sử dụng bàn chải tích hợp mặt vệ sinh lưỡi để làm sạch lưỡi mỗi ngày.
  • Điều chỉnh chế độ ăn của bạn. Tránh sử dụng các thực phẩm như hành, tỏi – những thực phẩm gây ra mùi hôi miệng. Ăn nhiều thức ăn có đường cũng liên quan đến tình trạng hôi miệng.
  • Thường xuyên đổi mới bàn chải đánh răng. Khoảng 3 – 4 tháng, bạn nên thay mới bàn chải đánh răng, và nên chọn bàn chải có lông mềm.
  • Khám nha khoa thường xuyên. Khám nha khoa ít nhất 2 lần/năm giúp bạn kiểm tra sức khỏe răng miệng và vệ sinh răng miệng.

Xem thêm: Chỉ nha khoa và tăm nước: Dụng cụ nào tốt hơn?

hôi miệng
Sử dụng chỉ nha khoa làm sạch các kẻ răng ngăn ngừa các mảng bám hình thành gây hôi miệng

Một số phương pháp khác

  • Vệ sinh răng giả và dụng cụ nha khoa. Nếu bạn đang sử dụng răng giả hay niềng răng, hãy vệ sinh thường xuyên theo hướng dẫn của nha sĩ ít nhất 1 lần/ngày. Và nha sĩ sẽ gợi ý cho bạn những dụng cụ làm sạch răng, nhất là khi niềng răng.
  • Tránh tình trạng khô miệng. Để giữ cho khoang miệng luôn ẩm, hãy tránh sử dụng thuốc lá, cà phê, rượu hay nước ngọt. Đặc biệt, uống nhiều nước để cung cấp nước cho cơ thể và tuyến nước bọt hoạt động. Nhai kẹo cao su, tốt nhất là kẹo không đường, giúp kích thích tuyến nước bọt tiết nước bọt. Nếu bạn mắc bệnh khô miệng mạn tính, bác sĩ hay nha sĩ sẽ kê toa cho bạn một số loại thuốc có tác dụng kích thích sự tiết nước bọt của tuyến nước bọt.

Hôi miệng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên, bạn có thể ngăn ngừa được bằng cách vệ sinh răng miệng đúng cách. Một hơi thở thơm mát có thể gia tăng sự tự tin của bạn khi giao tiếp với những người xung quanh, và tạo thiện cảm cho người đối diện. Vì vậy, hãy tạo thói quen vệ sinh răng miệng, đặc biệt là sử dụng chỉ nha khoa, để giúp bạn có hơi thở thơm mát và có sức khỏe răng miệng thật tốt nhé.

Xem thêm: Thảo quả: Vị thuốc có công dụng trị hôi miệng

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Bad breathhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bad-breath/symptoms-causes/syc-20350922

    Ngày tham khảo: 29/08/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người