Kế hoạch mang thai: Tôi cần chuẩn bị những gì?
Nội dung bài viết
Sức khỏe trong thời gian mang thai phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn chuẩn bị trước đó. Trừ những trường hợp ngoài dự định, thì bạn cần có một kế hoạch mang thai rõ ràng cho thai kỳ của mình. Người phụ nữ trước khi có thai 1- 2 năm nên được tư vấn. Việc thăm khám trước khi có thai sẽ giúp phát hiện những nguy cơ ảnh hưởng xấu tới thai kỳ. Qua bài viết dưới đây của Thạc sĩ Bác sĩ Phan Lê Nam, bạn sẽ có thể quyết định có mang thai hay không và thời điểm thích hợp.
Kiểm tra tình trạng sức khỏe
Kiểm tra sức khỏe của vợ chồng là điều cần thực hiện ít nhất 1 tháng trước khi mang thai. Các vấn đề cần quan tâm bao gồm các bệnh mãn tính, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và máu.
Các bệnh mạn tính tiềm ẩn nếu phát hiện kịp thời có thể điều trị và giảm nguy cơ đối với thai kỳ. Đó có thể là bệnh tim mạch, tăng huyết áp, thiếu máu, đái tháo đường, viêm gan, lao, động kinh, rối loạn tâm thần,… Ngoài ra, tư vấn trước mang thai có thể giúp phát hiện các vấn đề di truyền, đột biến gen, dị tật thai nhi.
Vợ chồng cũng cần đi kiểm tra sức khỏe để phát hiện một số bệnh lây truyền qua máu như Viêm gan B, HIV. Cũng như một số bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp: HIV, Chlamydia, Lậu, Giang mai.
Xem thêm: Khám thai như thế nào để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh?
Riêng đối với người mẹ, các vấn đề về bệnh phụ khoa hoặc các bất thường về cơ quan sinh sản cũng gây ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình mang thai và sức khỏe thai kỳ.
Dinh dưỡng cho kế hoạch mang thai
Trong vòng 6 tháng trước khi mang thai, người mẹ cần điều chỉnh chế độ ăn. Thực hiện chế độ ăn hợp lý, đa dạng, đủ 4 nhóm thực phẩm (đạm, mỡ, đường, vitamin và muối khoáng). Mục tiêu đạt chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường từ 18,5 – 23 hoặc có cân nặng ít nhất là trên 40 kg.
Trong vòng 3 tháng trước mang thai và cho đến khi sau sinh 1 tháng, mẹ cần uống viên sắt và acid folic. Việc sẽ giúp tránh bị dị tật ống thần kinh cho thai nhi. Người mẹ cũng cần sử dụng muối iôt, bột canh iod trong các bữa ăn hàng ngày.
Người mẹ và mọi người trong gia đình cần thực hiện tẩy giun. Uống thuốc cùng lúc trong 2 tháng trước mang thai để tránh lây nhiễm chéo.
Chế độ sinh hoạt cho kế hoạch mang thai
Người mẹ cần thực hiện chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý. Tránh tiếp xúc với các chất độc hại, kể cả thuốc. Đặc biệt là kháng sinh mạnh và các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
Trong 6 tháng trước mang thai, người mẹ và chồng cần ngừng hoặc bỏ thuốc lá, rượu và các chất kích thích. Nếu không, những chất này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng. Hoặc làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, sinh non, dị tật cho thai nhi.
Xem thêm: Gỡ rối thai kỳ: 10 câu hỏi quan trọng các mẹ nên hỏi khi đi khám thai
Trong 3 tháng trước mang thai, cần ngừng tránh thai bằng thuốc. Thay vào đó, hãy sử dụng bao cao su.
Tiêm ngừa vacxin
Các loại vacxin bạn cần quan tâm khi có kế hoạch mang thai đó là uốn ván, cúm, rubella,…
Vaccin phòng uốn ván cần được tiêm cho phụ nữ từ 15 đến 35 tuổi. Ngoài ra, trong thai kỳ cũng cần thiết các mũi nhắc lại.
Trong 3 tháng trước khi mang thai, cần tiêm phòng một số bệnh như cúm, rubella. Vì nếu mắc những bệnh này trong 3 tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ gây dị tật cho thai nhi cao.
Phụ nữ có thai có nguy cơ cao nhiễm virus viêm gan B và đã âm tính với virus viêm gan B khi thực hiện xét nghiệm thì nên tiêm vắc-xin viêm gan B. Có tổng cộng 3 mũi tiêm. Mũi đầu tiên tại thời điểm được chỉ định. Mũi thứ 2 sau mũi thứ nhất 1 tháng. Cuối cùng là mũi thứ 3 sau mũi thứ nhất 6 tháng.
Phương pháp thụ thai cho kế hoạch mang thai an toàn
Đây có lẽ là vấn đề cần được chú trọng và quan tâm nhất. Các phương pháp có thể bao gồm tự nhiên, thụ tinh nhân tạo,… Tùy tình trạng sức khỏe của vợ chồng mà có thể đưa ra lời khuyên.
Phương pháp thụ thai tự nhiên, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ. Bạn sẽ được hướng dẫn xác định thời gian có khả năng thụ thai cao nhất theo chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, cũng cần lập đồ thị biểu diễn nhiệt độ cơ thể, chú ý đến tiết chất nhầy âm đạo.
Thời gian trung bình của một thai kỳ bình thường dao động từ 38 – 40 tuần. Có thể dựa vào đây để tính toán ngày thụ thai và ngày dự sinh phù hợp. Việc chuẩn bị tâm lý, thời gian, kinh tế,… cũng cần được quan tâm.
Việc lên kế hoạch mang thai rõ ràng có ý nghĩa quyết định đối với thai kỳ của bạn. Đây có thể là trải nghiệm thú vị và mới mẻ đối với nhiều người. Và không dễ dàng để hiểu hết mọi thứ, đặc biệt là khi bạn chưa có kinh nghiệm. Vì vậy, đừng ngại để lại câu hỏi hoặc tham khảo thêm các bài viết về thai kỳ trên YouMed nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Tài liệu Sản phụ khoa Đại học Y Dược TPHCM (2018), "Làm mẹ an toàn".
- Hướng dẫn Quốc Gia Việt Nam về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Bộ Y Tế, 2010.
-
Your Prepregnancy Checklisthttps://www.webmd.com/baby/ss/slideshow-prepregnancy-checklist
Ngày tham khảo: 20/10/2020