YouMed

Khối u cột sống: Những điều bạn cần lưu ý

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

U cột sống là các khối u phát triển bên trong ống đốt sống của cột sống. Khi những khối u cột sống này phát triển, chúng có thể khiến ống tủy sống bị thay đổi và gây ra những vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, ngay cả khi những khối u tủy này không phải là ung thư.

Cột sống là gì?

Cột sống (hay xương sống) là xương dài bắt đầu từ nền sọ đến xương chậu có nhiệm vụ như một trụ cột để hỗ trợ trọng lượng cơ thể và bảo vệ tủy sống. Có ba đường cong tự nhiên tạo nên hình chữ “S” khi nhìn từ bên cạnh. Các đường cong này giúp xương sống chịu được trọng lượng lớn tác động cách phân bố lực đồng đều.

Chúng được tạo thành từ 33 – 35 xương (đốt sống) xếp chồng lên nhau. Ở giữa các đốt sống là các đĩa đệm chịu trách nhiệm giảm ma sát và lực tác động. Bên cạnh đó, xương sống cũng là cơ quan hỗ trợ chính cho cơ thể, phục vụ việc đứng thẳng, uốn cong, xoay người và hỗ trợ sức mạnh cơ bắp để thực hiện các hoạt động hàng ngày.

cột sống

U cột sống là gì?

U cột sống là một khối mô bất thường xuất hiện bên trong hoặc quanh tủy sống và (hoặc) quanh cột sống. Các tế bào này tăng trưởng và nhân đôi không kiểm soát, có vẻ như chúng thoát khỏi các cơ chế điều hòa của các tế bào bình thường.

U tủy sống có thể lành tính hoặc ác tính. U nguyên phát bắt nguồn từ cột sống hoặc tủy sống, còn u di căn hoặc u thứ phát là do tế bào ung thư từ nơi khác lan đến cột sống.

Phân loại u cột sống

U cột sống được xếp loại theo vị trí u. Các vùng chính gồm cột sống cổ, ngực, thắt lưng và cùng. Bên cạnh đó, chúng cũng được phân loại thành 3 nhóm lớn theo vị trí u: trong màng cứng-ngoài tủy, trong tủy (nội tủy) và ngoài màng cứng.

1. U trong màng cứng – ngoài tủy

Dạng u phổ biến nhất của loại này là u phát triển từ màng nhện (u màng não). Trong các rễ thần kinh xuất phát từ tủy sống (Schwannoma – u tế bào bao sợi thần kinh và Neurofibroma – u sợi thần kinh) hoặc ở nền tủy sống (Filum terminate Ependymoma).

Mặc dù u màng não thường lành tính nhưng chúng có thể khó cắt hết và có thể tái phát. U rễ thần kinh nói chung là lành tính, dù vậy u sợi thần kinh có thể hóa ác tính. Ependymoma ở đoạn tủy cùng có thể có kích thước lớn và sự mỏng manh của các cấu trúc thần kinh ở vùng này làm cho việc điều trị thường phức tạp.

2. U nội tủy

Những u này phát triển bên trong tủy sống, thường xảy ra nhất ở vùng tủy cổ. U điển hình bắt nguồn từ tế bào đệm hoặc tế bào lót ống nội tủy nằm trong mô kẽ tủy sống. U tế bào sao và u tế bào lót ống nội tủy là 2 dạng phổ biến nhất. Chúng thường lành tính nhưng khó có thể phẫu thuật cắt bỏ. U mỡ nội tủy là một u bẩm sinh hiếm gặp, thường nằm ở vùng tủy ngực.

3. Khối u ngoài màng cứng

Những sang thương này thường do di căn hoặc u tế bào Schwann, bắt nguồn từ tế bào bao quanh rễ sợi trục thần kinh. Đôi khi, u ngoài màng cứng đi phát triển xuyên qua lỗ liên đốt sống, nằm nửa trong nửa ngoài ống sống.

4. U di căn cột sống

Cột sống là nơi thường gặp nhất của di căn xương. Số liệu thống kê cho thấy 30-70% bệnh nhân ung thư có u di căn đến cột sống

Các ung thư nguyên phát thường di căn đến cột sống là ung thư phổi và tuyến tiền liệt. Ung thư phổi là u thường cho di căn xương nhất ở nam giới, và tương tự là ung thư vú ở nữ. Các ung thư khác cho di căn cột sống gồm bệnh đa u tủy, Lymphoma, Melanoma, Sarcoma, cũng như là ung thư của đường tiêu hóa, thận và tuyến giáp.

Việc chẩn đoán sớm và xác định được u nguyên phát là điều quan trọng trong điều trị. Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả điều trị, bao gồm bản chất của khối u nguyên phát, số lượng sang thương, xuất hiện di căn xa (trừ di căn xương), sự hiện diện và (hoặc) mức độ nghiêm trọng của chèn ép tủy.

5. U cột sống ở trẻ em

U cột sống nguyên phát khá hiếm ở trẻ em và thực sự là một thử thách trong việc điều trị. Xuất độ và kết cục điều trị tùy thuộc vào loại u, như:

  • U nguyên bào xương.
  • U sụn xương.
  • Sarcoma xương.
  • Sarcoma Ewing.
  • U hạt ái toan.
  • Nang xương phình mạch (Aneurysmal bone cyst).
  • Chordoma.
  • Mesenchymal Chondrosarcoma.
  • U tế bào khổng lồ của xương.
  • Dị sản sợi.
  • U sợi.
  • Sarcoma mạch máu.
  • U mạch máu.

Triệu chứng khối u cột sống

Hầu hết các khối u đều gây đau lưng và cũng có thể làm thiếu hụt thần kinh, chẳng hạn như tê hoặc yếu. Một số ít trường hợp sẽ không có bất cứ triệu chứng nào. Các triệu chứng khối u cột sống có thể khác nhau rất nhiều dựa vào vị trí và loại u cột sống.

U cột sống có thể gây đau lưng bằng cách làm tổn thương các mô khỏe mạnh, như đốt sống, hoặc chèn ép các dây thần kinh ở khu vực này.

Các triệu chứng đau cụ thể của u cột sốt sống như:

  • Đau lưng trên hoặc lưng giữa: các cơn đau do u cột sống thường ở phần lưng trên hoặc giữa. Trong khi các cơn đau lưng thông thường sẽ ở phần lưng dưới hoặc cổ. Khoảng 70% khối u thường nằm ở cột sống ngực.
  • Cơn đau nhức sâu từ bên trong.
  • Đau nhói hoặc như điện giật. Cơn đau có thể chỉ ở một khu vực cụ thể trên lưng hoặc theo dọc rễ thần kinh hay tủy sống lan đến ngực, bụng, chân và cánh tay.
  • Đau nghiêm trọng hơn vào ban đêm.
  • Cơn đau cũng tệ hơn vào buổi sáng, sau khi thức dậy.
  • Đau cũng nặng hơn khi chạm hoặc chườm nhiệt vào khu vực khối u.
  • Đau ở thắt lưng và cổ: mặc dù rất hiếm nhưng khoảng 20% trường hợp khối u xuất hiện ở lưng dưới và 10% là ở cổ.

Ngoài ra, một số dấu hiệu khác cũng đi kèm với đau lưng như:

  • Chán ăn.
  • Sụt cân không rõ lý do.
  • Buồn nôn hay nôn.
  • Sốt, ớn lạnh hoặc run người.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Thực tế, bạn có thể bị đau lưng vì nhiều nguyên nhân và không phải nguyên nhân nào cũng là do khối u. Tuy nhiên, việc chẩn đoán sớm và điều trị u cột sống là hết sức quan trọng. Nên bạn hãy đến gặp bác sĩ nếu có dấu hiệu đau lưng sau:

  • Đau dai dẳng và ngày càng nặng hơn.
  • Cơn đau không giảm cho dù bạn có hay không hoạt động.
  • Cơn đau nặng hơn vào ban đêm.
  • Bạn có bệnh sử ung thư và có một cơn đau lưng mới.

Đi cấp cứu ngay nếu:

  • Yếu và tê cơ ở chân hoặc tay ngày càng nghiêm trọng.
  • Chức năng ruột và bàng quang thay đổi.

Chẩn đoán u cột sống

Thăm khám kỹ càng, chú trọng vào triệu chứng đau lưng và các khiếm khuyết thần kinh là bước đầu tiên để chẩn đoán u cột sống. Hình ảnh học là cần thiết để góp phần giúp chẩn đoán chính xác.

  • Xray: Dùng tia X để chụp ảnh cấu trúc cột sống và các khớp. X quang cột sống dùng để tầm soát các nguyên nhân có khả năng gây triệu chứng đau lưng. Ví dụ như u, nhiễm trùng, gãy xương. X quang không nhạy trong việc chẩn đoán u.
  • CT scan: Cho biết hình dạng và kích thước ống sống, thành phần bên trong và các cấu trúc xung quanh. CT rất tốt trong việc quan sát các cấu trúc xương.
  • MRI: là thiết bị chẩn đoán hình ảnh dung từ trường mạnh và máy tính để tạo ảnh 3 chiều của cơ thể, giúp quan khảo sát tủy sống, rễ thần kinh, và các cấu trúc xung quanh, cũng như sự phì đại, thoái hóa và u.

Sau khi u được xác nhận bằng hình ảnh học, cách duy nhất để xác định tính chất lành ác của u là sinh thiết u. Nếu như u là ác tính thì việc sinh thiết cũng đóng vai trò trong việc định type của u, giúp ích trong việc chọn lựa phương thức điều trị.

Đánh giá giai đoạn của u dựa trên mức độ lan rộng của u, đánh giá xâm lấn xương, mô mềm và ống sống. Bác sĩ có thể chỉ định PET toàn thân, cũng như là CT scaner phổi và bụng chậu để đánh giá giai đoạn u. Bằng việc so sánh xét nghiệm cận lâm sàng và hình ảnh học với triệu chứng, bác sĩ sẽ có thể đưa ra chẩn đoán cuối cùng.

Điều trị cột sống có khối u

Quyết định điều trị được cân nhắc dựa vào tình trạng sức khỏe của người bệnh và mục tiêu điều trị. Các lựa chọn điều trị bao gồm các phẫu thuật và không phẫu thuật.

1. Điều trị không phẫu thuật u cột sống

Lựa chọn điều trị không phẫu thuật bao gồm: theo dõi, hóa trị và xạ trị. Với những khối u không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ và không có dấu hiệu tiến triển theo thời gian thì có thể được theo dõi bằng chụp MRI định kỳ. Trong khi đó, có một vài loại u lại đáp ứng khá tốt với phương pháp xạ trị hoặc hóa trị.

2. Phẫu thuật u cột sống

Chỉ định phẫu thuật thay đổi tùy theo loại u. U cột sống nguyên phát có thể được phẫu thuật cắt bỏ u nguyên khối để có thể điều trị dứt bệnh. Đối với u thứ phát do di căn thì phương pháp điều trị chủ yếu là làm giảm nhẹ để phục hồi và bảo tồn chức năng thần kinh của người bệnh, vững cột sống và giảm đau.

Nhìn chung, phương pháp phẫu thuật được cân nhắc với những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân có u di căn tiên lượng chỉ sống hơn 12 tuần hoặc hơn;
  • Khối u kháng xạ trị hoặc hóa trị;
  • U cột sống gây đau không đáp ứng thuốc;
  • Khối u chèn ép tủy;
  • Trường hợp có nguy cơ cao bị gãy xương bệnh lý và cần làm vững cột sống.

Có 2 đường phẫu thuật điều trị u cột sống. Đường mổ từ phía sau cho phép nhận biết màng cứng và các rễ thần kinh dễ dàng. Có thể giải ép nhiều đốt sống hoặc cố định nhiều liên đốt. Còn đường mổ từ phía trước cho phép tiếp cận các u nằm mặt trước cột sống và tái tạo các chỗ khuyết sau cắt bỏ thân sống hiệu quả hơn. Ngoài ra, đường mổ phía trước cũng giúp đặt các dụng cụ cố định đoạn ngắn dễ dàng hơn.

Khối u cột sống

U cột sống là một bệnh nhuy hiểm. Trên đây YouMed cung cấp cho bạn thông tin cơ bản về bệnh u cột sống. Nếu bạn có các triệu chứng hay có thắc mắc nào thì hãy đến gặp bác sĩ để dược tư vấn và điều trị kịp thời nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người