Kinh nguyệt không đều: Những điều bạn cần biết
Nội dung bài viết
Kinh nguyệt không đều là hiện tượng khá phổ biến ở phụ nữ. Nguyên nhân có thể do sinh lý hoặc bệnh lý. Trong bài viết này, Thạc sĩ, bác sĩ Trần Minh Quang sẽ cung cấp cho bạn đọc chi tiết về tình trạng này. Từ nguyên nhân khiến chu kỳ kinh không đều đến cách chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị tình trạng này. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu.
Tổng quan về tình trạng kinh nguyệt không đều
Chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Chu kỳ kinh nguyệt là một loạt các thay đổi bên trong cơ thể xảy ra theo chu kỳ hàng tháng. Mỗi tháng, một trong hai buồng trứng sẽ phóng thích trứng. Đây được gọi là quá trình rụng trứng. Đồng thời, cơ thể sẽ có sự thay đổi nội tiết tố để chuẩn bị cho trứng làm tổ trong tử cung. Nếu quá trình rụng trứng diễn ra và trứng không được thụ tinh, niêm mạc tử cung sẽ bong ra qua âm đạo. Quá trình này lặp lại hàng tháng gọi là chu kỳ kinh nguyệt.1
Chu kỳ kinh bình thường
Chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh này đến ngày đầu tiên của kỳ kinh kế tiếp. Hiểu đơn giản là khoảng cách giữa 2 lần có kinh. Khoảng thời gian này không giống nhau ở mọi phụ nữ. Trung bình, phụ nữ có chu kỳ kinh từ 21 – 35 ngày và hành kinh từ 2 – 7 ngày.1
Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường bao gồm các đặc điểm sau:2
- Tuổi bắt đầu có kinh nguyệt: 13 – 18 tuổi.
- Khoảng cách chu kỳ là 24 – 35 ngày, trung bình là 28 ngày.
- Thời gian hành kinh từ 1 – 7 ngày, trung bình từ 3 – 5 ngày.
- Lượng máu mất trung bình cho mỗi chu kỳ khoảng 30 – 80 mL.
Chu kỳ kinh nguyệt có thể đều (khoảng cách giữa 2 lần có kinh là như nhau) hoặc không đều. Chu kỳ kinh nguyệt không đều được xem là hiện tượng bình thường khi bạn đến gần thời kỳ mãn kinh.
Kinh nguyệt không đều là như thế nào?
Như đã đề cập, một chu kỳ kinh nguyệt bình thường dao động từ 21 đến 35 ngày. Tuy nhiên, có khoảng 14 – 25% phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt không đều. Nghĩa là các khoảng cách giữa 2 kỳ kinh ngắn hơn hoặc dài hơn mức bình thường. Hiện tượng rụng trứng có hoặc không xảy ra mỗi tháng khi kỳ kinh nguyệt dài ngắn bất thường.2 3
Các hình thức của một chu kỳ không đều:3
- Vô kinh (Amenorrhea): không có kinh trong một khoảng thời gian nhất định. Phụ nữ không có kinh khi tới 16 tuổi hoặc không có kinh trong 3 tháng mà không mang thai gọi là vô kinh.
- Kinh thưa (Oligomenorrhea): chu kỳ kinh dài hơn 35 – 40 ngày.
- Rong kinh (Menorrhagia): có kinh đúng chu kỳ nhưng thời gian hành kinh kéo dài hơn 7 ngày.
- Đa kinh (Polymenorrhea): Chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 21 ngày.
Những đối tượng có thể gặp tình trạng này?4
Trẻ vị thành niên mới có kinh lần đầu thường gặp phải tình trạng kinh nguyệt không đều do nội tiết tố và hoạt động của buồng trứng chưa thực sự ổn định. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ được cải thiện trong khoảng 2 – 3 năm sau đó.
Ở độ tuổi sinh sản, tình trạng này kéo dài nhiều ngày có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý phụ khoa khác. Các bệnh lý này có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ và khả năng sinh sản về sau.
Phụ nữ tiền mãn kinh cũng thường gặp phải tình trạng rối loạn kinh nguyệt do rối loạn nội tiết tố.
Tại sao kinh nguyệt không đều?
Tại sao kinh nguyệt không đều? Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm:
Stress và lối sống5
Stress tác động vào vùng não điều khiển các hormone tuyến yên làm cho quá trình tiết dịch và rụng trứng không ổn định. Từ đó gây tình trạng kinh nguyệt không đều. Kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường khi bạn kiểm soát được tình trạng căng thẳng hoặc giải quyết những vấn đề khó khăn mà bản thân đang gặp phải.
Thói quen, lối sống cũng ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Những việc làm sau của phụ nữ có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt:
- Tăng hoặc sụt cân đột ngột.
- Ăn kiêng, ăn uống không lành mạnh.
- Thay đổi thói quen tập thể dục, đi lại.
- Mắc một số bệnh lý nghiêm trọng.
Thuốc hoặc thuốc tránh thai5
Hầu hết các loại thuốc tránh thai đều chứa 2 hormone là estrogen và progestin. Thuốc tránh thai tác động bằng cách ngăn chặn buồng trứng phóng thích trứng. Uống hoặc ngưng thuốc tránh thai đột ngột đều có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh.
Một số phụ nữ có kinh nguyệt không đều hoặc bị trễ đến 6 tháng sau khi ngừng thuốc tránh thai. Đây là một cân nhắc quan trọng khi bạn có kế hoạch mang thai. Ngoài ra, phụ nữ dùng thuốc tránh thai chỉ chứa progestin có thể bị chảy máu âm đạo bất thường giữa các kỳ kinh.
Một số loại thuốc khác có thể khiến kinh nguyệt không đều, bao gồm:6
- Thuốc Aspirin.
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) chẳng hạn như ibuprofen.
- Thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp.
- Thuốc chống trầm cảm.
- Thuốc trị động kinh.
- Thuốc hóa trị.
Polyp hoặc u xơ tử cung5
Polyp tử cung là những khối u nhỏ lành tính không phải ung thư hình thành trong niêm mạc tử cung. U xơ tử cung là những khối u bám vào thành tử cung. Những khối u này thường lành tính, nhưng chúng có thể gây chảy máu nhiều và đau khi có kinh. Nếu khối u xơ lớn, chúng có thể gây áp lực lên bàng quang hoặc trực tràng, gây khó chịu.
Lạc nội mạc tử cung5
Các mô nội mạc lót tử cung bị phân hủy hàng tháng và được đào thải ra ngoài trong kỳ kinh nguyệt. Lạc nội mạc tử cung xảy ra khi các mô nội mạc tử cung bắt đầu phát triển bên ngoài tử cung. Thông thường, vị trí lạc nội mạc tử cung là buồng trứng hoặc ống dẫn trứng. Đôi khi nó cũng có thể phát triển trên ruột hoặc các cơ quan khác trong đường tiêu hóa. Lạc nội mạc tử cung có thể gây xuất huyết âm đạo bất thường, chuột rút hoặc đau trước và trong kỳ kinh, đau khi giao hợp.
Bệnh viêm vùng chậu5
Bệnh viêm vùng chậu (PID) là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ảnh hưởng đến hệ sinh sản nữ. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào âm đạo qua đường quan hệ tình dục và lan đến tử cung và đường sinh dục trên. Vi khuẩn cũng có thể xâm nhập thông qua các thủ thuật phụ khoa hoặc khi chuyển dạ, sẩy thai hoặc phá thai.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)5
Trong hội chứng này, buồng trứng sản xuất một lượng lớn nội tiết tố androgen. Đây là một nội tiết tố nam. Các túi nhỏ chứa đầy chất lỏng (u nang) có thể hình thành trong buồng trứng và thường thấy được trên siêu âm.
Sự thay đổi nội tiết tố này có thể ngăn cản trứng trưởng thành và do đó quá trình rụng trứng có thể không diễn ra. Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang sẽ có kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh hoàn toàn.
Ngoài ra, tình trạng này có liên quan đến các yếu tố như béo phì, rậm lông (mọc nhiều lông và nổi mụn). Tình trạng này có thể do mất cân bằng nội tiết tố, mặc dù nguyên nhân chính xác vẫn chưa được biết rõ.
Mang thai6
Mang thai gây mất kinh hoặc hành kinh ra ít máu. Nếu bạn thấy mất kinh hoặc những thay đổi về kinh nguyệt mà trước đó bạn có quan hệ tình dục mà không sử dụng biện pháp tránh thai thì nên nghĩ nên nguyên nhân này. Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm một số dấu hiệu mang thai sớm và thử thai để xác định mình có thật sự mang thai hay không.
Tiền mãn kinh6
Tiền mãn kinh là giai đoạn đầu tiên của thời kỳ mãn kinh. Thường xảy ra từ 4 – 8 năm trước khi bắt đầu mãn kinh. Tiền mãn kinh thường xảy ra ở độ tuổi 40.
Trong thời kỳ tiền mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt có thể dài hơn hoặc ngắn hơn ở nhiều thời điểm khác nhau. Cuối cùng, kinh nguyệt xảy ra ít thường xuyên hơn và chúng hoàn toàn dừng lại khi bắt đầu mãn kinh.
Bệnh lý tuyến giáp6
Tuyến giáp sản sản xuất hormone tuyến giáp và tham gia vào rất nhiều quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Trong đó có cả chu kỳ kinh nguyệt. Hai bệnh lý tuyến giáp phổ biến là suy giáp và cường giáp.
- Suy giáp có thể gây ra kinh nguyệt dài hơn và triệu chứng nặng hơn. Các triệu chứng khác của suy giáp bao gồm mệt mỏi, sợ lạnh và tăng cân.
- Cường giáp gây kinh nguyệt không đều, ngắn hơn. Người bị cường giáp có thể bị sụt cân không rõ nguyên nhân, lo lắng và tim đập nhanh.
Ung thư cổ tử cung và nội mạc tử cung6
Ung thư cổ tử cung và nội mạc tử cung có thể gây ra hiện tượng chảy máu bất thường từ tử cung giống với kinh nguyệt. Một người cũng có thể nhận thấy chảy máu giữa các kỳ kinh hoặc sau khi quan hệ tình dục.
Các tình trạng sức khỏe khác liên quan đến kinh nguyệt không đều bao gồm 7
- Bệnh đái tháo đường type 1.
- Hội chứng Cushing.
- Suy buồng trứng nguyên phát.
- Tăng sản thượng thận bẩm sinh.
- Khối u tiết nội tiết tố.
Dấu hiệu kinh nguyệt không đều
Để biết chu kỳ kinh nguyệt của mình đều, có bị bất ổn hay không bạn có thể dựa vào 1 số dấu hiệu kinh nguyệt không đều dưới đây:8
- Chu kỳ kinh nguyệt < 21 ngày hoặc > 35 ngày.
- Số ngày hành kinh quá 7 ngày hoặc dưới 2 ngày.
- Màu sắc hoặc tính chất máu kinh bị thay đổi. Ví dụ như máu kinh có màu nâu, bị vón cục.
- Lượng máu kinh quá nhiều hoặc quá ít.
- Rong kinh, rong huyết.
- Đau bụng, đau lưng nhiều khi có kinh.
Ngoài ra, bạn có thể nhận biết kinh nguyệt không đều theo từng nguyên nhân. Chẳng hạn:6
Tiền mãn kinh
Các dấu hiệu tiền mãn kinh có thể xảy ra bao gồm:
- Kinh nguyệt không đều.
- Đổ mồ hôi đêm.
- Thay đổi tâm trạng.
- Khó ngủ.
- Khô âm đạo.
PCOS
Những người bị PCOS có thể bị trễ kinh và chảy máu nhiều khi đến kỳ kinh. Các dấu hiệu khác bao gồm:
- Rậm lông, nhiều lông trên mặt hoặc cơ thể.
- Da mụn và da dầu.
- Tăng cân.
- Rụng tóc.
- Khó mang thai.
- Kháng insulin.
Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung ảnh hưởng đến 1/10 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Dấu hiệu của lạc nội mạc tử cung bao gồm
- Hành kinh chảy máu nhiều trong thời gian dài.
- Chảy máu bất thường giữa các kỳ kinh.
- Đau khi đi tiêu.
- Đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục.
Cách chữa kinh nguyệt không đều tại nhà
Kinh nguyệt không đều có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tùy từng nguyên nhân sẽ có những cách khắc phục khác nhau. Bạn có thể tham khảo một số cách khắc phục tình trạng này tại nhà dưới đây.8
Thư giãn, giải tỏa căng thẳng
Các yếu tố tâm lý tiêu cực chẳng hạn như stress, lo lắng, sợ hãi, đau buồn quá độ,… có thể gây ức chế hoạt động của tuyến yên. Điều này khiến cho quá trình tiết dịch và rụng trứng bất thường dẫn đến kinh nguyệt không đều. Cách khắc phục tốt nhất là bạn hãy để cho tâm lý thư giãn, hạn chế lo lắng. Bằng các biện pháp như thiền định, spa, tập các bài tập thở…
Hạn chế sử dụng chất kích thích
Các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thức uống có cồn, thực phẩm cay nóng… sẽ làm rối loạn các quá trình sinh lý trong cơ thể. Đây là nguyên nhân khá phổ biến gây kinh nguyệt không đều. Vì vậy, bạn hãy hạn chế sử dụng các chất này để duy trì chu kỳ kinh nguyệt đều đặn.
Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý
Ăn uống không đầy đủ dinh dưỡng là yếu tố ảnh hưởng đến nhiều vấn đề sức khỏe. Trong đó có sinh lý kinh nguyệt ở phụ nữ. Vì chất dinh dưỡng có ảnh hưởng lớn đến quá trình sản sinh nội tiết tố. Để cải thiện, bạn hãy xây dựng cho mình một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và lành mạnh.
Bổ sung nội tiết tố
Sự mất cân bằng nội tiết trong cơ thể cũng có thể khiến kinh nguyệt không đều. Tình trạng này gặp ở đa số phụ nữ cho con bú, tiền mãn kinh, mãn kinh… Có thể khắc phục điều này bằng cách bổ sung nội tiết tố. Estrogen thảo dược và các tiền nội tiết tố nữ (như Pregnenolone) là phương pháp khá phổ biến hiện nay.
Trước đây, người ta thường bổ sung nội tiết tố nữ theo dạng liệu pháp hormone thay thế (tổng hợp). Nhưng việc làm này cần có sự kê đơn và theo dõi nghiêm ngặt của bác sĩ. Hơn nữa nó cũng gây ra nhiều tác dụng phụ. Chẳng hạn đau nửa đầu, béo bụng, tăng nguy cơ ung thư vú, u xơ tử cung, u nang buồng trứng…
Hiện nay có thể bổ sung nội tiết tố bằng các thảo dược như Estrogen (EstroG-100) đã được FDA công nhận là an toàn và không có tác dụng phụ. Khi nội tiết tố trong cơ thể được ổn định, kinh nguyệt sẽ dần trở lại bình thường.
Ngưng các thuốc ảnh hưởng đến kinh nguyệt
Một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Cách khắc phục là trao đổi với bác sĩ về việc ngưng sử dụng thuốc và theo dõi kinh nguyệt.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Kinh nguyệt không đều là hiện tượng phổ biến, đặc biệt đối với thanh thiếu niên mới bắt đầu có kinh. Bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa khi nhận thấy bất kỳ điều nào sau đây:9
- Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn 8 ngày hoặc ít hơn 2 ngày.
- Không có kinh trong 3 tháng mà không mang thai.
- Khoảng cách 2 kỳ kinh dưới 21 ngày hoặc trên 35 ngày.
Bạn cũng nên đi khám nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:9
- Chuột rút nghiêm trọng hoặc các cơn đau nghiêm trọng khác trong kỳ kinh nguyệt.
- Chảy máu âm đạo bất thường giữa các kỳ kinh.
- Chảy máu nhiều hơn bình thường mà cần thay băng vệ sinh mỗi giờ
- Cảm thấy sốt, chóng mặt, mệt mỏi, hoặc buồn nôn trong thời kỳ kinh nguyệt
- Các triệu chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng như trầm cảm hoặc lo lắng
- Có bất kỳ vấn đề liên quan đến kinh nguyệt nào khiến bạn không thể tiếp tục các hoạt động sinh hoạt bình thường.
Chẩn đoán và điều trị
Chẩn đoán5
Nếu bất kỳ vấn đề nào liên quan hoặc sự thay đổi của chu kỳ kinh nguyệt, bạn nên ghi chép lại. Chẳng hạn như ghi lại chính xác thời điểm bắt đầu và kết thúc kỳ kinh. Bao gồm cả lượng máu kinh, số lượng băng vệ sinh sử dụng mỗi ngày… Đồng thời theo dõi các triệu chứng nào khác, chẳng hạn như chảy máu giữa các kỳ kinh và đau bụng kinh hoặc đau ở bộ phận khác.
Sau đó bạn sẽ cung cấp các thông tin này cho bác sĩ. Điều này giúp bác sĩ có cơ sở thông tin chính xác để chẩn đoán vấn đề bạn đang gặp phải. Từ đó bác sĩ có thể đưa ra một số xét nghiệm cần thiết. Chẳng hạn như khám vùng chậu, xét nghiệm Pap và một số xét nghiệm khác:
- Xét nghiệm máu: để loại trừ bệnh thiếu máu hoặc các bệnh lý khác.
- Phết tế bào âm đạo để tìm tác nhân gây nhiễm trùng nếu có.
- Siêu âm vùng chậu để kiểm tra có u xơ tử cung, polyp hoặc u nang buồng trứng hay không.
- Sinh thiết nội mạc tử cung. Là phương pháp lấy mẫu mô từ niêm mạc tử cung.
- Nội soi vùng chậu. Kiểm tra tử cung và buồng trứng.
Khám kinh nguyệt không đều như thế nào?2
- Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử về chi tiết, cụ thể chu kỳ kinh bình thường của bạn. Việc hỏi bệnh sử kết hợp với thăm khám lâm sàng vùng chậu giúp tìm được 85% nguyên nhân kinh nguyệt không đều.
- Thăm khám nội khoa (các bệnh hệ thống có liên quan: bệnh về máu, rối loạn nội tiết tuyến giáp, tuyến yên buồng trứng…)
- Thăm khám sản phụ khoa:
- Kiểm tra đặc tính sinh dục thứ phát
- Khám mỏ vịt: quan sát cổ tử cung, âm đạo, âm hộ.
- Khám bằng tay: tình trạng tử cung, cổ tử cung, tìm u buồng trứng, chu cung.
- Xét nghiệm cận lâm sàng: siêu âm vùng chậu, xét nghiệm máu, soi cổ tử cung, phết tế bào âm đạo…
Khám kinh nguyệt không đều ở đâu?
Hiện nay có nhiều cơ sở khám phụ khoa uy tín. Bạn có thể lựa chọn tùy thuộc vào khu vực sinh sống, chất lượng dịch vụ của cơ sở y tế… Dưới đây là một số địa chỉ uy tín:
- Bệnh viện Hùng Vương: 128 Hồng Bàng, P12, Q5, TP.HCM.
- Bệnh viện Từ Dũ: 284 Cống Quỳnh, Quận 1, TPHCM.
- Bệnh viện Quốc Tế City: 3 Đường Số 17A, Bình Trị Đông B, Bình Tân, TP.HCM.
- Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park: 208 Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, Quận Bình Thạnh, TP.HCM.
- Phòng khám Đa khoa Saigon Healthcare: 45 Thành Thái, Phường 14, Quận 10, TP.HCM
- Phòng Khám Đa Khoa Vigor Health: Số 102A Trương Định, Phường 9, Quận 3, TP.HCM.
Cách chữa kinh nguyệt không đều7
Liệu pháp hormone
Bổ sung hormone estrogen và progesterone có thể giúp điều chỉnh kinh nguyệt. Nó cũng có thể làm đều kinh nguyệt hơn ở người có kinh thưa. Và dễ dàng kiểm soát hoặc giảm các triệu chứng của các bệnh như PCOS và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Điều trị sức khỏe tâm thần
Nếu kinh nguyệt không đều liên quan đến căng thẳng, lo âu, trầm cảm, bác sĩ có thể đề nghị hỗ trợ tâm lý. Đối với nhiều người, điều này thường liên quan đến liệu pháp trò chuyện với chuyên gia tâm lý.
Dùng thuốc
Tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản, người có kinh nguyệt không đều có thể được điều trị bằng thuốc. Chẳng hạn, bác sĩ có thể kê đơn metformin cho những người bị PCOS. Đây là một loại thuốc uống làm giảm insulin có thể giúp đảm bảo rụng trứng và kinh nguyệt đều đặn.
Tác hại của kinh nguyệt không đều
- Kinh nguyệt không đều làm thay đổi nội tiết tố có thể khiến nhan sắc thay đổi, nhất là những người trên 30 tuổi. Da xanh xao, thô ráp, dễ bị nám, tàn nhang, nổi mụn, lão hóa sớm.
- Thường xuyên mệt mỏi, cáu gắt, giảm trí nhớ, dễ mắc bệnh xương khớp.
- Hành kinh kéo dài gây mất máu nhiều gây thiếu máu, da niêm mạc nhợt, chóng mặt, thở nhanh, tim đập nhanh…
- Giảm khả năng thụ thai vì kinh nguyệt không đều dẫn đến hoạt động của buồng trứng bị thay đổi.
Cách phòng ngừa tình trạng kinh nguyệt không đều
Dưới đây là một số khuyến nghị để phòng ngừa chu kỳ kinh không đều: 5
- Duy trì lối sống lành mạnh bằng cách tập thể dục điều độ và chế độ ăn hợp lý. Tuy nhiên nên giảm các thói quen tập thể dục kéo dài hoặc cường độ cao. Các hoạt động thể thao quá sức có thể gây ra kinh nguyệt không đều.
- Đảm bảo rằng bạn nghỉ ngơi đầy đủ.
- Thực hiện các kỹ thuật giảm căng thẳng và thư giãn.
- Thay băng vệ sinh mỗi 4 – 6 giờ để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Thăm khám sản phụ khoa định kỳ.
Những câu hỏi thường gặp
Kinh nguyệt không đều có thai được không?
Phụ nữ có kinh nguyệt không đều vẫn có thể thụ thai được nhưng tỷ lệ sẽ giảm hơn ở người bình thường. Vì kinh nguyệt không đều phản ánh tình trạng buồng trứng kém hoạt động. Tuy nhiên khi thăm khám phát hiện nguyên nhân và điều trị kịp thời thì tỷ lệ thụ thai sẽ tăng lên đáng kể. 10
Cách thử thai đối với người kinh nguyệt không đều?
Như đã đề cập, có rất nhiều nguyên nhân khiến chu kỳ kinh không đều, trong đó có mang thai. Vậy khi bạn có kinh nguyệt không đều kèm theo một số dấu hiệu sớm của mang thai thì bạn có thể cân nhắc thử thai.
Một số dấu hiệu sớm mang thai là:
- Mệt mỏi, buồn nôn.
- Ngứa ran hoặc đau nhức ở vú.
- Tiểu nhiều hơn bình thường.
- Thay đổi ở vú và núm vú.
Cách thử thai khi kinh có dấu hiệu mang thai sớm:
- Que thử thai tại nhà.
- Xét nghiệm máu.
- Xét nghiệm nước tiểu.
Tuy nhiên xét nghiệm que thử thai tại nhà có thể âm tính giả. Tốt nhất để biết chính xác có mang thai không là xét nghiệm HCG trong máu và nước tiểu. 11
Cách tính ngày dự sinh khi kinh nguyệt không đều?
Sau khi được chẩn đoán có thai, bạn có thể tính ngày dự sanh theo quy tắc Naegele như sau: 12
Ngày dự sanh = (Ngày + 7) (Tháng – 3) (Năm + 1)
Trong đó, Ngày, Tháng, Năm được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt bình thường cuối cùng. Ngoài ra, quy tắc Naegele chỉ đúng với chu kỳ 28 ngày.
Phương pháp tính ngày dự sanh khác là dựa trên siêu âm. Hiện nay, nhiều bác sĩ thường kết hợp ngày dự sanh theo siêu âm và ngày dự sanh theo kinh cuối và tính sự chênh lệch để quyết định lấy ngày dự sanh theo phương pháp nào.
Kinh nguyệt không đều có màu đen/nâu đen là tình trạng gì?
Nếu máu kinh có màu đen ở những ngày đầu hoặc cuối kỳ hành kinh thì thường bình thường. Vì lúc này máu kinh xuất ra chậm và cần nhiều thời gian để ra khỏi cơ thể nên màu sắc thay đổi từ đỏ sang nâu hoặc đen. Tuy nhiên, nếu máu kinh đen đi kèm với một số dấu hiệu bất thường thì bạn nên đi khám. Vì có thể đây là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý.
Kinh nguyệt không đều nên ăn gì?
Chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể giúp điều hòa chu kỳ kinh đều đặn hơn. 13
- Nạp đủ carbohydrate (carb) trong khẩu phần ăn hàng ngày. Khuyến cáo từ 225 – 325 gram carb mỗi ngày.
- Hạn chế ăn quá nhiều chất xơ vì chất xơ có thể làm ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng. Khuyến cáo chỉ nên ăn 25 – 30 gram chất xơ mỗi ngày.
- Bổ sung đủ lượng chất béo. Nhất là chất béo không bão hòa. Chẳng hạn như cá hồi, quả óc chó, hạt lanh, dầu thực vật…
- Bổ sung thực phẩm chứa nhiều folate: gan bò, bông cải xanh, các loại đậu…
- Trái cây giúp bổ sung estrogen như dứa, đu đủ.
Phụ nữ đang cho con bú kinh nguyệt có đều không?
Thông thường sau khi sinh, kinh nguyệt sẽ thay đổi. Ở những người không cho con bú, thường có kinh sớm hơn người cho con bú. Vì chất prolactin có trong sữa mẹ làm thay đổi hoạt động của trục hạ đồi, tuyến yên khiến kinh nguyệt thay đổi. Phần lớn phụ nữ sau sinh sẽ có kinh lại từ 24 tuần sau đó. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp có kinh rồi lại vô kinh một vài tháng sau đó mới đều. 14
Trên đây là bài viết về chủ đề kinh nguyệt không đều. Hy vọng qua bài viết trên đã có thể giải đáp hết phần lớn thắc mắc của bạn về vấn đề này. Khi gặp phải tình trạng kinh nguyệt không đều, bạn nên cân nhắc đến nguyên nhân sinh lý và tìm cách khắc phục trước. Nếu chu kỳ không đều đặn trở lại, bạn có thể đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và tìm nguyên nhân để điều trị sớm nhất có thể.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Menstrual cycle: What's normal, what's nothttps://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/womens-health/in-depth/menstrual-cycle/art-20047186
Ngày tham khảo: 28/06/2022
- TS.BS Bùi Thị Phương Nga (2016). Bài giảng Sản Phụ Khoa Tập 2. NXB ĐHQG TP.HCM. Trang 63 - 73.
-
What are menstrual irregularities?https://www.nichd.nih.gov/health/topics/menstruation/conditioninfo/irregularities
Ngày tham khảo: 28/06/2022
-
Kinh nguyệt không đều - “nỗi ám ảnh” của phụ nữ và những điều cần biếthttps://suckhoedoisong.vn/kinh-nguyet-khong-deu-noi-am-anh-cua-phu-nu-va-nhung-dieu-can-biet-169195192.htm
Ngày tham khảo: 28/06/2022
-
Abnormal Menstruation (Periods)https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14633-abnormal-menstruation-periods
Ngày tham khảo: 28/06/2022
-
What causes menstrual cycles to change?https://www.medicalnewstoday.com/articles/322643
Ngày tham khảo: 28/06/2022
-
What to know about irregular periodshttps://www.medicalnewstoday.com/articles/178635
Ngày tham khảo: 28/06/2022
-
Kinh nguyệt không đều - Hiểu đúng để khắc phục hiệu quảhttps://suckhoedoisong.vn/kinh-nguyet-khong-deu-hieu-dung-de-khac-phuc-hieu-qua-169159297.htm
Ngày tham khảo: 28/06/2022
-
What causes a period to start and stop?https://www.medicalnewstoday.com/articles/326479#seeing-a-doctor
Ngày tham khảo: 28/06/2022
-
Getting Pregnant with Irregular Periods: What to Expecthttps://www.healthline.com/health/pregnancy/irregular-periods-and-pregnancy#TOC_TITLE_HDR_1
Ngày tham khảo: 28/06/2022
-
Early Pregnancy Symptomshttps://www.healthline.com/health/pregnancy/early-symptoms-timeline#when-to-take-a-test
Ngày tham khảo: 28/06/2022
- TS.BS Bùi Thị Phương Nga (2016). Bài giảng Sản Phụ Khoa Tập 1. NXB ĐHQG TPHCM. Trang 85 - 93.
-
How to Regulate Your Periods: 20 Tips and Trickshttps://www.healthline.com/health/how-to-regulate-periods#diet-changes
Ngày tham khảo: 28/06/2022
-
https://www.healthline.com/health/how-to-regulate-periods#diet-changeshttps://www.healthline.com/health/parenting/period-while-breast-feeding#What-Stops-Periods?
Ngày tham khảo: 28/06/2022