Làm thế nào để điều trị đau đùi dị cảm?
Nội dung bài viết
Đau đùi dị cảm là một tình trạng với cảm giác châm chích, tê bì và bỏng rát ở mặt ngoài đùi. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự chèn ép nhánh thần kinh cảm giác. Thần kinh này chi phối vùng mặt ngoài đùi, do đó gây nên các triệu chứng dị cảm. Hãy cùng YouMed tìm hiểu về tình trạng này nhé.
Tổng quan
Như đã đề cập, tình trạng đau đùi dị cảm là do sự chèn ép thần kinh cảm giác. Sự chèn ép này có thể do mặc quần áo chật chội, béo phì hay do đang mang thai. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đau đùi dị cảm này có thể do chấn thương tại chỗ hay các bệnh lý như đái tháo đường.
Hầu hết các trường hợp đau đùi dị cảm có thể điều trị bảo tồn đơn giản. Điều này có nghĩa là chỉ cần mặc quần áo rộng là đã có thể giúp giảm bớt cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, một số trường hợp nặng cần phải điều trị với thuốc. Phẫu thuật ngoại khoa cũng là một phương pháp điều trị.
1. Làm thế nào để biết đây là triệu chứng của đau đùi dị cảm?
Nhánh thần kinh bì đùi ngoài là nhánh chi phối cảm giác vùng mặt ngoài đùi. Khi nhánh thần kinh này bị tổn thương sẽ gây ra các triệu chứng. Biểu hiện của dị cảm thường là:
- Cảm giác châm chích hay tê bì ở mặt ngoài đùi.
- Cảm giác bỏng rát trên bề mặt ở mặt ngoài đùi.
Các triệu chứng này thường xuất hiện ở một bên. Chúng cũng thường nặng lên sau khi bạn đứng hay đi lại lâu. Tuy nhiên, sự dị cảm này không làm ảnh hưởng đến vận động cơ.
Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ?
Mặc dù các biểu hiện của đau đùi dị cảm có thể nhẹ nhàng, bạn cũng nên đi khám bác sĩ. Việc chẩn đoán sớm giúp giảm sự ảnh hưởng của tình trạng này lên cuộc sống của bạn. Vì vậy, ngay khi thấy các triệu chứng dị cảm như trên, hãy đi khám để được hỗ trợ nhé.
>> Đọc thêm: Chấn thương gân cơ đùi sau có nguy hiểm không?
2. Nguyên nhân gì gây ra đau đùi do dị cảm?
Tình trạng dị cảm này là do sự chèn ép nhánh thần kinh. Khi nhánh thần kinh này bị chèn ép hoặc kéo căng, vùng da đùi sẽ xuất hiện những cảm giác khó chịu như đã mô tả ở trên.
Ở người bình thường, dây thần kinh này đi qua vùng bẹn rất tự nhiên. Tuy nhiên, ở những người có đau đùi dị cảm, nhánh thần kinh này bị vướng hay kẹt ở bên dưới dây chằng bẹn. Đây là một dây chằng chạy ngang nếp bẹn. Khi đó, nó sẽ chèn ép vào dây thần kinh, kéo căng và gây ra sự tê bì, bỏng rát vùng đùi.
Những nguyên nhân thường gặp làm chèn ép vào dây thần kinh:
- Mặc quần áo quá chật, như thắt lưng, áo nịt, hay quần bó chật.
- Tình trạng béo phì, thừa cân.
- Mang theo một dây đai nặng ở lưng (như dây đai lưng của các thợ sửa chữa).
- Mang thai.
- Mô sẹo ở gần vùng dây chằng bẹn do chấn thương hay phẫu thuật trước đó.
Các thương tổn của dây thần kinh cũng có thể dẫn đến tình trạng này. Tổn thương có thể gặp trong một vài bệnh lý như đái tháo đường. Ngoài ra, chấn thương khi thắt dây an toàn trong tai nạn xe cũng có thể gây tổn thương thần kinh.
Các nguy cơ nào gây ra đau đùi dị cảm?
Các yếu tố được liệt kê sau làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Dư cân. Thừa cân, béo phì làm tăng áp lực lên dây thần kinh bị chèn ép.
- Phụ nữ mang thai. Bụng to làm ảnh hưởng đến vùng bẹn. Dây thần kinh đi qua nếp bẹn nên bị chèn ép.
- Đái tháo đường. Bệnh tiểu đường có liên quan với tổn thương của dây thần kinh.
- Tuổi. Thường tuổi mắc bệnh là từ 30 đến 60.
3. Cách chẩn đoán đau đùi do dị cảm
Hầu hết trường hợp, bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng này dựa vào câu hỏi và khám bệnh. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn mô tả cảm giác đau ở đùi. Đôi khi, một số xét nghiệm để đánh giá cảm giác vùng da bị bất thường cần được thực hiện.
Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn khoanh vùng bị tê bì, bỏng rát lại. Để loại trừ các bệnh lý khác, bạn cũng có thể làm thêm các xét nghiệm về phản xạ gân xương hay sức cơ.
Dưới đây là một số xét nghiệm bạn có thể làm để chẩn đoán bệnh:
- Các xét nghiệm hình ảnh học. Các phim chụp vùng đùi hay chậu giúp loại trừ các tổn thương khác nếu có. Đau đùi dị cảm thường không có bất thường nào hiện diện trên phim X quang. Tuy nhiên, nếu bác sĩ nghĩ đến nguyên nhân đau là do u, bạn có thể cần chụp thêm CT scan hoặc MRI.
- Điện cơ. Đây là một xét nghiệm để đánh giá cơ và thần kinh của bạn. Nó giúp bác sĩ xem xét hoạt động cơ cũng như chức năng của các sợi thần kinh. Trong đau đùi dị cảm, kết quả điện cơ là không có bất thường. Tuy nhiên, xét nghiệm này giúp loại trừ một số bệnh khác về thần kinh – cơ khác.
- Khảo sát khả năng dẫn truyền thần kinh. Bạn sẽ được đặt các điện cực nhỏ trên da để khảo sát sự đáp ứng co cơ. Từ đó giúp chẩn đoán các bệnh lý làm tổn thương dây thần kinh.
- Chẹn thần kinh. Đây là một nghiệm pháp giúp chẩn đoán bệnh đau đùi dị cảm. Khi tiêm thuốc giảm đau vào dây thần kinh, nó sẽ làm giảm nhanh triệu chứng bỏng rát và tê bì. Khi đó, bác sĩ có thể xác định nguyên nhân các triệu chứng của bạn là do sự chèn ép thần kinh. Siêu âm giúp hướng dẫn chọc kim vào đúng vị trí của dây thần kinh.
4. Điều trị đau đùi dị cảm như thế nào?
Hầu hết trường hợp đau đùi dị cảm sẽ tự hết trong khoảng vài tuần. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cần điều trị để giúp giảm cảm giác khó chịu. Việc điều trị sẽ nhắm vào giải quyết sự chèn ép dây thần kinh, giúp giảm bớt triệu chứng.
Các biện pháp điều trị bảo tồn
- Mặc quần áo lỏng, rộng, thoải mái. Điều này giúp giảm đè ép lên dây thần kinh.
- Giảm cân và giữ cân nặng lý tưởng. Việc giảm cân đem lại nhiều hiệu quả, không chỉ ở bệnh đau đùi dị cảm mà còn nhiều vấn đề sức khoẻ khác. Hãy thiết lập một chế độ ăn và vận động phù hợp.
>> Hãy giảm cân một cách có khoa học để đảm bảo sức khỏe cho chính mình. Tham khảo thêm bài viết: Hướng dẫn cách lên thực đơn giảm cân tại nhà hiệu quả.
- Sử dụng các thuốc giảm đau. Bạn có thể tự mua các thuốc giảm đau không cần kê toa. Chúng giúp làm giảm cảm giác khó chịu cho bạn. Một số loại thuốc có thể sử dụng như acetaminophen, ibruprofen hay aspirin. Tuy nhiên, hãy lưu ý đến các tác dụng phụ của thuốc nhé.
Điều trị với thuốc kê toa
Nếu các triệu chứng của bạn kéo dài hơn 2 tháng hoặc khi cảm thấy đau nhiều, bạn có thể cần phải đi khám và điều trị thuốc. Các loại thuốc sau có thể được sử dụng:
- Thuốc corticosteroid đường tiêm. Đây là loại thuốc giúp ức chế miễn dịch. Nó giúp hạn chế phản ứng viêm và giảm đau tạm thời. Tuy nhiên, thuốc cũng có một số tác dụng phụ. Bạn có thể có viêm khớp, tổn thương thần kinh hay cảm giác khó chịu tại vùng tiêm.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng. Các thuốc này có tác dụng làm giảm đau. Tuy nhiên, nhóm thuốc này cũng có một số ảnh hưởng đáng lưu ý. Các tác dụng phụ có thể gặp như buồn ngủ, khô miệng, táo bón hay giảm chức năng tình dục. Hãy trao đổi với bác sĩ ngay nếu bạn có những vấn đề này nhé.
- Gabapentin, phenytoin và pregabalin. Đây là các thuốc chống động kinh. Chúng có thể giúp bạn kiểm soát cơn đau và tê bì. Hãy lưu ý đến một số tác dụng phụ như táo bón, buồn nôn, chóng mặt hay buồn ngủ khi sử dụng chúng.
Điều trị phẫu thuật
Trong những trường hợp hiếm, phẫu thuật có thể được thực hiện. Cuộc mổ giúp loại bỏ sự chèn ép lên dây thần kinh, từ đó làm mất triệu chứng bỏng rát khó chịu. Biện pháp này chỉ được dùng khi tình trạng đau đùi dị cảm kéo dài và không đáp ứng với điều trị.
5. Bạn có thể tự điều trị bệnh tại nhà không?
Điều này là hoàn toàn có thể nếu bạn chỉ có biểu hiện nhẹ. Dưới đây là một vài mẹo nhỏ giúp bạn điều trị tài nhà:
- Tránh mặc quần áo bó sát, chật chội. Hãy giảm áp lực lên vùng đùi, nơi thần kinh bị chèn ép. Điều này sẽ giúp giảm các triệu chứng của bạn một cách đáng kể đấy.
- Duy trì cân nặng phù hợp. Nếu bạn béo phì hay thừa cân, hãy giảm cân để có cân nặng phù hợp. Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng đau đùi dị cảm và nhiều bệnh khác.
Đau đùi dị cảm là một tình trạng do chèn ép dây thần kinh. Bệnh thường nhẹ và có thể điều trị tại nhà. Trên đây, YouMed đã cung cấp một vài thông tin cơ bản để giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này. Hãy thử làm theo những mẹo nhỏ mà YouMed cung cấp nhé. Tuy nhiên, khi các triệu chứng của bạn trở nên nặng nề hay dai dẳng, hãy đi khám ngay để nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Meralgia parestheticahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/meralgia-paresthetica/symptoms-causes/syc-20355635
Ngày tham khảo: 27/08/2020