Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung: giải đáp các thắc mắc thường gặp
Nội dung bài viết
Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là một bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể dự phòng và phát hiện sớm. Do đó, để phòng ngừa và điều trị kịp thời, các chị em phụ nữ nên định kỳ thực hiện các xét nghiệm để tầm soát ung thư cổ tử cung. Hãy cùng Bác sĩ Sản Phụ khoa Trần Thế Minh tìm hiểu rõ hơn qua các câu hỏi trong bài viết dưới đây nhé.
Vì sao nên xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung?
Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể dự phòng và phát hiện sớm bệnh. Thời gian để hình thành và phát triển tổn thương giai đoạn tiền ung thư cổ tử cung tương đối dài, cộng với các yếu tố nguyên nhân và nguy cơ đã được xác định rõ ràng. Ngoài ra, cổ tử cung là một bộ phận dễ tiếp cận trực tiếp để thăm khám, lấy bệnh phẩm và thực hiện các can thiệp điều trị. Do đó, hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung có thể được dự phòng và kiểm soát thông qua việc sàng lọc, phát hiện sớm cũng như điều trị các tổn thương tiền ung thư.
Thống kê cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ mắc ung thư cổ tử cung cao ở phụ nữ Việt Nam là do phụ nữ vẫn chưa được định kỳ sàng lọc ung thư cổ tử cung cũng như chưa có hệ thống phát hiện sớm ung thư cổ tử cung bằng các xét nghiệm thích hợp. Do đó, để phòng ngừa và điều trị kịp thời, phụ nữ nên thực hiện định kỳ các xét nghiệm để tầm soát bệnh ung thư cổ tử cung.1
Các loại xét nghiệm ung thư cổ tử cung
Để sàng lọc ung thư cổ tử cung, có thể thực hiện các xét nghiệm tế bào cổ tử cung hàng loạt, quan sát cổ tử cung với acid acetic (VIA) hoặc với dung dịch Lugol (VILI), và xét nghiệm HPV. Các xét nghiệm này có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc phối hợp với nhau.1
1. Xét nghiệm tế bào cổ tử cung
Đây là phương pháp thông dụng nhất được dùng để sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung. Đặc điểm của phương pháp này là: độ nhạy khá, có thể thực hiện lặp lại nhiều lần và được chứng minh hữu hiệu trong việc giảm tỉ lệ ung thư xâm lấn cổ tử cung ở các nước phát trước. Nữ giới muốn thực hiện xét nghiệm này cần phải thỏa những điều kiện sau:1
- Phụ nữ đã quan hệ tình dục, nhất là trong độ tuổi từ 30 – 50.
- Hiện đang không mang thai.
- Không thực hiện rửa sâu trong âm đạo trước khi thực hiện xét nghiệm.
- Không điều trị các bệnh về phụ khoa trong vòng ít nhất 7 ngày trước khi làm xét nghiệm.
- Không thực hiện phá thai hoặc bị sẩy thai trong vòng 20 ngày trước khi xét nghiệm.
- Không bị viêm phần phụ cấp, viêm âm đạo cấp.
- Không thực hiện xét nghiệm khi đang hành kinh.
Xét nghiệm sẽ được thực hiện lặp lại trong trường hợp mẫu bệnh phẩm thu được có quá ít tế bào, không lấy được tế bào ở vùng chuyển tiếp hoặc tế bào quá dày, chồng chất lên nhau,… Xét nghiệm sẽ được thực hiện bằng cách lấy bệnh phẩm bằng phương pháp tế bào học cổ điện hoặc phương pháp tế bào học nhúng dịch, sau đó bệnh phẩm sẽ được nhuộm và đánh giá kết quả, phân loại phiến đồ theo Danh pháp Bethesda.1
2. Xét nghiệm HPV
Xét nghiệm HPV có thể được dùng như xét nghiệm sàng lọc sơ cấp riêng biệt hoặc phối hợp với các phương pháp khác để phát hiện các tuýp HPV có nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung. Đây là một xét nghiệm có độ nhạy cao và giá trị dự báo âm tính cao. Nếu xét nghiệm cho kết quả âm tính, nghĩa là gần như không có nguy cơ hình thành những tổn thương tiền ung thư cổ tử cung (CIN III) trong vòng 5 năm sau đó. Do đó, giúp giãn khoảng cách và số lần sàng lọc cho nữ giới. Điều kiện để thực hiện xét nghiệm HPV như sau:1
- Nữ giới trong độ tuổi từ 25 – 65 tuổi, đã từng quan hệ tình dục.
- Không có tình trạng viêm phần phụ cấp, viêm âm đạo cấp.
- Nữ giới đang trong thời kỳ hành kinh.
Việc thực hiện sàng lọc phối hợp xét nghiệm HPV và xét nghiệm tế bào tử cung có thể giúp tăng độ đặc hiệu trong phát hiện các tổn thương tiền ung thư mức độ 2 và 3 so với chỉ thực hiện xét nghiệm HPV đơn thuần. Việc thực hiện xét nghiệm có thể thông qua các kĩ thuật như PCR và Realtime-PCR, kĩ thuật định týp từng phần, xét nghiệm ARN thông tin của HPV, protein E6 HPV,…1
3. Quan sát cổ tử cung với acid acetic (VIA)
Đây được xem là phương pháp để bổ sung hoặc thay thế ở những nơi không thực hiện được xét nghiệm tế bào học. Ở những vùng biểu mô bất thường sẽ nhận thấy hình ảnh trắng do sự đông vón protein tế bào gây ra bởi dung dịch acid acetic 3 – 5%. VIA là một phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, thích hợp trong việc sàng lọc và phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm này được áp dụng đối với phụ nữ từ 21 – 65 tuổi đã từng quan hệ tình dục và có thể quan sát được vùng chuyển tiếp. Ưu tiên thực hiện xét nghiệm đối với nữ giới trong độ tuổi từ 30 – 50.1
4. Quan sát cổ tử cung với Lugol (VILI)
VILI dựa trên nguyên lý glycogen trong biểu mô vảy nguyên thủy và biểu mô dị sản vảy trưởng thành của cổ tử cung bắt màu với iod có trong dung dịch Lugol. Với các biểu mô dị sản vảy mới hình thành, mô tiền ung thư và ung thư cổ tử cung không chứa hoặc chứa lượng rất nhỏ glycogen, nên sẽ không bắt màu hoặc bắt màu không đáng kể với dung dịch Lugol nên sẽ chỉ có màu vàng nhạt trên biểu mô. VILI là một xét nghiệm có độ đặc hiệu cao nhưng độ nhạy lại thấp trong phát hiện tổn thương. Xét nghiệm này thường được áp dụng cho phụ nữ từ 21 đến 65 tuổi, nhất là trong giai đoạn từ 30 – 50 tuổi đã từng quan hệ tình dục và có thể quan sát được toàn bộ vùng chuyển tiếp. Việc thực hiện VILI có thể riêng lẻ hoặc phối hợp với xét nghiệm VIA.1
Nên làm gì khi có kết quả xét nghiệm ung thư cổ tử cung bất thường?
Trong trường hợp có kết quả bất thường khi xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung, bác sĩ thường sẽ chỉ định thực hiện các phương pháp chẩn đoán để xác định rõ nguyên nhân gây ra các bất thường đó.
Một số phương pháp chẩn đoán thường được sử dụng có thể kể đến như: soi cổ tử cung, sinh thiết cổ ngoài, nạo ống cổ tử cung,… Tuy nhiên, không phải lúc nào các bất thường ở các tế bào cũng sẽ dẫn đến ung thư, trong nhiều trường hợp, các tế bào này có thể trở lại bình thường. Do đó, cần được theo dõi và kiểm tra thường xuyên trong suốt quá trình này.
Khi nào nên xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung? Xét nghiệm bao nhiêu lâu một lần?
Việc tầm soát ung thư cổ tử cung nên được thực hiện đối với nữ giới trong độ tuổi từ 21 đến 65 tuổi, đã từng quan hệ tình dục. Trong đó, ưu tiên thực hiện xét nghiệm tầm soát đối với phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ trong độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi. Tùy theo từng độ tuổi và từng loại xét nghiệm mà sẽ có phác đồ tầm soát ung thư cổ tử cung khác nhau:1
- Phương pháp VIA/VILI: chỉ áp dụng đối với phụ nữ có thể quan sát được vùng chuyển tiếp cổ tử cung.
- Xét nghiệm HPV: thực hiện tập trung cho phụ nữ từ 25 đến 65 tuổi. Xét nghiệm sàng lọc được thực hiện định kỳ mỗi 3 năm.
Khi nào nên ngừng sàng lọc ung thư cổ tử cung?
Việc sàng lọc ung thư cổ tư cung không nhất định phải thực hiện liên tục mãi mãi, mà thời gian thực hiện có thể thay đổi tùy theo từng trường hợp như sau:1
Đối với nữ giới trong độ tuổi từ 21 đến 65 tuổi
Việc sàng lọc ung thư cổ tư cung được thực hiện theo phác đồ, nếu sau khi thực hiện liên tiếp 3 lần xét nghiệm để sàng lọc cho kết quả âm tính, có thể giãn khoảng cách sàng lọc định kỳ 1 đến 2 năm.
Đối với phụ nữ trên 65 tuổi
Với đối tượng này, có thể ngừng sàng lọc ung thư cổ tử cung nếu thỏa điều kiện sau:
- Có ít nhất 3 lần xét nghiệm sàng lọc cho kết quả âm tính hoặc ít nhất 2 lần thực hiện sàng lọc đồng thời cả 2 phương pháp tế bào học và xét nghiệm HPV đều cho kết quả âm tính.
- Không có bất kỳ kết quả xét nghiệm bất thường nào trong vòng 10 năm trước đó.
- Đã thực hiện cắt tử cung toàn phần vì bệnh lý lành tính.
Đã phẫu thuật cắt tử cung thì có cần tầm soát ung thư cổ tử cung không?
Việc này sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân cắt tử cung, có cắt bỏ cổ tử cung hay không và có bất thường tế bào tử cung nặng hoặc bị ung thư cổ tử cung trước đó hay không. Trong nhiều trường hợp, dù đã cắt tử cung hoàn toàn, kể cả cổ tử cung, một số tế bào cổ tử cung vẫn có khả năng hiện diện tại phần đỉnh âm đạo. Vì vậy, phụ nữ nếu đã từng có tiền sử mắc ung thư cổ tử cung hoặc có bất thường tế bào cổ tử cung mức độ nặng, vẫn nên thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ, ít nhất trong vòng 20 năm sau khi làm phẫu thuật.2
Tầm soát ung thư cổ tử cung có đau không?
Việc tầm soát ung thư cổ tử cung thường không gây ra cảm giác đau, mà chỉ có cảm giác hơi khó chịu nhẹ khi đưa các dụng cụ vào cổ tử cung để lấy mẫu bệnh phẩm và thường sẽ hết sau khi thực hiện xong xét nghiệm. Do đó, không cần quá lo lắng việc tầm soát sẽ khiến người phụ nữ cảm thấy đau đớn hay không.
Sau khi làm xét nghiệm ung thư cổ tử cung có hoạt động bình thường được không?
Sau khi thực hiện xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung, người nữ vẫn có thể vận động, sinh hoạt, ăn uống như bình thường. Trong một số trường hợp ít gặp, âm đạo có thể bị chảy máu. Nhưng đây là một hiện tượng bình thường nên không cần phải quá lo lắng về vấn đề này. Nếu chảy máu quá nhiều, hãy thông báo ngay với bác sĩ để được kiểm tra kĩ hơn.
Cần lưu ý gì trước khi xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung?
Khi thực hiện xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung, người nữ cần lưu ý những điểm sau đây:
- Không thực hiện xét nghiệm tầm soát khi đang có kinh nguyệt.
- Không bôi kem, đặt thuốc âm đạo hoặc sử dụng các thuốc điều trị bệnh về âm đạo trong vòng 48 tiếng trước khi thực hiện xét nghiệm.
- Tránh không quan hệ tình dục trong 48 tiếng trước khi làm xét nghiệm.
- Không hút thuốc và sử dụng đồ uống có cồn trong 24 tiếng trước khi làm xét nghiệm.
Các gói tầm soát ung thư cổ tử cung bao gồm những gì?
Việc làm các xét nghiệm sàng lọc, phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu của tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn sớm, giúp tăng cơ hội điều trị thành công. Khi đi khám phụ khoa định kỳ và làm các xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung, sẽ gồm các bước sau:
- Thăm khám phụ khoa.
- Soi cổ tử cung, có thể kèm theo chấm dung dịch Lugol hoặc acid acetic, với mục đích phát hiện sớm các bất thường tại cổ tử cung.
- Tiến hành thực hiện xét nghiệm Pap – một xét nghiệm đơn giản nhằm phát hiện các thay đổi bất thường trên tế bào ở cổ tử cung.
- Thực hiện xét nghiệm HPV: giá trị cao trong sàng lọc ung thư cổ tử cung.
- Sinh thiết cổ tử cung: trong trường hợp nhận thấy các dấu hiệu bất thường khi soi cổ tử cung hoặc phát hiện các tế bào bất thường khi làm xét nghiệm Pap smear.
- Một số các xét nghiệm khác cũng có thể được thực hiện như: siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu,…
Tầm soát ung thư cổ tử cung ở đâu? Giá bao nhiêu?
Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung là một phương pháp chẩn đoán, nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời ở phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung. Hiện nay, số lượng đơn vị thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung rất nhiều. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng đảm bảo chất lượng.
Tại khu vực phía Nam, có thể thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung tại các bệnh viện lớn như: bệnh viện Từ Dũ, Nhân Dân 115, Chợ Rẫy,… với mức chi phí trong dao động khoảng từ 950.000 – 2.500.000 VNĐ.
Trong bài viết “Tầm soát ung thư cổ tử cung giá bao nhiêu? Thực hiện ở đâu?“, YouMed sẽ trình bày chi tiết hơn thông tin về các đơn vị uy tín có thực hiện xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung cũng như bảng giá của từng đơn vị. Bạn đọc có thể tham khảo bài viết trên để có những lựa chọn phù hợp cho mình nhé!
Qua bài viết này, hy vọng đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin hữu ích về việc tầm soát ung thư cổ tử cung. Việc tầm soát sớm và định kỳ ung thư cổ tử cung sẽ giúp phát hiện sớm các bất thường và giúp đưa ra được cách xử trí kịp thời.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Bộ Y tế (2018). Hướng dẫn dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung của Bộ Y tế.http://canhgiacduoc.org.vn/SiteData/3/UserFiles/HDQD%20VE%20DAI%20THAO%20DUONG%20THAI%20KY.pdf
Ngày tham khảo: 26/10/2022
-
Tầm soát ung thư cổ tử cung: Đừng để quá muộnhttps://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-phu-nu/benh-phu-khoa/tam-soat-ung-thu-co-tu-cung-dung-de-qua-muon/
Ngày tham khảo: 26/10/2022