YouMed

Liều dùng vitamin B6: Dùng sai coi chừng tai hại!

Dược sĩ NGUYỄN NGỌC SƠN
Tác giả: Dược sĩ Nguyễn Ngọc Sơn
Chuyên khoa: Dược

Vitamin B6 đóng một vai trò thiết yếu trong cơ thể. Sử dụng vitamin B6 như thế nào là đúng, liều dùng vitamin B6 như thế nào là đủ? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây để bổ sung kiến thức cho mình nhé!

1. Vai trò của vitamin B6?

Vitamin B6 là 1 trong 8 loại vitamin nhóm B. Vitamin B6 cần thiết cho sự chuyển hóa đường, chất béo và protein trong cơ thể. Nó cũng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trí não, dây thần kinh và nhiều bộ phận khác.

Cụ thể, tác dụng của vitamin B6 bao gồm:

  • Tạo kháng thể, tăng cường hệ miễn dịch để chống lại nhiều bệnh tật;
  • Duy trì chức năng thần kinh bình thường;
  • Tạo hemoglobin, giúp mang oxy đến các cơ quan. Do đó, thiếu vitamin B6 có thể dẫn đến thiếu máu;
  • Bảo vệ tim mạch;
  • Giữ đường huyết ở mức bình thường.
Các thực phẩm giàu vitamin B6
Các thực phẩm giàu vitamin B6

Vitamin B6 được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như ngũ cốc, đậu, rau, gan, thịt và trứng. Ngoài ra, chúng thường được kết hợp với các vitamin nhóm B khác trong các sản phẩm vitamin B phức hợp.

2. Liều dùng vitamin B6

Vitamin B6 được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị bệnh thiếu vitamin B6 và bệnh thiếu máu liên quan thiếu vitamin B6. Nó cũng được sử dụng cho các bệnh tim mạch, hội chứng tiền kinh nguyệt, trầm cảm và nhiều bệnh chứng khác.

Liều dùng vitamin B6 cho các bệnh cụ thể đã được nghiên cứu như sau:

  • Thiếu máu tăng nguyên bào sắt (thiếu máu sử dụng sắt): Ban đầu, uống 200 – 600 mg vitamin B6, sau đó giảm xuống còn 30 – 50 mg mỗi ngày nếu đáp ứng đầy đủ.
  • Thiếu vitamin B6: Ở hầu hết người lớn, liều thông thường là 2,5 – 25 mg mỗi ngày trong 3 tuần, sau đó dùng 1,5 – 2,5 mg mỗi ngày. Ở phụ nữ dùng thuốc tránh thai, liều dùng là 25 – 30 mg mỗi ngày.
  • Tăng homocysteine ​​máu (hyperhomocysteinemia): Để giảm homocysteine ​​sau bữa ăn, dùng 50 – 200 mg vitamin B6. Ngoài ra, có thể sử dụng 100 mg vitamin B6 phối hợp với 0,5 mg axit folic.
  • Thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (bệnh về mắt dẫn đến mất thị lực ở người lớn tuổi): Dùng liều 50 mg vitamin B6 ở dạng pyridoxine phối hợp với 1000 mcg vitamin B12 (cyanocobalamin) và 2500 mcg folic axit trong khoảng 7 năm.
  • Xơ vữa động mạch: Có thể sử dụng chế phẩm bổ sung Kyolic của Wakunga. Trong đó chứa 250 mg tỏi, 100 mcg vitamin B12, 300 mcg axit folic, 12,5 mg vitamin B6, và 100 mg L-arginine.
  • Sỏi thận: Dùng 25 – 500 mg vitamin B6 hàng ngày. Đối với trẻ từ 5 tuổi trở lên, liều dùng có thể là 20 mg/kg mỗi ngày.
  • Ốm nghén: Dùng liều 10 – 25 mg vitamin B6 uống 3 – 4 lần/ngày. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng các chế phẩm phối hợp gồm vitamin B6 và doxylamine (Diclectin) hoặc phối hợp giữa vitamin B6, B12 và axit folic (PremesisRx).
  • Hội chứng tiền kinh nguyệt (ủ rũ, uể oải,…): Uống 50 – 100 mg vitamin B6 hàng ngày, hoặc phối hợp với 200 mg magiê.
  • Rối loạn vận động thường do thuốc chống loạn thần (rối loạn vận động chậm phát triển): Uống 100 mg vitamin B6 mỗi ngày, tăng liều hàng tuần lên đến 400 mg mỗi ngày, chia làm hai lần uống.
  • Co giật: Tiêm bắp hoặc tiêm truyền tĩnh mạch. Dùng liều 10-100 mg vitamin B6 được khuyến cáo cho các trường hợp co giật ở trẻ sơ sinh phụ thuộc vào vitamin B6.
Liều dùng vitamin B6
Liều dùng vitamin B6

3. Ngộ độc vitamin B6

Chế độ ăn uống được khuyến nghị hàng ngày (RDA) của vitamin B6 là:

  • Trẻ sơ sinh – 6 tháng: 0,1 mg;
  • 7 tháng – 1 năm: 0,3 mg;
  • 1 – 3 năm: 0,5 mg;
  • 4 – 8 năm: 0,6 mg;
  • 9 – 13 năm: 1 mg;
  • 14 – 18 tuổi (nam): 1,3 mg; (nữ): 1,2 mg;
  • 19 – 50 tuổi (cả nam lẫn nữ): 1,3 mg;
  • 51 tuổi trở lên (nam): 1,7 mg; (nữ): 1,5 mg;
  • Phụ nữ mang thai/cho con bú: 1,9 mg.

Cách tốt nhất để bổ sung đủ nhu cầu vitamin là ăn một chế độ ăn uống cân bằng. Tuy nhiên, nếu bạn bổ sung thêm các thực phẩm chức năng, thuốc có chứa vitamin B6 liều rất cao (trên 1 g/ngày) trong thời gian dài, việc ngộ độc có thể xảy ra. Các tác hại của việc thừa vitamin B6 bao gồm:

  • Bệnh thần kinh ở bàn chân và bàn tay;
  • Mất kiểm soát các chuyển động của cơ thể;
  • Buồn nôn, nôn.

Các triệu chứng thường giảm dần sau khi ngừng dùng liều cao.

Tình trạng thiếu vitamin B6
Tình trạng thiếu vitamin B6

Liều dùng vitamin B6 tối đa hàng ngày không gây tác dụng phụ cho người từ 19 tuổi trở lên là 100 mg/ngày, và thấp hơn đối với trẻ em và thanh thiếu niên.

4. Các lưu ý khi bổ sung vitamin B6

Khi sử dụng thuốc vitamin B6 để điều trị các tình trạng trên, ngoài lưu ý về liều dùng vitamin B6, bạn cần phải để ý ngưng các thuốc sau đây để tránh tương tác thuốc:

3.1. Không dùng vitamin B6 với

Phenytoin: Vitamin B6 có thể làm tăng tốc độ cơ thể phân hủy phenytoin, làm giảm hiệu quả của phenytoin. Do đó, tăng khả năng co giật. Không dùng liều lượng lớn vitamin B6 nếu bạn đang dùng phenytoin.

3.2. Hãy thận trọng khi kết hợp vitamin B6 với

  • Amiodarone: Sử dụng cùng với vitamin B6 có thể làm tăng khả năng bị cháy nắng, phồng rộp hoặc phát ban trên những vùng da tiếp xúc với ánh nắng. Nhớ mặc áo chống nắng và quần áo bảo vệ khi phơi nắng.
  • Thuốc điều trị cao huyết áp (thuốc hạ huyết áp): Vitamin B6 có khả năng làm tăng thêm tác dụng hạ huyết áp của thuốc hạ áp. Một số loại thuốc hạ huyết áp bao gồm captopril, enalapril, losartan, valsartan, diltiazem, amlodipine, hydrochlorothiazide, furosemide…
  • Phenobarbital: Vitamin B6 có thể làm tăng tốc độ cơ thể phân hủy phenobarbital. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của nó.
  • Các loại thảo mộc và chất bổ sung: Sử dụng cùng với vitamin B6 có thể làm tụt huyết áp. Các loại thảo mộc, chất bổ sung này bao gồm: xuyên tâm liên, móng mèo, dầu cá, cây tầm ma, và những loại khác.

Ngoài ra, vitamin B6 không có tương tác với các loại thực phẩm thông thường khác.

Trên đây là những thông tin về liều dùng vitamin B6, cũng như những lưu ý về các thuốc cần tránh khi sử dụng vitamin B6. Hy vọng bạn có thể sử dụng vitamin B6 một cách hiệu quả và chính xác nhất có thể.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://medlineplus.gov/druginfo/natural/934.html
  2. https://medlineplus.gov/ency/article/002402.htm

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người