Mỏm gai xương bả vai: cách nhận biết và điều trị
Nội dung bài viết
Mỏm gai xương bả vai là một bệnh lý ít được nhiều người biết đến. Đây là tình trạng có thể làm hạn chế vận động của các khớp xương bả vai, cũng như gây đau nhức dữ dội cho người bệnh. Vậy mỏm gai xương bả vai là bệnh gì? Nó gây ảnh hưởng gì đến cuộc sống hằng ngày? Dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân, chẩn đoán cũng như điều trị chúng ra sao? Bài viết sau đây của Bác sĩ Hứa Minh Luân sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ những thông tin về tình trạng này. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé!
Mỏm gai xương bả vai là gì?
Mỏm gai xương bả vai là hiện tượng lắng đọng của canxi tại gân dẫn đến hình thành nên các chồi gai ở đầu các khớp xương. Các chồi gai này chèn ép lên các mô và các dây thần kinh xung quanh. Gây hạn chế vận động vùng khớp vai cũng như gây đau dữ dội cho người bệnh.1
Xem thêm: Đau khớp vai: Triệu chứng có đáng lo ngại?
Mỏm gai xương bả vai gây ảnh hưởng gì?
Đa số các trường hợp mỏm gai xương bả vai ít gây đau và không gây nguy hiểm nhiều cho người bệnh. Tuy nhiên, cũng có trường hợp khiến bệnh nhân đau đớn dữ dội và gây ra các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Dưới đây là các hậu quả thường gặp khi bị mỏm gai xương bả vai:1
- Nếu không điều trị, lâu ngày, gai xương sẽ phát triển lớn dần, chèn ép các mô và dây chằng xung quanh khiến bệnh nhân đau dữ dội.
- Vùng vai là nơi có nhiều dây thần kinh đi qua. Chính vì thế các gai xương dễ chèn ép làm tổn thương các dây thần kinh, dẫn đến hiện tượng tê bì, mất cảm giác ở vùng cánh tay và bàn tay. Có trường hợp tổn thương thần kinh ở vùng vai vĩnh viễn.
- Ngoài ra nơi đây cũng có nhiều mạch máu. Các mạch máu xung quanh cũng có khả năng bị ảnh hưởng khiến tình trạng lưu thông máu không được tốt.
Dấu hiệu mỏm gai xương bả vai
Đa số các trường hợp mỏm gai xương bả vai không có triệu chứng. Tuy nhiên nếu mỏm gai gây chèn ép các mô xung quanh sẽ gây ra các triệu chứng như:1 2
- Có cảm giác đau nhức vùng vai. Cơn đau có thể lan xuống cánh tay, bàn tay hoặc lan lên vùng gáy. Cơn đau sẽ tăng lên khi vận động nhiều vùng vai và giảm đi khi bạn nghỉ ngơi. Đau vùng xương bả vai có xu hướng đau nhiều vào ban đêm. Đặc biệt khi bạn nằm nghiêng về phía vùng vai bị tổn thương.
- Sưng vùng vai. Khi các gai xương phát triển lớn lên có thể khiến cho tràn dịch vùng khớp vai. Điều này dẫn đến vùng vai bị sưng tấy, phù nề.
- Thông thường các bệnh nhân sẽ bị cứng khớp vai. Đặc biệt và vào mỗi buổi sáng sau khi thức dậy. Điều này khiến người bệnh hạn chế vận động vùng vai. Lực tay và cánh tay giảm, các động tác giơ tay hoặc vung tay trở nên khó khăn.
- Tê bì, mất cảm giác vùng vai, cánh tay và bàn tay. Khi các mỏm gai phát triển to chèn ép lên các dây thần kinh sẽ khiến cho người bệnh cảm thấy tê bì và mất cảm giác vùng vai, cánh tay và có thể lan xuống bàn tay. Có trường hợp các dây thần kinh vùng khớp vai bị tổn thương vĩnh viễn không hồi phục được.
Xem thêm: Đau vai gáy và những nguyên nhân có thể gặp
Nguyên nhân hình thành mỏm gai xương bả vai
Thực ra không có nguyên nhân điển hình gây nên tình trạng mỏm gai xương bả vai. Các nguyên nhân có thể do tình trạng thoái hoá khớp vai, di truyền, chấn thương hoặc vận động vùng khớp vai quá nhiều,…1 2
Thoái hoá khớp vai
Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây nên tình trạng mỏm gai xương bả vai. Tình trạng thoái hoá khớp vai xảy ra là do viêm xương vùng khớp vai lâu ngày dẫn đến phá vỡ các sụn vùng đầu xương. Ở những khu vực bị tổn thương sẽ hình thành nên các gai xương.
Chấn thương vùng vai
Các tai nạn chấn thương vùng vai dẫn đến lượng canxi tập trung nhiều ở vùng bị tổn thương. Từ đó làm hình thành nên các gai xương.
Gây áp lực nhiều lên khớp vai
Những người thường xuyên vận động vùng khớp vai như các vận động viên bóng rổ hay bóng chuyền… sẽ dễ gây tổn thương vùng khớp vai dẫn đến hình thành gai xương.
Tuổi tác
Theo quy luật tự nhiên, khi tuổi tác ngày càng cao thì quá trình lão hoá sẽ diễn ra. Khi đó xương khớp cũng bắt đầu suy giảm và thoái hoá. Lâu ngày sẽ hình thành nên các gai xương.
Di truyền
Nếu trong gia đình có người từng mắc bệnh lý về khớp vai thì khả năng bạn bị mắc bệnh cao hơn so với người khác.
Bên cạnh đó, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh hơn so với nam giới.
Phương pháp chẩn đoán mỏm gai xương bả vai
Đầu tiên để chẩn đoán bệnh mỏm gai xương bả vai, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám thực thể. Dựa vào những thông tin về bệnh sử, tiền sử bệnh lý cũng như các triệu chứng mà bạn đang gặp phải để đưa ra những khẳng định ban đầu về bệnh. Sau đó, bạn có thể sẽ được các bác sĩ chỉ định thực hiện một số phương pháp chẩn đoán đặc hiệu. Những phương pháp thường được áp dụng bao gồm:1 2
X-quang xương bả vai
X-quang là xét nghiệm thường quy giúp bác sĩ xác định được vùng xương bả vai có mỏm gai hay không, cũng như hình dạng, kích thước của mỏm gai.
Chụp cắt lớp vi tính CT-Scan
CT-Scan giúp bác sĩ xác định rõ hơn so với x-quang. Chúng sử dụng các lát cắt để xác định các mỏm gai và các vấn đề khác. Càng ngày CT-Scan càng được áp dụng rỗng rãi hơn do tính chính xác cũng như tĩnh phổ biến của nó.
Chụp cộng hưởng từ MRI
Chụp MRI giúp xác định xem các mỏm gai có chèn ép vô các mô hay dây chằng xung quanh hay không. Đây là cận lâm sàng chính xác nhất để đánh giá tình trạng bệnh. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng có máy chụp MRI.
Điều trị mỏm gai xương bả vai
Tùy vào thể trạng và các nguyên nhân gây bệnh khác nhau, bạn sẽ được chỉ định áp dụng các biện pháp điều trị khác nhau. Thông thường, mỏm gai xương bả vai sẽ được điều trị bằng các phương pháp sau:1 2
Điều trị nội khoa
Đây là phương pháp được áp dụng cho các trường hợp nhẹ, chưa có chỉ định phẫu thuật. Mục tiêu trong điều trị này là giảm đau, kháng viêm, và phục hồi khả năng vận động cho bệnh nhân. Cụ thể bao gồm:
- Sử dụng thuốc: Bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) và các loại thuốc giãn cơ, nhằm giúp giảm các triệu chứng cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định tiêm corticosteroid để giúp giảm đau hoặc sưng.
- Nghỉ ngơi: Người bệnh cần tránh vận động nhiều liên quan đến khớp vai vì có thể sẽ gây cho tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
- Tập vật lý trị liệu: Các động tác tập được hướng dẫn bởi các bác sĩ chuyên khoa. Chúng giúp hỗ trợ giảm đau cho bệnh nhân cũng như giúp cải thiện chức năng vận động của khớp vai.
Phẫu thuật
Trong trường hợp tình trạng bệnh ở mức độ nặng. Xương bả vai đã bị hư tổn và không còn có khả năng hồi phục. Hoặc khi áp dụng các biện pháp điều trị nội khoa và các bài tập vật lý không mang lại tác dụng. Khi đó, các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện phẫu thuật để loại bỏ gai xương.
Đây là phương pháp khá an toàn. Tuy nhiên chúng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra các biến chứng. Chính vì thế, người bệnh nên tham khảo và lắng nghe ý kiến từ bác sĩ trước khi thực hiện phẫu thuật.
Mỏm gai xương bả vai là một bệnh lý ít gặp. Tuy nhiên, chúng cũng có thể gây ra những phiền toái nhất định cho người bệnh. Hi vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản về bệnh lý này. Nếu có thắc mắc nào cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Calcific Tendonitishttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21638-calcific-tendonitis
Ngày tham khảo: 15/08/2022
-
Calcific tendinitis of the shoulderhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4295680/
Ngày tham khảo: 15/08/2022