Nguyên nhân bệnh trĩ: Hiểu đúng để phòng tránh đúng cách
Nội dung bài viết
Trĩ là một căn bệnh phổ biến, với tỷ lệ mắc bệnh cao, đặc biệt ở độ tuổi từ 50 trở đi. Có đến gần một nửa dân số Việt Nam mắc bệnh trĩ; và đang có xu hướng gia tăng trong độ tuổi lao động, theo Hội Hậu môn trực tràng Việt Nam. Tuy nhiên, vì người bệnh ngại ngùng nên khi bệnh ở mức độ nhẹ thường không đi khám. Đến lúc bệnh diễn tiến phức tạp sẽ khó điều trị dứt điểm, thậm chí là để lại di chứng. Vậy làm thế nào để phòng ngừa bệnh trĩ? Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân bệnh trĩ để đề ra hướng phòng tránh qua bài viết sau của ThS.BS Trần Quốc Phong.
Tổng quát bệnh trĩ
Trĩ (hay còn gọi là bệnh trĩ) là hiện tượng các tĩnh mạch bị sưng phồng ở phần dưới của hậu môn và trực tràng. Tương tự như dãn tĩnh mạch, thành của các mạch này bị kéo cho căng dãn, khi đó chúng sẽ bị kích thích.
Bệnh trĩ có thể phát triển bên trong trực tràng (trĩ nội); hoặc dưới da xung quanh hậu môn (trĩ ngoại).
Gần ba trong số bốn người trưởng thành sẽ mắc bệnh trĩ theo thời gian. Bệnh trĩ có một số yếu tố nguy cơ, nhưng thường không xác định được nguyên nhân bệnh trĩ.
Bệnh trĩ có thể gây nên nhiều triệu chứng khó chịu. Như cảm giác nóng rát khi đi cầu; đau đớn và chảy máu hậu môn; có thể có máu vấy theo phân hoặc chảy thành giọt… Bệnh trĩ thường trở nên tồi tệ hơn theo thời gian; thường gây ảnh hưởng đến tâm lí và hạn chế sinh hoạt, chất lượng cuộc sống suy giảm. Các bác sĩ khuyên rằng trĩ nên được điều trị ngay khi chúng mới xuất hiện.
May mắn thay, các lựa chọn điều trị có sẵn vào thời điểm hiện tại cho thấy nhiều hiệu quả trong điều trị bệnh trĩ. Nhiều trường hợp cũng đã ghi nhận sự thuyên giảm với các phương pháp điều trị tại nhà; kèm theo thay đổi lối sống.
Các loại bệnh trĩ
Trĩ có thể ở trong (trĩ nội) hoặc ở ngoài (trĩ ngoại).
Trĩ nội
Búi trĩ nội nằm sâu bên trong trực tràng và không thể nhìn thấy được từ bên ngoài một cách thông thường. Chúng thường không đau. Thông thường, dấu hiệu đầu tiên để nhận biết bệnh trĩ nội là chảy máu từ trực tràng.
Đôi khi, nguyên nhân bệnh trĩ nội là áp lực cơ thể có thể đẩy búi trĩ bên trong sa xuống khiến nó nhô ra ngoài qua hậu môn. Đây được gọi là bệnh trĩ lồi ra hoặc sa ra ngoài. Lúc này nó có thể gây đau đớn.
Bệnh trĩ nội được phân làm 4 cấp độ: Trĩ nội độ I, II, III, và IV.
Bệnh trĩ ngoại
Các búi trĩ ngoại nằm dưới phần da xung quanh hậu môn. Do đó có thể nhìn thấy được qua quan sát thông thường. Vì phần này của cơ thể có nhiều dây thần kinh nhạy cảm nên chúng thường đau đớn và đau hơn trĩ nội. Việc rặn khi đi đại tiện có thể khiến búi trĩ ngoại bị chảy máu.
Nguyên nhân bệnh trĩ
Về mặt bản chất, chính sự giãn nở của các tĩnh mạch xung quanh hậu môn gây ra bệnh trĩ. Vấn đề này xày ra bởi sự phối hợp của nhiều yếu tố và điều kiện sau.
Một số điều kiện và thói quen được cho là nguyên nhân bệnh trĩ.
- Táo bón mãn tính hoặc tiêu chảy.
- Rặn quá mạnh khi đi tiêu.
- Ngồi lâu trong toilet.
- Gia tăng áp lực; táo bón và ngồi lâu đều có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu trong khu vực trực tràng hậu môn. Từ đó, khiến máu không di chuyển theo tốc độ mong đợi (được gọi là tụ lại) trong mạch, dẫn đến bệnh trĩ.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh trĩ
- Thiếu chất xơ trong chế độ ăn uống.
- Béo phì. Thừa cân có thể gây áp lực lên mô trĩ.
- Lão hóa. Khi chúng ta già đi, các mô liên kết ở trực tràng và hậu môn trở nên yếu hơn, có khả năng gây ra việc các búi trĩ căng phồng.
- Mang thai. Khi thai nhi lớn lên và gây áp lực lên bụng, các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn có thể bị giãn rộng. Vấn đề này thường biến mất sau khi sinh.
Bệnh trĩ và việc mang thai
Mang thai là một nguyên nhân bệnh trĩ thường gặp. Đặc biệt là trong 3 tháng giữa thai kỳ, khi tử cung mở rộng gây áp lực lên khung chậu và các tĩnh mạch gần hậu môn và trực tràng. Mức độ tăng của hormone progesterone trong thời kỳ mang thai cũng có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh trĩ. Trong đó, progesterone làm giãn các thành của tĩnh mạch, khiến chúng dễ bị sưng lên.
Một số phụ nữ mắc bệnh trĩ lần đầu tiên khi họ mang thai. Nhưng nếu bạn đã từng mắc bệnh trĩ trước đó, bạn có nhiều khả năng mắc lại bệnh này khi mang thai.
May mắn thay, bệnh trĩ thường không gây hại cho sức khỏe của bạn và thai nhi, và chúng thường tự biến mất sau khi bạn sinh con. Bạn thường có thể giảm bớt các triệu chứng bằng cách chăm sóc tại nhà. Nhưng hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước để đảm bảo rằng bất kỳ phương pháp điều trị nào cũng an toàn khi bạn mang thai.
Trĩ là một căn bệnh gây nhiều phiền toái nhưng tỉ suất mắc bệnh lại ngày càng tăng. Sau bài viết này, hy vọng đã có thể cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản về nguyên nhân bệnh trĩ. Chúng tôi mong từ đây bạn cùng gia đình có thể phòng tránh và có được chất lượng cuộc sống luôn ở mức cao nhất.