Quả mướp: Vị thuốc thanh nhiệt từ quả quen thuộc
Nội dung bài viết
Quả mướp là loại quả được sử dụng nhiều trong món ăn hàng ngày. Mướp cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể như các axit amin, vitamin, chất khoáng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Bên cạnh đó, mướp cũng có tác dụng chống oxy hóa, tăng cường sức đề kháng, kháng viêm, giảm ho đờm, thanh nhiệt. Chúng ta cùng tìm hiểu bài viết dưới đây của Bác sĩ Nguyễn Thị Thiên Hương.
Quả mướp
Quả mướp có tên khoa học là Luffa cylindrica, họ bầu bí (cucurbitaceae).
Mướp là loại dây deo, thân có góc cạnh, màu lục nhạt.
Lá to, phiến chia thùy hình 3 cạnh hay hình mác, mép có răng chưa. Cuống lá dài, tua cuốn phân nhánh. Hoa vàng, hoa cái mọc đơn độc, hoa đực mọc thành chùm.
Quả hình thoi hoặc hình trụ, thẳng dài hoặc hơi cong, lúc đầu mẫm, sau khô lại. Quả dài từ 0.5-1m, mặt ngoài màu lục nhạt, trên có những đường đen chạy dọc theo quả. Hạt màu đen xỉn, hình elip-hình trứng, dài 10-12 mm, rộng 6-8 mm. Khi chín già, giữa vỏ quả hóa xơ.
Công dụng của quả mướp
1. Chống oxy hóa, ngừa lão hóa
Phenolic và flavonoid là 2 hợp chất có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ. Chúng thường được ứng dụng trong y học điều trị các bệnh viêm nhiễm, bền thành mạch, giảm cholesterol máu. Đặc biệt là ngăn ngừa lão hóa, nhất là các bệnh tim mạch, thần kinh, mạch máu.
Theo các nghiên cứu Phenolic và flavonoid chiếm ưu thế trong chiết xuất nước từ vỏ quả mướp.
2. Giảm ho đàm
Chiết xuất từ hạt cây có hoạt tính giãn phế quản. Khi phế quản giãn, tăng khẩu kính đường thở, không khí đi qua đường thở dễ dàng tới các phế nang trao đổi khí. Do vậy, giảm được các triệu chứng ho đàm do các bệnh lý hen, tắc nghẽn phổi mạn tính.
3. Dinh dưỡng
Quả non chứa 0,8 – 1,2g protein; 0,2 lipit; 3,04g gluxit trong mỗi 100gr. Hạt mướp chứa protein 33,55 %, chất xơ 6,47, chất béo 22,17%, carbohydrate 29,51 % Ngoài ra chứa các vitamin caroten, C, B1, B2, B3, PP. Các vitamin đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe.
Hỗn hợp vitamin B tham gia chuyển hóa, cung cấp năng lượng, hỗ trợ sản xuất hormon. Giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, ngăn ngừa thiếu máu. Các vitamin C, caroten tham gia hệ miễn dịch cơ thể, nhanh chóng làm lành các vết thương, tái tạo tế bào. Bên cạnh đó, quả mướp non chứa các chất khoáng như canxi, photpho, sắt.
Hàm lượng khoáng chất là: canxi 14,29, kẽm 2,34, magiê 21,40 và phốt pho 0,42g trong mỗi 100gr hạt mướp. Canxi giúp xương chắc khỏe, ngừa bệnh loãng xương, tham gia hoạt động cơ tim. Photpho tham gia quá trình đông máu, co cơ, tái tạo mô, phối hợp canxi tăng cường chất lượng xương và răng.
4. Tăng cường chuyển hóa
Tổng hàm lượng axit amin trong bột hạt Mướp hương là 72,71 g / 100g. Axit amin bao gồm axit amin thiết yếu: lysine 5,08, histidine 2,21, arginine 9,75, threonine 2,26. Valine 4,19, methionine 2,14, isoleucine 3,58, leucine 5,35 và phenylalanin 4,20 g / 100g. Trong khi các axit amin không thiết yếu bao gồm axit aspartic 10,02, serine 3,20, axit glutamic 12,27, proline 2,85, glycine 0,98, alanin 3,34, cystine 0,66 và tyrosine 0,63 g / 100g.
Các axit amin thiết yếu này tham gia cấu tạo nên protein, hỗ trợ quá trình chuyển hóa, cải thiện tâm trạng, kích thích tăng trưởng, tái tạo cơ bắp. Còn các axit amin không thiết yếu hỗ trợ trị bệnh hoặc giảm căng thẳng.
5. Kháng khuẩn, kháng virus
Theo các nghiên cứu, chiết xuất từ hạt mướp hương có tác dụng chống lại Escherichia. coli, Staphylococcus aureus, Salmonella typhi và Bacillus subtilis. Ngoài ra 1 peptide bất hoạt ribosome nhỏ nhất từ hạt của cây mướp hương được phát hiện (Luffin P1). Chất này có hoạt tính chống HIV ở các dòng tế bào T C8166 bị nhiễm thông qua tác động trên protein của virus.
6. Bảo vệ gan
Hoạt tính bảo vệ gan từ chiết xuất của quả Mướp hương đã được thử nghiệm chống lại độc tính trên gan do paracetamol gây ra ở chuột. Chất chiết xuất từ nước của quả mướp hương thay đổi đáng kể theo hướng có lợi thông qua các chỉ số AST, ALT, phosphatase kiềm, bilirubin.
7. Chống nôn
Theo các nghiên cứu, chiết xuất ethanol của vỏ quả mướp có tác dụng chống nôn bằng cách sử dụng mô hình gây nôn ở gà con.
Tác dụng theo y học cổ truyền
Quả này còn gọi là Ty qua, có tính bình, vị ngọt, không độc.
Công dụng: thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, trừ thấp, tiêu viêm, nhuận da, thông kinh lạc.
Chủ trị các chứng rôm sảy, ngứa lở, mụn nhọt, bệnh lý đường hô hấp, tiết niệu (do thấp nhiệt).
Bài thuốc kinh nghiệm từ quả mướp
Giải nhiệt
Quả non dùng nấu canh với cua và rau đay. Hoặc 500g quả mướp rửa sạch, cắt nhỏ, ép lấy nước (dùng máy ép là tốt nhất), hòa với đường trắng, dùng làm nước giải khát trong ngày.
Viêm da dị ứng
Quả mướp rửa sạch để ráo, giã nhuyễn với xíu muối, đắp lên chỗ tổn thương.
Tiết sữa
Dùng 1 quả mướp, 100gr đậu phộng, 1 móng giò lợn, đem hầm ăn vài lần trong tuần. Hoặc quả mướp 10g, 1 con cá mè, gạo tấm 100g. Luộc cá lấy nước nấu cháo với mướp thái lát.
Tay chân tê mỏi
Mướp hầm với chân gà cho thêm gia vị vừa đủ ăn tuần vài lần.
Trĩ, đại tiện ra máu
Xơ mướp 1 trái đem sao đen, tán bột, uống ngày 2 – 3 lần.
Phụ nữ sau sinh tắc tia sữa
Quả mướp hơi già 200 – 300g thái mỏng, sắc nước uống.
Trừ đờm, trị ho, hen, khó thở
Quả mướp non mới được khoảng 20 ngày, thu hái, thái mỏng, sao vàng, ngày dùng 20 – 30g, sắc uống.
Đau tức sườn ngực, đau cơ
Xơ mướp thái nhỏ, sao vàng, tán bột, ngày uống 8 – 10g.
Thúc sởi, đậu mọc sớm
Xơ mướp 20g, kinh giới, bạch chỉ, kim ngân, mỗi thứ 12g, cỏ mần trầu 8g, cam thảo 4g, sắc uống, ngày 1 thang.
Lưu ý
Những người tỳ vị hư nhược, hay đau bụng, đại tiện lỏng không nên dùng.
Quả mướp vừa có vị ngọt đặc trưng vừa chứa nhiều chất dinh dưỡng như đạm, các axit amin, các vitamin, khoáng chất giúp bồi bổ sức khỏe. Ngoài ra, quả mướp còn có tác dụng trị ho đàm, kháng khuẩn, bảo vệ chức năng gan, chống oxy hóa. Tuy nhiên, khi sử dụng mướp như thuốc điều trị, bạn đọc nên tham vấn bác sĩ điều trị. Hi vọng bài viết mang lại nhiều thông tin bổ ích cho bạn đọc.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Traditional And Medicinal Uses Of Luffa cylindrica : A Reviewhttps://www.researchgate.net/publication/260072169_Traditional_And_Medicinal_Uses_Of_Luffa_cylindrica_A_Review
Ngày tham khảo: 14/05/2021