YouMed

Riềng: Gia vị có tác dụng chữa bệnh

Bác sĩ TRẦN KIM ANH
Tác giả: Bác sĩ Trần Kim Anh
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Riềng (Rhizoma Alpiniae officinari) được trồng và sử dụng rộng rãi trong ẩm thực Việt Nam. Không chỉ giúp tăng sự hấp dẫn cho món ăn, riềng còn có công dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh lý như giảm đau dạ dày, cảm lạnh, tăng cường sức đề kháng, chống ung thư… Bài viết này sẽ giới thiệu cho các bạn về tác dụng của riềng, cách dùng và những điều cần lưu ý.

1. Bộ phận sử dụng

Riềng mọc hoang và được trồng ở khắp nước ta để làm gia vị và làm thuốc. Rễ củ được thu hoạch quanh năm. Sau đó, thân rễ được đem đi loại bỏ rễ con, vết lá, rửa sạch, cắt thành phiến, rồi đem phơi hay sấy khô.

rễ củ riềng
Rễ củ riềng

2. Thành phần trong riềng

Trong riềng có từ 0,5 – 1% tinh dầu, màu vàng xanh, có mùi long não, trong đó chủ yếu có xineola và metylxinnamat.

Ngoài tinh dầu, còn có các chất sau đây:

  • Một chất dầu, có vị cay gọi là galangola.
  • Ba chất có tinh thể, là dẫn xuất của flavon. Số lượng khoảng 0,1%. Ba chất đó là galangin C15H10O5, alpinin C17H16O6 và kaempferit C16H12O6 (1 – 3 dioxy-4-metoxyflavonon).

3. Công dụng của riềng

Theo tài liệu cổ, công dụng của riềng là làm ấm cơ thể, giảm đau, chữa đầy hơi.

Ngoài ra, riềng còn có tác dụng kích thích tiêu hóa, ăn ngon cơm, chữa đầy hơi, đau bụng, đau dạ dày, sốt rét, sốt nóng, tiêu lỏng, cảm lạnh, nôn mửa; đôi khi được dùng để chữa đau răng.

4. Một số bài thuốc có sử dụng riềng

4.1. Chữa đau bụng, nôn mửa

Riềng 8g, đại táo 1 quả. Sắc với 300 ml nước, còn 100 ml, chia 2 – 3 lần uống trong ngày.

4.2. Chữa tiêu chảy

  • Riềng, củ gấu, gừng khô, sa nhân, trần bì với lượng bằng nhau, tán nhỏ. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 6g.
  • Riềng 200 g, quế 120 g, vỏ vối 80 g. Các vị tán nhỏ, mỗi lần 12g sắc uống.
  • Riềng 20 g, nụ sim 80 g, vỏ rộp cây ổi 60 g. Dùng dưới dạng bột hoặc viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 5g.

4.3. Chữa đau bụng, buồn nôn

Riềng, vỏ quýt, hạt tử tô, lượng bằng nhau, tán nhỏ, viên với mật, uống với rượu, mỗi lần uống 5g, ngày 2 lần.

4.4. Chữa cảm sốt, kém ăn

Riềng tẩm dầu vừng sao 40g, can khương nướng 40 g, hai vị tán nhỏ, trộn với mật lợn, làm thành viên bằng hạt ngô. Ngày uống 15 – 20 viên.

Quả riềng tán nhỏ, uống 6 – 10g.

4.5. Chữa sốt rét

Bột riềng 1000 g, bột thường sơn 3000 g, bột gừng khô, bột quế khô, bột thảo quả, mỗi vị 2000 g. Các vị tán nhỏ, làm viên hoàn to bằng hạt ngô. Mỗi ngày uống 20 hoàn trước khi lên cơn.

4.6. Chữa đau dạ dày

Riềng rửa rượu 7 lần, sấy khô, tán nhỏ; hương phụ rửa giấm 7 lần, sấy khô, tán nhỏ. Hai vị trộn đều, làm thành viên. Mỗi lần uống 5 g khi có cơn đau.

4.7. Chữa hắc lào

Củ riềng già (tán nhỏ) 100 g, ngâm với cồn 900 (200 ml), càng lâu càng tốt, ngày bôi vài lần. Hoặc lấy củ riềng giã nhỏ trộn với nhựa chuối và ít bột làm thành thuốc bôi.

Bệnh hắc lào
Bệnh hắc lào

5. Bằng chứng khoa học của riềng

Riềng đã được chứng minh có nhiều tác dụng tốt đối với một số bệnh lý ở người. Thân rễ đã được y học Trung Quốc sử dụng để giảm đau dạ dày, điều trị cảm lạnh, tăng tuần hoàn máu và giảm sưng. Rễ khô và thân rễ đã được sử dụng để chống oxy hóa, điều trị đái tháo đường, chống loét, chống tiêu chảy, chống nôn, giảm đau, chống viêm và kháng đông máu.

Tuy nhiên các nghiên cứu đa phần ở mức thử nghiệm trên động vật mà chưa có nhiều nghiên cứu lâm sàng trên người. Một số tác dụng đã được nghiên cứu:

5.1. Kháng viêm, giảm đau

Một nghiên cứu chiết xuất etanolic 80% từ riềng cho thấy hoạt động chống viêm cấp tính làm giảm thể tích phù trong viêm khớp. Các nghiên cứu trên mô hình chuột bị viêm khớp dạng thấp đã cho thấy tác dụng của chiết xuất từ riềng làm giảm nồng độ TNF-α.

Do đó, riềng có thể được dùng để điều trị hoặc phòng ngừa trong bệnh viêm khớp cấp tính và mạn tính bằng cách giảm sưng viêm, cứng khớp trong viêm khớp.

5.2. Kháng khuẩn

Trong nhiều nghiên cứu Trung Quốc đã cho thấy chiết xuất ethanol của riềng có tính kháng khuẩn cao. Riềng cũng cho thấy tác dụng ức chế sự tăng sinh của các chủng vi khuẩn gram dương như S. aureus, α-Hemolytic streptococcus, β-Hemolytic streptococcus và Streptococcus pneumoniae.

5.3. Chống ung thư

Trong nghiên cứu F.A. Alasmary và cộng sự, hoạt động chống ung thư của chiết xuất từ riềng đối với các dòng tế bào ung thư được phân lập lâm sàng trong ống nghiệm.

Kết quả cho thấy hoạt tính chống ung thư của chiết xuất từ riềng cao nhất đối với ung thư biểu mô phổi và ung thư biểu mô đại trực tràng so với thuốc vinblastine. Hơn nữa, chiết xuất từ riềng cũng cho thấy hiệu quả đầy hứa hẹn đối với ba dòng tế bào khác là ung thư biểu mô đại tràng, ung thư biểu mô cổ tử cung, ung thư tuyến tiền liệt.

Các nghiên cứu khác cũng cho thấy riềng có tiềm năng điều trị ung thư vú di căn và chống lại sự hình thành mạch của khối u.

5.4. Hỗ trợ điều trị vô sinh

Trong một nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên mù đôi, trên 76 người tham gia bị vô sinh vô căn. Sau 12 tuần điều trị can thiệp, số lượng tinh trùng và tổng số tinh trùng có hình thái bình thường đã tăng lên ở những người tham gia được điều trị bằng chiết xuất riềng với liều 300mg/ngày so với nhóm giả dược. Kết quả cho thấy riềng giúp tăng số lượng tinh trùng và tăng tỷ lệ tinh trùng có hình dạng bình thường. Do đó, riềng có thể có hiệu quả trong việc cải thiện hình thái tinh trùng và số lượng tinh trùng trong vô sinh vô căn mà không gây ra tác dụng phụ.

5.5. Hỗ trợ điều trị sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi

Trong một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy galangin, một flavonoid, được phân lập từ riềng có tác dụng ức chế hoạt động của acetylcholinesterase (AChE) với mức độ cao nhất trên 55%. Kết quả cho thấy các flavonoid chiết xuất từ thực vật, cũng như từ riềng, có thể là loại thuốc mới chống lại bệnh Alzheimer trong tương lai.

6. Lưu ý

Không dùng củ riềng trong trường hợp cảm phong nhiệt, thương thử, nôn mửa hoắc loạn.

Bài viết đã tóm tắt một số công dụng của riềng. Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các vị thuốc. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.

  2. Viện Dược liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập II. Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.

  3. Mayachiew P et al. (2008), “Antimicrobial and antioxidant activities of Indian gooseberry and galangal extracts”, Food Sci Technol, 41:1153-9.

  4. Lee J et al. (2009), “Anti-inflammatory, anti-nociceptive, and anti-psychiatric effects by the rhizomes of Alpinia officinarum on complete Freund’s adjuvant-induced arthritis in rats”, J Ethnopharmacol, 126:258–64.

  5. Xie ZS et al. (2013), “Volatile components of rhizoma Alpinia officinarum using three different extraction methods combined with gas chromatography-mass spectrometry”, J Pharm Anal, 3:215–20.

  6. Lee J et al. (2009), “Anti-inflammatory, anti-nociceptive, and anti-psychiatric effects by the rhizomes of Alpinia officinarum on complete Freund’s adjuvant-induced arthritis in rats”, J Ethnopharmacol, 126(2):258-64.

  7. Honmore VS et al. (2019), “Diarylhepptanoid, a constituent isolated from methanol extract of Alpinia officinarum attenuates TNF-α level in Freund’s complete adjuvant-induced arthritis in rats”, J Ethnopharmacol (229), tr. 233-245.

  8. Faradiba Nur Ahlina et al. (2019), “Revealing the Reversal Effect of Galangal (Alpinia galanga L.) Extract Against Oxidative Stress in Metastatic Breast Cancer Cells and Normal Fibroblast Cells Intended as a Co- Chemotherapeutic and Anti-Ageing Agent”, Asian Pac J Cancer Prev(21), tr. 107-117.

  9. Hadjzadeh MR et al. (2014), “The Effects of Aqueous Extract of Alpinia Galangal on Gastric Cancer Cells (AGS) and L929 Cells in Vitro”, Iran J Cancer Prev, 7(3):142-6.

  10. Hu L et al. (2019), “PHMH, a diarylheptanoid from Alpinia officinarum attenuates VEGF-induced angiogenesis via inhibition of the VEGFR-2 signaling pathway”, Food Funct (10), tr. 2605-2617.

  11. Kolangi F et al. (2019), “Effect of Alpinia officinarum Hance rhizome extract on spermatogram factors in men with idiopathic infertility: A prospective double-blinded randomised clinical trial”, Andrologia ,51(1):e13172.

  12. Sherry X et al. (2010), “Galangin, a flavonol derived from Rhizoma Alpiniae Officinarum, inhibits acetylcholinesterase activity in vitro”, Chemico-Biological Interactions (187), tr. 246-248.

  13. Abubakar IB et al. (2018), “A review on the ethnomedicinal uses, phytochemistry and pharmacology of Alpinia officinarumHance”, J Ethnopharmacol (224), tr. 45-62.

  14. Lakhan et al. (2015), “Zingiberaceae extracts for pain: a systematic review and meta-analysis”, Nutrition Journal, 14:50.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người