YouMed

Những điều bạn cần biết về bệnh sùi mào gà ở lưỡi

Thạc sĩ, Bác sĩ TRẦN QUỐC PHONG
Tác giả: ThS.BS Trần Quốc Phong
Chuyên khoa: Ngoại tiết niệu

Sùi mào gà ở lưỡi là những nốt mụn thịt mọc ở lưỡi do virus u nhú (HPV) gây ra. HPV lây nhiễm khi quan hệ tình dục bằng miệng và tiếp xúc miệng giữa người với người. Đây là nguyên nhân hàng đầu của ung thư vòm họng hoặc ung thư miệng, mặc dù rất hiếm. Nhưng tỉ lệ mắc có thể tăng lên trong thời đại hiện nay, khi xu hướng quan hệ tình dục bằng miệng ngày càng phổ biến. Trong đó, nam giới có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn gấp 3 lần ở nữ giới. Bài viết dưới đây của ThS.BS Trần Quốc sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về nguyên nhân, các triệu chứng và cách điều trị căn bệnh này. 

Sùi mào gà ở lưỡi là gì?

Sùi mào gà ở lưỡi là một bệnh truyền nhiễm do virus u nhú (HPV) ở người gây ra ở lưỡi. Virus này gây bệnh khi tiếp xúc miệng với bộ phận sinh dục bị nhiễm virus. Có thể xuất hiện khi tiếp xúc với miệng người bị nhiễm. HPV sẽ di chuyển qua nước bọt của người bị nhiễm sang vết thương hở ở miệng, lưỡi, cổ họng của người tiếp xúc.

Sùi mào gà do HPV là những nốt mụn thịt nhỏ có thể xuất hiện ở nhiều nơi trên cơ thể. Các loại HPV khác nhau sẽ gây ra các dạng sùi mào gà khác nhau ở các bộ phận cơ thể. Ở lưỡi có thể xuất hiện 3 dạng như sau:

  • Dạng sùi mào gà thông thường: Thường phổ biến ở trẻ em. Dạng này có thể xuất hiện trên môi, lợi và lưỡi. Bệnh thường tự biến mất trong vòng 2 năm.
  • U nhú dạng vảy ở lưỡi: Những nốt mụn này là những khối u lành tính. Dạng này có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, phổ biến nhất 30 – 50 tuổi.
  • Sùi mào gà lưỡi: Dạng này thường lây lan qua hoạt động tình dục bằng miệng. Sùi mào gà này có màu hồng hoặc trắng, có bề mặt giống như súp lơ. Có thể xuất hiện trên lưỡi, môi hoặc sàn miệng.
Virus HPV là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh sùi mào gà ở người
Virus HPV là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh sùi mào gà ở người

Virus chủng HPV 16 thường là nguyên nhân gây bệnh ở lưỡi. Bên cạnh đó còn gây ra hầu hết các bệnh ung thư ở miệng. Sùi mào gà xuất hiện ở lưỡi có xu hướng gây ra các triệu chứng rõ ràng, đặc biệt là khi bệnh tiến triển.

Nguyên nhân gây bệnh sùi mào gà ở lưỡi

Một số nguyên nhân gây bệnh có thể kể đến như sau:

  • Quan hệ tình dục bằng miệng: Người lành có thể mắc bệnh khi quan hệ tình dục bằng miệng với người bị sùi mào gà ở bộ phận sinh dục. Ngoài ra, bạn có thể nhiễm khi hôn môi của người bị nhiễm sùi mào gà ở miệng.
  • Lây qua con đường gián tiếp: Xảy ra khi tay chạm vào sùi mào gà rồi chạm vào miệng. Qua đó có thể phát triển sùi mào gà trên lưỡi. Ví dụ, khi cắn móng tay, có thể vô tình đưa virus HPV từ ngón tay vào miệng. Nếu bị đứt tay hoặc trầy xước tạo thuận lợi cho HPV xâm nhập vào cơ thể. Sau đó, HPV theo máu tới lưỡi gây bệnh trên lưỡi.
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu: Điều này khiến cơ thể có sức đề kháng yếu với HPV. Qua đó tăng nguy cơ nhiễm HPV ở nhiều bộ phận trên cơ thể.
  • Một số đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao: Quan hệ tình dục với nhiều người và hay sử dụng đường miệng. Nam giới tỷ lệ cao hơn nữ giới. Thường xuyên sử dụng rượu bia. Hệ thống miễn dịch bẩm sinh yếu hoặc mắc phải bệnh HIV/AIDS

Xem thêm: Virus HPV gây ra bệnh gì? Bác sĩ giải đáp thắc mắc

Cắn móng tay sẽ tạo điều kiện cho virus HPV từ tay xâm nhập vào lưỡi gây bệnh sùi mào gà
Cắn móng tay sẽ tạo điều kiện cho virus HPV từ tay xâm nhập vào lưỡi gây bệnh sùi mào gà

Triệu chứng bệnh sùi mào gà ở lưỡi

Virus HPV khi xâm nhập vào lưỡi thường ủ bệnh từ 2 – 9 tháng, Sau giai đoạn ủ bệnh, sùi mào gà sẽ xuất hiện ở lưỡi với các triệu chứng:

  • Ở giai đoạn sớm, thường phát hiện những nốt nhỏ li ti, phân bố lẻ tẻ ở lưỡi, môi, khoang miệng,.. Những nốt này thường không gây khó chịu nên có thể bị bỏ qua. Bạn có thể nhầm lẫn với nhiệt miệng, viêm họng..
  • Giai đoạn tiếp theo, ở khoang miệng hoặc lưỡi xuất hiện cục u nhú. Các cục u nhú tập trung trông giống mào gà hoặc cây súp lơ có màu trắng hoặc đỏ. Cục u nhú thường mềm, không ngứa, không đau. Hoặc có thể nhỏ và cứng, hơi nhô lên hoặc phẳng. Chúng rất dễ xước ra, chảy máu hoặc chảy mủ khi đụng vào.
  • Giai đoạn tiến triển nặng, nốt u nhú có thể to lên và lở loét. Điều này sẽ làm nhiều người cảm thấy khoang miệng và lưỡi đau rát, sưng tấy lên. Xuất hiện các triệu chứng tiết nước bọt nhiều, khó ăn, khó nuốt. Trong trường hợp nguy hiểm, khi ăn uống gây cọ sát nhiều với cục u nhú. Điều này có thể làm cục u vỡ, chảy dịch, lở loét và tăng nguy cơ viêm nhiễm. Lúc này sẽ cảm thấy khó khăn khi nói chuyện và ăn uống, hơi thở mùi hôi, đau họng…
Một số biểu hiện điển hình của sùi mào gà ở lưỡi giai đoạn đầu
Một số biểu hiện điển hình của sùi mào gà ở lưỡi giai đoạn đầu

Các triệu chứng của sùi mào gà xuất hiện ở lưỡi thường lẻ tẻ, phát triển chậm nên chúng ta dễ chủ quan và bỏ qua chúng. Việc bỏ qua và không điều trị sớm sẽ tạo điều kiện bệnh lây lan lên vòm họng, khoang miệng… Điều này có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư vòm họng. HPV có thể xâm nhập vào máu và gây sùi mào gà ở những bộ phận khác trên cơ thể.

Điều trị sùi mào gà ở lưỡi

Một số sùi mào gà có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Tuy nhiên, điều này có thể mất hàng tháng và hàng năm. Mặc dù sùi mào gà ở lưỡi thường vô hại nhưng có thể tạo sự khó chịu. Điều này phụ thuộc vào kích thước của sùi mào gà; và liệu nó có gây đau hoặc gây khó khăn cho người bệnh khi ăn uống hoặc nói chuyện hay không.

Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh rất quan trọng. Các phương pháp điều trị bệnh như sau:

Phương pháp dùng thuốc

Phương pháp này thường được bác sĩ khuyên dùng khi nốt sùi có kích thước nhỏ. Dưới đây là 2 thuốc thường được lựa chọn:

  • Axit trichloroacetic: Nghiên cứu cho thấy thuốc này có hiệu quả đối với sùi mào gà ở lưỡi. Mỗi ngày bôi thuốc ba lần có thể loại bỏ sùi mào gà trong vòng 45 ngày.
  • Imiquimod: Đây là một phương pháp thường được dùng điều trị sùi mào gà ở da.Các nhà nghiên cứu cũng đã nhận thấy loại kem bôi này có hiệu quả và dung nạp tốt ở lưỡi.

Tuy nhiên, sử dụng thuốc chỉ có tác dụng ngăn sự phát triển và lây lan của virus HPV. Thuốc không thể tiêu diệt tận gốc mầm bệnh nên khả năng tái phát cao.

Các loại thuốc bôi thường được bác sĩ chỉ định cho sùi mào gà có kích thước nhỏ
Các loại thuốc bôi thường được bác sĩ chỉ định cho sùi mào gà có kích thước nhỏ

Đốt điện

Đây là một phương pháp ngoại khoa, được chỉ định khi các nốt sùi có kích thước lớn và lan rộng. Phương pháp này sử dụng dòng điện tần số cao để đốt cháy các nốt sùi mào gà. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây đau đớn cho người bệnh. Bên cạnh đó, không thể điều trị tận gốc, có thể để lại sẹo và vết thương lâu lành.

Phương pháp hiện đại ALA – DPT

Đây là một phương pháp ngoại khoa điều trị sùi mào gà tiên tiến nhất hiện nay. Phương pháp này khắc phục nhược điểm của các phương pháp ngoại khoa truyền thống; bao gồm không gây đau, tiêu diệt tận gốc, không để lại sẹo, kích thích tái tạo tế bào nhanh lành vết thương. Nhờ việc sử dụng chất cảm quang đặc biệt và một lượng oxy chiếu lên vùng bệnh; nên sẽ ngăn chặn, giảm thiểu sự tăng sinh của các mô, và tiêu diệt virus HPV.

Xem thêm: Súc miệng bằng nước muối có lợi đến sức khỏe răng miệng như thế nào?

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh sùi mào gà ở lưỡi. Tuy bệnh ít ảnh hưởng đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng tới sức khỏe và tâm lý của người bệnh. Ngoài ra, bệnh dễ lây lan và khó điều trị dứt điểm. Vì vậy, chúng ta nên chủ động phòng tránh bệnh bằng cách xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và lối sống lành mạnh. Nếu có những dấu hiệu nghi ngờ, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn và điều trị.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người