YouMed

05 loại thuốc trị ngứa vùng kín ở nữ giới bác sĩ khuyên dùng

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Phạm Duy Hùng
Tác giả: ThS.BS Phạm Duy Hùng
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Ngứa vùng kín là một vấn đề thường gặp của các chị em phụ nữ, gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của các chị em. Tuy nhiên, với tâm lý e ngại khiến chị em phụ nữ thường tự tìm kiếm các thuốc điều trị tại nhà mà không cần kê toa từ bác sĩ chuyên khoa. Một số nguyên nhân gây ra ngứa vùng kín có thể tự điều trị hiệu quả tại nhà. Nếu như các chị em chưa hiểu đúng về vấn đề ngứa vùng kín thì việc tự điều trị có thể làm trầm trọng hơn vấn đề này. Do đó, hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Duy Hùng tìm hiểu về thuốc bôi ngứa vùng kín qua bài viết dưới đây.

Nguyên nhân gây ngứa vùng kín

Trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu về các nguyên nhân gây ra ngứa vùng kín.

Các chất gây kích ứng da1

Các chất như xà phòng, sữa tắm, dung dịch vệ sinh vùng kín, chất diệt tinh trùng dùng để tránh thai, chất xả vải, chất liệu từ giấy vệ sinh, băng vệ sinh hay đồ lót,… có thể gây ra kích ứng da dẫn đến ngứa vùng kín. Các nguyên nhân này khi được loại bỏ thì ngứa vùng kín sẽ tự khỏi mà không cần phải điều trị bằng thuốc.

Viêm nấm âm đạo2

Viêm nấm âm đạo là một nguyên nhân thường gặp gây ra ngứa vùng kín và có thể tự điều trị bằng thuốc hiệu quả tại nhà mà không cần kê toa của bác sĩ. Trong môi trường âm đạo bình thường có một số lượng nhất định nấm cùng các vi khuẩn khác tồn tại, để tạo nên một môi trường sinh lý của âm đạo. Tuy nhiên, khi gặp một số điều kiện thuận lợi có thể làm gia tăng số lượng nấm quá mức dẫn đến viêm nấm âm đạo.

Yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm nấm âm đạo

  • Có thai.
  • Sử dụng thuốc ngừa thai.
  • Có bệnh lý đái tháo đường.
  • Miễn dịch cơ thể suy giảm như bị nhiễm HIV, có hoá trị vì bệnh lý ác tính hay sử dụng thuốc steroid.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh.

Triệu chứng khi bị nấm âm đạo

Các triệu chứng khi bị viêm nấm âm đạo: Ngứa vùng kín là triệu chứng thường gặp nhất của viêm nấm âm đạo, ngoài ra các chị em phụ nữ có thể có những triệu chứng dưới đây:

  • Khí hư với đặc điểm rất đặc trưng dạng “phô mai sữa” không mùi, đặc, dính.
  • Giao hợp đau.
  • Tiểu khó, đau.
Khí hư trắng đục, đặc và dính như dạng “phô mai sữa”
Khí hư trắng đục, đặc và dính như dạng “phô mai sữa”

Nhiễm khuẩn âm đạo3

Nhiễm khuẩn âm đạo là một trong những nguyên nhân hay gặp gây ra ngứa vùng kín. Đây là tình trạng tăng quá mức số lượng vi khuẩn gây bệnh trong âm đạo của chị em phụ nữ, khi có một số điều kiện thuận lợi. Nhiễm khuẩn âm đạo có thể tự điều trị tại nhà hiệu quả mà không cần kê toa của bác sĩ.

Các yếu tố dẫn đến nhiễm khuẩn âm đạo

  • Có bạn tình mới hay nhiều bạn tình.
  • Không dùng bao cao su khi quan hệ.
  • Có thói quen thụt rửa âm đạo.

Triệu chứng nhiễm khuẩn âm đạo

Ngứa vùng kín đi kèm với các triệu chứng dưới đây các chị em cần nghi ngờ mình đang có vấn đề nhiễm khuẩn âm đạo:

  • Khí hư loãng, nặng mùi với màu trắng, xám hay xanh. Đây là đặc điểm giúp phân biệt giữa nhiễm khuẩn âm đạo và nhiễm nấm âm đạo.
  • Nóng rát khi đi tiểu.
Khí hư trắng đục, loãng trong nhiễm khuẩn âm đạo
Khí hư trắng đục, loãng trong nhiễm khuẩn âm đạo

Một số bệnh lý lành tính ở da vùng kín1

Một số bệnh lý da gây ngứa vùng kín như:

Chàm da

Chàm hay còn gọi là viêm da dị ứng, là bệnh lý viêm da khi tiếp xúc với các chất gây ra dị ứng. Chàm với triệu chứng đỏ da, tróc vảy kèm ngứa vùng kín, không kèm khí hư hay tiểu nóng rát, đôi khi chàm xuất hiện ở những da vùng khác trên cơ thể.

Bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến gây ra các mảng đỏ nổi gồ lên trên bề mặt da có dạng vảy kèm ngứa, tróc da, bệnh lý thường đi kèm thay đổi và ngứa da các vùng khác trên cơ thể như da đầu, bẹn, nách,…

Mảng đỏ da kèm tróc vảy trong bệnh vảy nến.
Mảng đỏ da kèm tróc vảy trong bệnh vảy nến.

Bệnh lý ác tính da vùng kín1

Ung thư âm hộ là một nguyên nhân hiếm gặp gây ra ngứa vùng kín. Ngoài ra ung thư âm hộ còn có các triệu chứng khác như có khối ở da vùng kín với thay đổi màu sắc da, có vết loét, chảy máu,…

Các tiêu chí chọn thuốc bôi ngứa vùng kín tại nhà

Biết được nguyên nhân gây ngứa vùng kín

Việc lựa chọn thuốc nào để điều trị ngứa vùng kín tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây ra ngứa vùng kín, các nguyên nhân khác nhau có phương pháp điều trị khác nhau. Các chị em phụ nữ cần biết các yếu tố dưới đây để nhận biết được các nguyên nhân gây ra ngứa vùng kín:

Nguyên nhân Cách nhận biết
Do các chất kích ứng da Ngứa chỉ xuất hiện khi da vùng kín tiếp xúc với các chất gây kích ứng. Có thể kèm theo đỏ da nhưng không kèm theo triệu chứng khí hư. Việc điều trị ngứa vùng kín chỉ cần tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng mà không cần thêm thuốc điều trị.
Viêm nấm âm đạo Đây là một trong các nguyên nhân gây ngứa da vùng kín thường gặp gây nhiều khó khăn cho các chị em phụ nữ. Các chị em cần nghĩ đến viêm nấm âm đạo khi có triệu chứng ngứa đi kèm với đỏ da vùng kín và có khí hư đặc trưng với đặc điểm dạng “phô mai sữa” không mùi, đặc, dính.
Nhiễm khuẩn âm đạo Đây là nguyên nhân thường gặp và dễ chẩn đoán nhầm với viêm nấm âm đạo. Với đặc điểm ngứa vùng kín kèm với khí hư loãng, nặng mùi với màu trắng, xám hay xanh thì các chị em cần nghĩ đến nguyên nhân nhiễm khuẩn âm đạo.

Hiểu rõ đường sử dụng của thuốc điều trị

Vì là điều trị tại nhà nên các chị em cần lựa chọn các loại thuốc đường uống, bôi ngoài da hay thuốc đặt âm đạo để thuận tiện cho việc sử dụng thuốc hiệu quả.

Đọc kỹ thành phần của thuốc điều trị

Các thuốc điều trị ngoài các thành phần chính còn có các thành phần phụ khác đi kèm. Các chị em trước khi sử dụng cần đọc kỹ các thành phần của thuốc để tránh các chất gây ra dị ứng cho mình.

Đọc kỹ các chống chỉ định của thuốc

Các chị em cần đọc kỹ các chống chỉ định của thuốc trước khi lựa chọn sử dụng. Việc này để xem mình có thuộc nhóm bị chống chỉ định khi dùng thuốc hay không, nhằm tránh các tác dụng phụ của thuốc.

Những thuốc bôi ngứa vùng kín

Candazole

  • Nhà sản xuất: Hoe Pharmaceuticals.
  • Công dụng: kháng nấm.
  • Liều dùng: bôi da vùng kín 1 lần/ngày trong 7 ngày.
  • Đường dùng: bôi ngoài da.
  • Lưu ý khi dùng: phụ nữ mang thai và cho con bú cần thận trọng khi dùng.
  • Chống chỉ định: mẫn cảm với các thành phần của thuốc.
  • Tác dụng phụ: có thể gây ra cảm giác châm chích, đau nhức, ban đỏ, phù, rộp da, tróc vảy, nổi mụn nước da vùng kín,…

Econazole Mylan

  • Nhà sản xuất: Mylan.
  • Công dụng: kháng nấm.
  • Liều dùng: bôi da vùng kín 2 lần/ngày trong 14 ngày.
  • Đường dùng: bôi ngoài da.
  • Lưu ý khi dùng: không dùng chung với thuốc diệt tinh trùng, thận trọng với phụ nữ có thai và cho con bú.
  • Chống chỉ định: quá mẫn với các thành phần của thuốc.
  • Tác dụng phụ: cảm giác bỏng rát, châm chích, nổi ban đỏ da.

Canesten cream 1%4

  • Nhà sản xuất: Bayer.
  • Công dụng: kháng nấm.
  • Liều dùng: bôi 2 lần/ngày trong 7 – 14 ngày.
  • Đường dùng: bôi ngoài da.
  • Lưu ý khi dùng: thận trọng với phụ nữ có thai và cho con bú.
  • Chống chỉ định: quá mẫn với các thành phần của thuốc.
  • Tác dụng phụ:
    • Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, đau bụng.
    • Rối loạn ở da: đỏ da, bỏng rát phù nề,…
Canesten cream 1% là một trong số thuốc bôi vùng kín
Canesten cream 1% là một trong số thuốc bôi vùng kín

Lotrisone

  • Nhà sản xuất: Schering Plough.
  • Công dụng: kháng nấm.
  • Liều dùng: bôi 2 lần/ngày trong 7 – 14 ngày.
  • Đường dùng: bôi ngoài da.
  • Lưu ý khi dùng: thận trọng cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
  • Chống chỉ định: quá mẫn với các thành phần của thuốc như clotrimazole, corticoid.
  • Tác dụng phụ: bỏng rát, châm chích, khô da.

Những thuốc trị ngứa vùng kín theo đường uống hoặc đặt âm đạo

Flucomedil5

  • Nhà sản xuất: Medochemie.
  • Công dụng: kháng nấm.
  • Liều dùng: 150 mg liều duy nhất.
  • Đường dùng: uống.
  • Lưu ý khi dùng: có thể dùng lúc đói hay khi no.
  • Chống chỉ định: quá mẫn với các thành phần của thuốc như Fluconazole hay các hợp chất chứa thành phần azol.
  • Tác dụng phụ: các tác dụng phụ hay gặp như đau đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy. Ít gặp như: tăng nhẹ men gan, nổi mẩn, ngứa,… .

Stadmazol6

  • Nhà sản xuất: Stella Pharm.
  • Công dụng: kháng nấm.
  • Liều dùng: 100 mg/ngày trong 7 ngày.
  • Đường dùng: đặt âm đạo.
  • Lưu ý khi dùng: đặt vào buổi tối trước khi đi ngủ.
  • Chống chỉ định: quá mẫn với các thành phần của thuốc.
  • Tác dụng phụ: nóng rát, ban đỏ, phù nề, bong da vùng kín, đau bụng,…
Bên cạnh thuốc bôi, bác sĩ cũng có thể chị định bạn viêm đặt âm đạo Stadmazol trị ngứa vùng kín
Bên cạnh thuốc bôi, bác sĩ cũng có thể chị định bạn viêm đặt âm đạo Stadmazol trị ngứa vùng kín

Flagyl 250 mg7

  • Nhà sản xuất: Sanofi.
  • Công dụng: điều trị nhiễm khuẩn âm đạo.
  • Liều dùng: 500 mg (02 viên) x2 lần/ngày trong 7 ngày.
  • Đường dùng: uống.
  • Lưu ý khi dùng: Không uống rượu trong thời gian điều trị và trong vòng 3 ngày sau khi ngưng điều trị vì có thể làm gia tăng tác dụng phụ như buồn nôn, nôn hay đỏ da,… . Nước tiểu có thể có màu nâu đỏ do việc dùng thuốc.
  • Chống chỉ định: quá mẫn với thành phần của thuốc (Metronidazol), có thai trong ba tháng đầu, sử dụng thuốc disulfiram trong vòng 14 ngày qua vì khi dùng chung có thể gây ra ảo giác và lú lẫn cấp tính.
  • Tác dụng phụ:
    • Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, chán ăn, tăng men gan…
    • Rối loạn thần kinh: nhức đầu, chóng mặt, ảo giác, trầm cảm,…
    • Rối loạn ở da: phát ban, ngứa, mụn nước,…

Dalacin C 300mg

  • Nhà sản xuất: Pfizer.
  • Công dụng: điều trị nhiễm khuẩn âm đạo.
  • Liều dùng: 300 mg x 2 lần/ngày trong 7 ngày.
  • Đường dùng: đường uống.
  • Lưu ý khi dùng: có thể dùng chung với thức ăn hoặc không.
  • Chống chỉ định: quá mẫn với các thành phần của thuốc, có bệnh lý viêm ruột.
  • Tác dụng phụ:
    • Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, viêm đại tràng giả mạc, vàng da, tăng men gan…
    • Rối loạn ở da: đỏ da, tróc da,…

Ngoài việc điều trị bằng thuốc, các chị em cần lưu ý thay đổi các thói quen có thể tăng nguy cơ gây ra ngứa vùng kín như:

  • Từ bỏ thói quen thụt rửa âm đạo. Điều này sẽ làm thay đổi hệ vi khuẩn có lợi trong môi trường âm đạo và làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn âm đạo. Các chị em chỉ cần vệ sinh bên ngoài da vùng kín bằng nước sạch hay dung dịch vệ sinh phụ nữ thông thường.
  • Cần có thói quen sử dụng bao cao su khi quan hệ, đặc biệt khi có bạn tình mới hay có nhiều bạn tình.
  • Chỉ sử dụng kháng sinh hay các thuốc kháng viêm khi có chỉ định của bác sĩ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Ngứa vùng kín có thể điều trị hiệu quả tại nhà. Tuy nhiên khi các chị em phụ nữ gặp một trong các vấn đề sau đây cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám, chẩn đoán và kê toa điều trị:

  • Có các triệu chứng không phải do nhiễm nấm hay nhiễm khuẩn âm đạo. Ví dụ như ngứa kèm đỏ, đau, sưng nề, nổi mụn nước hay vết loét ở da vùng kín, không kèm các triệu chứng khí hư đặc trưng cho viêm nấm âm đạo hay nhiễm khuẩn âm đạo.
  • Tự điều trị tại nhà nhưng vẫn không hiệu quả.
  • Tái phát nhiều lần.

Trên đây là những thông tin nhận biết tình trạng ngứa vùng kín và gợi ý thuốc bôi ngứa vùng kín. Tuy nhiên, khi triệu chứng ngứa vùng kín không thuyên giảm hoặc đi kèm những dấu hiệu bất thường khác, chị em nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Mong rằng những thông tin mà ThS. BS Phạm Duy Hùng đã cung cấp sẽ giúp bạn chọn được loại thuốc bôi ngứa vùng kín cho bản thân!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. What to Know About Vaginal Itchinghttps://www.healthline.com/health/vaginal-itching

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  2. Vaginal Candidiasishttps://www.cdc.gov/fungal/diseases/candidiasis/genital/index.html

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  3. Bacterial vaginosishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bacterial-vaginosis/symptoms-causes/syc-20352279

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  4. Hướng dẫn sử dụng Canesten cream 1%https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/10/Huong-dan-su-dung-Canesten-cream-1.pdf

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  5. Flucomedil 150 mghttps://drugbank.vn/thuoc/Flucomedil-150-mg&VN-21902-19

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  6. Stadmazolhttps://drugbank.vn/thuoc/Stadmazol&VD-24576-16

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  7. Flagyl 250 mghttps://drugbank.vn/thuoc/Flagyl-250-mg&VD-28322-17

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người