YouMed

Giải đáp hiện tượng tiểu buốt sau sinh mổ khiến mẹ lo lắng

Thạc sĩ, Bác sĩ TRẦN QUỐC PHONG
Tác giả: ThS.BS Trần Quốc Phong
Chuyên khoa: Ngoại tiết niệu

Sinh đẻ là một trải nghiệm đầy hạnh phúc nhưng cũng chất chứa nhiều khó khăn và căng thẳng đối với phụ nữ. Ở những phụ nữ sinh mổ, quá trình hồi phục sau khi sinh thường vô cùng đau đớn và khó chịu cho các mẹ bầu. Trong đó, hiện tượng tiểu buốt sau sinh mổ là tình trạng phổ biến nhất. Vậy, có những cách điều trị và phòng ngừa nào cho tình trạng này? Cùng đọc bài viết sau của ThS.BS Trần Quốc Phong để được giải đáp thắc mắc trên nhé!

Hiện tượng tiểu buốt sau sinh mổ

Sau khi mổ, ống thông tiểu sẽ được đặt vào đường tiểu của bạn cho đến ngày hôm sau. Hộ lý sẽ khuyến khích bạn đứng dậy đi vệ sinh vì đây là một phần quan trọng của việc phục hồi khả năng tiểu tiện sau sinh. Điều này giúp ngăn chặn cơn đau do bàng quang căng đầy gây áp lực lên vết sinh mổ. Tiểu buốt sau khi sinh mổ là hiện tượng chị em cảm thấy đau buốt và nóng rát khi tiểu.

Ngoài ra có thể kèm theo khó tiểu, tiểu rắt hoặc đi tiểu nhiều lần trong ngày. Vết mổ lấy thai được thực hiện rất gần bàng quang. Vì vậy có thể có một số rối loạn khi đi tiểu sau khi sinh em bé. Thông thường, điều này kéo dài tạm thời và thường tự phục hồi trong giai đoạn 6 tuần sau sinh.

Ống tiểu được đặt vào đường tiểu của mẹ bầu nhằm giúp dẫn nước tiểu ra ngoài
Ống tiểu được đặt vào đường tiểu của mẹ bầu nhằm giúp dẫn nước tiểu ra ngoài

Một số bà mẹ khi mang thai không kiểm soát được việc tiểu tiện dẫn đến rò rỉ nước tiểu. Nguyên nhân do bụng bầu ngày càng lớn tạo áp lực lên bàng quang hoặc do các nội tiết tố của quá trình mang thai. Một số bài tập luyện cơ vùng chậu có thể tăng khả năng kiểm soát bàng quang.

Ngoài ra, một vấn đề khác mà bà bầu có thể gặp phải là không cảm thấy buồn tiểu. Mẹ bầu nên nói với các bác sĩ và điều dưỡng khi gặp phải tình trạng này.

Xem thêm: Mang thai sau sinh mổ: Những điều cần lưu ý

Nguyên nhân tiểu buốt sau sinh mổ

Kích ứng niệu đạo1

Sau sinh mổ, bạn sẽ thấy một ống thông tiểu đặt ngay phần dưới của mình. Ống thông tiểu làm cho bàng quang trống khi phẫu thuật. Ống này sẽ nằm trong cơ thể bạn cho đến khi hết thuốc tê hoàn toàn. Sau khi rút ống thông tiểu, có thể bạn sẽ thấy hơi rát ở niệu đạo khi đi tiểu. Một số phụ nữ cho biết cảm giác hơi giống với nhiễm trùng tiểu, bỏng rát, châm chích và bị đau.

Niệu đạo bị kích ứng là một trong những nguyên nhân khiến mẹ bầu sau sinh phải đối mặt với hiện tượng tiểu buốt
Niệu đạo bị kích ứng là một trong những nguyên nhân khiến mẹ bầu sau sinh phải đối mặt với hiện tượng tiểu buốt

Co thắt bàng quang1

Co thắt bàng quang xảy ra khi cơ bàng quang co thắt đột ngột. Nó sẽ khiến bạn có cảm giác muốn đi tiểu ngay. Điều này có thể gây ra tiểu buốt sau sinh mổ. Vì các cơ bàng quang bị ảnh hưởng bởi quá trình phẫu thuật lấy em bé. Hầu hết phụ nữ mô tả cảm giác đó giống như bị chuột rút ngay trước và trong khi họ đi tiểu. Cảm giác đó khiến bạn phải chạy vào nhà vệ sinh ngay lập tức. Tình trạng chuột rút có thể kéo dài trong khi đi tiểu. Và thậm chí, sau khi tiểu xong. Nếu cơn đau không biến mất, mà trở nên nặng nề hơn, có thể bạn đang gặp một biến chứng cần bác sĩ giải quyết.

Nhiễm trùng1

Không hiếm trường hợp bị nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây đau khi đi tiểu. Có tới 16% những người mới làm mẹ trải qua điều này sau khi mổ lấy thai. Nó thường liên quan đến ống thông tiểu mà họ phải đặt để sinh nở. Kết hợp với việc gây tê ngoài màng cứng để gây tê đường tiết niệu, và bạn có đủ các điều kiện để lây nhiễm. Điều này gây ra những hiện tượng như đau hoặc rát khi bạn đi tiểu, nước tiểu có màu sẫm, cặn lắng và thậm chí là sốt. Tình trạng này cần được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Xem thêm: Nhiễm trùng đường tiểu khi mang thai và những điều cần biết

Sa bàng quang1

Sinh mổ có thể khiến bàng quang của bạn bị sa. Sa bàng quang do sinh mổ là do những thay đổi đối với các cơ giữ cơ quan vùng chậu. Ở cuối thai kỳ các hormone trong cơ thể làm giãn các cơ này để giúp khung xương chậu sẵn sàng cho việc sinh nở. Sau khi sinh, các cơ này có xu hướng thư giãn trong giai đoạn phục hồi gây sa bàng quang. Các triệu chứng khác bao gồm chảy nước tiểu nhỏ giọt, buồn tiểu khi hắt hơi và đau khi đi tiểu. Một số trường hợp sẽ tự khỏi, một số khác cần phẫu thuật để đưa bàng quang trở lại vị trí ban đầu.

Tổn thương bàng quang1

Một lỗ rò âm đạo có thể xuất hiện sau sinh mổ khiến nước tiểu chảy ra từ một lỗ nhỏ giữa niệu đạo và âm đạo. Đó là hậu quả của phẫu thuật hoặc nhiễm trùng. Bạn có thể thấy một ít dịch tiết có mùi hôi, đau khi đi tiểu hoặc tiểu không kiểm soát. Biến chứng này không phổ biến nhưng vẫn có thể xảy ra. Khi rơi vào trường hợp này, người mẹ cần phẫu thuật để khắc phục.

Dính vết mổ sau sinh1

Sau bất kỳ loại phẫu thuật bụng nào, các mô sẹo có thể hình thành trong khung chậu làm các mô dính lại với nhau. Các mô sẹo có thể hình thành trên bàng quang, niệu đạo hoặc tử cung, gây tiểu buốt sau sinh mổ. Sau khi phẫu thuật, cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để ngăn ngừa dính vết mổ. Tuy nhiên nếu điều đó xảy ra, cần phẫu thuật nội soi để loại bỏ chúng.

Vết mổ sau sinh để lại nhiều khó chịu cho mẹ bầu trong đó có hiện tượng tiểu buốt
Vết mổ sau sinh để lại nhiều khó chịu cho mẹ bầu trong đó có hiện tượng tiểu buốt

Cách điều trị tiểu buốt sau sinh mổ

Nếu tiểu buốt sau sinh mổ không phải là triệu chứng của các biến chứng nguy hiểm. Cơ thể bạn sẽ tự phục hồi trong vòng 3 tháng đầu sau sinh. Tuy nhiên các phương pháp sau sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái và nhanh phục hồi hơn:1

  • Đặt một chiếc gối trên bụng: Đôi khi áp lực có thể giúp bạn đi tiểu dễ dàng hơn. Khi đi tiểu hoặc đi tiêu, hãy thử đặt một chiếc gối trên bụng và ấn nhẹ vào trong khi đi tiểu. Điều này giúp giảm đau và kích thích dòng chảy của nước tiểu.
  • Sử dụng dung dịch vệ sinh: Trong vài ngày đầu, tiểu buốt sau sinh mổ có thể không liên quan đến nhiễm trùng. Điều dưỡng có thể hướng dẫn bạn sử dụng các dung dịch để làm dịu mát vùng kín sau khi đi tiểu. Có thể cho một chút cây phỉ (hazel) vào dung dịch để giảm sưng viêm.
  • Uống nhiều nước: Mẹ bầu rất dễ bị mất nước sau khi sinh con, đặc biệt khi đang cho con bú. Uống ít nước sẽ khiến nước tiểu đặc, sẫm màu thậm chí đau rát khi tiểu. Hãy uống nhiều nước trong vài tháng sau khi sinh con. Uống nhiều nước cũng giúp loại bỏ vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Không nên nhịn tiểu: Sau khi sinh, bà bầu rất bận trong việc chăm em bé. Tuy nhiên hãy đi tiểu ngay khi có cảm giác mắc. Nhịn tiểu có thể gây đau buốt trong những tuần đầu và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Tại bệnh viện, bạn sẽ được kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc biến chứng trước khi bạn về nhà. Khi về đến nhà, bạn nên liên hệ với văn phòng bác sĩ nếu bạn:

  • Sốt hơn 99,0℉.
  • Đau vùng chậu kèm buồn nôn và nôn.
  • Vùng kín tiết dịch có mùi hôi.
  • Buồn tiểu nhưng không thể đi tiểu được.
  • Đau dữ dội khi đi tiểu.
  • Nước tiểu đục, sẫm màu.
  • Không có cảm giác buồn tiểu.

Cách phòng ngừa tiểu buốt sau sinh mổ

Nhìn chung, tiểu buốt sau khi sinh mổ là một hiện tượng phổ biến và khó có thể tránh được. Điều quan trọng nhất bạn cần làm đó là dành thời gian chăm sóc bản thân và em bé. Phụ nữ cần sự hỗ trợ của gia đình để phục hồi nhanh hơn. Mẹ bầu cần ai đó giúp bạn chăm sóc em bé trong khi nghỉ ngơi, tắm hoặc ăn uống. Ngoài ra phụ nữ cũng nên cố gắng nghỉ ngơi và tránh làm việc nặng trong giai đoạn này. Nên lưu tâm tới cảm xúc của chính mình, duy trì trạng thái tích cực vui vẻ để tránh trầm cảm sau sinh. Có thể thử vận động nhẹ nhàng nhằm giúp tăng tốc độ hồi phục của mẹ bầu.2

Tập luyện nhẹ nhàng rất có ích cho mẹ bầu trong việc cải thiện tình trạng sức khoẻ
Tập luyện nhẹ nhàng rất có ích cho mẹ bầu trong việc cải thiện tình trạng sức khoẻ

Xem thêm: Làm thế nào để nhanh hồi phục sau khi sinh mổ?

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về tiểu buốt sau sinh mổ. Có thể thấy hiện tượng này gây rất nhiều khó chịu và mệt mỏi cho các bà mẹ sau sinh. Thông thường, đây là hiện tượng thường gặp và mẹ bầu cần thời gian để hồi phục. Tuy nhiên kích ứng niệu đạo, co thắt bàng quang hoặc nhiễm trùng cũng có thể là nguyên nhân. Phụ nữ nên tìm kiếm sự giúp đỡ của người thân trong việc chăm sóc em bé để giảm áp lực sau sinh. Khi thấy vùng kín tiết dịch bất thường, rò rỉ nước tiểu, sốt cao, bí tiểu hoặc đau dữ dội,… hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được xử lý kịp thời nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. What Causes Pain with Urination after c Section?https://www.newkidscenter.org/pain-when-urinating-after-c-section-1.html

    Ngày tham khảo: 14/11/2021

  2. How to speed up recovery from a cesarean deliveryhttps://www.medicalnewstoday.com/articles/323229#what-to-expect-after-a-cesarean-delivery

    Ngày tham khảo: 14/11/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người