YouMed

Viêm phổi ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Mặc dù đã có vaccine nhưng vẫn còn rất nhiều trẻ em mắc bệnh và bị cướp đi sinh mạng. Vậy đâu là nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ em là gì? Dấu hiệu trẻ bị viêm phổi ra sao? Cách điều trị viêm phổi ở trẻ ra sao? Phòng ngừa viêm phổi ở trẻ như thế nào?. Hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu qua bài viết sau nhé!

Viêm phổi ở trẻ em là gì?

Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ảnh hưởng đến phổi. Phổi được tạo thành từ các túi nhỏ gọi là phế nang, chứa đầy không khí hít thở khi khỏe mạnh. Khi trẻ bị viêm phổi, các phế nang chứa đầy mủ hay dịch tiết, khiến việc thở trở nên khó khăn và hạn chế lượng oxy hấp thụ.1

Theo WHO, viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ em trên toàn thế giới hơn bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào khác. Viêm phổi chiếm 14% tổng số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi và đã cướp đi sinh mạng của gần 750.000 trẻ em dưới 5 tuổi vào năm 2019. Tỷ lệ tử vong do viêm phổi ở bệnh nhi cao nhất ở Nam Á và Châu Phi – vùng cận Sahara.1

Viêm phổi có thể được ngăn ngừa bằng cách chủng ngừa, dinh dưỡng đầy đủ và giải quyết các yếu tố môi trường. Tuy nhiên theo ước tính của UNICEF, cứ 45 giây lại có ít nhất một trẻ tử vong do viêm phổi. Dù tất cả trường hợp tử vong này đều có thể ngăn ngừa được.2

Viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ em trên toàn thế giới
Viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ em trên toàn thế giới

Các loại viêm phổi ở trẻ em

Theo truyền thống, bệnh viêm phổi về mặt hình thái học được phân loại là viêm phổi thùy hoặc tiểu thùy (viêm phổi khu trú). Loại thứ hai còn được gọi là viêm phế quản phổi.3

Viêm phổi thùy

Thuật ngữ viêm phổi thùy được sử dụng nếu toàn bộ thùy phổi bị viêm rõ ràng. Viêm phổi thùy được đặc trưng bởi sự phát triển cấp tính và sự tấn công nhanh chóng toàn bộ thùy bởi quá trình viêm. Sự thay đổi hình thái chính của phổi về mặt mô học là sự xâm nhập dày đặc của các sợi huyết-bạch cầu trung tính vào các phế nang. Điều này gây đông đặc hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn của một thùy phổi.3

Trái ngược với viêm phổi thùy có thể gây tử vong nếu không điều trị bằng kháng sinh, viêm phổi khu trú cho thấy sự phát triển chậm hơn nhiều và thường không gây tử vong ở người lớn. Các trường hợp tử vong chủ yếu xảy ra ở trẻ sơ sinh và người già. Viêm phổi khu trú khi tình trạng viêm khu trú ở nhiều thùy trong phổi.3

Viêm phổi phế quản

Viêm phế quản phổi là biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất của viêm phổi ở trẻ em. Năm 2013, bệnh viêm phế quản phổi đã gây ra cái chết cho 935.000 trẻ em dưới 5 tuổi.4

Viêm phổi phế quản ảnh hưởng đến các mảng khắp cả hai phổi. Do viêm phế quản phổi có biểu hiện viêm mủ khu trú thành các mảng xung quanh phế quản và có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều thùy phổi. Trong những trường hợp nghiêm trọng, viêm phế quản phổi có thể dẫn đến hình thành áp xe phổi. Ngoài ra, nhiễm trùng có thể lan đến khoang màng phổi và tích tụ dịch tiết (chất lỏng giống như mủ do viêm). Điều này dẫn đến tình trạng gọi là viêm mủ màng phổi.

Dấu hiệu trẻ bị viêm phổi mà phụ huynh nên quan tâm

Các đặc điểm của viêm phổi do virus và vi khuẩn là tương tự nhau. Tuy nhiên, các triệu chứng của viêm phổi do virus có thể nhiều hơn các triệu chứng của viêm phổi do vi khuẩn.1

Giai đoạn sớm

Vì viêm phổi là bệnh nhiễm trùng phổi nên các triệu chứng phổ biến nhất là ho, khó thở và sốt. Sốt thường cao (> 39°C), nhưng trẻ có thể sốt nhẹ hoặc có thể không sốt. Trẻ bị viêm phổi thường thở nhanh. Lồng ngực dưới của trẻ có thể hóp vào hoặc rút lại khi hít vào (ở người khỏe mạnh, lồng ngực nở ra khi hít vào). Triệu chứng khò khè xuất hiện phổ biến hơn trong viêm phổi do nhiễm virus.2 5

Lưu ý:5

  • Ở trẻ dưới 2 tháng tuổi, việc rút lõm lồng ngực vừa phải là bình thường vì thành ngực mềm dẻo.
  • Nếu chỉ có các mô mềm giữa các xương sườn hoặc phía trên xương đòn lõm xuống thì không có hiện tượng rút lõm lồng ngực.
Trẻ bị viêm phổi thường có biểu hiệu ho, khó thở và sốt
Trẻ bị viêm phổi thường có biểu hiệu ho, khó thở và sốt

Giai đoạn nặng

Dấu hiệu của trẻ khi bệnh viêm phổi nặng:1 5

  • Rút ​​lồng ngực dưới đáng kể.
  • Phập phồng cánh mũi.
  • Tím tái (môi, niêm mạc miệng, móng tay) hoặc SpO2 < 90%.
  • Thay đổi ý thức (trẻ buồn ngủ bất thường hoặc khó đánh thức).
  • Trẻ bị bệnh nặng có thể không ăn hoặc uống được và cũng có thể bị bất tỉnh, hạ thân nhiệt và co giật.
  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi có dấu hiệu viêm phổi sẽ coi như viêm phổi nặng.

Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ em

Nguyên nhân của viêm phổi ở trẻ em có thể được phân loại theo độ tuổi cụ thể so với vi sinh vật gây bệnh cụ thể:6

  • Trẻ sơ sinh có nguy cơ nhiễm mầm bệnh vi khuẩn trong quá trình được sinh ra và bao gồm các sinh vật như liên cầu khuẩn nhóm B, Klebsiella, Escherichia coli và Listeria monocytogenes, Streptococcus pneumoniae, Streptococcus pyogenes, và Staphylococcus aureus có thể được xác định trong bệnh viêm phổi sơ sinh khởi phát muộn.
  • Virus là nguyên nhân chính gây viêm phổi ở trẻ lớn hơn và trẻ mới biết đi từ 30 ngày tuổi đến 2 tuổi.
  • Ở trẻ em từ 2 đến 5 tuổi, virus đường hô hấp cũng phổ biến nhất. Sự gia tăng các ca bệnh liên quan đến  S. pneumoniae và H. influenzae loại B cũng được quan sát thấy ở nhóm tuổi này.
  • Viêm phổi do Mycoplasma thường xảy ra ở trẻ em từ 5 đến 13 tuổi. Tuy nhiên, S. pneumoniae vẫn là vi khuẩn gây bệnh được xác định phổ biến nhất.
  • Trẻ em bị suy giảm miễn dịch nên được đánh giá về Pneumocystis jiroveci, cytomegalovirus và các loài nấm nếu không xác định được sinh vật nào khác.

Viêm phổi ở trẻ em có nguy hiểm không?

Viêm phổi do virus có xu hướng tự khỏi mà không cần điều trị. Di chứng lâu dài rất hiếm. Tuy nhiên, cả viêm phổi do vi khuẩn và thủy đậu đều có thể gây hậu quả nghiêm trọng và đáng thận trọng ở trẻ em.6

Trẻ mắc bệnh lao có nguy cơ tiến triển bệnh cao nếu tình trạng bệnh không được điều trị. Trẻ bị suy giảm miễn dịch và suy dinh dưỡng có tiên lượng xấu nhất. Khi một đứa trẻ quá gầy và hệ thống miễn dịch yếu, chúng sẽ dễ mắc các bệnh như viêm phổi hơn rất nhiều. Mỗi năm, có khoảng 3 triệu trẻ em tử vong do viêm phổi và phần lớn những trẻ này cũng mắc các bệnh đi kèm khác như bệnh tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch hoặc bệnh phổi mãn tính khi sinh non.6

Những trẻ nào thì dễ mắc bệnh?

Trẻ em sẽ dễ mắc viêm phổi khi:1

  • Hệ thống miễn dịch chưa trưởng thành (tức là trẻ sơ sinh).
  • Hệ miễn dịch bị suy yếu hoặc tổn thương.
  • Trẻ bị suy dinh dưỡng.
  • Trẻ chưa được tiêm vắc-xin phòng viêm phổi.
  • Trẻ sơ sinh không được bú mẹ hoàn toàn.

Các yếu tố môi trường sau đây cũng làm tăng khả năng mắc bệnh viêm phổi của trẻ:1

  • Ô nhiễm không khí trong nhà do nấu nướng và sưởi ấm bằng nhiên liệu sinh khối (chẳng hạn như gỗ).
  • Sống trong những ngôi nhà đông đúc.
  • Cha mẹ hút thuốc.
Trẻ sơ sinh không được bú mẹ hoàn toàn có nguy cơ mắc viêm phổi
Trẻ sơ sinh không được bú mẹ hoàn toàn có nguy cơ mắc viêm phổi

Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm phổi ở trẻ em

Chẩn đoán lâm sàng

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh viêm phổi thông qua khám sức khỏe, bao gồm kiểm tra các kiểu thở bất thường và lắng nghe phổi của trẻ. Khám lâm sàng phải tiến hành trên trẻ bình tĩnh để đếm chính xác nhịp thở và tìm dấu hiệu bệnh nặng.

Một đứa trẻ bị thở nhanh (tăng nhịp thở) nếu:

  • Nhịp thở ≥ 60 lần thở/phút ở trẻ dưới 1 tháng.
  • Nhịp thở ≥ 50 lần/phút ở trẻ 1 đến 11 tháng.
  • Nhịp thở ≥ 40 lần/phút ở trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi.

Khi nghe phổi: tiếng thở đục với tiếng thở mụn nước giảm dần, tiếng lạo xạo và đôi khi là tiếng thở phế quản hoặc bình thường.

Chẩn đoán cận lâm sàng 

Cận lâm sàng sẽ cung cấp thêm các thông tin để xác định chính xác chẩn đoán cũng như trình trạng bệnh. Bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang ngực hoặc xét nghiệm máu.

Trẻ có thể được chỉ định xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm phổi
Trẻ có thể được chỉ định xét nghiệm máu để chẩn đoán viêm phổi

Điều trị viêm phổi ở trẻ em

Việc điều trị sẽ được nhắm vào một mầm bệnh cụ thể được nghi ngờ dựa trên thông tin thu được từ bệnh sử và khám sức khỏe. Quản lý hỗ trợ và điều trị triệu chứng là mục tiêu được đặt ra. Có thể chỉ định oxy bổ sung cho tình trạng thiếu oxy, thuốc hạ sốt khi sốt và truyền dịch khi mất nước. Điều này đặc biệt quan trọng đối với viêm phổi không nhiễm trùng và viêm phổi do virus mà kháng sinh không được chỉ định. Nếu nghi ngờ viêm phổi do vi khuẩn, bác sĩ sẽ điều trị theo kinh nghiệm bằng kháng sinh.6

Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 90 ngày tuổi nên được nhập viện để điều trị. Cùng với đó là những trẻ bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh mãn tính tiềm ẩn khác như thiếu máu hồng cầu hình liềm hoặc xơ nang. Nhập viện cũng thường được yêu cầu cho những bệnh nhân bị suy hô hấp và oxy thấp.6

Trong hầu hết các trường hợp, sự hiện diện của tràn dịch quanh phổi cần phải nhập viện. Trẻ em bị suy hô hấp nặng có thể cần điều trị lồng ngực, CPAP hoặc thậm chí thở máy. Tràn dịch màng phổi lượng lớn cần dẫn lưu để chẩn đoán và điều trị. Ở những bệnh nhân bị viêm mủ màng phổi, phẫu thuật lồng ngực sớm có thể giảm tỷ lệ tử vong, thời gian nằm viện và bức xạ ion hóa từ chụp CT.6

Các cách giúp mẹ phòng ngừa bệnh cho bé yêu

Viêm phổi có thể được ngăn ngừa ngay từ đầu bằng cách tăng cường các biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như dinh dưỡng đầy đủ và bằng cách giảm các yếu tố rủi ro như ô nhiễm không khí và sử dụng các biện pháp vệ sinh tốt.1

Việc rửa tay bằng xà phòng được cho là có thể giúp giảm tới 50% nguy cơ viêm phổi bằng cách giảm tiếp xúc với vi khuẩn.2

Đảm bảo rằng trẻ được tiêm phòng đúng lịch và định kỳ. Trẻ em thường được tiêm ngừa định kỳ chống H. influenzae, phế cầu khuẩnho gà bắt đầu từ 2 tháng tuổi.1

Trẻ cần được tiêm chủng đúng lịch để giúp phòng ngừa viêm phổi
Trẻ cần được tiêm chủng đúng lịch để giúp phòng ngừa viêm phổi

Qua bài trên, Bác sĩ hy vọng đã cung cấp cái nhìn tổng quan về bệnh viêm phổi ở trẻ em. Trẻ em là một đối tượng đặc biệt khá đặc biệt, các bậc phụ huynh nên hết sức lưu ý dấu hiệu sức khỏe bất thường của trẻ. Viêm phổi không những là căn bệnh phổ biến mà còn gây nhiều nguy hiểm. Do đó, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị hiệu quả và kịp thời.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Pneumonia in childrenhttps://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/pneumonia

    Ngày tham khảo: 11/06/2023

  2. Childhood pneumonia: Everything you need to knowhttps://www.unicef.org/stories/childhood-pneumonia-explained

    Ngày tham khảo: 11/06/2023

  3. Lobar (croupous) pneumonia: old and new datahttps://link.springer.com/article/10.1007/s15010-021-01689-4

    Ngày tham khảo: 11/06/2023

  4. Evaluation of Drug Treatment of Bronchopneumonia at the Pediatric Clinic in Sarajevohttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5010066/

    Ngày tham khảo: 11/06/2023

  5. Pneumonia in children under 5 years of agehttps://medicalguidelines.msf.org/en/viewport/CG/english/pneumonia-in-children-under-5-years-of-age-16689531.html

    Ngày tham khảo: 11/06/2023

  6. Pediatric Pneumoniahttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK536940/

    Ngày tham khảo: 11/06/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người