YouMed

Các triệu chứng tay chân miệng ở trẻ mà ba mẹ cần lưu ý

BS Huỳnh Nguyễn Anh Thư
Tác giả: Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Anh Thư
Chuyên khoa: Nhi khoa

Bệnh tay chân miệng là một bệnh có thể gặp ở tất cả các lứa tuổi. Đây là căn bệnh dễ lây lan, nhất là trong môi trường công cộng, trường học. Mùa tựu trường đã đến, các bậc phụ huynh hãy cùng Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Anh Thư tìm hiểu thêm về các triệu chứng của bệnh tay chân miệng qua bài viết sau đây. 

Nguyên nhân của bệnh tay chân miệng

Các bé dưới 5 tuổi là đối tượng thường mắc bệnh tay chân miệng nhất.1 Bệnh rất dễ lây lan, đặc biệt là trong môi trường nhà trẻ. Bệnh xảy ra quanh năm tuy vậy, tại Việt Nam, bệnh tăng cao từ tháng 2 đến tháng 4 và tháng 9 đến tháng 12 hằng năm.

Virus gây bệnh tay chân miệng thuộc nhóm Enterovirus, là nhóm virus thường lây lan qua đường “phân – miệng” hay “miệng – miệng”. Ở những trẻ mắc tay chân miệng, virus sẽ trú ngụ tại niêm mạc hầu họng, amidan, và niêm mạc dọc ống tiêu hóa. Sau đó sẽ theo phân thải ra ngoài môi trường.2

Trong môi trường sinh hoạt chung tại nhà trẻ, trẻ khỏe mạnh vô tình lây nhiễm chất tiết từ đường tiêu hóa, nước bọt, dịch từ mụn nước vỡ của trẻ bệnh, từ đó bệnh tay chân miệng sẽ lây lan rất nhanh. Chủng virus thường gặp ở các đợt dịch trong nước ta là EV71 và Coxsackievirus A16. EV71 có thể gây bệnh cảnh nặng nề hơn Coxsackievirus A16, gây biến chứng thần kinh nghiêm trọng.2

Triệu chứng chân tay miệng ở trẻ theo từng giai đoạn

Thời gian ủ bệnh từ 3 tới 7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây, bệnh thường kéo dài từ 7 tới 10 ngày.3

Triệu chứng tay chân miệng ở trẻ trong giai đoạn khởi phát

Ban đầu trẻ có thể có biểu hiện sốt, uể oải, và biếng ăn.2 Một số trẻ có biểu hiện tiêu chảy hoặc nôn ói. Tuy sốt là một triệu chứng thường gặp, nhưng không phải là triệu chứng cần có để chẩn đoán bệnh. Tay chân miệng được phân độ 1 khi chỉ có phát ban tay chân và/ hoặc loét miệng.4

Triệu chứng tay chân miệng ở trẻ trong giai đoạn toàn phát

Loét miệng

Vết loét hoặc bóng nước ở niêm mạc miệng, lưỡi, lợi gây đau miệng bỏ ăn. Có nhiều sang thương niêm mạc miệng rất dễ nhầm lẫn với bệnh tay chân miệng. Dựa vào đặc điểm của sang thương và độ tuổi, cũng như nguy cơ lây nhiễm của từng trẻ mà các bác sĩ sẽ chẩn đoán được tay chân miệng. Các chẩn đoán thường nhầm lẫn là viêm miệng – nướu do HSV, viêm miệng Áp – tơ,..

Loét miệng trong tay chân miệng
Loét miệng trong tay chân miệng
Loét miệng trong nhiễm HSV
Loét miệng trong nhiễm HSV
Viêm miệng Áp – tơ
Viêm miệng Áp – tơ

Phát ban

Phát ban dạng sẩn hồng ban nổi gồ trên mặt da, thường xuất hiện ở lòng bàn tay, chân, gối, khuỷu, mông và cơ quan sinh dục. Mụn nước thường ít khi vỡ, lành không để lại sẹo, bội nhiễm vi khuẩn thường hiếm gặp.

Không phải tất cả các vị trí được nêu trên đều phải có hồng ban, một số trẻ chỉ có hồng ban mụn nước ở nơi kín đáo như khe mông, bộ phận sinh dục, nhưng vẫn có biến chứng nặng nề. Vì vậy quý phụ huynh cần tìm và quan sát kĩ khi nghi ngờ trẻ bị tay chân miệng.

Bàn tay và chân của trẻ bị tay chân miệng
Bàn tay và chân của trẻ bị tay chân miệng

Để phân biệt được ban có phải là bàn tay chân miệng hay không cần có kinh nghiệm và chuyên môn. Vì vậy khi nghi ngờ, quý phụ huynh cần đưa bé đến gặp bác sĩ để được khám và chẩn đoán một cách chính xác và kịp thời.

Triệu chứng tay chân miệng ở trẻ trong giai đoạn lui bệnh

Nếu không có biến chứng, sau khoảng 7 ngày từ lúc khởi bệnh, các triệu chứng sẽ lui dần.

Những biến chứng nguy hiểm của tay chân miệng

Theo CDC, khi mắc tay chân miệng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có thể mắc những biến chứng nguy hiểm sau:4 5

  • Mất nước nghiêm trọng: Tình trạng đau miệng có thể khiến trẻ gặp khó khăn trong việc uống nước. Từ đó cơ thể rơi vào trạng thái mất nước nghiêm trọng.
  • Biến chứng thần kinh trung ương: gồm viêm màng não, viêm thân não, viêm não – tủy, liệt mềm cấp, rối loạn thần kinh thực vật.
  • Biến chứng hô hấp – tuần hoàn: thở bất thường, suy hô hấp, trụy tim mạch, ngưng tim ngưng thở.

Dấu hiệu tay chân miệng ở trẻ khi trở nặng

Đa số trẻ mắc tay chân miệng thường nhẹ và có thể được chăm sóc tại nhà. Tuy vậy nếu xảy ra biến chứng, thường rất nặng nề và tỉ lệ tử vong khá cao. Vì vậy, việc quan trọng của bác sĩ là giải thích cho quý phụ huynh biết cách theo dõi các dấu hiệu trở nặng của trẻ bị tay chân miệng để đưa trẻ tới khám kịp thời.

Sốt cao

Sốt cao > 39 °C, cơn sốt khó hạ với các thuốc hạ sốt như paracetamol, ibuprofen dù đã được sử dụng đúng và đủ liều. Biểu hiện này cho thấy trẻ có nguy cơ tổn thương hệ thần kinh trung ương đặc biệt là vùng hạ đồi.

Giật mình chới với

Biểu hiện này cho biết trẻ đã có tổn thương thần kinh. Cơn giật mình rất ngắn (< 1 giây), trẻ có thể đang thức hoặc ngủ.

Nhức đầu, nôn ói, cứng cổ khó cử động

Đây là những dấu hiệu trẻ có thể bị viêm màng não.

Run chi, đi đứng/ngồi không vững

Những dấu hiệu tổn thương thần kinh có thể xuất hiện nếu tình trạng bệnh của trẻ trở nên nghiêm trọng.

Những dấu hiệu khó thở

Khó thở, thở mệt, tím tái, vã mồ hôi tay chân lạnh,… là những dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị rối loạn thần kinh thực vật.

Cần làm gì khi trẻ bị tay chân miệng?

Việc quý phụ huynh cần chú ý khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng là nhận ra dấu hiệu trẻ trở nặng như đã nêu trên, và tuân thủ theo hướng dẫn chăm sóc cũng như lịch hẹn tái khám của bác sĩ.

Chăm sóc và chú ý các dấu hiệu của trẻ

Phụ huynh nên chú ý quan sát vấn đề uống nước của trẻ. Như đã nói ở trên, trẻ bị tay chân miệng có nguy cơ bị mất nước. Chính vì vậy, phụ huynh nên theo dõi và ngăn chặn tình trạng này.

Trẻ có thể quấy khóc, khó chịu và biếng ăn khi sốt hoặc loét miệng. Nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, không quá nóng, và chia nhiều cử ăn để trẻ cảm thấy thoải mái hơn.6

Cho trẻ dùng thuốc giảm đau theo liều lượng

Một số phụ huynh thường cho trẻ sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn ngoài aspirin, chẳng hạn như acetaminophen (Tylenol, những loại khác) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin IB, những loại khác).7

Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý liều lượng, cách dùng và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ sử dụng.

Cách phòng ngừa tay chân miệng cho trẻ

Hiện nước ta vẫn chưa có vaccin phòng bệnh tay chân miệng, vì vậy biện pháp phòng ngừa chính vẫn là vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà bằng dung dịch sát khuẩn. Cách ly trẻ bệnh trong vòng 7 – 10 ngày từ khi khởi phát, thông báo trường mầm non nơi mà trẻ đang theo học về việc trẻ bị bệnh là cách tốt nhất để phòng ngừa lây lan.

Tay chân miệng là một bệnh thường gặp, có nguy cơ diễn tiến nặng. Việc quan trọng nhất là phát hiện các triệu chứng tay chân miệng ở trẻ để hoặc dấu hiệu khi trẻ có nguy cơ diễn tiến nặng để đưa trẻ đi khám kịp thời. Hy vọng với chia sẻ trên sẽ giúp quý phụ huynh cảm thấy dễ dàng hơn trong việc theo dõi cũng như chăm sóc trẻ bị tay chân miệng.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Hand, Foot, and Mouth Disease (HFMD)https://www.webmd.com/children/guide/hand-foot-mouth-disease

    Ngày tham khảo: 30/09/2022

  2. Hand Foot And Mouth Diseasehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK431082/

    Ngày tham khảo: 30/09/2022

  3. Hand, foot and mouth diseasehttps://www.rch.org.au/kidsinfo/fact_sheets/Hand_foot_and_mouth_disease/

    Ngày tham khảo: 30/09/2022

  4. Bộ Y tế (2011). Quyết định 1003/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chuẩn đoán, điều trị bệnh tay - chân - miệng

    Ngày tham khảo: 30/09/2022

  5. Complications of Hand, Foot, and Mouth Diseasehttps://www.cdc.gov/hand-foot-mouth/about/complications.html

    Ngày tham khảo: 30/09/2022

  6. Hand, foot and mouth diseasehttps://www.nhs.uk/conditions/hand-foot-mouth-disease/

    Ngày tham khảo: 30/09/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người