Triệu chứng mất ngủ mà bạn không nên bỏ qua
Nội dung bài viết
Mất ngủ là tình trạng khá phổ biến và có thể ở mọi lứa tuổi. Người bệnh có thể cảm thấy khó đi vào giấc ngủ, hoặc ngủ không ngon giấc, thức giấc nhiều lần trong đêm. Tình trạng này có thể diễn ra trong thời gian ngắn hoặc kéo dài làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của đối tượng. Bài viết dưới đây, bác sĩ Lâm Giang sẽ đề cập đến triệu chứng mất ngủ, một số nguyên nhân và phương pháp điều trị.
Mất ngủ là dấu hiệu của bệnh gì?
Trước khi tìm hiểu về triệu chứng mất ngủ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu tổng quan về bệnh này.
Một người bình thường ngủ trung bình 6 – 8 tiếng/ngày. Trong đó giấc ngủ phải đảm bảo đủ về chất lượng và số lượng. Nghĩa là phải ngủ đủ sâu và cảm thấy thoải mái, khỏe hơn khi thức giấc.
Mất ngủ là một tình trạng rối loạn nhịp sinh học của cơ thể. Có thể bao gồm ngủ không sâu giấc, khó đi vào giấc ngủ hoặc hay tỉnh giấc trong đêm mà khó ngủ lại. Tình trạng này có thể diễn ra trong thời gian ngắn (< 3 tuần) hoặc kéo dài (> 3 tuần). Khi tình trạng kéo dài có thể liên quan đến một số vấn đề y khoa khác.
Mất ngủ kéo còn gây mệt mỏi khó chịu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất làm việc và chất lượng cuộc sống. Tình trạng mất ngủ hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến người già. Mà còn có thể gặp ở những người trẻ tuổi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn như những thói quen sinh hoạt không lành mạnh khiến họ khó đi vào giấc ngủ hơn.
Triệu chứng mất ngủ thường gặp
Như đã đề cập ở trên, mất ngủ được chia thành mất ngủ ngắn hạn (mất ngủ cấp tính) và mất ngủ kéo dài (mất ngủ mạn tính). Sự phân loại này dựa trên mức độ mất ngủ có thường xuyên hay không? Mất ngủ kéo dài trong bao lâu?
Các dấu hiệu và triệu chứng mất ngủ gồm:
- Người bệnh thấy khó ngủ vào ban đêm.
- Thường xuyên thức giấc vào ban đêm và rất khó để ngủ lại.
- Không có cảm giác thoải mái sau khi ngủ.
- Mệt mỏi và buồn ngủ hơn vào ban ngày.
- Người bệnh có thể thấy khó chịu, lo âu hoặc thậm chí là trầm cảm.
- Người bệnh gặp khó khăn trong việc tập trung chú ý hoặc vấn đề ghi nhớ.
- Triệu chứng mất ngủ cũng có thể không đặc hiệu như: đau đầu, căng thẳng, khó chịu ở dạ dày…
Người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập ở đây. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về triệu chứng mất ngủ, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
Nguyên nhân mất ngủ
Bên cạnh triệu chứng mất ngủ thì tìm hiểu nguyên nhân cũng góp phần vào việc điều trị cho người bệnh.
Nguyên nhân mất ngủ thời gian ngắn (< 3 tuần)
1. Stress
Stress là nguyên nhân gây mất ngủ thường gặp ở 34% nữ giới và 22% nam giới.
2. Rối loạn nhịp sinh học
Chẳng hạn như lịch làm việc thay đổi bất thường, làm việc theo ca không thường xuyên, thay đổi múi giờ…
3. Sử dụng các chất kích thích
Dùng cà phê, trà, thuốc lá, rượu, hoặc các loại chất có tính kích thích khác cũng có thể là nguyên nhân mất ngủ. Do ăn nhiều nặng bụng trong đêm, ăn nhiều chất kích thích…
4. Các yếu tố khác
- Thói quen của người ngủ cùng: ví dụ như ngáy.
- Các yếu tố môi trường: ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ,…
Xem thêm: Mất ngủ và các vấn đề gây nên mất ngủ
Nguyên nhân mất ngủ kéo dài (>3 tuần)
Nhóm nguyên nhân này thường gặp ở những bệnh nhân có bệnh lý cơ thể hoặc bệnh lý tâm thần như:
- Bệnh lý đa khoa: dị ứng, viêm khớp, bệnh tim, cao huyết áp, hen phế quản…
- Bệnh lý liên quan đến giấc ngủ như: chứng ngưng thở khi ngủ, ác mộng, mộng du…
- Bệnh lý tâm thần. Ước tính có khoảng 35 – 50% trường hợp mất ngủ kéo dài có liên quan đến bệnh lý tâm thần: trầm cảm, rối loạn stress sau chấn thương (PTSD)…
Ngoài ra còn có một số bệnh lý tâm thần khác như:
- Rối loạn lo âu lan toả.
- Nghiện rượu hoặc các chất dạng thuốc phiện (opioid).
- Tâm thần phân liệt.
- Tình trạng sa sút trí tuệ.
Một số tình trạng sinh lý cũng có thể dẫn tới mất ngủ. Ví dụ như mãn kinh, kinh nguyệt, có thai, sốt, đau…
Yếu tố nguy cơ bị mất ngủ
- Giới tính nữ. Giới nữ có những thay đổi về mặt nội tiết nhiều hơn nam. Chẳng hạn như sự thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt và trong thời kỳ mãn kinh. Trong thời kỳ mãn kinh, đổ mồ hôi đêm và những “cơn bốc hỏa” thường làm gián đoạn giấc ngủ. Mất ngủ cũng có thể xảy ra ở những phụ nữ có thai.
- Trên 60 tuổi. Thực tế cho thấy, tình trạng mất ngủ gia tăng theo tuổi.
- Rối loạn sức khỏe tâm thần hoặc thể chất. Nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần hoặc thể chất có thể làm gián đoạn giấc ngủ.
- Căng thẳng tinh thần. Các áp lực công việc có thể gây ra chứng mất ngủ tạm thời.
- Thay đổi lịch làm việc đột ngột. Chăng hạn như đổi ca làm việc hoặc đi du lịch đến vùng lệch múi giờ.
Điều trị mất ngủ như thế nào?
Dùng thuốc
Một số loại thuốc dùng trong điều trị mất ngủ như benzodiazepine. Nhưng cần chú ý là phải có bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn sử dụng.
Một số thuốc mới không thuộc nhóm benzodiazepine có ưu điểm là không gây lệ thuộc thuốc. Các thuốc này có thể mua không cần kê toa, ví dụ như: Melatonin, Ramelteon (Rozerem).
Xem thêm: Phân loại và tác dụng các loại thuốc ngủ
Một số thuốc chống trầm cảm và giải lo âu cũng có thể được chỉ định cho những bệnh nhân mất ngủ có biểu hiện của trầm cảm. Thuốc chống loạn thần cũng có hiệu quả tốt nhưng ít được khuyến khích sử dụng cho mục đích điều trị mất ngủ.
Liệu pháp thay thế
Mặc dù trong nhiều trường hợp, sự an toàn và hiệu quả chưa được chứng minh, một số người đã thử các liệu pháp như:
- Sản phẩm bổ sung melatonin không cần kê đơn. Melatonin có vai trò trong quá trình điều hòa chu trình thức ngủ của cơ thể. Hiệu quả của việc sử dụng melatonin trong điều trị mất ngủ chưa thực sự được biết rõ.
- Châm cứu, yoga, thiền. Một số nghiên cho thấy các phương pháp này có thể có lợi cho những người bị mất ngủ. Kết hợp các phương pháp này với điều trị thông thường có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Trên đây là những triệu chứng mất ngủ mà bạn không thể bỏ qua. Khi thấy cơ thể có những dấu hiệu kể trên cũng như gặp khó khăn trong việc đi vào giấc ngủ; hãy đi khám để được điều trị kịp thời.
Xem thêm:
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Symptoms of Insomniahttps://www.sleepfoundation.org/insomnia/symptoms
Ngày tham khảo: 27/10/2021
-
What Causes Insomnia?https://www.sleepfoundation.org/insomnia/what-causes-insomnia
Ngày tham khảo: 27/10/2021