YouMed

Xét nghiệm Triglyceride là gì và ý nghĩa của xét nghiệm này

bác sĩ nguyễn lâm giang
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang
Chuyên khoa: Nội tổng quát

Xét nghiệm triglyceride là một trong những xét nghiệm mỡ máu giúp kiểm soát và phòng ngừa các biến cố sức khỏe trong tương lai. Vậy bạn có hiểu bản chất triglyceride là gì, xét nghiệm triglyceride cần lưu ý điều gì, những tác nhân có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm triglyceride? Bài viết dưới đây của YouMed sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi.

Vai trò của triglyceride trong cơ thể

Triglyceride (còn được gọi là chất béo trung tính) bao gồm một phân tử glycerol liên kết với 3 chuỗi acid béo. Ba chuỗi acid béo này có thể khác nhau đối với mỗi phân tử. Do đó sẽ tạo ra nhiều loại triglyceride khác nhau.1

Khi được chuyển hóa bởi cơ thể, triglyceride là nguồn năng lượng quan trọng. Trên thực tế, người ta ước tính rằng chất béo trung tính chứa gấp đôi lượng năng lượng so với cả carbohydrate hoặc protein cũng có thể được sử dụng để cung cấp năng lượng cho cơ thể.1

Triglyceride trong xét nghiệm máu là gì?

Là một thành phần bình thường của hệ thống mạch máu, chất béo trung tính liên tục được lưu thông trong trường hợp chúng cần được chuyển hóa để cung cấp nguồn năng lượng. Khi dư thừa, chất béo trung tính có thể được lưu trữ trong chất béo lắng đọng, có thể dẫn đến béo phì và các tình trạng sức khỏe liên quan nếu nó kéo dài theo thời gian.

Triglyceride là một loại chất béo (lipid) được tìm thấy trong máu của bạn.1

Khi ăn, cơ thể sẽ chuyển đổi bất kỳ lượng calo nào mà nó không cần sử dụng ngay lập tức thành chất béo trung tính (triglyceride). Triglyceride sẽ được lưu trữ trong các tế bào chất béo của bạn. Sau đó, hormone sẽ giải phóng triglyceride để tạo năng lượng giữ các bữa ăn.2

Nếu bạn thường xuyên ăn nhiều calo hơn mức cần tiêu thụ, đặc biệt là các thực phẩm giàu carbohydrate, bạn có thể sẽ có lượng triglyceride cao hơn.2

Xét nghiệm triglyceride là gì?

Xét nghiệm triglyceride (hay còn gọi là xét nghiệm triacylglycerol) dùng để xác định lượng chất béo trung tính trong máu. Kết quả xét nghiệm giúp bác sĩ xác định nguy cơ mắc bệnh tim viêm tuyến tụy hay xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch xảy ra khi chất béo tích tụ bên trong động mạch, nó có thể gây tăng nguy cơ đau tim hay đột quỵ.3

Nồng độ triglyceride cao có liên quan đến chức năng gan và tuyến tụy và những vấn đề về sức khỏe như: huyết áp cao, tiểu đường, béo phì, mức cholesterol “xấu” cao và mức cholesterol “tốt” thấp. Mức độ chất béo trung tính này cao chưa chắc đã ảnh hưởng đến tim mạch và các cơ quan khác. Vì vậy mà bác sĩ cần làm thêm các kiểm tra khác bên cạnh xét nghiệm Triglycerid để đảm bảo kết quả chính xác nhất.4

Xét nghiệm triglycerid
Xét nghiệm Triglycerid giúp cảnh báo nguy cơ xơ vữa động mạch

Những ai cần thực hiện xét nghiệm Triglyceride?

Theo các chuyên gia khuyến cáo, một người nên xét nghiệm kiểm tra chất béo 5 năm 1 lần. Trong đó, bạn sẽ được xét nghiệm Triglycerid bên cạnh nồng độ cholesterol, HDL, LDL. Xét nghiệm Triglycerid có thể được chỉ định thường xuyên hơn nếu bạn thuộc một trong các yếu tố nguy cơ sau:3 5

  • Hút thuốc lá.
  • Thừa cân hoặc béo phì.
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh.
  • Không tập thể dục.
  • Nam từ 45 tuổi và nữ từ 55 tuổi.
  • Bị tăng huyết áp.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch (người thân là nam dưới 55 tuổi hoặc người thân là nữ dưới 65 tuổi).
  • Đã từng hoặc đang đau tim.

Bên cạnh đó, nếu bạn đang điều trị chứng Triglyceride cao, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm xét nghiệm này thường xuyên để theo dõi hiệu quả chữa trị. Những người mắc tiểu đường hoặc tiền tiểu đường cũng cần làm xét nghiệm này vì chất béo trung tính tăng lên khi mức đường huyết không được duy trì ở mức cho phép.3

Ngoài ra, trẻ em cũng cần được kiểm tra nồng độ chất béo trung tính vì những nguy cơ tiềm ẩn phát triển bệnh trên tim mạch. Đặc biệt là trẻ em thừa cân, các bé có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch tiểu đường hoặc cao huyết áp. Lưu ý, trẻ em dưới 2 tuổi còn quá nhỏ để làm kiểm tra.3

Xét nghiệm triglycerid
Người đã từng hoặc đang bị đau tim nên thực hiện xét nghiệm Triglycerid định kỳ

Ý nghĩa của xét nghiệm Triglyceride

Xét nghiệm chất béo trung tính được sử dụng để tìm hiểu nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và các tình trạng khác liên quan đến động mạch của bạn, chẳng hạn như bệnh động mạch ngoại vi . Xét nghiệm này cũng được sử dụng để giúp theo dõi tình trạng tim và các phương pháp điều trị để giảm nguy cơ mắc bệnh tim.6

Xét nghiệm chất béo trung tính thường được thực hiện như một phần của nhóm xét nghiệm được gọi là hồ sơ lipid. Hồ sơ lipid đo mức chất béo trong máu của bạn, bao gồm triglyceride và cholesterol . Nếu bạn có mức cholesterol LDL (chất béo có hại) và triglyceride cao, bạn có thể có nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ cao hơn.6

Xét nghiệm Triglyceride chẩn đoán bệnh gì?

Nồng độ Triglyceride cao làm tăng nguy cơ viêm tụy. Tình trạng viêm tụy nghiêm trọng và đau đớn này có thể đe dọa đến tính mạng.

Mức chất béo trung tính cao cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và mạch máu, bao gồm:

  • Bệnh động mạch cảnh.
  • Bệnh động mạch vành và nhồi máu cơ tim.
  • Hội chứng chuyển hóa (sự kết hợp của huyết áp cao, tiểu đường và béo phì).
  • Bệnh động mạch ngoại vi (PAD).
  • Đột quỵ.

Thời điểm thực hiện xét nghiệm Triglyceride

Tần suất bạn cần làm xét nghiệm sẽ tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và nguy cơ mắc bệnh tim của bạn. Các khuyến nghị về độ tuổi chung để thực hiện xét nghiệm này:5 6

Đối với lứa tuổi từ 2 – 19

  • Hãy bắt đầu kiểm tra từ 9 đến 11 tuổi. Lặp lại kiểm tra 5 năm một lần.
  • Nếu trong gia đình có tiền sử mắc bệnh mỡ máu cao, đau tim, đột quỵ hoặc các nguy cơ phát triển bệnh tim khác, hãy kiểm tra ngay từ khi hai tuổi.

Đối với lứa tuổi từ 20 trở lên

Năm năm một lần cho:

  • Nam: từ 20 đến 45 tuổi.
  • Nữ: từ 20 đến 55 tuổi.

Cứ sau 1 đến 2 năm cho:

  • Nam: từ 45 tuổi trở lên.
  • Nữ: từ 55 tuổi trở lên.

Hàng năm cho người lớn trên 65 tuổi

Bạn có thể cần được kiểm tra thường xuyên hơn nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn nếu bạn có những yếu tố nguy cơ như:

  • Có tiền sử sức khỏe gia đình mắc bệnh tim sớm (cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh tim trước 55 tuổi đối với nam và trước 65 tuổi đối với nữ).
  • Tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá.
  • Thừa cân hoặc béo phì.
  • Có thói quen ăn uống không lành mạnh.
  • Không tập thể dục đủ.
  • Bị tiểu đường.
  • Bị huyết áp cao.
  • Là nam từ 45 tuổi trở lên hoặc nữ từ 50 tuổi trở lên.

Hãy hỏi bác sĩ về tần suất bạn cần kiểm tra nồng độ lipid trong máu.

Quy trình xét nghiệm Triglyceride

Nhân viên y tế sẽ lấy mẫu máu từ bạn và đưa đến phòng thí nghiệm để phân tích. Máu được lấy tại tĩnh mạch cửa cánh tay giống như những xét nghiệm máu khác. Các bước cơ bản bao gồm:3

  • Làm sách vị trí lấy máu bằng cồn y tế.
  • Quấn một sợi dây quanh cánh tay để máu dồn vào tĩnh mạch.
  • Đưa kim tiêm vào tĩnh mạch để lấy máu.
  • Đưa máu vào ống chuyên dụng, đậy nắp và đưa đến nơi phân tích.
  • Dùng bông gòn để cầm máu tại vị trí kim đâm.

Yếu tố tác động đến việc đánh giá Triglyceride

Một số bệnh lý có thể làm tăng hàm lượng triglyceride trong máu, bao gồm:6

  • Suy thận.
  • Bệnh gan.
  • Bệnh tuyến giáp.
  • Rối loạn sử dụng rượu (AUD).
  • Bệnh tiểu đường.
  • Béo phì.

Có rất nhiều loại thuốc có thể gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Bạn cần thông báo cho chuyên gia y tế những loại thuốc bạn đang sử dụng để có thể tối ưu hóa kết quả xét nghiệm của bản thân. Một số loại thuốc gây ảnh hưởng có thể kể đến như:3

  • Vitamin C.
  • Asparaginase.
  • Thuốc chẹn kênh beta.
  • Cholestyramine.
  • Clofibrate.
  • Colestipol.
  • Estrogen.
  • Fenofibrate.
  • Dầu cá.
  • Gemfibrozil.
  • Nicotinic acid.
  • Thuốc tránh thai.
  • Retinoids.
  • Thuốc trị mỡ máu nhóm statin: simvastatin, atorvastatin

Kết quả xét nghiệm Triglyceride

Bạn sẽ nhận được tờ kết quả xét nghiệm Triglycerid sau khoảng 1 đến vài ngày. Trên tờ xét nghiệm sẽ biểu thị chỉ số chất béo trung tính. Loại chất béo này có nhiều mức nồng độ khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi. Bạn có thể tham khảo các thông số chất béo trung tính dưới đây:7

Đối tượng Nồng độ Triglyceride
Người lớn Bình thường: <150 mg/dL
Giới hạn trên: 150 mg/dL đến 199 mg/dL
Cao: 200 mg/dL đến 499 mg/dL
Rất cao: > 500 mg/dL
Từ sơ sinh đến 9 tuổi Bình thường: < 75 mg/dL
Giới hạn trên: 75 mg/dL đến 99 mg/dL
Cao: lớn hơn 100 mg/dL
Từ 10 tuổi đến 19 tuổi Bình thường: < 90 mg/dL
Giới hạn trên: 90 mg/dL đến 129 mg/dL
Cao: lớn hơn 130 mg/dL
Trên 19 tuổi Bình thường: < 115 mg/dL
Giới hạn trên: 115 mg/dL đến 149 mg/dL
Cao: > 150 mg/dL

Nhìn chung, nồng độ Triglyceride phù hợp giúp duy trì một trái tim khỏe mạnh và giảm nguy cơ đau tim hay đột quỵ.7

Mức chất béo trung tính cao (tăng Triglyceride máu) có thể nguy hiểm đến sức khỏe của bạn. Bên cạnh đó, nó càng phức tạp hơn khi Triglyceride cao cũng không để lại triệu chứng rõ rệt như khi cholesterol tăng cao.7

Người có chỉ số triglcerid cao dễ bị đột quỵ trong tương lai
Người có chỉ số triglcerid cao dễ bị đột quỵ trong tương lai

Ngoài ra, nồng độ Triglyceride thấp cũng là dấu hiệu cảnh báo các tình trạng sức khỏe khác như: suy dinh dưỡng, kém hấp thu, bệnh cường giáp, giảm quá mức do dùng thuốc ức chế cholesterol. Nhưng trên thực tế, mức độ chất béo trung tính thấp thường không nguy hiểm. Điều này còn giúp mang lại các lợi ích trên sức khỏe chúng ta. Mặc dù vậy, bạn cũng cần xét nghiệm Triglyceride để bác sĩ đảm bảo nó luôn nằm trong mức ổn định.8

Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm Triglyceride

Trước khi tiến hành xét nghiệm Triglyceride, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nhịn ăn từ 9 đến 14 giờ và chỉ được uống nước. Đồng thời, bạn cũng không nên sử dụng rượu bia trong khoảng 24 giờ trước khi làm xét nghiệm lipid.3

Nếu bạn đang dùng thuốc thì hãy thông báo cho bác sĩ biết để họ đưa ra quyết định ngưng thuốc phù hợp.

Xét nghiệm Triglyceride ở đâu?

Để lựa chọn được cơ sở xét nghiệm phù hợp cho mình, bạn cần tham khảo một số yếu tố quan trọng như:

  • Cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động.
  • Cơ sở đạt các chỉ tiêu về chất lượng, có sự giám sát và kiểm tra thường xuyên.
  • Đội ngũ y tế có thâm niên và nhiều kinh nghiệm.
  • Hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại.
  • Phương pháp điều trị hiện đại, tối ưu hóa cho từng đối tượng bệnh nhân.
  • Công khai minh bạch về chi phí các xét nghiệm.
  • Quy trình xét nghiệm nhanh gọn, tiết kiệm thời gian cho người bệnh.
  • Không gặp vấn đề về bảo mật thông tin bệnh nhân.
  • Chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Xét nghiệm Triglyceride ở Hà Nội

Cơ sở Địa chỉ
Bệnh viện Bạch Mai (27.000 VNĐ) Số 78 Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.
Bệnh viện Đa khoa Medlatec Số 42 – 44 Nghĩa Dũng, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Số 1 Tôn Thất Tùng, Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (90.000 VNĐ) Số 108 Hoàng Như Tiếp, Long Biên, Hà Nội.

Xét nghiệm Triglyceride ở thành phố Hồ Chí Minh

Cơ sở Địa chỉ
Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh Số 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP.HCM.
Bệnh viện Từ Dũ Số 284 Cống Quỳnh, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP. HCM.
Viện Pasteur Số 167 Pasteur, Phường 8, Quận 3,TP.HCM.
Bệnh viện Chợ Rẫy Số 201B Nguyễn Chí Thanh, Quận 5, TP.HCM.

Xét nghiệm Triglyceride bao nhiêu tiền?

Dưới đây là bảng tổng hợp giá tham khảo chi phí xét nghiệm sán chó của một số cơ sở xét nghiệm. Lưu ý rằng chi phí này có thể sẽ có thay đổi dựa trên thời gian bạn thực hiện xét nghiệm.

Cơ sở Chi phí tham khảo
Bệnh viện Bạch Mai9 27.000 VNĐ
Bệnh viện Từ Dũ10 32.000 VNĐ
Bệnh viện Đa khoa Medlatec11 49.000 VNĐ
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh 90.000 VNĐ

Xét nghiệm Triglycerid giúp bạn biết tình trạng sức khỏe tim mạch của bản thân. Nếu chỉ số chất béo này cao hay thấp, bạn hãy tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ và cải thiện lối sống lành mạnh để đưa về nồng độ ổn định.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Triglycerides - What do they do?https://www.news-medical.net/health/Triglycerides-What-do-they-do.aspx

    Ngày tham khảo: 02/12/2022

  2. Triglycerides: Why do they matter?https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-cholesterol/in-depth/triglycerides/art-20048186

    Ngày tham khảo: 02/12/2022

  3. Triglyceride Level Testhttps://www.healthline.com/health/triglyceride-level

    Ngày tham khảo: 02/12/2022

  4. High Triglycerides: What You Need to Knowhttps://www.webmd.com/cholesterol-management/high-triglycerides-what-you-need-to-know

    Ngày tham khảo: 02/12/2022

  5. Triglycerideshttps://my.clevelandclinic.org/health/articles/11117-triglycerides

    Ngày tham khảo: 02/12/2022

  6. Triglycerides Testhttps://medlineplus.gov/lab-tests/triglycerides-test/

    Ngày tham khảo: 02/12/2022

  7. Triglycerides Testinghttps://www.testing.com/tests/triglycerides/

    Ngày tham khảo: 02/12/2022

  8. Should You Be Worried If Your Triglycerides Are Low?https://www.healthline.com/health/low-triglycerides

    Ngày tham khảo: 02/12/2022

  9. Bảng chi phí dịch vụ Bệnh viện Bạch Maihttp://bachmai.gov.vn/b%E1%BA%A3ng-gi%C3%A1-d%E1%BB%8Bch-v%E1%BB%A5-b%E1%BB%87nh-vi%E1%BB%87n/6392-bang-gia-dich-vu.html

    Ngày tham khảo: 02/12/2022

  10. Bảng chi phí dịch vụ Bệnh viện Từ Dũhttps://tudu.com.vn/cache/1053351_FILE-LAM-BANG-GIA-191.pdf

    Ngày tham khảo: 02/12/2022

  11. Bảng chi phí dịch vụ Bệnh viện Đa khoa Medlatec

    https://medlatec.vn/bang-gia-dich-vu/s/131Trig

    Ngày tham khảo: 02/12/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người