Tụt huyết áp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách xử trí
Nội dung bài viết
Huyết áp thể hiện áp lực của máu trong thành mạch. Huyết áp quá cao làm tổn thương mạch máu và các hệ cơ quan. Huyết áp thấp gây giảm cung cấp máu cho các cơ quan trong cơ thể. Đột ngột hạ huyết áp (hay còn gọi là tụt huyết áp) có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Chúng ta cùng tìm hiểu về tụt huyết áp để có cách xử lý phù hợp qua bài viết của Bác sĩ Lương Sỹ Bắc nhé!
Thế nào là tụt huyết áp?
Tụt huyết áp là tình trạng giảm huyết áp đột ngột dưới 90/60 mmHg. Tức là huyết áp tâm thu nhỏ hơn 90 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương nhỏ hơn 60 mmHg. Hạ huyết áp có nhiều nguyên nhân với mức độ nguy hiểm khác nhau. Tuy nhiên đa số nguyên nhân gây tụt huyết áp đều ảnh hưởng tới sức khỏe. Đặc biệt ở một số nhóm bệnh nhân, tụt huyết áp có thể gây các tổn thương nặng không hồi phục như: bệnh nhân có bệnh tim mạch, bệnh thận, người nhà, nhiễm trùng nặng…1
Nguyên nhân tụt huyết áp
Có nhiều nguyên nhân có thể làm hạ huyết áp đột ngột. Có thể tạm phân loại thành các nhóm sau:1 2
Có liên quan tới các tình trạng y tế
Các tình trạng bệnh lý có thể làm tụt huyết áp là:
1. Bệnh tim mạch
Đây là nhóm nguyên nhân nguy hiểm. Suy tim, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim, bệnh van tim… đều có thể làm hạ huyết áp đột ngột. Khi đã có sẵn bệnh tim mạch nền tảng, tụt huyết áp luôn có ý nghĩa nặng. Cần có thái độ tiếp cận tích cực để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
2. Bệnh nội tiết
Các bệnh lý nội tiết ảnh hưởng trực tiếp tới huyết áp do điều hòa hoạt động của cơ thể qua hoocmon. Thường gặp nhất là suy tuyến giáp – cận giáp, suy tuyến thượng thận. Một số trường hợp đái tháo đường cũng gây tụt huyết áp. Tụt huyết áp ở nhóm bệnh nhân này cũng thường là tình trạng cấp cứu và cần phải nhập viện theo dõi.
3. Mất nước
Nước là thành phần cấu tạo chính của máu nói riêng và cả cơ thể nói chung. Về sinh lý, cơ thể có các cơ chế phản ứng để đảm bảo ổn định huyết áp khi mất nước. Tuy nhiên nếu mất nước nhiều, cấp tính có thể làm tụt huyết áp. Các nguyên nhân gây mất nước thường gặp là: sốt, nôn ói, tiêu chảy cấp, lạm dụng thuốc lợi tiểu… Mất nước có tụt huyết áp cần nhập viện để bổ sung nước ngay. Nếu nhanh và kịp thời có thể hồi phục hoàn toàn.
4. Mất máu
Chảy máu làm giảm lưu lượng tuần hoàn gây tụt huyết áp. Thường gặp nhất là chấn thương lớn làm mất máu. Ngoài ra tình trạng mất máu nặng còn có thể gặp trong băng huyết sản khoa, vỡ mạch máu lớn, thủng hay vỡ các tạng lớn trong cơ thể… Nhóm bệnh này cần được truyền máu gấp để tránh tổn thương các cơ quan không hồi phục. Mỗi người nên biết nhóm máu của mình, để có thể cấp cứu kịp thời.
5. Nhiễm trùng nặng
Sốc nhiễm trùng là nguyên nhân gây tử vong phổ biến ở nhóm bệnh nhân nhiễm trùng nặng. Tụt huyết áp trong sốc nhiễm trùng là do tái phân phối lượng dịch trong cơ thể. Tức là nước vẫn còn trong cơ thể nhưng bị rút ra khỏi mạch máu. Từ đó làm giảm cung cấp tới các cơ quan, gây tổn thương đa cơ quan. Sốc nhiễm trùng cần điều trị kháng sinh và bù dịch đầy đủ.
6. Phản ứng phản vệ
Sốc phản vệ là tình trạng cấp cứu thường gặp. Bệnh nguyên phản vệ do dị ứng với một tác nhân cụ thể. Các tác nhân phổ biến của phản ứng dị ứng nghiêm trọng thường gặp là thực phẩm, một số loại thuốc, nọc côn trùng… Người bị sốc phản vệ thường khó thở, nổi ban dị ứng, ngứa tụt huyết áp… Cần đưa ngay bệnh nhân tới các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Tụt huyết áp do thuốc
Một số loại thuốc có thể gây ra huyết áp thấp, bao gồm:
- Thuốc lợi tiểu.
- Thuốc điều trị tăng huyết áp. Quá liều thuốc điều trị tăng huyết áp có thể làm tụt huyết áp.
- Thuốc điều trị bệnh tim mạch.
- Thuốc điều trị bệnh Parkinson. Thường gặp là hạ áp do Levodopa và Pramipexole.
- Một số loại thuốc chống trầm cảm.
- Thuốc điều trị rối loạn cương dương. Thường gặp ở nhóm sildenafil (Revatio, Viagra) hoặc Tadalafil. Thuốc có thể gây tụt huyết áp mạnh nếu kết hợp với thuốc dãn mạch (điều trị bệnh tim mạch, huyết áp).
Các tình trạng hạ huyết áp khác
1. Hạ huyết áp tư thế
- Đây là hiện tượng huyết áp giảm đột ngột khi thay đổi tư thế. Có thể là đứng lên đột ngột từ tư thế ngồi hoặc ngồi dậy từ tư thế nằm… Khi đứng dậy đột ngột, máu theo trọng lực dồn ở chân làm giảm máu tạm thời về tim. Thông thường, cơ thể bù đắp bằng cách tăng nhịp tim và co mạch máu, do đó đảm bảo tiền tải của tim. Nhưng ở những người bị hạ huyết áp tư thế, cơ chế bù trừ này không đủ bù trừ và huyết áp giảm.
- Hậu quả có thể dẫn đến chóng mặt, choáng váng, mờ mắt và thậm chí ngất xỉu.
- Hạ huyết áp thế đứng có nhiều nguyên nhân khác nhau. Thường gặp bao gồm mất nước, nằm lâu trên giường, mang thai, tiểu đường, có bệnh tim, bỏng, nhiệt độ quá cao, giãn tĩnh mạch lớn và một số rối loạn thần kinh nhất định.
- Một số loại thuốc cũng có thể gây hạ huyết áp tư thế. Đặc biệt là các loại thuốc được sử dụng để điều trị tăng huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị Parkinson và rối loạn cương dương. Hạ huyết áp tư thế đặc biệt phổ biến ở nhóm người lớn tuổi.
2. Huyết áp thấp sau bữa ăn
Sự hạ huyết áp này xảy ra từ một đến hai giờ sau khi ăn và xuất hiện chủ yếu đến người lớn tuổi. Nguyên nhân do máu dồn về hệ tiêu hóa làm thiếu hụt tạm thời. Triệu chứng thường rõ ràng ở nhóm bệnh nhân cao tuổi, có huyết áp nền thấp… Chia nhỏ các bữa ăn, giảm carbohydrate, uống nhiều nước và tránh uống rượu có thể giúp giảm triệu chứng.
3. Huyết áp thấp do tín hiệu não
Hay hạ huyết áp qua trung gian thần kinh. Rối loạn này làm tụt huyết áp sau khi đứng trong thời gian dài. Hầu hết ảnh hưởng đến người lớn và trẻ em. Cơ chế dường như xảy ra do sự thông tin sai lệch giữa tim và não.
4. Huyết áp thấp do tổn thương hệ thần kinh
Tổn thương hệ thần kinh tự động làm rối loạn điều hòa huyết áp.
Dấu hiệu tụt huyết áp
Triệu chứng của tụt huyết áp tùy thuộc vào mức độ nặng, nguyên nhân gây hạ áp… Cần lưu ý những dấu hiệu sau:
- Chóng mặt, nhức đầu, đầu óc quay cuồng, choáng váng.
- Ngất xỉu.
- Thiếu tập trung.
- Mờ mắt.
- Buồn nôn, nôn.
- Mệt mỏi.
- Hồi hộp, tim đập nhanh.
- Đau ngực, khó thở.
Hạ huyết áp mạn tính thường không có triệu chứng trầm trọng. Tụt huyết áp cấp tính kèm theo các dấu hiệu kể trên cần phải được cấp cứu kịp thời. 1
Chẩn đoán và điều trị hạ huyết áp như thế nào?
Chẩn đoán tụt huyết áp
Trong các trường hợp cấp cứu, khi có các dấu hiệu nghi ngờ cần ngay lập tức đo huyết áp để xác định. Khi đã xác định có tụt huyết áp, sẽ phải tìm nguyên nhân gây hạ áp. Chẩn đoán bệnh nguyên phải dựa vào tiền căn, triệu chứng của bệnh nhân, khám lâm sàng và các xét nghiệm. Kết hợp tổng thể các yếu tố mới có thể đưa ra chẩn đoán chính xác. Vấn đề rất đa dạng, phức tạp và cần thực hiện trong bệnh viện. Vai trò của bệnh nhân và người nhà là lưu ý và phát hiện kịp thời.
Đối với các trường hợp hạ huyết áp tư thế kín đáo, có thể đo huyết áp khi thay đổi tư thế. Hoặc có thể làm nghiệm pháp bàn nghiêng. 1
Điều trị tụt huyết áp
Ưu tiên là ổn định huyết áp cho bệnh nhân. Tùy tình trạng mà bệnh nhân có thể được bù dịch, truyền máu. Những trường hợp nặng có thể phải sử dụng thuốc vận mạch, trợ tim đường tĩnh mạch.
Khi đã ổn định được huyết áp thì điều trị dựa vào nguyên nhân gây bệnh. Điều trị từng bệnh nguyên cụ thể tham khảo các bài viết về từng bệnh nguyên. 1
Xem thêm: Tụt huyết áp nên uống gì để tăng huyết áp?
Đột ngột tụt huyết áp nên làm gì?
Khi có các dấu hiệu tụt huyết áp trước tiên cần giữ thái độ bình tĩnh. Sơ cứu ban đầu cũng góp phần quan trọng để hạn chế biến chứng. Một số điều sau nên lưu ý:1
- Đặt bệnh nhân nằm xuống từ từ trong mặt bằng phẳng, tư thế đầu thấp.
- Nếu bệnh nhân còn tỉnh có thể cho bệnh nhân uống ít nước. Nếu có dấu hiệu giảm tri giác thì tuyệt đối không được ăn uống gì.
- Ngay lập tức liên lạc với cơ sở y tế gần nhất để có thể cấp cứu kịp thời.
- Kiểm tra thuốc, thức ăn, tình trạng của bệnh nhân để báo lại với bác sĩ.
Đối với những trường hợp hạ huyết áp tư thế hay hạ áp mãn tính thì khi nghỉ ngơi thường thì huyết áp sẽ ổn định lại. Tuy nhiên vẫn phải theo dõi và hỏi ý kiến bác sĩ để có thể khắc phục tình trạng trên.
Xem thêm: Mẹo chữa tụt huyết áp không dùng thuốc tại nhà
Biện pháp phòng ngừa hạ huyết áp
Một số biện pháp để dự phòng tụt huyết áp có thể áp dụng:2
- Sử dụng nhiều muối hơn. Tăng muối ăn trong chế độ ăn có thể tăng huyết áp. Tuy nhiên quá nhiều muối có hại cho sức khỏe. Nên ăn lượng vừa phải.
- Uống nhiều nước hơn. Uống đủ nước trung bình từ 2 – 2,5 lít mỗi ngày. Uống cà phê cũng góp phần tăng huyết áp.
- Mang vớ áp lực. Vớ y khoa giúp cải thiện lưu lượng máu từ chân đến tim.
Tụt huyết áp là tình trạng nguy hiểm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Cần theo dõi để phát hiện và can thiệp kịp thời, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân có nguy cơ. Cấp cứu kịp thời có thể hạn chế biến chứng và bảo vệ sức khỏe bệnh nhân. Mong rằng bài viếc của Bác sĩ Lương Sỹ Bắc có thể cung cấp những thông tin bổ ích đến với bạn!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Low blood pressure (hypotension)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/low-blood-pressure/symptoms-causes/syc-20355465
Ngày tham khảo: 14/05/2022
-
Understanding Low Blood Pressure -- the Basicshttps://www.webmd.com/heart/understanding-low-blood-pressure-basics
Ngày tham khảo: 14/05/2022