U nang buồng trứng có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
U nang buồng trứng là một trong những bệnh lý phụ khoa phổ biến nhất ở nữ giới, điều này không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, nhiều chị em vẫn có cùng lo lắng rằng u nang buồng trứng có nguy hiểm không? Hãy cùng Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Huyền giải đáp qua bài viết sau.
Nguyên nhân dẫn đến u nang buồng trứng
U nang buồng trứng là sự xuất hiện của một khối chứa dịch hoặc chất rắn có dạng như bã đậu phát triển bất thường ở trên hoặc bên trong buồng trứng. Khối u này có thể là các mô mới khác thường hay là sự tích tụ dịch tạo thành một nang trên buồng trứng.
U nang buồng trứng là loại u thường ở nữ giới, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất là trong độ tuổi sinh sản (18 – 44 tuổi). Nhiều phụ nữ sẽ có ít nhất một u nang buồng trứng vào thời điểm nào đó trong cuộc đời.1
Phần lớn u nang buồng trứng được xem là bình thường về mặt sinh lý, hình thành do sự rối loạn nội tiết tố nữ xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới (gọi là u nang cơ năng). Một số các u nang ít phổ biến hơn không liên quan đến chu kì kinh nguyệt (u nang thực thể) có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.2
U nang cơ năng2
Thông thường theo chu kỳ mỗi tháng, các cấu trúc nang trứng ở buồng trứng sẽ sản xuất các hormone estrogen, progesterone và phóng thích trứng khi rụng trứng. Nếu một nang trứng sau khi rụng trứng không tự biến mất mà tiếp tục phát triển hình thành nên u nang thì được gọi là u nang cơ năng. Có hai loại hay gặp:
1. Nang bọc noãn
Vào khoảng giữa chu kỳ kinh nguyệt, một quả trứng sẽ vỡ ra khỏi nang trứng và di chuyển xuống ống dẫn trứng. Nang bọc noãn bắt đầu khi nang không vỡ hoặc không phóng thích trứng ra ngoài nhưng vẫn tiếp tục phát triển.
2. U nang hoàng thể
Khi một nang trứng giải phóng trứng xong sẽ bắt đầu sản xuất estrogen và progesterone để thụ thai rồi thoái triển theo thời gian và biến mất. Lúc này nang được gọi là hoàng thể. Đôi khi, chúng không bị phá vỡ hay biến mất mà chứa đầy chất lỏng hoặc máu tích tụ bên trong, tồn tại trên buồng trứng hình thành u nang.
U nang thực thể2
1. Nang Dermoid (u nang bì)
U nang bì buồng trứng hay gọi là “U quái”. Bên trong khối u có thể chứa các mô như tóc, da hoặc răng. Chúng thường được hình thành từ các tế bào phôi thai và hiếm khi bị ác tính.
2. U lạc nội mạc tử cung
Do tình trạng các tế bào của nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung ở người phụ nữ (lạc nội mạc tử cung), trong đó một số mô có thể gắn vào buồng trứng dẫn đến u nang.
Các yếu tố nguy cơ gây u nang buồng trứng1
Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ hình thành u nang buồng trứng được kể đến như :
- Điều trị vô sinh: Bệnh nhân được điều trị bằng gonadotropins hoặc các chất kích thích rụng trứng khác (như clomiphene) có thể phát triển u nang như một phần của hội chứng quá kích buồng trứng.
- Liệu pháp Tamoxifen trong điều trị ung thư vú.
- Mang thai: Trong thai kỳ, u nang buồng trứng có thể hình thành ở giai đoạn đầu khi nồng độ hCG đạt đỉnh để giúp hỗ trợ bào thai cho đến khi nhau thai hình thành.
- Suy giáp.
- Các gonadotropin (hormone điều hòa tuyến sinh dục) của mẹ: Tác dụng chuyển vị trí của gonadotropin của mẹ có thể dẫn đến sự phát triển u nang buồng trứng ở thai nhi.
- Thắt ống dẫn trứng: U nang cơ năng có liên quan đến triệt sản thắt ống dẫn trứng.
- Viêm vùng chậu: Một số tình trạng nhiễm trùng vùng chậu nghiêm trọng có thể lan đến buồng trứng và hình thành u nang.
- Một số yếu tố khác liên quan như: Dậy thì sớm (thường dưới 11 tuổi), chu kỳ kinh nguyệt không đều, tiền sử u nang buồng trứng hoặc gia đình có mẹ hay chị em gái bị u buồng trứng, phụ nữ từng sảy thai, béo phì,…
U nang buồng trứng có nguy hiểm không?
Thực tế phần lớn u nang buồng trứng là u nang cơ năng, lành tính và không nguy hiểm, có thể tự mất đi sau vài chu kỳ kinh. Các u nang này thường không có hoặc rất ít triệu chứng và không cần điều trị3 . Tuy nhiên, một số loại u nang thực thể diễn biến âm thầm và kéo dài qua nhiều năm có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm như:2
1. U nang xoắn
U nang buồng trứng xoắn là cấp cứu phụ khoa hàng thứ 5. Có thể gặp ở mọi khối u nhất là u có cuống dài, không dính. Người bệnh có biểu hiện đau bụng liên tục, dữ dội, chướng bụng và buồn nôn, có khi choáng vì đau. Nếu không được thăm khám và xử trí kịp thời sẽ dẫn tới thiếu máu nuôi dưỡng đến buồng trứng, gây tổn thương các mô và thậm chí hoại tử buồng trứng.
2. Vỡ u nang
Xảy ra khi áp lực dịch trong khối u quá lớn gây vỡ nang. Người bệnh đột ngột đau liên tục vùng hạ vị và hố chậu hai bên kèm chảy máu trong. Biến chứng này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và có thể ảnh hưởng tính mạng nếu không được điều trị.
3. Chèn ép cơ quan xung quanh
Khối u kích thước lớn gây chèn ép vào trực tràng, bàng quang gây táo bón, tiểu khó. U nang tiến triển trong nhiều năm choán hết ổ bụng có thể gây chèn ép tĩnh mạch chủ dưới gây phù chi, cổ chướng, tuần hoàn bàng hệ.
4. U nang xuất huyết
Biến chứng hiếm gặp được ghi nhận như vô sinh, sảy thai, sinh non và có nguy cơ chuyển thành ung thư buồng trứng.
Ở phụ nữ sau độ tuổi mãn kinh, u nang ít khi tự biến mất và nguy cơ phát triển ác tính cao hơn một chút. Do đó cần thăm khám thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ và ngay khi có dấu hiệu bất thường.
Triệu chứng của u nang buồng trứng
Triệu chứng cũng góp phần trả lời câu hỏi u nang buồng trứng có nguy hiểm không. Hầu hết các u nang buồng trứng không có hoặc ít triệu chứng, chúng được phát hiện một cách tình cờ khi đi khám sức khỏe định kỳ hay siêu âm. Phần còn lại xuất hiện các triệu chứng khi u đã lớn hoặc đã gây biến chứng, điển hình có thể gặp như sau:5
1. Đau vùng chậu
Đau vùng chậu là triệu chứng thường gặp nhất của u nang buồng trứng, do khối u chèn ép lên các cơ quan hoặc các dây thần kinh chạy dọc sau xương chậu. Người bệnh có thể cảm giác cơn đau mơ hồ ở vùng chậu, dọc thắt lưng hoặc đùi.
2. Đau tức bụng dưới, đầy hơi, buồn nôn và nôn
Đau âm ỉ hoặc đau nhói vùng bụng dưới do khối u kích thước lớn, đôi lúc thấy chướng bụng, bụng to, sờ thấy khối u. Đặc biệt khi có cảm giác đầy hơi liên tục hằng ngày, nôn và buồn nôn thì nên cảnh giác với những tế bào ác tính ở buồng trứng.
3. Đau khi quan hệ tình dục
Nếu xuất hiện cảm giác đau đớn (thường là một bên) khi quan hệ (đau khi giao hợp) thì có thể nghĩ đến khối u nang buồng trứng. Một số u nang phát triển lớn có thể nằm ngay ở cổ tử cung gây cản trở.
4. Kinh nguyệt không đều hoặc ra máu bất thường giữa các kỳ kinh
Các vấn đề về chu kỳ kinh nguyệt xảy ra nếu u nang sản sinh ra các hormone sinh dục khiến niêm mạc tử cung phát triển nhiều hơn.
5. Đau mãn tính vùng chậu
Cơn đau này thường xuất hiện trong suốt chu kỳ kinh nguyệt.
6. Đi tiểu liên tục
Khi khối u nang đủ lớn gây chèn ép bàng quang từ đó làm người bệnh luôn có cảm giác muốn đi tiểu nhiều lần, khi tiểu kèm cảm giác đau buốt, tiểu lắt rắt, khó chịu. Triệu chứng này dễ nhầm lẫn với bệnh lý đường tiết niệu, tiểu đường.
7. Táo bón
Khối u chèn ép lên trực tràng dẫn đến tình trạng táo bón.
8. Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân
Mặc dù không phải triệu chứng điển hình của u nang, tuy nhiên nếu bạn tăng cân bất thường đi kèm với một trong các triệu chứng kể trên thì bạn nên nghi ngờ và đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán sớm.
9. Khó mang thai
Đối với số ít phụ nữ bị u nội mạc tử cung, do sự hiện diện khối lạc nội mạc làm thay đổi cấu trúc, giải phẫu buồng trứng và vùng chậu ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.
Đặc biệt, cần lưu ý một số trường hợp u nang buồng trứng có thể xuất hiện biến chứng vỡ, xoắn, xuất huyết… gây các tình trạng nghiêm trọng như nhiễm trùng, mất máu, hoại tử buồng trứng. Đây là các cấp cứu phụ khoa, do đó người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời nếu có các triệu chứng sau:
- Ngất xỉu, yếu hoặc chóng mặt khi đứng.
- Sốt dai dẳng.
- Đau bụng dưới hoặc đau vùng chậu đột ngột và dữ dội.
- Buồn nôn và nôn liên tục.
- Thở nhanh, nông.
Những cách điều trị u nang buồng trứng
Việc lựa chọn phương pháp điều trị u nang buồng trứng phụ thuộc vào các yếu tố: độ tuổi, tình trạng mãn kinh, kích thước khối u, loại u, khối u gây triệu chứng hay không. Sau đây là thông tin về cách điều trị u nang buồng trứng:6
1. Theo dõi
Các u nang cơ năng thường có kích thước nhỏ, không gây triệu chứng và có thể tự biến mất sau vài chu kỳ kinh nguyệt. Do đó, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên thăm khám và siêu âm kiểm tra lại sau 2-3 chu kỳ kinh để xem xét khả năng tự tiêu của khối u.
2. Sử dụng thuốc
Trường hợp u nang buồng trứng hay tái phát, thuốc tránh thai nội tiết đường uống được dùng với mục đích ức chế quá trình rụng trứng và sản xuất hormone sinh dục để giảm nguy cơ xuất hiện u nang mới ở người bệnh, thuốc này cũng có khả năng làm giảm nguy cơ mắc ung thư buồng trứng. Tuy nhiên các loại thuốc tránh thai không làm thu nhỏ khối u nang hiện có.
Thuốc giảm đau không kê đơn như Paracetamol, Ibuprofen được sử dụng khi u nang gây đau bụng, đau vùng chậu.
3. Phẫu thuật
Chỉ định phẫu thuật được đặt ra khi khối u nang có kích thước lớn (≥ 10 cm gây triệu chứng hoặc không hoặc ≥ 5 cm, có gây biến chứng) và tùy thuộc vào loại u nang, u nang dai dẳng không tự biến mất sau vài chu kỳ kinh, khối u gây biến chứng hoặc có bằng chứng liên quan đến ung thư trên hình ảnh siêu âm. Có 2 loại phẫu thuật gồm:
Mổ nội soi
Bác sĩ sẽ đưa dụng cụ chuyên biệt qua 3 – 4 lỗ rạch rất nhỏ trên thành bụng để vào trong xác định vị trí cũng như tình trạng khối u. Sau đó tiến hành cắt bỏ u hoặc lấy mẫu để sinh thiết. Ưu điểm của phương pháp này là khả năng phục hồi nhanh, ít đau sau mổ, ít nguy cơ hơn và tính thẩm mĩ cao.
Mổ hở u nang buồng trứng
Thường áp dụng cho các khối u quá lớn choáng hết ổ bụng, khi nghi ngờ khối u ác tính, hoặc ổ bụng có nguy cơ dính do các lần phẫu thuật trước đó. Bác sĩ sẽ rạch da trên vùng bụng với độ dài tùy thuộc vào kích thước khối u nhằm tiếp cận dễ dàng hơn. Nhược điểm của mổ hở là người bệnh đau sau mổ hơn, thời gian phục hồi chậm hơn, có thể để lại sẹo sau mổ…
Trường hợp khối u nang buồng trứng xoắn cần phẫu thuật cấp cứu để tháo xoắn cho người bệnh sau đó xem xét bảo tồn hoặc cắt bỏ phần phụ.
Tùy từng bệnh nhân cụ thể và mong muốn của họ mà bác sĩ sẽ chỉ định loại bỏ khối u, bảo tồn buồng trứng hoặc cắt bỏ cả buồng trứng. Sau phẫu thuật, toàn bộ khối u đã cắt sẽ được gửi giải phẫu bệnh làm sinh thiết để xác định bản chất là lành tính hay ác tính và có hướng điều trị tiếp theo.
Phòng ngừa u nang buồng trứng
Hiện nay, không có cách nào để dự phòng được u nang buồng trứng. Tuy nhiên, khám phụ khoa định kỳ có thể phát hiện sớm u nang buồng trứng. Bác sĩ khuyến cáo việc theo dõi, thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần là giải pháp tối ưu để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường ở phần phụ, từ đó chẩn đoán sớm và đưa ra các phương pháp điều trị, can thiệp kịp thời.
Bên cạnh đó, các triệu chứng của ung thư buồng trứng giai đoạn đầu có thể giống với các triệu chứng của u nang buồng trứng. Vì vậy, điều quan trọng là phải đến ngay cơ sở y tế khi có các biểu hiện sau:
- Chu kỳ kinh nguyệt thay đổi bất thường
- Đau vùng chậu liên tục
- Giảm cân không rõ lý do
- Bụng sưng to bất thường, chướng bụng hay khó chịu…
Bài viết trên đã giải đáp câu hỏi u nang buồng trứng có nguy hiểm không. Tóm lại, đây bệnh lý phổ biến và thường lành tính. Bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Ở những trường hợp gây biến chứng có thể điều trị và tiên lượng tốt khi được phát hiện kịp thời. Nhiều phụ nữ sẽ có ít nhất một u nang buồng trứng vào thời điểm nào đó trong cuộc đời. Do vậy chị em phụ nữ không nên quá lo lắng khi được chẩn đoán có u nang buồng trứng. Bên cạnh đó, cần khám phụ khoa định kỳ thường niên 6 tháng/lần hoặc ít nhất 1 lần/năm là chìa khóa giúp bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Ovarian Cysthttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560541/
Ngày tham khảo: 25/10/2022
-
Ovarian cyst – Symptoms and Causeshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ovarian-cysts/symptoms-causes/syc-20353405
Ngày tham khảo: 25/10/2022
-
Ovarian Cystshttps://www.acog.org/womens-health/faqs/ovarian-cysts
Ngày tham khảo: 25/10/2022
-
Complex Ovarian cyst – Symptoms, Treatment and morehttps://www.healthline.com/health/womens-health/complex-ovarian-cyst#symptoms
Ngày tham khảo: 25/10/2022
-
Ovarian CystsHttps://www.nhs.uk/conditions/ovarian-cyst/
Ngày tham khảo: 25/10/2022
-
Ovarian cysts – Diagnosis and treatmenthttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ovarian-cysts/diagnosis-treatment/drc-20353411
Ngày tham khảo: 25/10/2022