Ung thư vòm họng sống được bao lâu?
Nội dung bài viết
Trong thập kỷ qua, tỉ lệ mắc của ung thư vòm họng đã giảm dần, theo đó tỉ lệ tử vong cũng được giảm đáng kể. Điều này có thể liên quan đến việc thay đổi lối sống và môi trường, nâng cao sự hiểu biết về sinh bệnh học và các yếu tố nguy cơ, sàng lọc dân số, những tiến bộ trong các kỹ thuật hình ảnh và các chiến lược hóa xạ trị toàn diện. Bài viết dưới đây của Bác sĩ Nguyễn Phú Lộc sẽ cho các bạn cái nhìn toàn diện hơn về tiên lượng sống còn của bệnh ung thư vòm họng cũng như phương pháp điều trị và cách phòng ngừa ung thư vòm họng.
Người mắc ung thư vòm họng sống được bao lâu?
Để trả lời được câu hỏi này, trước hết ta cần phải hiểu tỉ lệ sống còn là gì.
Ung thư vòm họng là ung thư xuất phát từ lớp niêm mạc mũi họng. Theo cơ quan nghiên cứu về ung thư quốc tế, năm 2018 có khoảng 129.000 trường hợp mới mắc ung thư vòm họng, chỉ chiếm 0,7% trong tổng số các bệnh ung thư được chẩn đoán vào năm 2018.1
Tuy nhiên, tỉ lệ phân bố ung thư vòm họng là không đều, hơn 70% trường hợp mới ở Đông Á và Đông Nam Á và cứ có 100000 người ở Trung Quốc thì có 3 người mắc bệnh.2
Tỉ lệ sống còn có thể cho chúng ta biết bao nhiêu phần trăm người mắc bệnh và đang ở giai đoạn ung thư cụ thể vẫn còn sống một lượng thời gian nhất định (thường là 5 năm) sau khi họ được chẩn đoán. Tỉ lệ này không thể cho bạn biết bạn sẽ sống bao lâu, nhưng nó có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về khả năng điều trị của bạn sẽ thành công như thế nào. Lưu ý rằng tỉ lệ sống còn là ước tính và thường dựa trên kết quả trước đây của số lượng lớn người bị ung thư cụ thể, nhưng nó không thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra trong bất kỳ trường hợp của một cá nhân nào.
Những con số này đến từ đâu?
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ dựa trên thông tin từ cơ sở dữ liệu giám sát, dịch tễ học và kết quả cuối cùng (SEER), được duy trì bởi Viện Ung thư Quốc gia (NCI), để cung cấp số liệu thống kê sống sót cho các loại ung thư khác nhau.
Cơ sở dữ liệu SEER theo dõi tỷ lệ sống tương đối 5 năm đối với ung thư vòm họng ở Hoa Kỳ, dựa trên mức độ ung thư đã lan rộng. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu SEER không phân theo giai đoạn 1, 2, 3, 4. Thay vào đó, nhóm ung thư phân thành giai đoạn tại chỗ, tại vùng và di căn xa:
- Tại chỗ: không có dấu hiệu cho thấy ung thư đã lan ra bên ngoài vòm họng.
- Tại vùng: Ung thư đã lan ra bên ngoài vòm họng đến các cấu trúc hoặc hạch bạch huyết gần đó.
- Di căn xa: Ung thư đã lan sang các phần xa của cơ thể, chẳng hạn như phổi hoặc gan.
Tỉ lệ sống tương đối 5 năm đối với ung thư mũi họng3
(Dựa trên những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vòm họng từ năm 2011 đến 2017)
Giai đoạn | Tỉ lệ sống còn tương đối 5 năm |
Tại chỗ | 81% |
Tại vùng | 73% |
Di căn xa | 48% |
Tất cả các giai đoạn kết hợp | 62% |
Hiểu các con số
Những con số này chỉ áp dụng cho giai đoạn ung thư khi bệnh được chẩn đoán lần đầu tiên. Chúng không áp dụng sau đó nếu ung thư phát triển, lan rộng hoặc tái phát sau khi điều trị.
Tỉ lệ sống được nhóm lại dựa trên mức độ ung thư đã lan rộng nhưng các yếu tố khác, chẳng hạn như: tuổi tác, sức khỏe tổng thể, khả năng đáp ứng của ung thư với điều trị tốt như thế nào cũng có thể ảnh hưởng đến triển vọng của bạn.
Phương pháp điều trị cải thiện theo thời gian cùng những yếu tố khác có thể khiến tỷ lệ sống còn của bệnh ung thư vòm họng được kỳ vọng sẽ có tiến triển tốt hơn trong tương lai.
Điều trị ung thư vòm họng
Để nâng cao hiệu quả điều trị, bạn và bác sĩ của bạn cần làm việc cùng nhau để đưa ra một kế hoạch điều trị dựa trên một số yếu tố, chẳng hạn như giai đoạn ung thư, mục tiêu điều trị, sức khỏe tổng thể của bạn và các tác dụng phụ mà bạn sẵn sàng chịu đựng trong quá trình điều trị.4
Sau đây là những thông tin về các phương pháp điều trị ung thư vòm họng:4
Điều trị ung thư vòm họng thường bắt đầu bằng xạ trị hoặc kết hợp giữa xạ trị và hóa trị.3
1. Liệu pháp xạ trị3
Xạ trị sử dụng các chùm năng lượng công suất cao, chẳng hạn như tia X hoặc proton để tiêu diệt các tế bào ung thư.
Liệu pháp xạ trị cho ung thư vòm họng thường được sử dụng là xạ trị ngoài. Trong quy trình này, bạn được định vị trên bàn và một máy lớn được điều khiển xung quanh bạn, hướng bức xạ đến vị trí chính xác nơi nó có thể nhắm vào các tế bào ung thư.
Đối với các khối u nhỏ vòm họng, xạ trị có thể là phương pháp điều trị duy nhất. Trong các tình huống khác, xạ trị có thể được kết hợp với hóa trị.
Xạ trị có nguy cơ gây một số tác dụng phụ bao gồm đỏ da tạm thời, mất thính giác và khô miệng.
Xạ trị trong đôi khi được sử dụng trong trường hợp ung thư vòm họng tái phát. Với phương pháp điều trị này, hạt phóng xạ hoặc dây được định vị trong/gần khối u.
Xạ trị ở đầu và cổ, đặc biệt là khi kết hợp với hóa trị, thường gây ra vết loét nghiêm trọng ở cổ họng và miệng. Đôi khi những vết loét này làm cho người bệnh khó ăn hoặc uống. Nếu điều này xảy ra, bác sĩ có thể khuyên bạn nên chèn một ống thông vào cổ họng hoặc dạ dày của bạn. Thức ăn và nước được cho qua ống thông đến khi miệng và cổ họng của bạn hồi phục.
2. Hóa trị
Hóa trị là một phương pháp điều trị bằng thuốc, sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể được đưa ra ở dạng thuốc viên, dùng qua tĩnh mạch hoặc cả hai. Hóa trị có thể được sử dụng để điều trị ung thư biểu mô vòm họng theo ba cách:
Hóa trị cùng lúc với xạ trị
Khi hai phương pháp điều trị được kết hợp, hóa trị giúp tăng cường hiệu quả của xạ trị. Điều trị kết hợp này được gọi là liệu pháp hóa xạ đồng thời. Tuy nhiên, tác dụng phụ của hóa trị được thêm vào các tác dụng phụ của xạ trị làm cho liệu pháp này trở nên khó dung nạp hơn.
Hóa trị sau xạ trị
Bác sĩ của bạn có thể đề nghị hóa trị sau xạ trị hoặc sau khi điều trị hóa xạ đồng thời. Hóa trị được sử dụng để tấn công bất kỳ tế bào ung thư còn lại nào trong cơ thể bạn, bao gồm cả những tế bào có thể bị phá vỡ từ khối u ban đầu và lây lan ở nơi khác. Một số tranh cãi tồn tại về việc liệu hóa trị liệu bổ sung có thực sự cải thiện sự sống còn ở những người bị ung thư vòm họng hay không. Nhiều người trải qua hóa trị sau khi điều trị đồng thời không thể chịu đựng được các tác dụng phụ và phải ngừng điều trị.
Hóa trị trước khi xạ trị
Còn gọi là hóa trị tân hỗ trợ, là điều trị hóa trị trước khi xạ trị hoặc trước khi điều trị hóa xạ đồng thời. Cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định liệu hóa trị liệu tân hỗ trợ có thể cải thiện tỷ lệ sống sót ở những người bị ung thư vòm họng hay không. Những loại thuốc hóa trị bạn nhận được và tần suất sẽ được xác định bởi bác sĩ. Các tác dụng phụ mà bạn có thể gặp phải sẽ phụ thuộc vào loại thuốc bạn nhận được.
3. Phẫu thuật
Phẫu thuật thường không được sử dụng như một phương pháp điều trị ung thư vòm họng. Phẫu thuật có thể được sử dụng để loại bỏ các hạch bạch huyết ung thư ở cổ. Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể được sử dụng để loại bỏ một khối u khỏi vòm họng.
Liệu ung thư vòm họng có chữa khỏi được hay không? Tỉ lệ chữa khỏi là bao nhiêu phần trăm? Mời bạn đọc tìm hiểu bài viết Ung thư vòm họng có chữa được không? của YouMed để có câu trả lời cho mình nhé!
Một số biện pháp khắc phục các tác dụng phụ của điều trị tại nhà
Xạ trị ung thư biểu mô vòm họng thường gây khô miệng (xerostomia). Bị khô miệng có thể gây khó chịu. Nó cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng trong miệng và khó ăn, nuốt và nói. Đồng thời có thể làm tăng các vấn đề về sức khỏe răng miệng của bạn. Hãy hỏi bác sĩ xem bạn có nên đi khám nha sĩ nếu bạn gặp phải biến chứng khô miệng hay không.3
Bạn có thể giảm bớt chứng khô miệng và các biến chứng:3
- Đánh răng nhiều lần mỗi ngày. Sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm và chải răng nhẹ nhàng nhiều lần mỗi ngày. Hãy cho bác sĩ biết nếu miệng của bạn trở nên quá nhạy cảm không thể chịu được việc chải răng nhẹ nhàng.
- Súc miệng bằng dung dịch nước muối ấm sau bữa ăn. Pha một dung dịch nhẹ gồm nước ấm, muối và muối nở. Súc miệng bằng dung dịch này sau mỗi bữa ăn.
- Giữ ẩm miệng bằng nước hoặc kẹo không đường. Uống nước trong ngày để giữ ẩm cho miệng. Ngoài ra, hãy thử kẹo cao su không đường hoặc kẹo không đường để kích thích miệng tiết nước bọt.
- Chọn thức ăn ẩm. Tránh thức ăn khô. Làm ẩm thực phẩm khô bằng nước sốt, nước thịt, nước dùng, bơ hoặc sữa.
- Tránh thức ăn và đồ uống có tính axit hoặc cay. Chọn thức ăn và đồ uống không gây kích ứng miệng. Tránh đồ uống có chứa caffeine và cồn.
Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn bị khô miệng. Họ có thể cung cấp các phương pháp điều trị để giúp bạn đối phó với các dấu hiệu và triệu chứng khô miệng nghiêm trọng hơn. Bác sĩ cũng có thể giới thiệu bạn đến chuyên gia dinh dưỡng, người có thể giúp bạn tìm thực phẩm dễ ăn hơn nếu bạn đang bị khô miệng.
Việc điều trị ung thư vòm họng có thể dẫn đến các triệu chứng khó nuốt, thay đổi khẩu vị,… Vậy bệnh nhân ung thư vòm họng nên ăn gì để khắc phục những vấn đề đó. Hãy cùng YouMed tìm hiểu qua bài viết Ung thư vòm họng nên ăn gì? Câu trả lời từ chuyên gia nhé!
Đối mặt với bệnh ung thư
Mọi người đều có cách tiếp nhận chẩn đoán ung thư theo cách riêng của mình. Bạn có thể bị sốc và sợ hãi sau khi được chẩn đoán bệnh. Vì vậy hãy thực hiện các bước sau tiếp nhận và kiểm soát những gì bạn có thể phải đối mặt với sức khỏe của mình. Cố gắng:
- Nắm vững kiến thức, thông tin và hiểu đúng về căn bệnh của mình. Hãy trao đổi và nhờ bác sĩ tư vấn để giải đáp thắc mắc của bản thân.
- Chia sẻ, trò chuyện với người thân, bạn bè thường xuyên. Bạn có thể thấy hữu ích khi có người để tâm sự về cảm xúc của mình.
- Hãy dành thời gian cho bản thân khi bạn cần. Hãy cho mọi người biết khi nào bạn muốn ở một mình. Thời gian tĩnh lặng để suy nghĩ hoặc viết nhật ký có thể giúp bạn sắp xếp mọi cảm xúc trong suốt quá trình “chiến đấu” với căn bệnh.
- Chăm sóc bản thân và xây dựng lối sống lành mạnh. Ví dụ: cai thuốc lá, bổ sung nhiều loại trái cây và rau quả. Hãy tập thể dục khi bạn cảm thấy thích. Nhưng hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu một chương trình tập thể dục mới. Cố gắng ngủ đủ giấc để khi thức dậy cảm thấy sảng khoái. Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn khó ngủ. Cố gắng kiểm soát căng thẳng bằng cách ưu tiên những gì quan trọng đối với bạn. Những lựa chọn lành mạnh này có thể giúp cơ thể bạn dễ dàng đối phó với các tác dụng phụ của việc điều trị.
Những cách phòng ngừa ung thư vòm họng
Mối liên quan giữa ung thư vòm họng và sử dụng thuốc lá, rượu nặng vẫn chưa rõ ràng nên các nhà khoa học vẫn không biết việc tránh những yếu tố này có thể làm giảm nguy cơ ung thư vòm họng của một người hay không. Tuy nhiên, cả việc sử dụng thuốc lá và rượu rõ ràng liên quan với nhiều bệnh ung thư khác, cũng như các vấn đề sức khỏe khác. Vì vậy tránh hút thuốc lá và rượu có thể có nhiều lợi ích sức khỏe.5
Nhiễm virus Epstein-Barr (EBV) đã được chứng minh liên quan với ung thư vòm họng. Các nhà khoa học đang cố gắng tạo ra một loại vắc -xin EBV. Nhưng tại thời điểm này không có cách nào được biết để ngăn ngừa nhiễm virus này.5
Một số loại thực phẩm liên quan với nguy cơ ung thư vòm họng, việc giảm hoặc không ăn một số loại thực phẩm có thể làm giảm số trường hợp mắc ung thư vòm họng. Điều này đặc biệt đúng ở các nơi trên thế giới nơi mà ung thư vòm họng phổ biến, chẳng hạn như miền nam Trung Quốc, Bắc Phi và khu vực Bắc Cực.5
Như vậy, qua bài viết này, chúng ta có thể thấy tỷ lệ ung thư vòm họng đã giảm dần đi kèm với giảm tỷ lệ tử vong đồng thời giúp chúng ta có cái nhìn khái quát về các phương pháp điều trị cũng như cách phòng ngừa ung thư vòm họng. Hy vọng bài viết đã giúp bạn đọc giải đáp câu hỏi ung thư vòm họng sống được bao lâu và hiểu rõ hơn về bệnh ung thư vòm họng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Global cancer statistics 2018: GLOBOCAN estimates of incidence and mortality worldwide for 36 cancers in 185 countrieshttps://acsjournals.onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.3322/caac.21492
Ngày tham khảo: 02/09/2022
-
Nasopharyngeal carcinomahttps://www.cancer.org/cancer/nasopharyngeal-cancer/detection-diagnosis-staging/staging.html
Ngày tham khảo: 02/09/2022
-
Survival Rates for Nasopharyngeal Cancerhttps://www.cancer.org/cancer/nasopharyngeal-cancer/detection-diagnosis-staging/survival-rates.html
Ngày tham khảo: 02/09/2022
-
Nasopharyngeal carcinomahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nasopharyngeal-carcinoma/diagnosis-treatment/drc-20375535
Ngày tham khảo: 02/09/2022
-
Can Nasopharyngeal Cancer Be Prevented?https://www.cancer.org/cancer/nasopharyngeal-cancer/causes-risks-prevention/prevention.html
Ngày tham khảo: 02/09/2022