YouMed

Ung thư vú tái phát: triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Chẩn đoán ung thư vú tái phát khó khăn hơn nhiều so với chẩn đoán ban đầu. Việc hiểu biết, tầm soát tái phát ở bệnh nhân đã điều trị ung thư vú là điều hết sức cần thiết. Vậy làm sao để biết mình có dấu hiệu tái phát ung thư vú. Nguyên nhân và triệu chứng của nó là gì? Hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Ung thư vú tái phát là gì?

Ung thư vú tái phát là khi khối u xuất hiện lại trên bệnh nhân đã từng bị ung thư vú trước đây. Bệnh nhân ung thư vú có thể đã được điều trị khỏi bằng các phương pháp điều trị ban đầu. Và hầu như không còn triệu chứng trong một khoảng thời gian. Nhưng một số tế bào ung thư vẫn còn sống sót và “quay lại” sau một thời gian điều trị.

Thời gian tái phát có thể từ vài tháng đến vài năm sau điều trị ban đầu. Khi tái phát, khối u có thể ở cùng vị trí hoặc khác so với trước đây. Nếu cùng vị trí với ung thư ban đầu gọi là tái phát tại chỗ. Nếu khác vị trí hoặc di căn chỗ khác ban đầu gọi là tái phát di căn xa.1

Việc chẩn đoán ung thư vú có tái phát hay không khó khăn hơn chẩn đoán ung thư vú nguyên phát. Nhưng không phải là không thể. Việc điều trị có thể kiểm soát bệnh và kéo dài thêm thời gian sống sót.1

ung thư vú tái phát
Ung thư vú tái phát là khi khối u xuất hiện lại trên bệnh nhân đã từng bị ung thư vú trước đây

Nguyên nhân ung thư vú tái phát

1. Do chính tế bào ung thư1

Khi điều trị, tự một số tế bào ung thư có khả năng “ẩn náu” không bị tiêu diệt. Chúng “ngủ” một thời gian và sau đó bùng phát lại gây ra ung thư tái phát.

Hoặc có thể từ ban đầu đã có một số tế bào tách ra khỏi tế bào ung thư ban đầu và không được loại bỏ. Sau đó, chúng sẽ phát triển trở lại.

2. Do phương pháp điều trị không triệt để1

Những phương được chỉ định để loại bỏ tế bào ung thư vú là hóa trị, xạ trị, liệu pháp hormone. Tuy nhiên, đôi khi những phương pháp điều trị này vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư.

3. Nguyên nhân khác1

Đôi khi các tế bào ung thư có thể không hoạt động nhiều năm mà không gây hại. Sau đó, khi có kích thích xảy ra kích hoạt các tế bào, chúng sẽ phát triển và lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Cơ chế của hiện tượng trên vẫn chưa được hiểu rõ. Nhưng được biết là không liên quan đến các yếu tố tăng trưởng đã được tìm thấy trên bệnh nhân ung thư vú.

Một nguyên nhân khác có thể được đề cập đến là do yếu tố di truyền. Một người mắc ung thư vú ở một bên có nguy cơ cao sẽ tái phát ung thư ở vú còn lại hơn người bình thường không có ung thư vú.

Triệu chứng ung thư vú tái phát

Các dấu hiệu của ung thư vú tái phát thay đổi tùy thuộc vào nơi khối u trở lại. Khối u có thể tái phát ở 3 khu vực sau:

  • Ở vị trí của khối u ban đầu. Lúc này gọi là ung thư tái phát tại chỗ.
  • Ở khu vực gần khối u ban đầu như hạch bạch huyết vùng nách hoặc gần xương đòn. Đây là tái phát khu vực.
  • Ở một vị trí khác trong cơ thể như phổi, xương, não,… Đây là tái phát di căn xa.

Dưới đây là một số triệu chứng theo từng loại khối u tái phát:

1. Tái phát tại chỗ1

Trong tái phát tại chỗ, khối u xuất hiện lại ở vị trí ban đầu. Nó có thể ở thành ngực hoặc dưới da đối vơi phụ nữ đã có một cắt bỏ vú. Các dấu hiệu tái phát tại chỗ của ung thư vú có thể gồm:

  • Xuất hiện khối u cứng ở vùng vú đã từng phẫu thuật.
  • Da trên vú co rút, phù nề, viêm đỏ.
  • Tiết dịch, rỉ nước hoặc sẹo mổ không liền lại.
  • Xuất hiện thêm một hoặc nhiều khối u. Khối này không đau, sờ chắc nằm dưới da vùng vú.

2. Tái phát khu vực

Các triệu chứng tái phát trong khu vực có thể bao gồm:

  • Xuất hiện khối u mới hoặc có dấu hiệu sưng ở hạch bạch huyết dưới cánh tay, trên đòn hoặc gần xương ức.1
  • Đau cánh tay và vai cùng bên với vú bị ung thư ban đầu.1
  • Mất cảm giác ở tay và vai.
  • Đau ngực kéo dài.2
  • Rối loạn nuốt: nuốt khó.

3. Tái phát di căn xa1

  • Sờ thấy hạch vùng cổ, trên xương đòn. Hạch có đặc điểm là cứng, ít di động.
  • Sờ thấy hạch nách cùng bên hoặc đối bên.
  • Thường xuyên có cảm giác đầy bụng, khó tiêu.
  • Dấu hiệu cơ thể đang bị nhiễm trùng: ho, sốt thường xuyên.
  • Biểu hiện khi di căn đến xương: đau xương.
  • Dấu hiệu cảnh báo ung thư vú di căn phổi: khó thở. Đặc biệt là khó thở ngay cả khi thực hiện những hoạt động bình thường, không mất sức như đi bộ, leo cầu thang…
  • Dấu di căn tới gan: mất cảm giác ngon miệng.
  • Dấu di căn tới não: đau đầu, chóng mặt, rối loạn thị giác,…
  • Sụt cân nhiều và nhanh, yếu mệt, suy nhược cơ thể.

Chẩn đoán ung thư vú tái phát

Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có khả năng cao tái phát thì có thể chỉ định chụp X-quang tuyến vú. Còn gọi là chụp nhũ ảnh. Ngoài ra sẽ kết hợp khám thực thể và dựa vào một số dấu hiệu để đề nghị thêm các xét nghiệm bổ sung. Các xét nghiệm đó có thể là:1

Xét nghiệm hình ảnh

Những xét nghiệm hình ảnh cần phải làm sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể. Các xét nghiệm đó là:

Không phải tất cả bệnh nhân đều thực hiện hết các xét nghiệm này. Bác sĩ sẽ chỉ định một hoặc một số trong từng trường hợp cụ thể.

X quang chẩn đoán ung thư vú tái phát
X quang trong chẩn đoán (chụp nhũ ảnh)

Sinh thiết

Bác sĩ đề nghị áp dụng quy trình sinh thiết để thu các tế bào nghi ngờ. Sau đó gửi mẫu đi làm xét nghiệm tế bào học để xác định có phải ung thư đã tái phát không.

Nhà nghiên cứu bệnh học có thể xác định xem liệu ung thư là tái phát hay một loại ung thư mới. Các xét nghiệm cũng cho thấy ung thư có nhạy cảm với điều trị bằng hormone, liệu pháp điều trị mục tiêu hay không. Vì những điều này có thể thay đổi khi có chẩn đoán ban đầu của bệnh nhân.

Điều trị ung thư vú tái phát

Các lựa chọn điều trị cho ung thư vú tái phát phụ thuộc vào một số yếu tố. Bao gồm mức độ bệnh, tình trạng thụ thể hormone, loại điều trị được áp dụng trong lần đầu khi chẩn đoán ung thư vú. Bác sĩ sẽ dựa vào kết quả xét nghiệm cũng như tình trạng cụ thể từng người để lập kế hoạch điều trị.

Điều trị ung thư tái phát tại chỗ

Bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị tái phát dựa vào phương pháp điều trị ban đầu của bạn:2

  • Đối với phương pháp cắt bỏ khối u và xạ trị ban đầu, bác sĩ thường sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ một bên vú.
  • Đối với bệnh nhân chưa từng xạ trị và nguy cơ di căn thấp: bác sĩ thường chỉ định cắt bỏ khối u lần hai.
  • Đối với bệnh nhân có tái tạo da và mô vú: chỉ định cắt bỏ mô cấy hoặc da được tái tạo. Sau một thời gian, mô và da có thể tái tạo lại hoàn toàn. Trường hợp này có thể cân nhắc kết hợp với chuyên khoa thẩm mỹ.

Khi ung thư vú tái phát tại chỗ, bác sĩ có thể cân nhắc chọn một hoặc tất cả những phương pháp dưới đây:1

  • Phẫu thuật để loại bỏ vùng hạch đã bị ảnh hưởng.
  • Hóa trị.
  • Xạ trị.
  • Liệu pháp hormone: sử dụng khi khối u có test thụ thể – hormone dương tính.
  • Liệu pháp trúng đích.

Xem thêm: Phương pháp xạ trị ung thư vú có gì khác biệt?

Điều trị ung thư tái phát khu vực

Phác đồ điều trị ung thư vú tái phát khu vực bao gồm:1

  • Phẫu thuật: là phương pháp điều trị được khuyến nghị. Bác sĩ cũng có thể loại bỏ được các hạch bạch huyết dưới cánh tay của bệnh nhân.
  • Xạ trị: Đôi khi xạ trị có thể được sử dụng sau phẫu thuật. Nếu không thể phẫu thuật thì xạ trị có thể được sử dụng như là một phương pháp điều trị chính.
  • Điều trị bằng thuốc: Các phương pháp điều trị như hoá trị, liệu pháp nhắm mục tiêu hoặc liệu pháp hormone cũng được khuyến cáo là phương pháp điều trị chính.
Phương pháp xạ trị điều trị ung thư vú tái phát
Phương pháp xạ trị điều trị tái phát khu vực

Điều trị ung thư tái phát di căn xa

Phác đồ điều trị cho tái phát di căn bao gồm:1

  • Liệu pháp hormone: Liệu pháp này có ít tác dụng phụ hơn phương pháp điều trị hoá trị liệu. Do đó trong nhiều trường hợp đây là phương pháp điều trị đầu tiên được sử dụng cho ung thư vú tái phát di căn.
  • Hoá trị: Nếu tái phát âm tính với thụ thể hormone hoặc nếu liệu pháp hormone không đáp ứng.
  • Phương pháp điều trị mục tiêu: Nếu các tế bào ung thư có những đặc điểm nhất định khiến chúng dễ bị tổn thương.
  • Thuốc tạo xương: Nếu ung thư đã di căn đến xương, bác sĩ có thể khuyên dùng loại thuốc tạo xương để giảm nguy cơ gãy xương hoặc giảm đau xương mà người bệnh có thể gặp phải.

Phòng ngừa ung thư vú tái phát

Các chiến lược có liên quan đến việc giảm nguy cơ tái phát ung thư vú bao gồm:1

  • Dùng liệu pháp hormone sau đợt điều trị ban đầu có thể làm giảm nguy cơ tái phát ung thư vú. Áp dụng đối với bệnh nhân ung thư vú dương tính với thụ thể hormone. Liệu pháp hormone có thể tiếp tục trong ít nhất 5 năm.
  • Hóa trị đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ ung thư tái phát.
  • Dùng thuốc tạo xương làm giảm nguy cơ ung thư tái phát trong xương (di căn xương) ở những người có nguy cơ tái phát ung thư vú.
  • Duy trì cân nặng hợp lý.
  • Tập thể dục thể thao thường xuyên có thể giảm nguy cơ tái phát.
  • Lựa chọn một chế độ ăn uống lành mạnh. Ăn nhiều rau, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt. Hạn chế rượu, bia.

Ung thư vú có tỷ lệ tử vong cao ở nữ giới. Tuy nhiên bệnh có thể điều trị nếu phát hiện và điều trị kịp thời và hạn chế tối đa nguy cơ tái phát. Ngoài ra, mỗi người cũng nên chú ý đến sức khỏe của chính mình bằng cách tự kiểm tra và cảm nhận bất kỳ sự thay đổi nào ở vú và quanh vú. Với người đã phẫu thuật điều trị ung thư vú, cần tái khám thường xuyên để kịp thời phát hiện tình trạng ung thư vú tái phát.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Recurrent Breast Cancerhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/recurrent-breast-cancer/symptoms-causes/syc-20377135

    Ngày tham khảo: 05/03/2023

  2. Recurrent Breast Cancerhttps://www.breastcancer.org/symptoms/diagnosis/recurrent

    Ngày tham khảo: 05/03/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người