Uống biotin có hại không? Làm sao để tránh tác hại đó?
Nội dung bài viết
Ai cũng đã từng nghe về lợi ích “thần kì” của biotin trong việc làm đẹp làn da, mái tóc hay móng tay. Trong số đó, không ít người đã uống biotin. Nhưng, bên cạnh lợi ích như vậy thì liệu uống biotin có hại không? Hãy cùng YouMed tìm hiểu nhé!
Biotin là gì?
Biotin hay vitamin B7 là một chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Nó như là một co-enzyme, một yếu tố quan trọng trong quá trình trao đổi chất của các axit béo, amino axit và glucose. Khi chúng ta ăn, biotin sẽ hỗ trợ chuyển hóa và sử dụng các chất dinh dưỡng, tạo ra năng lượng cho cơ thể.
Biotin được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống. Chúng bao gồm: gan, lòng đỏ trứng, khoai lang, bông cải xanh, sữa, cà rốt, cá hồi và các loại hạt. Bên cạnh đó, biotin cũng có trong các loại thực phẩm bổ sung.
Lượng biotin khuyến nghị là 30 microgam/ngày. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều trường hợp lạm dụng biotin để làm đẹp làn da, mái tóc. Bạn chỉ nên bổ sung viên uống biotin dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Tác dụng của biotin
Bạn đã biết rằng, biotin giúp cung cấp năng lượng để duy trì chức năng của cơ thể. Vậy cụ thể, tác dụng của biotin là gì? Giống như tất cả các loại vitamin, cơ thể bạn cần biotin để khỏe mạnh. Biotin có thể có lợi ích trong các trường hợp sau đây:
- Tạo năng lượng cho cơ thể: Thông qua 3 con đường: tân tạo đường, tổng hợp axit béo, phân hủy axit amin;
- Kiểm soát đường huyết: Biotin có thể hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng của bệnh đái tháo đường và kiểm soát lượng đường trong máu;
- Hỗ trợ quá trình mang thai và cho con bú;
- Hỗ trợ điều trị đa xơ cứng;
- Tăng cường sức khỏe cho làn da, mái tóc và móng.
Chính vì tác dụng của biotin đa dạng, nên ngày càng có nhiều người sử dụng biotin bừa bãi, không đúng cách hoặc quá liều. Điều này làm xuất hiện những tác dụng phụ của biotin và một vài trường hợp đáng tiếc xảy ra. Hãy cùng đọc tiếp để xem uống biotin có hại không nếu dùng quá liều nhé!
Uống biotin có hại không?
Mặc dù có sẵn dưới dạng thực phẩm bổ sung, nhưng bạn chỉ nên uống biotin nếu được bác sĩ khuyên dùng. Còn lại, hầu hết mọi người nhận đủ biotin thông qua chế độ ăn uống thông thường của họ. Vậy, việc uống biotin có hại không? Nếu bạn uống biotin theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ, sẽ không có hoặc rất ít tác dụng phụ có thể xảy ra.
Các tác dụng bất lợi của biotin chỉ xảy ra khi bạn dùng biotin ở liều cao, mặc dù tỷ lệ rất thấp. Biotin liều cao tức là khi bạn uống từ 1 miligam trở lên mỗi ngày. Con số này lớn hơn rất nhiều lần so với lượng biotin khuyến nghị trong chế độ ăn uống là 30 microgam mỗi ngày.
Uống biotin có hại ở liều cao
Năm 2017 và 2019, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã ban hành đến hai cảnh báo an toàn về biotin. Các cảnh báo này nhấn mạnh về việc bổ sung biotin liều cao có thể che dấu các kết quả xét nghiệm, điển hình là xét nghiệm chẩn đoán đau tim.
Cụ thể, việc uống biotin liều cao có thể gây sai lệch kết quả, làm thấp đi chỉ số protein troponin. Đây là một chỉ số sinh học quan trọng, được dùng để chẩn đoán các cơn đau tim. Do đó, rủi ro sẽ rất cao nếu bạn đang có bệnh tim và sử dụng biotin liều lượng lớn. Nếu bạn hoặc người thân đang có các yếu tố nguy cơ bị đau tim, tốt nhất nên tránh sử dụng lượng lớn biotin.
Không chỉ vậy, biotin còn gây sai lệch một số kết quả xét nghiệm máu khác. Vì lẽ đó, để đảm bảo an toàn và chắc chắn khi làm các xét nghiệm, bạn nên thông báo trước về việc sử dụng biotin của mình.
Làm sao để tránh tác hại của biotin
Trừ khi có lời khuyên uống biotin từ bác sĩ, bạn chỉ nên bổ sung biotin qua thực phẩm. Một chế độ ăn uống cân bằng luôn cung cấp chất dinh dưỡng tốt hơn so với thuốc. Thực phẩm không chỉ cung cấp biotin, chúng còn giúp bổ sung các loại vitamin khác, các khoáng chất, protein, chất xơ…. Các thực phẩm giàu biotin mà bạn có thể tham khảo bao gồm:
- Gan.
- Lòng đỏ trứng.
- Khoai lang.
- Bông cải xanh.
- Sữa.
- Cà rốt.
- Cá hồi.
- Các loại hạt.
Nếu bạn muốn bổ sung biotin qua viên uống, chỉ nên dùng biotin theo mức khuyến nghị hằng ngày là 0,03 mg/ngày. Mức biotin này thường không gây nhiễu đáng kể các kết quả xét nghiệm. Mặc dù vậy, bạn vẫn nên thông báo về việc sử dụng biotin trước khi làm các xét nghiệm bạn nhé!
FDA cũng cảnh báo rằng, hiện nay có nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo có lợi cho tóc, da và móng. Các chế phẩm này thường không ghi rõ hàm lượng biotin trong mỗi viên. Chúng có thể chứa mức biotin gấp 650 lần lượng biotin được khuyến nghị hàng ngày.
Vì vậy, trước khi muốn sử dụng biotin, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Họ sẽ đánh giá xem trong trường hợp của bạn, việc uống biotin có hại không? Đặc biệt thận trọng hơn nếu bạn đang có các bệnh lý trong người. Hãy luôn thông báo về việc sử dụng biotin trước khi thực hiện các xét nghiệm, để đảm bảo tính chính xác của kết quả bạn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What Are the Side Effects of Biotin?https://www.healthline.com/health/biotin-side-effects
Ngày tham khảo: 28/03/2021
-
UPDATE: The FDA Warns that Biotin May Interfere with Lab Tests: FDA Safety Communicationhttps://www.fda.gov/news-events/fda-brief/fda-brief-fda-reminds-patients-health-care-professionals-and-laboratory-personnel-about-potential
Ngày tham khảo: 28/03/2021
-
Dùng biotin liều cao có thể che lấp các vấn đề về timhttps://suckhoedoisong.vn/dung-biotin-lieu-cao-co-the-che-lap-cac-van-de-ve-tim-n178702.html
Ngày tham khảo: 28/03/2021