Viêm đại tràng có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Viêm đại tràng là căn bệnh rất phổ biến ở nước ta. Người bệnh gặp phải rất nhiều phiền toái trong cuộc sống cũng như công việc do các triệu chứng của bệnh gây ra. Ngoài ra, người bệnh còn phải đối mặt với nỗi lo thường trực về nguy cơ ung thư. Vậy viêm đại tràng thực sự là gì? Bệnh do nguyên nhân gì gây ra? Có nguy hiểm và có diễn tiến đến ung thư hay không? Cách điều trị bệnh như thế nào? Cùng các chuyên gia YouMed tìm hiểu qua bài viết này nhé.
1. Viêm đại tràng là gì?
Đại tràng hay còn gọi là ruột già, là phần ruột gần cuối trong ống tiêu hoá của con người. Ruột già có chức năng chính là thu nhận thức ăn đã được tiêu hoá, hấp thụ nước, muối khoáng từ thức ăn và tạo bã thức ăn. Đây là nơi hình thành và đào thải phân nên rất thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển và gây bệnh.
Viêm đại tràng là tình trạng viêm gây tổn thương ở một phần hoặc rải rác ở lớp trong của đại tràng. Các tổn thương gây ra các cơn đau dai dẳng kèm với các rối loạn tiêu hoá như tiêu chảy hay táo bón khiến cuộc sống của người bệnh gặp nhiều phiền toái.
>> Táo bón ngoài do viêm đại tràng còn do nhiều nguyên nhân khác gây ra. Xem ngay bài viết Táo bón ở người lớn!
2. Nguyên nhân gây viêm đại tràng
Nguyên nhân chính xác gây viêm đại tràng vẫn chưa được biết rõ ràng. Trước kia, người ta nghĩ rằng chế độ ăn và các stress trong cuộc sống gây ra viêm đại tràng. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy, các yếu tố đó chỉ thúc đẩy bệnh chứ không phải là nguyên nhân gây bệnh.
Một nguyên nhân có thể gây ra viêm đại tràng là do hệ miễn dịch bị rối loạn. Khi hệ miễn dịch tấn công chống lại vi khuẩn và tác nhân lạ, chúng tấn công luôn cả lớp trong của đại tràng gây ra các vết loét.
Di truyền có thể đóng vai trò trong viêm đại tràng ở những người có người thân mắc bệnh.
3. Ai dễ mắc viêm đại tràng?
- Viêm đại tràng có thể mắc ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bệnh thường xuất hiện ở những người trên 30 tuổi.
- Người có người thân trong gia đình mắc bệnh viêm đại tràng, đặc biệt là bố mẹ hoặc anh chị em ruột.
4. Triệu chứng của viêm đại tràng là gì?
Mức độ triệu chứng có thể thay đổi tuỳ theo mức độ nặng nhẹ của bệnh. Những triệu chứng có thể gặp bao gồm
- Tiêu chảy, thường tiêu chảy phân nhày máu hoặc có mủ;
- Đau bụng;
- Đau vùng trực tràng (phần ruột ngay phía trên hậu môn);
- Đi cầu ra máu;
- Cảm giác muốn đi tiêu gấp;
- Cảm giác rất muốn đi tiêu, nhưng đi tiêu không ra phân;
- Sụt cân;
- Mệt mỏi;
- Sốt.
Các bác sĩ có thể dựa vào triệu chứng để khu trú vị trí mắc bệnh:
- Viêm loét trực tràng. Trực tràng là phần ruột ngay phía trên hậu môn. Khi vết loét xuất hiện ở phần này, triệu chứng có thể chỉ là đi cầu ra máu.
- Viêm trực tràng – đại tràng xích ma (phần đại tràng cuối cùng): triệu chứng có thể bao gồm tiêu chảy có máu, đau quặn bụng, mót rặn
- Viêm đại tràng trái: triệu chứng có thể gồm tiêu chảy có máu, đau quăn bụng trái, sụt cân
- Viêm toàn bộ đại tràng: gây ra những triệu chứng nặng nề, tiêu chảy ồ ạt, sốt và không ăn được.
5. Khi nào cần đến khám bác sĩ?
Mặc dù nhìn chung, viêm đại tràng không phải là một bệnh lí gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng rất nặng nề và có thể đe doạ mạng sống. Do đó, khi phát hiện các triệu chứng của bệnh, bạn nên đi khám bác sĩ sớm nhất có thể. Các tình huống có thể giúp bạn phát hiện bệnh gồm
- Thay đổi thói quen đi tiêu;
- Đau quặn bụng;
- Có máu trong phân;
- Tiêu chảy kéo dài không cải thiện với các loại thuốc thông thường;
- Tiêu chảy cản trở giấc ngủ;
- Sốt kéo dài không rõ nguyên nhân 1 đến 2 ngày.
>> Khi đến gặp bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa để thăm khám về bệnh Viêm đại tràng, bạn có biết nên chuẩn bị gì chưa? Tìm hiểu ngay!
6. Các biến chứng của bệnh viêm đại tràng
- Chảy máu nặng. Nếu vết loét ăn sâu vào trong thành đại tràng có thể gây ra chảy máu ồ ạt nguy hiểm đến tính mạng.
- Thủng đại tràng. Đây là biến chứng vô cùng nguy hiểm. Vì đại tràng chứa phân và rất nhiều vi khuẩn, chúng sẽ được giải phóng vào ổ bụng gây ra các tình trạng nhiễm trùng rất nặng nề.
- Mất nước nặng. Do tình trạng tiêu chảy kéo dài
- Tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Nếu bệnh kéo dài lâu không được điều trị, có thể gia tăng nguy cơ ung thư đại tràng.
7. Chẩn đoán viêm đại tràng như thế nào?
Các bác sĩ sẽ hỏi về diễn tiến bệnh, khám sơ bộ để có cái nhìn sơ lược về bệnh. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng cần một số xét nghiệm để xác nhận chẩn đoán và giúp đánh giá bệnh tốt hơn. Các xét nghiệm này có thể bao gồm
- Xét nghiệm máu. Các bác sĩ cần xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng thiếu máu gây ra do chảy máu đại tràng hoặc tình trạng viêm nhiễm.
- Xét nghiệm mẫu phân. Xét nghiệm mẫu phân giúp loại trừ các bệnh lí viêm nhiễm gây ra do vi khuẩn, siêu vi hay kí sinh trùng. Hiện diện bạch cầu trong phân giúp chẩn đoán bệnh.
- Nội soi đại tràng. Các bác sĩ sẽ dùng một ống nhỏ, có gắn camera để quan sát toàn bộ đại tràng của bạn. Xét nghiệm này giúp bác sĩ có cái nhìn chi tiết về các tổn thương ở đại tràng. Ngoài ra, nội soi đại tràng có thể giúp lấy mẩu sinh thiết để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh.
- Các xét nghiệm khác: Chụp X-Quang, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ,…
8. Điều trị viêm đại tràng như thế nào?
Điều trị viêm đại tràng có thể là điều trị dùng thuốc hoặc phẫu thuật:
Đối với điều trị dùng thuốc: Các điều trị này thường giải quyết tiến trình viêm và các rối loạn miễn dịch. Các nhóm thuốc thường được sử dụng là
- Các loại thuốc kháng viêm: như 5-ASA, corticoid,…
- Các loại thuốc điều hoà miễn dịch.
Đối với điều trị bằng phẫu thuật: Cần phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ đại tràng để loại trừ viêm đại tràng. Điều trị này thường được áp dụng khi viêm đại tràng nặng, thất bại với điều trị bằng thuốc.
Tầm soát ung thư: Cần tầm soát ung thư đại tràng thường xuyên hơn bằng soi đại tràng. Thời gian giữa mỗi lần tầm soát tuỳ thuộc vào vị trí và mức độ nặng của bệnh.
9. Chế độ ăn và lối sống trong viêm đại tràng
Thay đổi chế độ ăn và lối sống có thể giúp kiểm soát triệu chứng tốt hơn.
-
Các thức ăn nên tránh
Các sản phẩm từ sữa.
Hạn chế thức ăn chứa nhiều chất xơ như trái cây tươi, rau, ngũ cốc. Những loại thức ăn này có thể làm triệu chứng của bạn nặng lên
Thức ăn cay, nóng, caffein, rượu.
-
Chế độ ăn
Ăn nhiều bữa nhỏ.
Uống nhiều nước.
-
Giảm thiểu stress trong cuộc sống
Tập thể dục nhẹ.
Thư giãn thường xuyên và tập hít thở.
Viêm đại tràng là bệnh lí mạn tính thường gặp gây ra nhiều phiền toái trong sinh hoạt và công việc. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, bệnh cũng có thể làm gia tăng nguy cơ ung thư. Hi vọng bài viết đã cung cấp cho quý độc giả những thông tin hữu ích về bệnh giúp phát hiện bệnh sớm hơn, giảm thiểu triệu chứng và biến chứng nặng nề.
>> Xem thêm bài viết:
Ung thư đại tràng: Tìm hiểu nguyên nhân và lí do tại sao nên tầm soát
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Ulcerative Colonitishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ulcerative-colitis/diagnosis-treatment/drc-20353331
Ngày tham khảo: 19/11/2019