Viêm đại tràng giả mạc: Những điều cần biết
Nội dung bài viết
Viêm đại tràng giả mạc – viêm đại tràng liên quan đến kháng sinh hay viêm đại tràng C. difficile. Là các tên gọi của một bệnh lí đại tràng (ruột già) bị viêm. Bệnh thường do sự phát triển quá mức của vi khuẩn Clostridium difficile (C. diff). Tất cả mọi thông tin về viêm tràng hạc giả mạc sẽ được bác sĩ Đào Thị Thu Hương chia sẻ chi tiết qua bài viết sau đây.
Hệ sinh thái đường ruột
Chẳng phải tự nhiên mà cơ thể chấp nhận là nơi cư trú cho hàng trăm vi khuẩn. Ấy là vì những lợi ích to bự mà chúng đem lại. Sống trong đường ruột, vi khuẩn tồn tại nhờ những chất bã chưa được phân hủy hết.
Ngược lại, nhờ có vi khuẩn tạo ra một lượng lớn vitamin K cho cơ thể xài. Rồi thì phân giải hết đống thức ăn chưa được ruột non hấp thu triệt để. Vi khuẩn còn làm tăng sức đề kháng cho cơ thể nữa. Không chỉ vậy, giữa các loại vi khuẩn, còn tạo ra môi trường kìm hãm lẫn nhau. Giúp ngăn không cho sự phát triển quá mức của một loài riêng biệt nào.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu hệ sinh thái này mất cân bằng? Đó sẽ là cơ hội cho những kẻ ngoại lai xâm nhập. Hoặc một loài vi khuẩn nào đó trong chính đường ruột, thừa cơ làm loạn, dẫn đến bệnh lí.
Viêm đại tràng giả mạc là gì?
Là tình trạng viêm cấp tính của đường ruột. Gây tiêu chảy, đau bụng, sốt, thậm chí là tử vong. Trước khi có kháng sinh, viêm đại tràng giả mạc chỉ gặp trong hậu phẫu. Tuy nhiên bước sang kỉ nguyên của thuốc kháng sinh, đây là biến chứng thường gặp khi dùng kháng sinh. Tuy bệnh có khả năng tử vong nhưng nếu được điều trị, chăm sóc tốt, người bệnh có thể khỏe mạnh bình thường.
Triệu chứng
Các triệu chứng của bệnh viêm đại tràng giả mạc có thể xảy ra sau khi uống hoặc đến 6 tuần sau đó. Tuy nhiên, phần lớn các triệu chứng bắt đầu 3-9 ngày sau khi dùng kháng sinh.
Các dấu hiệu có thể gặp bao gồm:
- Phân lỏng, nước hoặc chất nhầy, màu xanh lá cây, hôi, có thể có máu.
- Đau quặn bụng.
- Sốt cao 39 – 40oC.
- Một số trường hợp nặng có thể biểu hiện toàn thân như hạ huyết áp, suy thận, phù toàn thân.
Khi nào đi khám bác sĩ
Bất cứ khi nào bạn bị tiêu chảy nặng, sốt, đau quặn bụng, hoặc có máu hoặc mủ trong phân. Bất kể dùng thuốc kháng sinh hay không thì những tình trạng này cũng cần bác sĩ thăm khám.
Nguyên nhân
Thuốc kháng sinh và một số loại thuốc khác có thể làm đảo lộn sự cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột. Một số vi khuẩn, thường C. difficile nhanh chóng chiếm lấy cơ hội, phát triển mạnh mẽ. Chúng tạo ra các độc tố đủ nhiều để làm hủy hoại ruột già.
Hầu như bất kỳ loại kháng sinh nào cũng có thể gây viêm đại tràng giả mạc. Tuy nhiên vài loại kháng sinh dưới đây thường liên quan đến bệnh nhiều hơn loại khác. Bao gồm:
- Fluoroquinolones như ciprofloxacin, levofloxacin.
- Penicillin như amoxicillin, ampicillin.
- Clindamycine.
Nguyên nhân khác:
- Thuốc hóa trị trong điều trị ung thư có thể phá vỡ sự cân bằng bình thường của đường ruột.
- Một số bệnh lí ở ruột như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, ung thư đại tràng,… cũng có thể dẫn đến viêm đại tràng giả mạc.
Biến chứng
Các biến chứng có thể xảy ra bao gồm:
- Mất nước. Tiêu chảy nặng có thể dẫn đến mất nhiều dịch và chất điện giải. Điều này có thể khiến huyết áp tụt thấp, không đủ khả năng đưa máu đi nuôi cơ thể.
- Suy thận. Xảy ra khi máu đến nuôi thận không đủ, chức năng thận suy giảm nhanh chóng.
- Phình đại tràng nhiễm độc (toxic megacolon). Hiếm gặp, lúc này, đại tràng không thể tống khí và phân ra ngoài, khiến nó phình lớn. Nếu không được điều trị, ruột già có thể vỡ, vi khuẩn lan vào ổ bụng gây viêm khắp bụng.
- Thủng ruột. Tình trạng hiếm gặp, là kết quả của tổn thương niêm mạc ruột hoặc sau phình đại tràng nhiễm độc.
- Tử vong. Nhiễm C. difficile nhẹ đến trung bình cũng có thể diễn tiến đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Ngoài ra, bệnh có thể tái phát, vài ngày hoặc thậm chí vài tuần sau khi điều trị thành công.
Phòng ngừa
Để giúp ngăn ngừa lây lan của C. difficile, bạn có thể thực hiện phòng ngừa bằng cách:
- Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ra khỏi phòng bệnh hoặc sử dụng phòng tắm.
- Vệ sinh các bề mặt trong phòng người bệnh bằng dung dịch tẩy rửa có clo tiêu diệt C. difficile.
- Tránh sử dụng kháng sinh không cần thiết. Thường gặp nhất là dùng thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh lý do vi rút gây ra. Vi khuẩn và vi rút là hai nhóm vi sinh khác nhau. Kháng sinh là để diệt vi khuẩn, không có tác dụng với vi rút.
Chẩn đoán
Ngoài thăm khám, bác sĩ cần một số xét nghiệm để giúp chẩn đoán và tìm các biến chứng.
- Xét nghiệm phân tìm vi trùng C. difficile.
- Xét nghiệm máu, tìm các dấu hiệu gợi ý viêm như tăng bạch cầu.
Nội soi đại tràng hoặc soi đại tràng sigma. Hai xét nghiệm này sẽ cho thấy hình ảnh đường ruột trực tiếp. Các mảng tổn thương vàng hoặc trắng xám hoặc sưng ruột gợi ý nhiều đến viêm đại tràng giả mạc.
Chụp X-quang bụng hoặc CT bụng để tìm biến chứng như phình đại tràng nhiễm độc hoặc thủng ruột.
Điều trị viêm đại tràng giả mạc
Ngừng ngay thuốc kháng sinh hoặc thuốc được cho là nguyên nhân gây bệnh, nếu có thể. Đôi khi, chỉ như vậy là đủ để giải quyết bệnh hoặc ít nhất là giảm các triệu chứng bệnh.
Bắt đầu một loại kháng sinh có khả năng có hiệu quả chống lại C. difficile. Điều này cho phép các vi khuẩn bình thường phát triển, khôi phục sự cân bằng trong ruột.
Một số trường hợp nặng có thể sẽ cần phải cấy ghép phân của người khỏe mạnh. Để khôi phục sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột nhanh chóng. Phân của người hiến có thể được chuyển qua ống thông mũi dạ dày, để đưa vào đại tràng hoặc đặt trong một viên nang.
Một khi bạn bắt đầu điều trị, các triệu chứng có thể cải thiện trong vòng một vài ngày.
Phẫu thuật có thể là một lựa chọn ở những người bị thủng ruột và viêm phúc mạc. Tùy trường hợp có thể mổ nội soi hoặc mổ hở.
Một số điều trị bổ sung khác
Khi bị tiêu chảy và mất nước bạn nên uống nhiều nước. Có thể là dung dịch Oresol chuyên bù nước trong các bệnh lí mất nước. Hoặc đơn giản chỉ là nước lọc, nước trái cây, nước cháo loãng,… Tránh dùng nước chứa cồn, có ga, caffeine, trà,…vì làm nặng thêm các triệu chứng.
Bạn có thể bổ sung vi khuẩn và nấm men (men vi sinh) để ngăn ngừa nhiễm C. difficile.
Tránh thực phẩm cay, béo hoặc chiên, và bất kỳ thực phẩm nào khác làm cho các triệu chứng của bạn tồi tệ hơn.
Mọi thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo, quý bạn đọc nên tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pseudomembranous-colitis/diagnosis-treatment/drc-20351439
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pseudomembranous-colitis/symptoms-causes/syc-20351434
https://emedicine.medscape.com/article/193031-clinical#b4