Viêm màng phổi: Bệnh lý hô hấp thường gặp cần lưu ý
Nội dung bài viết
Viêm màng phổi là thuật ngữ chỉ bệnh lý hô hấp không còn xa lại. Nhưng vẫn còn khá nhiều người đọc có thể chưa rõ về bệnh lý này. Vậy, viêm màng phổi là bệnh gì? Nguyên nhân nào gây ra viêm màng phổi? Bệnh có triệu chứng ra sao? Bệnh chữa trị như thế nào? Cùng tìm hiểu những vấn đề trên thông qua bài viết sau của Bác sĩ Phan Thị Hoàng Yến nhé!
Tổng quan về viêm màng phổi
Màng phổi là một lớp màng mỏng bao gồm 2 lớp: một lớp ngoài nằm dưới thành ngực và một lớp trong bao phủ lá phổi. Giữa hai lớp có một khoang nhỏ gọi là khoang màng phổi, bên trong có chứa một ít dịch để bôi trơn. Bình thường, 2 lớp màng di chuyển trượt dễ dàng lên nhau giúp phổi co giãn tốt khi hít thở.
Khi bị viêm màng phổi, các lá màng này bị sưng, viêm và dễ kích thích. Do vậy, khi hít thở hoặc ho làm cho 2 lá màng phổi cọ xát vào nhau gây ra những cơn đau nhói ở ngực.1 Đôi khi, phản ứng viêm thúc đẩy sự tích tụ dịch nhiều hơn trong khoang màng phổi, được gọi là tràn dịch màng phổi.2
Nguyên nhân gây viêm màng phổi
Có nhiều căn nguyên đa dạng gây ra viêm màng phổi bao gồm:1
- Nhiễm virus (cảm, cúm mùa).
- Nhiễm khuẩn.
- Nhiễm nấm.
- Chấn thương ngực, tràn khí màng phổi.
- Huyết khối ở phổi – thuyên tắc phổi.
- Bệnh lý tự miễn (lupus, viêm khớp).
- Bệnh lý khác (ung thư, suy tim, nhồi máu cơ tim, bệnh gan, hồng cầu hình liềm).
Khi bạn hút thuốc lá sẽ làm tăng khả năng bị bệnh viêm màng phổi.
Bệnh có biểu hiện như thế nào?
Cơn đau ngực kiểu màng phổi điển hình:1
- Sốt.
- Giảm đau hoặc hết đau khi ngừng thở, nghỉ ngơi.
- Ho, thường là ho khan nhưng khi bị viêm phổi – màng phổi có thể ho có đàm.
Các biểu hiện nặng như: khó thở nhiều, đau ngực nhiều, vã mồ hôi,… cần đến phòng cấp cứu ngay lập tức.
Thỉnh thoảng, dịch viêm bị tích tụ nhiều trong khoang màng phổi gây tràn dịch màng phổi. Người bệnh cũng có triệu chứng tương tự nhưng đau ngực sẽ giảm hơn, và ngược lại khó thở nhiều hơn. Lượng dịch tập trung nhiều khiến cho phổi khó dãn nở khi hít thở. Hậu quả là phổi sẽ không cung cấp đủ oxy nuôi cơ thể. Khi đó, bạn có thể phải đến bệnh viện để lấy bớt dịch ra ngoài.
Các phương pháp chẩn đoán
Sau khi hỏi bệnh sử, tiền sử và thực hiện thăm khám bao gồm nghe phổi của bạn. Để xác định bạn bị viêm màng phổi và tìm ra nguyên nhân, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm sau:1
- Xét nghiệm máu: cho biết bạn có bị nhiễm trùng hay không. Một số xét nghiệm sinh hóa có thể giúp phát hiện bệnh tự miễn. Bao gồm: viêm khớp dạng thấp, hay lupus là căn nguyên của viêm màng phổi.
- X – quang ngực: có thể cho biết hình ảnh tổng quan của phổi và trong khoang màng phổi tích tụ dịch hay khí không.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan): hiển thị hình ảnh chi tiết hơn so với X – quang ngực, cho thấy các bệnh lý màng phổi rõ ràng và có thể phát hiện huyết khối trong phổi.
- Siêu âm: Phương pháp này sử dụng sóng âm thanh tần số cao để tạo ra hình ảnh chính xác của cấu trúc bên trong cơ thể của bạn. Siêu âm được sử dụng để xác định xem có tràn dịch màng phổi không.
- Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG): Bác sĩ có thể theo dõi nhịp tim , và kiểm tra các nguyên nhân về tim mạch có thể gây ra đau ngực.
Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ lấy dịch và mô từ khoang màng phổi để làm xét nghiệm:1
- Chọc dịch màng phổi. Trong kỹ thuật này, dưới hướng dẫn của siêu âm, bác sĩ sẽ đánh dấu vị trí có tích tụ dịch sau đó sẽ gây tê tại chỗ thành ngực. Tiếp theo, sẽ đưa kim xuyên thành ngực vào khoang màng phổi để lấy chất lỏng trong khoang làm xét nghiệm. Việc này còn có tác dụng giải áp giúp bạn thở tốt hơn.
- Nội soi lồng ngực qua màng phổi. Nếu nghi ngờ lao hoặc ung thư là nguyên nhân gây ra bệnh viêm màng phổi, bác sĩ có thể thực hiện nội soi lồng ngực qua màng phổi. Khi đó, một camera nhỏ được đưa vào qua một vết mổ nhỏ trên thành ngực. Thủ thuật này cho phép quan sát trực tiếp trong phổi để tìm kiếm hình ảnh bất thường hoặc lấy mẫu mô phân tích (sinh thiết).
Cách điều trị viêm màng phổi
Việc điều trị tập trung chủ yếu căn nguyên bệnh lý nền và giảm đau. Nếu nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn, kháng sinh sẽ được chỉ định để kiểm soát nhiễm trùng. Còn nguyên nhân là do virus, viêm màng phổi có thể tự khỏi.1
Đau và viêm liên quan đến viêm màng phổi thường được điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen. Một vài trường hợp, bác sĩ có thể kê corticosteroid nếu không đáp ứng với NSAID. Tràn dịch màng phổi lượng trung bình đến nhiều có thể gây khó thở. Khi đó, chọc dò màng phổi lấy bớt dịch ra sẽ giúp bạn cảm thấy dễ thở hơn.1
Tiên lượng điều trị viêm màng phổi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh lý nền. Đa số tình trạng viêm màng phổi sẽ phục hồi nếu được chẩn đoán và điều trị sớm.1
Viêm màng phổi có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tùy theo từng căn nguyên cụ thể mà có mức độ từ nhẹ đến nặng. Khi có dấu hiệu nghi ngờ viêm màng phổi, bạn nên sớm đi khám các bác sĩ chuyên khoa hô hấp để được thăm khám. Cần tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ và thực hiện các biện pháp hỗ trợ để bệnh nhanh chóng phục hồi.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Pleurisyhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pleurisy/symptoms-causes/syc-20351863
Ngày tham khảo: 05/06/2023
-
Pleural effusion: diagnosis, treatment, and managementhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4753987/
Ngày tham khảo: 05/06/2023