Xét nghiệm chỉ số sức khỏe gồm những gì? 5 chỉ số cần biết
Nội dung bài viết
Kiểm tra sức khoẻ định kỳ sẽ giúp theo dõi được những chỉ số sức khoẻ. Từ đó có thể phát hiện kịp thời một số bất thường và điều trị sớm. Mỗi xét nghiệm chỉ số sức khoẻ có thể cho biết nhiều vấn đề cần quan tâm. Dưới đây là bài viết về chủ đề này và 5 chỉ số sức khoẻ quan trọng bạn nên biết.
Xét nghiệm chỉ số sức khỏe là gì?
Chỉ số sức khỏe là gì?
Chỉ số sức khỏe được định nghĩa là số đo để đo lường và so sánh những sự thay đổi về chiều hướng tăng hay giảm thuộc một vấn đề sức khỏe nào đó. Chỉ số sức khỏe có liên quan đến yếu tố nguy cơ bệnh tật, cộng đồng và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.
Dưới đây là 5 chỉ số sức khỏe bạn cần biết:
1. Huyết áp, nhịp tim
Huyết áp là đơn vị đo áp lực của máu trên một đơn vị diện tích thành mạch. Trị số huyết áp biểu thị áp lực khi tim bơm máu (huyết áp tâm thu). Và khi tim nghỉ giữa những lần đập (huyết áp tâm trương). Chỉ số huyết áp càng cao nghĩa là tim cần làm việc vất vả hơn để đưa máu đi khắp cơ thể. Điều này tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa, là yếu tố nguy cơ chính của các bệnh tim do cao huyết áp.
Nhịp tim là số lần tim đập trong 1 phút. Nhịp tim càng nhanh cũng có nghĩa là tim phải làm việc vất vả hơn để bơm máu. Nhịp tim cao khiến cơ thể thực hiện hoạt động thể chất khó khăn hơn.
Huyết áp và nhịp tim dù cao hay thấp cũng đều gây những ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, thường xuyên kiểm tra huyết áp, nhịp tim là việc làm cần thiết.
2. Chỉ số BMI
BMI là viết tắt của Body Mass Index (chỉ số khối cơ thể). Dựa vào chỉ số BMI của một người có thể biết được người đó béo hay gầy hay có cân nặng lý tưởng. Công thức tính chỉ số BMI dựa vào 2 chỉ số là chiều cao và cân nặng. BMI = Cân nặng/ [(Chiều cao)^2]. Trong đó, chiều cao tính bằng mét và cân nặng tính bằng kilogram.
Lưu ý, chỉ số BMI sẽ không áp dụng cho đối tượng là vận động viên, người tập thể hình, phụ nữ có thai, đang cho con bú hay những người vừa khỏi bệnh. BMI có sự thay đổi giữa các quốc gia. Mức BMI bình thường ở người Việt Nam là từ 19 – 23.
3. Chỉ số thận
Chỉ số lọc cầu thận (GFR) và creatinine là 2 chỉ số quan trọng để đánh giá sức khoẻ của thận. Chỉ số thận đặc biết quan trọng đối với người mắc bệnh thận, cao huyết áp, và tiểu đường.
Xem thêm: Xét nghiệm chức năng thận: những thông tin bạn cần biết
4. Cholesterol và Triglycerid (TG)
Việc xét nghiệm nồng độ các thành phần của lipid máu rất quan trọng và khuyến cáo nên làm sau tuổi 40. Lipid máu hay mỡ máu là một thành phần quan trong trong cơ thể. 2 chất quan trọng cần quan tâm là cholesterol và triglyceride (TG).
2 dạng cholesterol quan trọng là cholesterol trọng lượng phân tử cao (HDL-c) và cholesterol trọng lượng phân tử thấp (LDL-c). Nồng độ LDL-c tăng hoặc nồng độ HDL-c thấp thì nguy cơ bị bệnh tim mạch càng cao. Tăng TG cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
5. Đường huyết
GI (Glycemic Index) là chỉ số đường huyết phản ánh tốc độ tăng đường huyết trong cơ thể sau khi dung nạp các thực phẩm giàu chất bột đường. Chỉ số đường huyết trong cơ thể đặc biệt quan trọng với bệnh nhân tiểu đường.
Đối tượng cần thực hiện xét nghiệm chỉ số sức khỏe
Bất kỳ ai cũng có thể làm xét nghiệm chỉ số sức khỏe. Vì chúng có thể được xem như đợt kiểm tra sức khỏe định kỳ của bạn. Mục đích là để có thể phát hiện các bất thường về sức khỏe sớm nhất. Để từ đó có hướng xử trí và điều trị thích hợp. Tuy nhiên, một số đối tượng cần theo dõi các chỉ số sức khỏe này cách chặt chẽ hơn, chẳng hạn như:
- Bệnh nhân tiểu đường.
- Bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh tim mạch.
- Bệnh nhân có bệnh lý thận…
Thời điểm này, những người từng là F0 nên tầm soát các chỉ số sức khỏe bởi chứng hậu COVID có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào đã nhiễm bệnh. Những di chứng hậu COVID có thể khác nhau ở mỗi loại đối tượng; tuy nhiên, ở một số người bệnh, các di chứng này có thể tiềm ẩn những vấn đề bệnh lý nghiêm trọng khác.
Những đối tượng đã từng nhiễm COVID-19 sau đây nên đặc biệt quan tâm đến gói khám hậu COVID tổng quát:
- Người có bệnh nền: huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, rối loạn chuyển hóa.
- Người già trên 60 tuổi.
- Bệnh nhân phải nhập viện cần hỗ trợ thở máy, nằm hồi sức tích cực dài ngày khi mắc COVID.
- Người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các di chứng hậu COVID.
- Trẻ em có các biểu hiện: đỏ da, khó thở, mệt mỏi sau khi hết bệnh.
Quy trình xét nghiệm chỉ số sức khỏe
Việc khám sức khỏe định kỳ là rất cần thiết, nhất là đối với người trên 60 tuổi. Trong quy trình khám sức khỏe sẽ thực hiện xét nghiệm chỉ số sức khỏe. Tùy mỗi bệnh viện hay cơ sở y tế sẽ đưa ra những cách khám khác nhau, quy định và quy trình riêng. Nhưng những điều cơ bản sẽ giống nhau như:
- Khám thể lực tổng quát.
- Khám lâm sàng.
- Thăm dò hình ảnh và chức năng.
- Làm các xét nghiệm các chỉ số sức khỏe.
Kết quả xét nghiệm chỉ số sức khỏe
Huyết áp bình thường sẽ có trị số huyết áp tâm thu dưới 140mmHg và tâm trương dưới 90mmHg.
Mức đường huyết an toàn: 4.0 – 5,9 mmol/L (72 – 108 mg/dL).
Creatinine: 0.7 – 1.5 mg/dL
eGFR (MDRD): >=60 mL/min/1.73 m2
Chỉ số cholesterol và triglycerid bình thường như sau:
- Cholesterol toàn phần: < 5,2 mmmol/L (201,1 mg/dL).
- LDL-c: < 3,2 mmol/L (123,7 mg/dL).
- HDL-c: > 1,3 mmol/L (50,3 mg/dL).
- Triglycerid: < 1,7 mmol/L (150,6 mg/dL).
Những lưu ý khi xét nghiệm chỉ số sức khỏe
Xét nghiệm chỉ số sức khỏe khá đơn giản và không có nhiều yêu cầu chặt chẽ. Nhưng để đảm bảo kết quả xét nghiệm và chẩn đoán chính xác nhất, người bệnh cần lưu ý:
- Nhịn ăn ít nhất từ 8 – 10 tiếng nếu có lấy máu.
- Không sử dụng các chất kích thích trước ngày xét nghiệm.
- Thông báo với bác sĩ nếu đang sử dụng thuốc điều trị, viên uống bổ sung, thực phẩm chức năng…
Xét nghiệm chỉ số sức khỏe ở đâu?
Hiện nay trên cả nước có rất nhiều cơ sở uy tín có thể thực hiện loại xét nghiệm này. Bạn có thể tham khảo tuỳ thuộc vào khu vực địa lý gần nơi sinh sống. Dưới đây là một số địa chỉ làm xét nghiệm bạn có thể tham khảo:
- Bệnh viện Việt Đức: 40 Tràng Thi, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Bệnh viện Bạch Mai: 78 Đường Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội.
- Bệnh viện Nhân Dân Gia Định: 1 Nơ Trang Long, Phường 7, Quận Bình Thạnh, TP.HCM.
- Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: 217 Hồng Bàng, Q5, TP.HCM.
- Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM: 201B Nguyễn Chí Thanh, phường 12, Quận 5, TP.HCM.
Xét nghiệm chỉ số sức khỏe cũng thuộc gói khám hậu COVID, bạn có thể liên hệ các cơ sở khám chữa bệnh uy tín có khoa hậu COVID để được tiến hành xét nghiệm.
Trên đây là bài viết về chủ đề các xét nghiệm chỉ số sức khỏe. Người trên 60 tuổi được khuyến cáo nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm một lần và theo dõi các chỉ số sức khỏe thường xuyên hơn. Bạn cũng nên tìm đến các cơ sở y tế uy tín để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị kịp thời.