Tầm quan trọng của xét nghiệm Chlamydia bạn cần biết
Nội dung bài viết
Chlamydia là căn bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến và để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng, trong đó có vô sinh. Bệnh không có biểu hiện cụ thể và thường có thời gian ủ bệnh lâu. Chính vì vậy, việc thăm khám sức khỏe sinh sản và tầm soát Chlamydia là việc cần thiết. Xét nghiệm Chlamydia được thực hiện với mục tiêu phát hiện ra vi khuẩn Chlamydia trachomatis. Bạn có thể xét nghiệm nếu nghi ngờ bản thân có nguy cơ cao mắc bệnh hoặc có các triệu chứng của bệnh. Bài viết dưới đây của bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về xét nghiệm Chlamydia.
Xét nghiệm Chlamydia là gì?
Chlamydia là bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục. Bệnh này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị.1
Các biến chứng bao gồm: bệnh viêm vùng chậu (PID), nhiễm trùng mào tinh hoàn, nhiễm trùng tuyến tiền liệt, nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh (gây viêm phổi, nhiễm trùng mắt), thai ngoài tử cung, khô âm đạo, viêm khớp phản ứng thậm chí là vô sinh.2
Xem thêm: Chlamydia và vô sinh: Giải đáp các thắc mắc cùng bác sĩ
Bệnh ảnh hưởng hầu hết phụ nữ trẻ, nó cũng xảy ra ở nam giới và phụ nữ ở mọi lứa tuổi.
Người nhiễm vi khuẩn Chlamydia thường không biết mình bị bệnh vì nó không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Xét nghiệm Chlamydia được chỉ định để phát hiện vi khuẩn gây ra bệnh Chlamydia. Xét nghiệm dựa trên việc phân tích mẫu nước tiểu, dịch tiết từ âm đạo, dương vật hay trực tràng của bạn.3
Ngoài ra, xét nghiệm còn được dùng để loại trừ các nguyên nhân khác gây ra bệnh tương tự Chlamydia, chẳng hạn bệnh lậu.4
Những ai cần xét nghiệm Chlamydia?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, những đối tượng sau đây cần xét nghiệm Chlamydia để tầm soát bệnh:5
Phụ nữ có hoạt động tình dục từ 25 tuổi trở xuống
Đây là nhóm đối tượng có tỷ lệ nhiễm khuẩn Chlamydia cao nhất và cần làm xét nghiệm sàng lọc hàng năm. Nếu bạn có “bạn tình” mới, hãy đi kiểm tra định kỳ.
Phụ nữ mang thai
Thai phụ nên làm xét nghiệm Chlamydia trong lần khám thai đầu tiên. Nếu bạn có nguy cơ lây nhiễm cao hãy kiểm tra lại theo chỉ định của bác sĩ.
Phụ nữ và nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao
Đây là những người có hoạt động tình dục phức tạp, không an toàn hoặc quan hệ tình dục đồng tính nam. Nếu bạn có thêm các dấu hiệu khác như đang bị nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục khác hoặc tiếp xúc với người nghi nhiễm Chlamydia. Khi này bạn cần làm xét nghiệm thường xuyên theo khuyến cáo của bác sĩ.
Người nhiễm HIV hoặc có các dấu hiệu nhận biết3
Bên cạnh đó, nếu bạn có các triệu chứng nghi ngờ bệnh Chlamydia, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm. Các triệu chứng thường gặp như: cảm giác nóng rát khi đi tiểu, đi tiểu nhiều lần; tiết dịch (chất lỏng hoặc nhầy) từ âm đạo, dương vật hay hậu môn, đau khi quan hệ tình dục hoặc chảy máu sau khi quan hệ.3
Ngoài ra, Chlamydia còn có thể khiến bạn cảm thấy đau tại các vị trí khác như vùng xương chậu; tinh hoàn (nam giới); trực tràng.1
Quy trình xét nghiệm Chlamydia
Quy trình xét nghiệm Chlamydia sẽ khác nhau ở bước lấy mẫu, tùy vào đối tượng và yêu cầu của bác sĩ. Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn và thực hiện việc lấy mẫu dịch bằng tăm bông hoặc nước tiểu.
Phương pháp tăm bông ở nữ giới1
Nhân viên y tế có thể yêu cầu bạn cởi bỏ quần áo từ thắt lưng trở xuống. Sau đó bạn sẽ được mặc áo choàng hoặc phủ khăn mỏng. Tiếp theo, bạn cần nằm lên bàn kiểm tra và đặt chân vào “kiềng ba chân”. Nhân viên y tế sẽ sử dụng một miếng gạc để quét nhẹ hoặc chà xát các vị trí như: âm đạo, bên trong âm đạo, hậu môn, bên trong miệng, cổ họng.
Nếu bác sĩ cần nhiều mẫu, họ sẽ thay bằng các miếng gạc y tế mới. Cuối cùng, gạc y tế chứa mẫu dịch sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để bác sĩ tiến hành phân tích kết quả.
Phương pháp tăm bông ở nam giới1
Bạn sẽ phải cởi trang phục bên dưới và thay vào đó bằng một tấm chăn mỏng và ngồi lên bàn kiểm tra. Một nhân viên y tế sẽ dùng cồn để bôi lên đầu dương vật của bạn. Tiếp theo, họ sẽ đưa tăm bông vào niệu đạo ở đầu dương vật để lấy mẫu dịch. Ngoài ra, họ cũng có thể dùng miếng gạc nhỏ để chà nhẹ trong miệng, cổ họng hay hậu môn hoặc cả hai vị trí.
Tương tự nữ giới, nếu bác sĩ cần lấy hai mẫu thì họ sẽ thay bằng miếng gạc y tế mới. Miếng gạc này được xét nghiệm nhằm xác định xem có vi khuẩn Chlamydia trachomatis hay không.
Phương pháp lấy mẫu nước tiểu1
Nhân viên y tế sẽ cung cấp cho bạn một chiếc cốc đựng bệnh phẩm. Sau đó bạn sẽ vào phòng vệ sinh để tự lấy mẫu nước tiểu vào chiếc cốc này. Để lấy nước tiểu, bạn cần làm vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục của mình bằng khăn lau. Sau đó bạn lấy nước tiểu vào cốc và đem đến cho bác sĩ. Mẫu nước tiểu này được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra, phân tích và đưa ra kết quả.
Kết quả xét nghiệm Chlamydia
Bạn sẽ nhận được kết quả xét nghiệm Chlamydia sau khoảng vài ngày. Đôi khi xét nghiệm với mẫu nước tiểu sẽ cho kết quả phân tích nhanh hơn, thậm chí là cùng ngày tiến hành lấy mẫu. Nhưng chính vì thế mà nó không được chính xác bằng xét nghiệm với mẫu dịch lấy từ tăm bông.1
Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính, điều này đồng nghĩa với việc bạn đang nhiễm khuẩn Chlamydia. Bạn cần thông báo cho người yêu hay bạn tình của mình để họ đi xét nghiệm kiểm tra. Nếu kết quả âm tính nhưng trước đó bạn có các triệu chứng của bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm lại để có được kết quả chính xác.3
Lưu ý khi xét nghiệm Chlamydia
Trước khi xét nghiệm Chlamydia, bạn cần chuẩn bị những điều sau:3
- Tránh đi tiểu vài giờ trước khi làm xét nghiệm.
- Tránh thụt rửa hoặc sử dụng các loại kem bôi trong khu vực âm đạo trước khi lấy mẫu.
- Ngừng dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng sinh trong khoảng 24 giờ trước ngày lấy mẫu xét nghiệm.
- Hãy tránh quan hệ tình dục cho đến khi bạn có kết quả xét nghiệm nếu bạn có các triệu chứng rõ rệt của việc nhiễm Chlamydia.
Xét nghiệm Chlamydia ở đâu?
Xét nghiệm Chlamydia được thực hiện tại nhiều bệnh viện trên toàn quốc. Bạn có thể lựa chọn cho mình những cơ sở y tế gần nhà hoặc tham khảo các bệnh viện lớn sau đây:
- Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM: Số 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP.HCM.
- Bệnh viện Chợ Rẫy: Số 201B Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, TP.HCM.
- Bệnh viện Thống Nhất: Số 1 Lý Thường Kiệt, Phường 7, Quận Tân Bình, TP.HCM.
- Bệnh viện Bạch Mai: Số 78 Giải Phóng, quận Đống Đa, Hà Nội.
- Bệnh viện Quân đội Trung Ương 108: Số 1 Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đầy đủ các thông tin về xét nghiệm Chlamydia. Bạn hãy đến bệnh viện để kiểm tra vi khuẩn này càng sớm càng tốt để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và “bạn tình”.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Chlamydia Test: How to Know If You Have Chlamydiahttps://www.healthline.com/health/sexually-transmitted-diseases/chlamydia-test
Ngày tham khảo: 26/05/2022
-
Chlamydia trachomatishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chlamydia/symptoms-causes/syc-20355349
Ngày tham khảo: 26/05/2022
-
Chlamydia Testhttps://my.clevelandclinic.org/health/diagnostics/22352-chlamydia-test
Ngày tham khảo: 26/05/2022
-
Chlamydia Testinghttps://www.testing.com/tests/chlamydia-test/
Ngày tham khảo: 26/05/2022
-
Chlamydia trachomatishttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chlamydia/diagnosis-treatment/drc-20355355
Ngày tham khảo: 27/05/2022