Xét nghiệm Double test giúp sàng lọc dị tật thai nhi và những điều mẹ cần biết
Nội dung bài viết
Double test là một trong những loại sàng lọc trước sinh mà mẹ bầu thường quan tâm. Vậy xét nghiệm Double test là gì? Xét nghiệm Double tets có chính xác không? Nên xét nghiệm Double test từ tuần thứ bao nhiêu? Bài viết dưới đây của Bác sĩ Trần Thế Minh sẽ giải đáp những câu hỏi trên. Mời bạn đọc cùng theo dõi nhé!
Xét nghiệm Double test là gì?
Double test là một trong những sàng lọc trước sinh không xâm lấn. Phương pháp thường được thực hiện trong tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ.1
Xét nghiệm sàng lọc trước sinh Double test thực hiện bằng cách lấy máu của người mẹ trong thời kỳ mang thai. Sau đó, mẫu máu sẽ được kiểm tra nồng độ β-hCG tự do và PAPP-A có trong đó. PAPP-A là một loại glycoprotein có trong huyết tương của thai phụ, β-hCG (Beta Human Chorionic Gonadotropin) là một loại hoocmon được tìm thấy trong máu và nước tiểu trong thời kỳ mang thai.1 2
Nếu mức độ β-hCG và PAPP-A cao hơn hoặc thấp hơn mức bình thường, thai nhi có thể có bất thường trong nhiễm sắc thể. Sự bất thường về nhiễm sắc thể có thể gây ra một vài dị tật bẩm sinh.1
Tuy nhiên, cần lưu ý, kết quả của Double test cho biết thai nhi có khả năng bất thường về nhiễm sắc thể hay không. Nó không xác định chính xác thai nhi có mắc dị tật bẩm sinh hay không. Vì thế, Double test được phân vào loại xét nghiệm dự đoán. Bên cạnh đó, Double test thường được thực hiện cùng với siêu âm đo độ mờ da gáy (NT) để tăng độ chính xác của các xét nghiệm. Do đó, sự kết hợp này có tên là Combined test.1
Xét nghiệm Double test để làm gì?
Kết quả của Double test giúp dự đoán sự bất thường trong quá trình phát triển bộ nhiễm sắc thể ở thai nhi. Như đã trình bày phía trên, Double test không xác định chính xác thai nhi có bị dị tật hay không. Phương pháp chỉ dự đoán khả năng tăng nguy cơ mắc các hội chứng về nhiễm sắc thể ở thai nhi.
Những dị tật được sàng lọc bởi Double test là:1
- Hội chứng Down: thừa một nhiễm sắc thể 21. Double test có khả năng dự đoán hội chứng Down với độ chính xác cao hơn so với hai hội chứng còn lại.
- Hội chứng Edwards: thừa một nhiễm sắc thể 18.
- Hội chứng Patau: thừa một nhiễm sắc thể 13.
Xét nghiệm double test có cần thiết không?
Xét nghiệm Double test giúp sàng lọc dị tật thai nhi. Từ đó, mẹ bầu và gia đình sẽ có những chuẩn bị phù hợp trong suốt thai kỳ.
Bộ Y tế khuyến cáo tất cả phụ nữ trong 3 tháng đầu thai kỳ đều nên thực hiện sàng lọc một số bất thường về nhiễm sắc thể và hình thái thai nhi.3
Thời gian và đối tượng nên làm sàng lọc trước sinh Double test
Đối tượng nên làm sàng lọc trước sinh Double test:
- Phụ nữ mang thai trên 35 tuổi.1
- Phụ nữ mang thai có tiền sử gia đình mắc bệnh.1
- Phụ nữ mang thai có tiền sử thai lưu, sảy thai.
- Phụ nữ mang thai bị nhiễm virus trong thai kỳ.
- Kết quả siêu âm thai cho thấy độ mờ da gáy thuộc trường hợp nguy cơ cao.
Tuy nhiên, tất cả phụ nữ mang thai đều nên thực hiện sàng lọc không xâm lấn trước sinh Double test theo khuyến cáo của Bộ Y tế.3
Làm xét nghiệm Double test tuần thứ bao nhiêu?
Nhiều mẹ bầu thường hay thắc mắc nên thực hiện sàng lọc trước sinh Double test tuần thứ bao nhiêu là hợp lý?
Double test thường được thực hiện vào khoảng cuối tam cá nguyệt đầu tiên hoặc đầu tam cá nguyệt thứ hai. Cụ thể, thai phụ thường làm xét nghiệm này trong khoảng tuần 11 – tuần 13, 6 ngày.4 Hãy liên hệ với đơn vị xét nghiệm để được tư vấn thời điểm thích hợp nhất.
Tuy nhiên, có một vài mẹ bầu có nguy cơ cao, mà không nhất thiết phải làm Double ở khoảng thời gian đó. Họ có thể thực hiện luôn biện pháp tầm soát khác cao hơn, tùy vào tư vấn của bác sĩ.
Phân biệt xét nghiệm Double test và Triple test
Sự giống nhau của xét nghiệm Double test và Triple test1 5
Cả Double test và Triple test đều giúp dự đoán khả năng tăng nguy cơ mắc các hội chứng dị tật bẩm sinh thông qua việc xét nghiệm các chỉ số có trong máu của phụ nữ mang thai. Đây đều là các phương pháp sàng lọc trước sinh không xâm lấn.
Đối tượng nên thực hiện 2 loại xét nghiệm này là phụ nữ mang thai trên 35 tuổi, người có tiền sử gia đình mắc các dị tật bẩm sinh.
Double test và Triple test khác nhau như thế nào?1 5
Ngoài những điểm tương đồng nêu trên, Double test và Tripble test có những đặc điểm riêng cho từng loại xét nghiệm. Cụ thể, 2 phương pháp này khác nhau về thời gian thực hiện:
- Double test: tuần 11 đến 13.
- Triple test: tuần 15 – 20.
Hai loại xét nghiệm này cũng sử dụng những bộ chất xét nghiệm khác nhau:
- Double test sẽ đo nồng độ PAPP-A và β-HCG trong máu của thai phụ.
- Triple test được thực hiện bằng cách đo nồng độ AFP (alpha-fetoprotein), hCG (human chorionic gonadotropin) và estriol trong máu của phụ nữ mang thai.
Tùy vào loại xét nghiệm mà có thể dự đoán tăng khả năng mắc các hội chứng khác nhau:
- Double test có thể dự đoán khả năng mắc các hội chứng Down, hội chứng Edwards, hội chứng Patau.
- Triple test có khả năng dự đoán sự tăng nguy cơ mắc các hội chứng như Down, hội chứng Edwards và dị tật ống thần kinh.
Nên làm xét nghiệm Double test hay Triple test?
Triple test có mục định ko hoàn toàn giống Double. Triple test thường được sử dụng như một xét nghiệm bổ sung cho một thai phụ có kết quả Double test nguy cơ cao, và ko muốn xét nghiệm gì thêm; hoặc một thai phụ khám thai không đầy đủ, lần đầu đến khám khi đã ở tam cá nguyệt thứ 2.
Tùy vào thời điểm và nhu cầu muốn sàng lọc các bệnh lý nào của thai nhi mà mẹ bầu sẽ có lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, cả Double test và Triple test đều được khuyến cáo cho tất cả phụ nữ mang thai. Vì thế, nếu có thể, thai phụ nên thực hiện cả 2 loại xét nghiệm trên.
Quy trình làm xét nghiệm Double test gồm những gì?
Làm xét nghiệm Double test có phải nhịn ăn không? Mẹ bầu cần chuẩn bị những gì?
Double test là một xét nghiệm máu với các thao tác đơn giản. Phương pháp này cũng không yêu cầu mẹ bầu nhịn ăn trước khi xét nghiệm. Do đó, trừ trường hợp bác sĩ hoặc nhân viên xét nghiệm có những lưu ý, hướng dẫn khác, thì các mẹ bầu có thể ăn uống bình thường trước khi thực hiện.1
Quy trình xét nghiệm như thế nào?
Thông thường, trước khi thực hiện bất kỳ phương pháp sàng lọc nào, bác sĩ hoặc nhân viên xét nghiệm sẽ giải thích mục đích và quy trình thực hiện xét nghiệm đó cho mẹ bầu và gia đình. Các mẹ có thể được yêu cầu điền một vài thông tin cá nhân, thông tin về thai nhi cần thiết vào phiếu xét nghiệm.
Quy trình sàng lọc trước sinh không xâm lấn Double test không quá phức tạp. Bác sĩ xét nghiệm sẽ tiến hành lấy máu ở tĩnh mạch tay của thai phụ và đựng trong ống nghiệm chuyên dụng rồi đưa đi xét nghiệm.6
Double test sẽ thực hiện đo nồng độ PAPP-A và β-hCG có trong máu của mẹ bầu. Từ đó dự đoán nguy cơ mắc các hội chứng dị tật bẩm sinh của thai nhi. Cụ thể:2
- Đối với hội chứng Down (3 nhiễm sắc thể 21), thực hiện Double test cho thấy nồng độ β-hCG tự do tăng đáng kể, PAPP-A có xu hướng giảm. Ngoài ra, nếu thai phụ thực hiện thêm siêu âm đo độ mờ da gáy sẽ thấy độ mờ da gáy tăng.
- Đối với hội chứng Edward (3 nhiễm sắc thể 18): cả hai nồng độ β-hCG và PAPP-A trong máu thai phụ đều giảm.
- Đối với hội chứng Patau (3 nhiễm sắc thể 13): nồng độ β-hCG và PAPP-A giảm.
Xét nghiệm Double test bao lâu có kết quả?
Thời gian trả kết quả Double test thường từ vài giờ đến 2-3 ngày, tùy từng cơ sở xét nghiệm.
Cách đọc kết quả xét nghiệm Double test
Dựa vào nồng độ PAPP-A và β-hCG có trong máu, mẹ bầu có thể nhận được kết quả Double test có rủi ro thấp, rủi ro trung bình hoặc rủi ro cao.
Kết quả nguy cơ thấp1
Kết quả nguy cơ thấp là kết quả bình thường, khả năng thai nhi bị bất thường nhiễm sắc thể là thấp. Điều này cũng đồng nghĩa khả năng thai nhi mắc dị tật bẩm sinh ở mức thấp.
Nếu có một số yếu tố nguy cơ khác (tiền sử gia đình, độ tuổi thai phụ,…) thì mẹ bầu có thể được điều nghị kiểm tra thêm để chắc chắn nhất.
Tuy nhiên, kết quả rủi ro thấp không xác định chắc chắn là thai nhi sẽ không gặp vấn đề gì. Đặc biệt, cần lưu ý, Double test chỉ sàng lọc các dấu hiệu cho hội chứng Down, hội chứng Edward, hội chứng Patau và không sàng lọc cho các bệnh lý khác.
Kết quả nguy cơ trung bình hoặc nguy cơ cao1
Nếu kết quả sàng lọc là nguy cơ trung bình hoặc cao, mẹ bầu có thể được tư vấn bởi chuyên gia di truyền học. Hoặc, để chắc chắn hơn, mẹ bầu có thể được thực hiện thêm các xét nghiệm khác (NIPT, chọ dò màng ối, lấy mẫu nhung mao màng đệm,…). Tuy nhiên, một số xét nghiệm xâm lấn có thể gây rủi ro cho thai nhi.
Xét nghiệm Double test có chính xác và an toàn không?
Ưu điểm của sàng lọc trước sinh Double test:
- Double test là sàng lọc không xâm lấn với thao tác đơn giản, an toàn với thai nhi.
- Phương pháp cho kết quả nhanh, từ vài giờ đến 2-3 ngày, thường là trong vòng 1 tuần.
- Nếu được thực hiện đúng thời điểm khuyến cáo, Double test có thể dự đoán nguy cơ mắc các hội chứng dị tật bẩm sinh ở thai nhi sớm. Từ đó, mẹ bầu và gia đình có những bước chuẩn bị cần thiết cho thai kỳ của mình.1
Nhược điểm của sàng lọc trước sinh Double test: Đây là xét nghiệm dự đoán. Kết quả xét nghiệm không xác định chính xác thai nhi có bị dị tật bẩm sinh hay không.
Từ những ưu điểm, khuyết điểm trên, các thể thấy Double test là phương pháp sàng lọc an toàn cho thai nhi và mẹ bầu. Tuy nhiên, nếu muốn kết quả có độ chính xác cao hơn, mẹ bầu cần làm thêm những xét nghiệm khác (NIPT, sàng lọc xâm lấn,…).
Xét nghiệm Double test giá bao nhiêu? Nên xét nghiệm Double test ở đâu?
Double test là một trong những sàng lọc trước sinh phổ biến đối với phụ nữ mang thai. Hiện nay, số lượng đơn vị thực hiện Double test cũng rất nhiều. Các mẹ bầu đôi khi sẽ gặp khó khăn, không biết nên sàng lọc trước sinh Double test ở đâu? Đơn vị nào có kết quả chính xác nhất? Bảng giá xét nghiệm Double test của từng đơn vị là bao nhiêu?
Việc hiểu rõ như thế nào là một đơn vị uy tín sẽ giúp mẹ bầu và gia đình dễ dàng hơn trong việc chọn lựa cơ sở xét nghiệm phù hợp. Trong bài viết “Xét nghiệm Double test giá bao nhiêu? Nên xét nghiệm Double test ở đâu?“, YouMed đã trình bày chi tiết các tiêu chí đánh giá sự uy tín của một đơn vị, cũng như tổng kết các cơ sở sàng lọc trước sinh không xâm lấn Double test kèm theo bảng giá. Bạn đọc có thể tham khảo bài viết trên để có những lựa chọn phù hợp cho mình nhé!
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc. Việc hiểu rõ về xét nghiệm Double test sẽ giúp phụ nữ mang thai dễ dàng hơn trong việc thực hiện xét nghiệm này. Mẹ bầu và gia đình nên lựa chọn các cơ sở uy tín để đảm bảo tính chính xác của kết quả xét nghiệm nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What Is a Double Marker Test in Pregnancy?https://www.healthline.com/health/pregnancy/double-marker-test
Ngày tham khảo: 19/10/2022
-
First Trimester Maternal Serum Screening Using Biochemical Markers PAPP-A and Free β-hCG for Down Syndrome, Patau Syndrome and Edward Syndromehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3547446/
Ngày tham khảo: 19/10/2022
-
Quyết định về việc ban hành hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinhhttps://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/10/quyet-dinh-1807-qd-byt-huong-dan-sang-loc-chan-doan-dieu-tri-truoc-sinh-va-so-sinh.pdf
Ngày tham khảo: 19/10/2022
-
First Trimester Maternal Serum Screening Using Biochemical Markers PAPP-A and Free β-hCG for Down Syndrome, Patau Syndrome and Edward Syndromehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3547446/
Ngày tham khảo: 19/10/2022
-
Triple Marker Screen Testhttps://www.healthline.com/health/triple-marker-screen-test
Ngày tham khảo: 19/10/2022
-
Prenatal Test: Multiple Marker Testhttps://kidshealth.org/en/parents/prenatal-multiple-marker.html
Ngày tham khảo: 19/10/2022