YouMed

Xét nghiệm Gnathostoma IgG: quy trình và địa chỉ xét nghiệm

bác sĩ nguyễn lâm giang
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang
Chuyên khoa: Nội tổng quát

Xét nghiệm Gnathostoma IgG là một trong những xét nghiệm quan có giá trị chẩn đoán cao cho bệnh giun đầu gai. Vậy bệnh giun đầu gai là gì? Đâu là triệu chứng của bệnh? Và có thể làm xét nghiệm Gnathostoma IgG (giun đầu gai) ở đâu tại thành phố Hồ Chí Minh? Hãy cùng tìm hiểu với xét nghiệm này qua bài viết dưới đây nhé.

Tổng quát về bệnh giun đầu gai

Bệnh giun đầu gai (Gnathostomiasis) gây ra bởi ký sinh trùng thuộc họ Gnathostoma, trong đó Gnathostoma spinigerum là loài thường gặp nhất.1

Chúng thuộc lớp giun tròn nhưng có gai ở đầu nên được gọi là giun đầu gai. Bệnh giun đầu gai thường gặp ở vùng Đông Nam Á, Trung và Nam Mỹ. Tuy nhiên, với sự phát triển của du lịch, hiện đã ghi nhận sự tăng cao các ca bệnh giun đầu gai ở nhiều nước khác nhau trên thế giới.2

Người bị nhiễm giun đầu gai khi họ ăn rau sống hoặc thịt chưa được nấu chín có chứa ấu trùng giun đầu gai giai đoạn 3. Bên cạnh đó, khi uống nước, làm việc hoặc bơi lội trong nước bị nhiễm ấu trùng hoặc có các loài thân giáp có chứa ấu trùng cũng có thể gây nhiễm giun đầu gai cho người.2

Tỷ lệ nhiễm bệnh giun đầu gai hiện đang có xu hướng tăng cao trên toàn thế giới.
Tỷ lệ nhiễm bệnh giun đầu gai hiện đang có xu hướng tăng cao trên toàn thế giới

Triệu chứng và đặc điểm lây truyền của bệnh

Triệu chứng

Người bị nhiễm giun đầu gai bắt đầu có các triệu chứng nhiễm bệnh khi ấu trùng giun đầu gai ở cuối giai đoạn 3. Ở thời kì này, ấu trùng sẽ di chuyển qua các tế bào, gây ra các triệu chứng ở da hoặc ở các cơ quan trong cơ thể. Do đó, thường sau 2-4 tuần kể từ khi nhiễm giun đầu gai, người bệnh có thể bị:

Sau đó, ấu trùng di chuyển đến các cơ quan khác và gây ra các triệu chứng khác nhau. Sau đây là một số biểu hiện của nhiễm giun đầu gai:2 3

Ở da và mô mềm

Tổn thương da do nhiễm giun đầu gai gây ra có thể gặp ở dạng mụn nhỏ, xuất hiện khối phù nề, kèm với cảm giác sưng, nóng, đỏ, đau. Bên cạnh đó, sự chuyển động của ấu trùng có thể gây phù cục bộ từng đợt tại vị trí tổn thương và có tính di chuyển dưới da. Người bệnh còn có thể cảm thấy ngứa, nổi mề đay chủ yếu ở vị trí tổn thương.

Tổn thương da do ấu trùng giun đầu gai gây ra có thể gặp ở các vị trí khác nhau trên cơ thể.
Tổn thương da do ấu trùng giun đầu gai gây ra có thể gặp ở các vị trí khác nhau trên cơ thể

Thần kinh

Mức độ tổn thương thần kinh sẽ phụ thuộc số lượng ấu trùng và vị trí tổn thương. Các mức độ tổn thương gồm:

  • Viêm tủy rễ thần kinh.
  • Viêm não – màng não.
  • Viêm não – tủy rễ thần kinh.

Một số các hội chứng có thể gặp như: hội chứng màng não, hội chứng viêm não,… Ở một số trường hợp nghiêm trọng có thể gây hôn mê kéo dài.

Nội tạng và các cơ quan khác

Ấu trùng giun đầu gai khi di chuyển đến các cơ quan khác nhau sẽ gây những biểu hiện tương ứng:

  • Đường tiêu hóa: khó chịu, sốt, nổi mề đay, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chán ăn, đau thượng vị hay hạ sườn phải,…
  • Phổi: ho, khó thở, đau ngực do viêm màng phổi, tràn khí màng phổi, ho ra máu, ho ra ấu trùng,…
  • Tiết niệu, sinh dục: tiểu ra máu,…
  • Mắt: hiếm gặp. Ấu trùng chui vào mắt có thể gây viêm màng bồ đào, viêm mống mắt, teo mống mắt, xuất huyết, tăng áp lực nhãn cầu, sẹo võng mạc, rối loạn thị giác, giảm thị lực, sợ ánh sáng, mù,…
  • Tai: tổn thương cơ quan tiền đình – ốc tai, đau tai, ù tai, giảm thính lực,…

Đặc điểm lây truyền của bệnh

Người là vật chủ ngẫu nhiên, tình cờ mắc bệnh do tiếp xúc với nguồn bệnh. Nguồn bệnh chính của bệnh giun đầu gai là các loại chó, mèo bị nhiễm giun Gnathostoma spinigerum. Bên cạnh đó, một số loài động vật khác như cá nước ngọt, lươn, ếch nhái, rắn, chim… cũng có thể chứa ấu trùng của loài giun này.3

Tất cả mọi người, bất kể giới tính và tuổi tác đều có thể bị nhiễm ấu trùng này và dễ tái nhiễm nếu sinh sống trong vùng dịch tễ có bệnh lưu hành. Con người có thể bị mắc bệnh giun đầu gai do:2 3

  • Chế độ ăn uống: ăn các loài động vật giáp xác, cá, lươn, ếch rắn,… chưa được nấu chín hoặc uống nước chứa mầm bệnh còn sống, chưa được nấu chín kỹ.
  • Sinh sống, làm việc hoặc du lịch đến các vùng có lưu hành bệnh
  • Ấu trùng giai đoạn 3 cũng có thể xâm nhập qua da của những người xử lý thịt bị nhiễm ấu trùng.

Quy trình xét nghiệm Gnathostoma IgG

Xét nghiệm Gnathostoma IgG không xâm lấn, nhanh và có giá trị cao trong chẩn đoán nhiễm bệnh.

Nguyên lý của việc xét nghiệm Gnathostoma IgG là phát hiện kháng thể IgG kháng với Gnathostoma có trong mẫu huyết thanh thông qua kỹ thuật miễn dịch gắn men (ELISA). Đây là kĩ thuật dùng men để đánh dấu kháng thể và phát hiện sự kết hợp đặc hiệu. Qua đó có thể phát hiện kháng thể IgG có trong huyết thanh hoặc huyết tương để xác định tình trạng đã nhiễm hoặc đang nhiễm giun đầu gai ở bệnh nhân.4

Lưu ý khi làm xét nghiệm Gnathostoma IgG, người bệnh cần nhịn ăn trước khi lấy máu làm xét nghiệm.4

Theo dõi kết quả và chẩn đoán bệnh

Hiện nay vẫn chưa có tiêu chuẩn vàng trong việc chẩn đoán bệnh giun đầu gai. Vì các triệu chứng của bệnh không đặc hiệu nên việc chẩn đoán bệnh giun đầu gai rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.

Để chẩn đoán xác định bệnh giun đầu gai, cần bắt được ấu trùng hoặc giun non từ sang thương (niêm mạc, da,…). Tuy nhiên việc này ít khi xảy ra. Ngoài ra, khi chẩn đoán bệnh cần phải hội tụ đủ cả 3 yếu tố: dịch tễ, lâm sàng và xét nghiệm. Vì vậy, để chẩn đoán bệnh giun  đầu gai có thể dựa vào 3 tiêu chuẩn sau:5

  • Các biểu hiện lâm sàng của hội chứng ấu trùng di chuyển.
  • Có tiền sử du lịch đến các nước có bệnh lưu hành hoặc có ăn thủy sản sống hoặc nấu chưa chín.
  • Bạch cầu ái toan tăng, xét nghiệm Gnathostoma IgG cho kết quả dương tính.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh giun đầu gai

Để phòng ngừa việc nhiễm bệnh giun đầu gai, mọi người nên tuân thủ theo các lưu ý sau:5

  • Không ăn các thực phẩm chưa nấu chín hoặc còn sống, đặc biệt là ở các vùng có bệnh lưu hành.
  • Sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Uống nước đã đun sôi để nguội, nước nên được đun sôi trên 5 phút.
  • Nên mang găng tay khi chế biến thực phẩm hoặc khi tiếp xúc trực tiếp với nước hoặc thịt có mang ấu trùng.

Xét nghiệm Gnathostoma IgG (giun đầu gai) ở đâu?

Để có kết quả xét nghiệm Gnathostoma IgG chuẩn xác nhất, bạn nên đến các bệnh viện hoặc các cơ sở y tế uy tín. Sau đây là một số địa chỉ xét nghiệm Gnathostoma IgG uy tín ở thành phố Hồ Chí Minh bạn có thể tham khảo:

  • Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec: 208 Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, Quận Bình Thạnh, TP.HCM.
  • Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM: 215 Đường Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP.HCM.
  • Bệnh viện Chợ Rẫy: 201B Đường Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, TP.HCM.
  • Bệnh viện Thống Nhất: 1 Đường Lý Thường Kiệt, Phường 7, Quận Tân Bình, TP.HCM.
  • Bệnh viện Nhân dân Gia Định: 1 Đường Nơ Trang Long; Phường 7, Quận Bình Thạnh, TP.HCM.
  • Bệnh viện Nguyễn Tri Phương: 468 Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5, TP.HCM.
  • Trung tâm xét nghiệm Diag Laboratories: 414 – 420 Cao Thắng, Phường 12, Quận 10, TP.HCM.

Qua bài viết này, hy vọng bạn hiểu thêm về xét nghiệm Gnathostoma IgG. Đây là một trong những xét nghiệm có giá trị chẩn đoán cao trong việc chẩn đoán bệnh giun đầu gai. Do đó, nếu bạn nhận thấy bản thân có các triệu chứng bệnh giun đầu gai, hãy đến ngay cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm Gnathostoma IgG để phát hiện bệnh kịp thời.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Proteomics of Gnathostomiasis: A Way Forward for Diagnosis and Treatment Developmenthttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8465481/

    Ngày tham khảo: 01/09/2022

  2. Gnathostomiasis, Another Emerging Imported Diseasehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2708391/

    Ngày tham khảo: 01/09/2022

  3. Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh ấu trùng giun đầu gai (Ban hành theo quyết định số: 1574 /QĐ-BYT ngày 17 tháng 06 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế).

  4. Cơ sở y học chứng cứ để chẩn đoán và xử trí bệnh ấu trùng giun đầu gaihttp://www.impe-qn.org.vn/impe-qn/vn/portal/InfoPreview.jsp?ID=5550

    Ngày tham khảo: 01/09/2022

  5. Gnathostomiasis: An Emerging Imported Diseasehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3000140/

    Ngày tham khảo: 01/09/2022

  6. Vài nét sơ lược về giun đầu gai - Phần 2https://www.impehcm.org.vn/noi-dung/kham-benh-giun-san/vai-net-so-luoc-ve-giun-dau-gai-phan-2.html

    Ngày tham khảo: 01/09/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người