Các xét nghiệm chẩn đoán sốt siêu vi và lưu ý cần biết
Nội dung bài viết
Sốt siêu vi là một bệnh lý không hiếm gặp. Nó thường xảy ra ở trẻ em và người lớn tuổi. Vậy, cần thực hiện xét nghiệm nào để chẩn đoán sốt siêu vi? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau của Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh nhé!
Tổng quan về sốt siêu vi
Sốt là sự gia tăng nhiệt độ cơ thể tạm thời. Đó là một phần của đáp ứng từ hệ thống miễn dịch của cơ thể. Sốt thường do nhiễm trùng (do vi khuẩn) gây ra, nhưng cũng có thể do các nguyên nhân khác như nhiễm siêu vi. Chẳng hạn như virus cúm, virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết. Sốt nhẹ có thể tự khỏi trong vòng vài ngày. Hoặc có thể khỏi nhờ các thuốc hạ sốt thông thường được bán không kê đơn.1
Sốt siêu vi là thuật ngữ chỉ chung các loại bệnh do virus gây ra với biểu hiện chính là sốt. Các triệu chứng của nhiễm virus phụ thuộc vào nơi bạn bị nhiễm, nhưng một số triệu chứng phổ biến bao gồm:2
- Các triệu chứng giống cúm: sốt, đau đầu, đau nhức cơ thể, mệt mỏi.
- Triệu chứng hô hấp trên: đau họng, ho, hắt hơi.
- Triệu chứng tiêu hóa: buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
- Tình trạng da: phát ban, lở loét, mụn nước, mụn cóc.
Đôi khi, một số virus có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào.
Để chẩn đoán sốt siêu vi, bác sĩ có thể sẽ cần phải loại trừ sốt do nhiễm vi khuẩn. Vì vậy, bạn có thể được hỏi tiền sử bệnh và làm một số xét nghiệm để xác định chẩn đoán. Ví dụ, xét nghiệm công thức máu biết số lượng bạch cầu có thể gợi ý nhiễm siêu vi hay vi khuẩn.
Những xét nghiệm giúp xác định sốt siêu vi
Sau khi được chẩn đoán sơ bộ là sốt siêu vi, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân làm một số xét nghiệm để giúp xác định chẩn đoán chính xác hơn. Các xét nghiệm thường được chỉ định như: xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm CRP, xét nghiệm tìm kháng nguyên virus Dengue.
1. Xét nghiệm công thức máu
Xét nghiệm công thức máu hoặc xét nghiệm máu toàn phần là xét nghiệm giúp xác định số lượng, hình thái và kích thước của các tế bào máu. Xét nghiệm công thức máu cho biết giá trị của các chỉ số sức khỏe sau:
- Số lượng tế bào hồng cầu.
- Số lượng tế bào bạch cầu.
- Lượng Hemoglobin – một protein vận chuyển oxy trong tế bào hồng cầu.
- Hematocrit – chỉ số đánh giá lượng hồng cầu trong máu.
- Số lượng tiểu cầu.
Công thức máu có thể cho thấy số lượng tế bào tăng hoặc giảm bất thường. Những thay đổi đó có thể chỉ ra một tình trạng sức khỏe cần được đánh giá thêm bằng các xét nghiệm chuyên sâu khác.
Thông thường, trong sốt siêu vi, chỉ số các bác sĩ quan tâm là số lượng bạch cầu. Số lượng bạch cầu và bạch cầu hạt sẽ tăng ở bệnh nhân nhiễm vi khuẩn hơn so với bệnh nhân nhiễm virus. Nhưng độ nhạy để phân biệt do nhiễm vi khuẩn hay virus dựa vào số lượng bạch cầu là rất thấp.3 Ngoài ra, các bác sĩ cũng sẽ đánh giá các chỉ số bất thường khác đi kèm nếu có.
Để thực hiện xét nghiệm, bạn sẽ được lấy mẫu máu bằng cách đâm kim vào tĩnh mạch. Thường là tĩnh mạch ở trên cánh tay của bạn, gần chỗ nếp gấp khuỷu. Mẫu máu sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm. Sau khi kiểm tra, bạn có thể trở lại hoạt động bình thường ngay lập tức.
2. Xét nghiệm CRP
CRP là một protein C phản ứng (C-Reactive Protein) do gan sản xuất. Nồng độ CRP có thể tăng trong nhiều trường hợp, thường là trong phản ứng viêm, nhiễm trùng. Xét nghiệm CRP cũng lấy mẫu máu tĩnh mạch như xét nghiệm công thức máu.4
Trong một đợt bệnh sốt cấp tính, giá trị CRP có thể được sử dụng để phân biệt nhanh giữa sốt do vi khuẩn và sốt siêu vi. Đặc biệt, ở những bệnh nhân có giá trị CRP cao thường do nhiễm vi khuẩn hơn nhiễm siêu vi.5
3. Xét nghiệm tìm kháng nguyên virus Dengue
Virus Dengue là virus gây ra bệnh sốt xuất huyết Dengue. Nếu có chẩn đoán sơ bộ là sốt siêu vi, thông thường các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm tìm virus Dengue để loại trừ bạn có thể sốt xuất huyết. Có nhiều xét nghiệm để tìm virus Dengue, nhưng loại có thể cho kết quả nhanh chóng là xét nghiệm tìm kháng nguyên NS1 của virus Dengue. Hay còn gọi là test nhanh kháng nguyên virus Dengue.
Trong vòng 1-5 ngày đầu sau khi có triệu chứng sốt, có thể thực hiện xét nghiệm này. Kết quả NS1 dương tính thì có thể cho phép chẩn đoán người bệnh đang bị sốt xuất huyết và cần được điều trị, theo dõi nghiêm ngặt. Nhưng kết quả âm tính từ xét nghiệm thì vẫn chưa loại trừ được bệnh.6
Khi nào nên làm xét nghiệm sốt siêu vi?
Như đã nói ở trên sốt siêu vi là thuật ngữ chung để chỉ tình trạng bệnh lý nhiễm virus có triệu chứng chủ yếu là sốt. Hầu hết các cơn sốt siêu vi có thể tự khỏi trong vòng một hoặc hai ngày, một số trường hợp nghiêm trọng hơn và cần được điều trị y tế.
Nếu sốt trên 103°F (39°C) hoặc cao hơn thì bạn cần đến gặp bác sĩ. Từ đó bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân của tình trạng sốt siêu vi.
Những lưu ý khi thực hiện xét nghiệm sốt siêu vi
Hầu hết các xét nghiệm sốt siêu vi lấy mẫu bệnh phẩm là mẫu máu. Do vậy, bạn có thể cần lưu ý khi thực hiện xét nghiệm như sau:
- Thông báo cho bác sĩ biết các loại thuốc hiện tại bạn đang dùng, các dị ứng đã biết với thuốc, nếu bạn đang mang thai hoặc nếu bạn bị rối loạn chảy máu.
- Bạn có thể cảm thấy đau nhói ngắn khi kim đâm vào.
- Sau khi kiểm tra, bạn sẽ có một miếng băng nhỏ trên vị trí đâm kim. Hầu hết mọi người về nhà trong cùng một ngày. Bạn có thể hơi khó chịu nhưng có thể sẽ không bị đau sau khi thủ thuật. Bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Liên hệ với bác sĩ ngay nếu bạn bị đau nghiêm trọng hoặc nếu bạn phát triển các triệu chứng như: Sốt cao, đỏ, sưng tấy, đau nhức nhiều tại chỗ tiêm.
Thực hiện xét nghiệm sốt siêu vi ở đâu?
Bạn nên tìm đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để xét nghiệm sốt siêu vi. Phần lớn các bệnh viện đa khoa đều có thể thực hiện xét nghiệm sốt siêu vi và có các quy trình khám, phác đồ nhập viện cũng như điều trị phù hợp nhất. Ngoài ra, bạn cũng có thể đến các phòng khám đa khoa, cơ sở xét nghiệm tư nhân uy tín để nhận được chỉ định phù hợp.
Dưới đây là một số cơ sở xét nghiệm mà bạn đọc có thể tham khảo. Tuy nhiên, cần lưu ý, vẫn còn nhiều cơ sở xét nghiệm khác trên phạm vi cả nước. Và giá của từng loại xét nghiệm chẩn đoán sốt siêu vi sẽ khác nhau.
Tên cơ sở xét nghiệm | Địa chỉ |
Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.HCM | 118 Hồng Bàng, phường 12, quận 5, TP.HCM. |
Phòng khám đa khoa Medlatec | Số 98 Thích Quảng Đức, phường 5, quận Phú Nhuận, TP.HCM. |
Trung tâm Y khoa Medic | 254 Hòa Hảo, phường 4, quận 10, TP.HCM. |
Trung tâm xét nghiệm Labhouse | Tòa D, Vinaconex 2, KĐT, Kim Văn, quận Hoàng Mai, Hà Nội. |
Phòng khám chuyên khoa MEDLATEC Đà Nẵng | 21 Thái Văn Lung, Hoà Xuân, Cẩm Lệ, Đà Nẵng. |
Trên đây là bài viết tổng quan về một số xét nghiệm sốt siêu vi. Hầu hết, sốt siêu vi có thể tự khỏi trong vài ngày. Nhưng một số trường hợp cần sự hỗ trợ y tế. Khi có triệu chứng sốt cao trên 39°C hoặc sốt kéo dài, bạn cần đến gặp bác sĩ để được tìm nguyên nhân gây sốt và có phương pháp điều trị phù hợp.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Feverhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/fever/symptoms-causes/syc-20352759
Ngày tham khảo: 24/03/2023
-
Viral Infectionhttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24473-viral-infection
Ngày tham khảo: 24/03/2023
-
White blood cell and differential counts in acute respiratory viral and bacterial infections in childrenhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/8248742/
Ngày tham khảo: 24/03/2023
-
C-reactive protein testhttps://www.mayoclinic.org/tests-procedures/c-reactive-protein-test/about/pac-20385228
Ngày tham khảo: 24/03/2023
-
Differentiating between bacterial and viral infections by estimated CRP velocityhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/36477474/
Ngày tham khảo: 24/03/2023
-
Testing Guidancehttps://www.cdc.gov/dengue/healthcare-providers/testing/testing-guidance.html
Ngày tham khảo: 24/03/2023