YouMed

Những điều cần biết về xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

bác sĩ trần thế minh
Tác giả: BS.CKI Trần Thế Minh
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ như thế nào là câu hỏi hay gặp khi mẹ đến ngày thực hiện xét nghiệm. Vậy xét nghiệm tiểu đường thai kỳ làm những gì và nó cần thiết làm không? Những câu hỏi thường gặp này sẽ được giải đáp ngay sau đây. Hãy cùng Bác sĩ Sản phụ khoa Trần Thế Minh tìm hiểu. 

Vì sao mẹ bầu cần xét nghiệm tiểu đường thai kỳ?

Trước khi tìm hiểu xét nghiệm tiểu đường thai kỳ như thế nào, mẹ bầu cần nên biết vì sao cần làm và đối tượng nào cần thực hiện.

Tiểu đường thai kỳ khi lượng đường trong máu cao hơn ngưỡng cho phép trong thời kỳ mang thai và trở về bình thường sau khi sinh. Tiểu đường thai kỳ có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Tuy nhiên, nó thường được chẩn đoán phổ biến hơn ở 3 tháng giữa và cuối thai kỳ.

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là một xét nghiệm thường quy khi mang thai. Nếu sản phụ không được tầm soát, chẩn đoán và kiểm soát lượng đường trong máu sớm, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi như:

  • Sinh con to. Hậu quả làm cho mẹ sinh khó, tăng khả năng sinh mổ. Con có thể bị chấn thương sau sanh, thường gặp là chấn thương đám rối thần kinh tay.
  • Đa ối: Quá nhiều nước ối trong bụng mẹ, có thể gây chuyển dạ sớm hoặc các vấn đề khác khi sinh.
  • Sinh non: Được định nghĩa là sinh trước 37 tuần thai kỳ.
  • Tiền sản giật: Một tình trạng gây ra huyết áp cao trong thai kỳ và có thể dẫn đến các biến chứng thai kỳ nếu không được điều trị.
  • Thai lưu (hiếm xảy ra).

Những đối tượng nên xét nghiệm tiểu đường thai kỳ?

Bất kỳ phụ nữ nào cũng có thể phát triển bệnh tiểu đường thai kỳ trong khi mang thai. Tuy nhiên, nếu mẹ nằm trong nhóm nguy cơ cao có khả năng mắc bệnh cao hơn sản phụ khác.

Các đối tượng có nguy cơ cao, bao gồm:

  • Có chỉ số BMI >30: Sản phụ có thể tự tính BMI trước khi mang thai bằng cách lấy Cân nặng/ [(chiều cao)x2].
  • Có tiền sử sinh con to trước đây.
  • Mẹ có tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước.
  • Có cha mẹ hoặc anh em ruột mắc bệnh tiểu đường.

Nếu sản phụ thuộc trong nhóm đối tượng cao, nên chia sẻ thông tin với bác sỹ để được tầm soát tiểu đường thai kỳ sớm.

Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý phổ biến
Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý phổ biến

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ như thế nào?

Một số sản phụ sẽ băn khoăn xét nghiệm tiểu đường thai kỳ như thế nào có liên quan đến đối tượng nguy cơ hay không? Trên thực tế, đối tượng nguy cơ thấp hoặc cao chỉ liên quan đến việc tầm soát xét nghiệm nên được thực hiện vào lúc nào. Về các phương pháp xét nghiệm tiểu đường, sẽ tùy vào cơ sở Sản phụ khoa mà họ áp dụng.

Thời điểm lý tưởng xét nghiệm tiểu đường thai kỳ?

Bệnh tiểu đường thai kỳ được chẩn đoán bằng cách lấy máu tĩnh mạch từ tay của mẹ. Xét nghiệm này thường được thực hiện vào tuần 24-28 thai kỳ. Tuy nhiên, nếu mẹ thuộc nhóm nguy cơ cao, bác sĩ có thể khuyên mẹ làm xét nghiệm sớm hơn.

Lượng đường trong máu cao hơn bình thường trong thời kỳ đầu mang thai có thể cho thấy mẹ mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2 chứ không phải là bệnh tiểu đường thai kỳ.

Giải đáp xét nghiệm tiểu đường thai kỳ như thế nào?
Giải đáp xét nghiệm tiểu đường thai kỳ như thế nào?

Các xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Đến nay, có 2 phương pháp để xét nghiệm tiểu đường thai kỳ:

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ như thế nào trong phương pháp 2 bước (xét nghiệm sàng lọc glucose):

Phương pháp này đo lượng đường trong máu của mẹ bất cứ lúc nào trong ngày. Mẹ thực hiện uống dung dịch chứa 50g glucose và lấy máu xét nghiệm 1 giờ sau uống. Nếu kết quả sau xét nghiệm có chỉ số đường <140 mg/dl là bình thường. Nhưng nếu chỉ số đường ≥ 140mg/dl, cần thực hiện bước thứ 2: xét nghiệm dung nạp glucose 100g đường.

Xét nghiệm dung nạp 100g đường glucose:

Phương pháp này đo lượng đường trong máu của mẹ trước và sau khi uống dung dịch glucose 100g đường.

Sản phụ được dặn nhịn ăn qua đêm từ 8 đến 14 tiếng trước khi xét nghiệm và lấy máu để xác định mức đường huyết lúc đói. Sau đó, thực hiện uống dung dịch đường và kiểm tra lượng đường trong máu 1 giờ, 2 giờ và 3 giờ sau uống.

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ như thế nào phương pháp 1 bước (Xét nghiệm dung nạp 75g đường glucose):

Phương pháp 1 bước tương tự với xét nghiệm dung nạp glucose 100g đường, chỉ khác là mẹ thực hiện uống dung dịch 75g đường. Ngoài ra, thay vì làm xét nghiệm 1 giờ, 2 giờ và 3 giờ sau uống; với thực hiện dung dịch 75g đường, mẹ chỉ cần làm xét nghiệm 1 giờ và 2 giờ sau uống.

Những chỉ số trong xét nghiệm nói lên điều gì?

Phương pháp 1 bước (Xét nghiệm dung nạp glucose 75g đường)

Nếu có 1 chỉ số thỏa trong 3 điều kiện dưới đây, sản phụ được chẩn đoán là có bệnh tiểu đường thai kỳ và cần lập kế hoạch điều trị:

  • Chỉ số đường huyết lúc đói ≥ 92 mg / dL.
  • Chỉ số đường huyết sau 1 giờ ≥ 180 mg / dL.
  • Chỉ số đường huyết sau 2 giờ ≥ 153 mg / dL.
Những chỉ số xét nghiệm tiểu đường thai kỳ phản ánh điều gì?
Những chỉ số xét nghiệm tiểu đường thai kỳ phản ánh điều gì?

Phương pháp 2 bước (xét nghiệm sàng lọc glucose)

Như đã đề cập ở trên, nếu chỉ số đường huyết thực hiện sau 1 giờ uống 50g đường ≥140mg/dL, mẹ cần thực hiện xét nghiệm pháp dung nạp 100g đường glucose để chẩn đoán.

Nếu kết quả từ dung nạp 100g đường glucose có từ 2 điều kiện dưới đây trở lên, sản phụ được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ:

  • Chỉ số đường huyết lúc đói ≥ 95 mg / dL.
  • Chỉ số đường huyết sau 1 giờ ≥ 180 mg / dL.
  • Chỉ số đường huyết sau 2 giờ ≥ 155 mg / dL.
  • Chỉ số đường huyết sau 3 giờ ≥ 140 mg / dL.

Sau khi biết được xét nghiệm tiểu đường thai kỳ như thế nào sẽ giúp mẹ chủ động hơn trong việc chuẩn bị trước và trong khi làm xét nghiệm. Tin vui cho mẹ rằng tiểu đường thai kỳ là bệnh dễ quản lý nhất trong các vấn đề thai nghén. Nếu mẹ kiểm soát lượng đường trong máu tốt, bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp; tập thể dục và sử dụng thuốc (nếu cần); hầu hết mẹ đều có thai kỳ tốt và sinh con khỏe mạnh. Hãy nghe sự tư vấn của bác sĩ và tốt nhất là ghi chú trong sổ những điều mà mẹ có thể làm để kiểm soát lượng đường trong máu tốt.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Gestational Diabetes and Pregnancyhttps://www.cdc.gov/pregnancy/diabetes-gestational.html

    Ngày tham khảo: 06/06/2021

  2. Gestational Diabeteshttps://www.cdc.gov/diabetes/basics/gestational.html

    Ngày tham khảo: 06/06/2021

  3. https://www.cdc.gov/diabetes/basics/gestational.htmlhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gestational-diabetes/diagnosis-treatment/drc-20355345

    Ngày tham khảo: 06/06/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người