Y học thường thức: Não úng thủy
Nội dung bài viết
Não úng thủy (hydrocephalus) có nguồn gốc từ hai chữ: “hydro” có nghĩa là nước, và “cephalus” đề cập đến “não” (còn gọi là bệnh đầu nước). Não úng thủy là một tình trạng dư thừa quá mức dịch não tủy (CSF) được hình thành trong hệ thống não thất của não và có thể làm tăng áp lực nội sọ. Cùng Youmed tìm hiểu bệnh lý đặc biệt này nhé!
Thế nào là não úng thủy?
Não úng thủy là thuật ngữ y khoa mô tả tình trạng quá nhiều dịch não tủy trong các não thất và khoang dưới nhện. Dịch não tủy là chất lỏng bao quanh và góp phần che chở, dinh dưỡng cho não bộ và tủy sống. Một số trường hợp dịch não tủy quá nhiều dẫn đến tăng áp lực lên não bộ. Não úng thủy đôi khi còn được gọi là bệnh đầu nước.
Ở trẻ em, những bé sinh non hoặc có những dị tật bẩm sinh về não bộ có thể có não úng thủy. Ngoài ra những trường hợp chấn thương đầu hoặc các bệnh lý khác ở não cũng có thể dẫn đến não úng thủy ở bất kỳ độ tuổi nào.
Theo chức năng, não úng thủy được phân làm 2 loại:
- Não úng thủy tắc nghẽn: tắc nghẽn đường lưu thông bình thường của dịch não tủy gây dãn hệ thống não thất phía trên chỗ tắc.
- Não úng thủy không tắc nghẽn (não úng thủy thông thường): xảy ra do sự tăng tiết quá mức hoặc sự kém hấp thu dịch não tủy, không có sự tắc nghẽn lưu thông dịch não tủy.
Triệu chứng của não úng thủy?
Ở trẻ em sơ sinh, nhóm triệu chứng chính gồm có:
- Đầu tăng kích thước quá mức bình thường.
- Tốc độ tăng kích thước đầu rất nhanh.
- Đầu có hình dáng lạ.
- Đầu có vị trí phình ra ở vùng đỉnh đầu.
- Tĩnh mạch đầu phình to ra.
Còn đối với nhóm trẻ lớn tuổi hơn mắc bệnh sẽ có các triệu chứng như:
- Đầu to hơn bình thường.
- Đau đầu ( thường than phiền đau vào buổi sáng).
- Mắt nhìn thấp và không thể ngước nhìn lên cao.
- Buồn nôn và nôn.
- Không cảm giác đói.
- Thường xuyên buồn ngủ.
Các phương tiện cận lâm sàng
Ở nhóm bệnh nhân trẻ sơ sinh bác sĩ có thể dùng phương tiện siêu âm, một phương tiện sử dụng sóng siêu âm để khảo sát hình ảnh của não bộ. Ngoài ra việc đo lường kích thước đầu lặp lại thường xuyên giúp bác sĩ biết được tốc độ tăng kích thước của đầu.
Ở nhóm trẻ lớn, bác sĩ có thể cần dùng đến các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác như cộng hưởng từ MRI hay cắt lớp vi tính CT để khảo sát hình ảnh não bộ.
Bác sĩ cũng sẽ cần chọc dò tủy sống thắt lưng ở một số trường hợp. Đây là quá trình bác sĩ dùng kim nhỏ để tiếp cận vào khoang chứa dịch não tủy ở vùng cột sống thắt lưng để đánh giá hoặc chẩn đoán bệnh.
Não úng thủy được điều trị như thế nào?
Điều trị não úng thủy có vai trò quan trọng của ngoại khoa – phẫu thuật. Việc điều trị nội khoa – dùng thuốc đóng vai trò hỗ trợ cho điều trị ngoại khoa. Các loại thuốc thường dùng như :
- Acetazolamide.
- Furosemide.
Bác sĩ điều trị não úng thủy bằng phương pháp phẫu thuật, qua đó tạo một đường thoát dịch não tủy ra bớt khỏi đầu. Mục tiêu là đạt được chức năng thần kinh tốt nhất, có kết quả thẩm mỹ tốt chứ không phải là làm não thất về lại kích thước bình thường.
Có hai phương pháp phẫu thuật chính thường được sử dụng nhất trong điều trị gồm có:
- Shunt – tạo lối tắt – Shunt là thiết bị dẫn dịch não tủy từ bên trong não. Thiết bị này kết nối với những ống dẫn đặt dưới da để dẫn dịch não tủy xuống khoảng ổ bụng, khoang ngực hoặc thằng vào buồng tim. Những hệ thống lối tắt – shunt này giúp dẫn lưu dịch não tủy ra khỏi não.
- Nội soi phá sàn não thất III : đây là phương pháp phẫu thuật mở một lỗ nhỏ ở não thất 3 (một cấu trúc chứa dịch não tủy ) để giúp giảm bớt dịch não tủy.
Sự lựa chọn phương pháp phẫu thuật nào dựa vào độ tuổi của trẻ mắc bệnh và nguyên nhân của não úng thủy là gì.
Sau điều trị có ảnh hưởng đến cuộc sống?
Hầu hết các bệnh nhân trẻ em được phẫu thuật điều trị não úng thủy cần được phẫu thuật thêm tối thiểu 1 lần để điều chỉnh hoặc chỉnh sửa hệ thống shunt. Nhiều trường hợp bệnh nhân cần nhiều cuộc phẫu thuật trong suốt thời gian sống. Vì lý do trên nên ít nhiều sự phát triển của trẻ có ảnh hưởng.
Ngoài ra việc đặt hệ thống shunt cũng phát sinh nhiều vấn đề sức khỏe như:
- Các vấn đề xuất phát từ hệ thống shunt như nhiễm trùng và tắc nghẽn shunt. Các triệu chứng gồm có sốt, đau đầu hoặc nôn ói.
- Động kinh – động kinh là do những sóng điện bất thường phát ra ở não bộ. Những trẻ em động kinh thường có những cơn co giật tay chân tự ý trong vài giây và ngất đi.
- Cản trở quá trình phát triển: Ở một số bệnh nhân não úng thủy có sự chậm phát triển tâm thần và thể chất. Bệnh nhân thường chậm ngồi, chậm đi hoặc chậm nói so với các trẻ bình thường.
Những bệnh nhân này cần được thăm khám các chuyên gia để có những chương trình can thiệp sớm để giúp trẻ trong quá trình phát triển.
Sau các biện pháp điều trị bệnh nhân cần được theo dõi tái khám thường xuyên ở các cơ sở y tế. Tái khám mỗi tháng trong 6 tháng đầu, sau đó mỗi 3 đến 6 tháng hoặc khi xuất hiện các triệu chứng mới.
Người trưởng thành có mắc bệnh không?
Não úng thủy không phải bệnh chỉ gặp ở trẻ em mà người lớn vẫn có bệnh lý não úng thủy. Thường gặp ở những bệnh nhân chấn thương đầu hoặc có những bệnh lý não bộ. Ở một số trường hợp não úng thủy của người trưởng thành có những triệu chứng tương tự như ở trẻ em.
Một vài trường hợp người lớn tuổi có bệnh lý “ não úng thủy không tăng áp lực”
Triệu chứng có thể bao gồm có:
- Suy giảm trí nhớ và tư duy.
- Gặp khó khăn trong việc đi lại.
- Mất kiểm soát việc đi tiểu.
Việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý não úng thủy ở người lớn có nhiều nét tương tự với não úng thủy ở nhóm bệnh nhân trẻ em.
Điều trị ở đâu?
Những cơ sở y tế có khoa ngoại thần kinh và ngoại thần kinh Nhi là nơi điều trị bệnh lý này.
Với một số thông tin cung cấp phía trên, YouMed hi vọng các bạn sẽ có cái nhìn rõ hơn về bệnh não úng thủy và cách chữa trị nhé!