A.T Ambroxol An Thiên là thuốc gì? Công dụng, cách dùng và lưu ý khi dùng
Nội dung bài viết
A.T Ambroxol An Thiên là thuốc gì? Thuốc có công dụng gì? Thuốc mang lại hiệu quả điều trị như thế nào? Trong quá trình dùng thuốc, cần lưu ý những điều gì? Hãy cùng Dược sĩ Lương Triệu Vĩ tìm hiểu thật kĩ về thuốc này nhé!
Tên thành phần hoạt chất: Ambroxol
Thuốc có thành phần tương tự: Halixol, Mucosolvan, Ambroxol,…
A.T Ambroxol An Thiên là thuốc gì?
Thuốc A.T Ambroxol An Thiên được sản xuất bởi công ty Cổ phần Dược phẩm An Thiên. Công dụng chính của thuốc là làm giảm đờm, nhầy và điều trị các bệnh về đường hô hấp. Thuốc được bào chế dạng dung dịch với hương cam tạo mùi vị dễ chịu hơn khi uống. A.T Ambroxol An Thiên có hai dạng đóng gói: Hộp 30 ống x 5 ml hoặc chai với các thể tích: 30 ml, 60 ml, 100 ml.
Thành phần và công dụng của từng thành phần
Thành phần
Hoạt chất chính: Ambroxol.
Công dụng của thành phần2
- Ambroxol có tác dụng làm lỏng đờm và giảm tính quánh của đờm, long đờm.
- Ambroxol cải thiện triệu chứng và làm giảm số đợt cấp tính của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
- Ambroxol có tính kháng viêm và có hoạt tính của chất chống oxy hóa.
Công dụng của A.T Ambroxol An Thiên
A.T Ambroxol An Thiên là thuốc tiêu chất nhày đường hô hấp dạng siro uống được dùng trong các trường hợp sau:
- Các bệnh cấp và mạn tính ở đường hô hấp có kèm tăng tiết dịch phế quản không bình thường. Đặc biệt trong đợt cấp của viêm phế quản mạn tính, hen phế quản.2
- Đối với các bệnh nhân sau mổ và sau cấp cứu, A.T Ambroxol An Thiên được dùng để dự phòng các biến chứng ở phổi.1
Cách dùng và liều dùng thuốc A.T Ambroxol An Thiên
Cách dùng
Uống A.T Ambroxol 30 mg với một ít nước, nên sử dụng sau bữa ăn.
Đối với thuốc đóng gói dạng chai, nên đong thuốc bằng dụng cụ cốc kèm theo trong mỗi chai.
Liều dùng
Liều dùng tùy thuộc vào thể trạng và mức độ bệnh của từng người. Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để có liều dùng phù hợp nhất. Sau đây là liều dùng tham khảo của Ambroxol:
Người lớn và trẻ em trên 10 tuổi:
- Dạng chai Siro: mỗi lần uống 5 – 10 ml, ngày 2 lần.
- Dạng ống: mỗi lần 1 – 2 ống, ngày 2 lần.
Giá của sản phẩm
Hiện giá của A.T Ambroxol An Thiên khoảng 135.000 VNĐ/ hộp 30 ống. Tuy nhiên, mức giá sản phẩm sẽ thay đổi tùy thuộc vào chính sách của từng cửa hàng.
Tác dụng phụ của A.T Ambroxol An Thiên
Tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng A.T Ambroxol An Thiên:1
- Phản ứng dị ứng là tác dụng phụ ít khi gặp khi sử dụng Ambroxol. Phát ban là phản ứng dị ứng chủ yếu.
- Khô miệng và tăng các transaminase là phản ứng phản vệ cấp tính, nặng nhưng hiếm gặp.
Khi gặp tác dụng phụ của thuốc, cần ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Các trường hợp không nên dùng A.T Ambroxol An Thiên
Thuốc A.T Ambroxol 30 mg không nên dùng trong các trường hợp sau:1
- Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với Ambroxol, Bromhexine, hay bất cứ thành phần tá dược nào của thuốc.
- Bệnh nhân đang bị loét trên đường tiêu hóa.
- Đối với trẻ em dưới 2 tuổi không nên sử dụng Ambroxol.
Đối tượng cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng
Phụ nữ thời kỳ mang thai1
Chưa có nghiên cứu báo cáo về tác dụng phụ của thuốc trên phụ nữ có thai. Tuy nhiên, cũng cần thận trọng khi dùng thuốc này trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Nếu muốn sử dụng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Phụ nữ thời kỳ cho con bú1
Chưa có thông tin về nồng độ của ambroxol trong sữa. Nên lưu ý khi sử dụng ambroxol ở phụ nữ cho con bú để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế trước khi sử dụng.
Thận trọng khi dùng thuốc
Đối với bệnh nhân bị loét đường tiêu hoá hoặc ho ra máu, nên thận trọng khi sử dụng. Nguyên nhân do Ambroxol có thể làm tan các cục đông fibrin và làm xuất huyết trở lại.2
Lưu ý khi sử dụng sản phẩm trên những đối tượng bị hội chứng không dung nạp galactose. Nguyên nhân là do trong thành phần tá dược có chứa các loại đường: Sorbitol, sucrose, sucralose.1
Xử trí khi dùng quá liều A.T Ambroxol An Thiên
Chưa có dữ liệu nghiên cứu về việc sử dụng thuốc quá liều. Tuy nhiên, không nên sử dụng thuốc quá liều khuyến cáo. Nếu lỡ sử dụng thuốc quá liều hãy theo dõi các triệu chứng và báo ngày cho bác sỹ nếu có bất thường để được xử lý kịp thời.
Xử trí khi quên một liều A.T Ambroxol An Thiên
Nếu quên một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu liều quên gần với liều kế tiếp, bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Chú ý không nên dùng gấp đôi liều đã quy định.
Tương tác thuốc
Các kháng sinh amoxicillin, cefuroxim, erythromycin, doxycyclin sẽ có nguy cơ bị tăng nồng độ trong nhu mô phổi nếu dùng kết hợp với Ambroxol. Không phối hợp Ambroxol với Codein, các thuốc làm khô đờm như Atropin. Ngoài ra, chưa ghi nhận báo cáo về các tương tác bất lợi khi sử dụng chung với các thuốc khác. Để tránh các tương tác bất lợi xảy ra, thông báo cho bác sĩ các thuốc đang dùng trong thời gian gần đây, để bác sĩ có thể có những chỉ định phù hợp.2
Lưu ý khi sử dụng thuốc A.T Ambroxol
Những lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc:
- Trước khi sử dụng thuốc nên đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế trước khi sử dụng thuốc.
- Nên tham khảo hạn dùng trước khi sử dụng thuốc. Tránh tình trạng sử dụng thuốc quá hạn dùng.
Bảo quản thuốc
Khi bảo quản Ambroxol cần lưu ý những vấn đề sau:
- Bảo quản nơi khô ráo, nhiệt độ không quá 30°C, tránh ánh sáng
- Bảo quản thuốc phải đảm bảo khoảng cách an toàn với trẻ nhỏ, tránh xa tầm tay trẻ em.
Trên đây là thông tin và lưu ý khi sử dụng của thuốc A.T Ambroxol An Thiên. Nếu trong quá trình sử dụng thuốc có bất cứ vấn đề gì, hãy gọi ngay cho bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để được điều trị kịp thời nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
tờ hướng dẫn sử dụng thuốchttps://drugbank.vn/thuoc/A--T-Ambroxol&VD-24125-16
Ngày tham khảo: 12/09/2022
-
Bộ Y Tế (2018). Dược thư quốc gia Việt Nam. NXB Y học Hà Nộihttps://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=731
Ngày tham khảo: 14/09/2022