Bấm huyệt trị ho và những điều bạn cần biết
Nội dung bài viết
Ngày nay, bởi nhiều nguyên nhân mà bệnh lý hô hấp cũng như triệu chứng ho trở nên phổ biến. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Với sự tiến bộ của y học, nhiều phương pháp điều trị ho đã ra đời. Trong đó, thủ thuật tác động lên huyệt (gọi tắt là bấm huyệt) của Y học cổ truyền được ghi nhận với nhiều kết quả tích cực và khả quan. Vậy, liệu bấm huyệt trị ho có thực sự hiệu quả và thực hiện như thế nào? Hãy cùng Bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai tìm hiểu nhé.
Ho dưới góc nhìn Y học cổ truyền
Theo y học hiện đại, triệu chứng ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể. Phản xạ này nhằm giúp loại bỏ những vật lạ như các chất nhầy, vi khuẩn,… ra bên ngoài. Bên cạnh đó, đây cũng được xem là dấu hiệu cho tình trạng hô hấp bị tổn thương bởi bệnh lý như nhiễm trùng hô hấp, viêm phổi, viêm phế quản, cảm cúm…
Theo Y học cổ truyền, triệu chứng ho nói chung được mô tả trong phạm vi của chứng “khái thấu”. Trong đó, “khái” là ho có tiếng nhưng không có đờm, còn “thấu” là ho có đờm nhiều.
Ngoài ra, đông y còn cho rằng nguyên nhân chủ yếu gây ho là do nội thương và ngoại cảm. Trong đó, ngoại cảm thường do phong nhiệt và phong hàn xâm phạm vào phế; khiến phế khí không thông suốt và điều hòa mà gây bệnh. Còn nội thương là do sự vận hóa kém mà sinh ra đờm của phế âm và tỳ dương.1
Như vậy, dựa vào các nguyên nhân, những liệu pháp trị ho sẽ hỗ trợ thúc đẩy khí huyết. Đồng thời, chúng sẽ giúp phế khí lưu thông điều hòa, thông kinh mạch, loại trừ các tà khí gây bệnh, cũng như tăng cường sự hoạt động của tạng phủ…
Tổng quan về phương pháp bấm huyệt trị ho
Bấm huyệt chữa ho có thật sự hiệu quả?
Từ nhiều kinh nghiệm dân gian cũng như các nghiên cứu hiện đại đã ghi nhận công dụng hiệu quả của phương pháp bấm huyệt chữa ho. Phương thức của liệu pháp là dùng lực ở ngón tay bấm, day, ấn… vào các huyệt đạo. Điều này giúp tạo ra kích thích cơ học lên da, thịt, mạch máu, thần kinh… tại vị trí đó. Dẫn đến nhiều lợi ích như làm ấm cơ thể, tăng điều hòa hô hấp, tuần hoàn máu được thúc đẩy thông suốt, làm tan các ứ trệ cũng như giảm các kích thích vùng hầu họng… Từ đó, mức độ và tần suất những cơn ho và lượng đờm sinh ra sẽ giảm thiểu đáng kể.
Nguyên lý trên cho thấy rằng, bên cạnh triệu chứng ho, các thủ thuật tác động lên huyệt còn hỗ trợ cải thiện các tình trạng khác kèm theo như ngứa họng, đờm vướng khó chịu, thở khó khăn…
Một ưu điểm khác của động tác bấm huyệt trị ho chính là thực hiện đơn giản có thể tự làm tại nhà; mà không mất quá nhiều thời gian hay chi phí. Hơn nữa, chúng không có các tác dụng phụ như ảnh hưởng dạ dày, gan thận, chảy máu, đau đớn… như nhiều cách trị liệu khác.
Thế nhưng, cần phải hiểu rõ rằng liệu pháp này hầu như không có tác dụng đến các yếu tố bệnh lý thực thể như vi khuẩn, virus, dị ứng… Mà chỉ đem đến công dụng giảm triệu chứng tạm thời, tạo sự dễ chịu cho người bệnh. Chính vì vậy, việc kết hợp đông – tây y trong điều trị bệnh đang là xu thế phổ biến; và dần được áp dụng rộng rãi trong nhân dân bởi sự hiệu quả của chúng.
Đối tượng nào có thể bấm huyệt trị ho?
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, bấm huyệt chữa ho được ghi nhận có kết quả tích cực trên nhiều đối tượng khác nhau; kể cả người già và trẻ nhỏ.
Bấm huyệt trị được những loại ho nào?
Theo nhiều tài liệu, bởi các tác động đa dạng và hiệu quả trên cơ thể con người mà bấm huyệt có thể hỗ trợ trường hợp ho khan, ho có đàm; hay kèm theo viêm họng, sốt, cảm lạnh, ho lâu ngày…
Xem thêm: Bấm huyệt trị nghẹt mũi như thế nào là đúng?
Cách chữa ho bằng bấm huyệt
Theo đông y, tùy theo tình trạng và mức độ của từng người bệnh mà thầy thuốc sẽ lựa chọn các huyệt đạo sao cho phù hợp. Sau đó, thầy thuốc sẽ phối hợp các thủ thuật tác động lên huyệt như:
- Ấn huyệt là dùng sức ở đầu ngón tay cái đè vào vị trí huyệt rồi giữ khoảng 10 – 20 giây.
- Day huyệt là dùng lực ngón cái hay ngón giữa ấn lên huyệt đạo rồi di động theo đường tròn.
Một số huyệt cụ thể thường được sử dụng với người bệnh có triệu chứng ho như: Dũng tuyền, Xích trạch, Khổng tối, Thái uyên, Liệt khuyết… Ngoài ra, tùy các tình trạng kèm theo mà gia giảm thêm các huyệt đạo khác như:
- Nếu muốn bổ khí, bổ phế dùng huyệt Phế du, Đản trung…2
- Khó thở, hen suyễn dùng thêm huyệt Định suyễn, Suyễn tức…2
- Đàm vướng nhiều dùng thêm huyệt Phong long, Túc tam lý…3
- Muốn hạ sốt, thanh nhiệt dùng thêm Đại chùy, Khúc trì, Hợp cốc…4
Cách thực hiện thủ thuật bấm huyệt trị ho
Xoa dầu nóng hoặc tinh dầu ở vị trí huyệt; đồng thời thực hiện các động tác day tròn, ấn vào huyệt đạo với lực tăng dần từ nhẹ đến mạnh. Thời gian cho mỗi vị trí huyệt trong khoảng một phút hoặc cho đến khi có cảm giác nóng lên. Để đạt hiệu quả cao, ta có thể thực hiện thủ thuật này mỗi ngày 2 lần vào sáng, tối hoặc khi xuất hiện dấu hiệu khó chịu.
Một số huyệt đạo thông dụng trong bấm huyệt chữa ho bao gồm:
Huyệt Dũng tuyền
Vị trí: Huyệt nằm ở gan bàn chân, được xác định tại giao điểm của đoạn nối ⅖ trước và ⅗ sau giữa ngón chân thứ 2 và điểm bờ sau gót chân.
Công dụng: Khi thực hiện động tác bấm huyệt Dũng tuyền sẽ kích thích huyệt đạo ấm lên. Từ đó hỗ trợ khí huyết lưu hành thông suốt, an thần, trừ đi hư hỏa trong cơ thể, cải thiện các triệu chứng ho, đau họng đặc biệt do yếu tố lạnh gây nên…5
Huyệt Xích trạch
Vị trí: Huyệt nằm trên đường kinh Phế, ở nếp gấp khuỷu tay, bờ ngoài gân cơ nhị đầu.
Công dụng: Việc kích thích huyệt Xích trạch giúp hỗ trợ giảm triệu chứng ở các bệnh lý hô hấp như ho, đau họng, hen suyễn, thở khó khăn,…
Huyệt Khổng tối
Vị trí: Huyệt nằm trên đường nối từ bờ ngoài gân cơ nhị đầu đến rãnh động mạch quay, trên nếp gấp cổ tay 7 thốn.
Công dụng: Hỗ trợ điều hòa hô hấp, thanh nhiệt, giảm ho, hen suyễn, đau họng, khàn tiếng…
Huyệt Đản trung
Vị trí: Huyệt là giao điểm của đường giữa ngực với khoang gian sườn 4 – 5.
Công dụng: Điều hòa hô hấp, giảm các triệu chứng ho kéo dài, đau tức ngực, khó thở…
Lưu ý: Chỉ nên dùng lực tác động vừa phải bởi huyệt đạo nằm ở vị trí nhạy cảm.
Huyệt Phế du
Vị trí huyệt: Nằm giữa đốt sống lưng D3 – D4, đo ra 2 bên, mỗi bên 1,5 thốn.
Công dụng: Bổ Phế, điều hòa thông khí, giảm ho, giảm hen suyễn,…
Huyệt Thái uyên
Vị trí huyệt: Nằm rãnh động mạch quay, trên nếp gấp cổ tay.
Công dụng: Thông khí, cải thiện triệu chứng ho, loãng đờm, giảm đau họng…
Huyệt Liêm tuyền
Vị trí: Khi ngước đầu lên, huyệt nằm trên lằn ngang cuống hầu 0.2 thốn, giữa bờ trên sụn giáp.
Công dụng: Cải thiện cơn ho, đặc biệt ho có đờm, làm loãng đờm, lợi lưỡi hầu, giảm đau họng…
Sau khi thực hiện động tác day, ấn huyệt Liêm tuyền, nên vuốt đều 2 bên vùng cổ từ trên xuống để tăng hiệu quả điều trị.6
Bấm huyệt trị ho ở lòng bàn tay
Bên cạnh các huyệt đạo kể trên, dân gian còn bấm huyệt ở lòng bàn tay. Cụ thể là phần đệm thịt dưới ngón tay áp út. Cách này có thể giúp làm dịu cơn ho, giảm đau rát họng, tiêu đờm, lợi hô hấp…6
Lưu ý khi bấm huyệt chữa bệnh ho
Có thể tự bấm huyệt tại nhà không?
Thủ thuật bấm huyệt trị ho thực hiện khá đơn giản, tương đối an toàn, ít rủi ro… Chính vì vậy mà phương pháp trị liệu này có thể được người bệnh tự thực hiện tại nhà, dưới sự hướng dẫn kỹ càng từ thầy thuốc.
Lưu ý khi bấm huyệt trị ho
Trong quá trình thực hiện thủ thuật
Người thực hiện cần vệ sinh bàn tay sạch sẽ và cắt móng tay gọn gàng nhằm hạn chế tình trạng làm tổn thương da người bệnh.
Không nên dùng lực quá mạnh ở các vị trí huyệt nhạy cảm bởi sẽ dễ gây bầm tím, đỏ da, tổn thương cơ quan dưới da…
Những đối tượng đang có bệnh lý cấp cứu, ngoại khoa, chấn thương xương khớp, bệnh ngoài da lở loét… Không nên thực hiện phương pháp này.
Phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ thuộc các trường hợp có thể sử dụng liệu pháp bấm huyệt chữa ho. Tuy nhiên, cần dùng lực vừa phải, tránh vị trí nhạy cảm ảnh hưởng đến nội tạng và thai nhi.
Nên xác định vị trí huyệt chính xác cụ thể để đem lại tác dụng trị ho, giảm đờm cao.
Sau khi thực hiện thủ thuật
Để tăng hiệu quả giảm ho người bệnh cần giữ ấm cơ thể, tăng cường sức đề kháng bằng chế độ sinh hoạt hợp lý, tập luyện thể dục vừa phải…
Cung cấp và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ. Ưu tiên cho thực phẩm chứa nhiều vitamin và đa dạng khoáng chất nhằm tạo hệ miễn dịch mạnh mẽ.
Không nên dùng nước đá, hay tắm nước lạnh. Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều bụi bẩn…
Mức độ đáp ứng của mỗi người bệnh sau khi thực hiện liệu pháp này có thể không giống nhau.
Những phương pháp đông y khác giúp chữa ho
Dược liệu trị ho
Hiện nay, bên cạnh bấm huyệt trị ho, trong đông y còn có các liệu pháp chữa ho từ những dược liệu gần gũi quanh ta như:
- Trị chứng cảm lạnh, phát sốt, ho đờm loãng, nghẹt mũi: Tía tô 20g, kinh giới 8g, gừng tươi 8g, lá hẹ 12g, lá xương sông 12g; sắc uống.1
- Trị cảm, sốt, ho đờm vàng, miệng khô khát: Rau má 12g, lá dâu 12g, cúc hoa 8g, bạc hà 8g, rễ tranh sao vàng 8g, lá hẹ 8g; sắc uống.1
Ngoài ra, dân gian còn một số cách khác để giảm ho, loãng đờm, nhuận phế, giảm ngứa vùng họng… Cụ thể như tắc chưng đường phèn, trà gừng mật ong,… Hay các loại rau như tần dày lá (húng chanh), lá tía tô, lá hẹ…
Châm cứu và cứu trị ho
Bên cạnh các phương pháp trên, đông y còn ghi nhận tác dụng từ việc châm cứu trị ho. Thầy thuốc sẽ thực hiện châm cứu với công thức huyệt tương tự như khi bấm huyệt. Đồng thời bác sĩ còn có thể kết hợp với cứu ấm khi có dấu hiệu của nhiễm phong hàn.
Xem thêm: Phương pháp cứu ngải và những điều bạn chưa biết
Có thể thấy rằng, ho là triệu chứng khá phổ biến ở các bệnh lý hô hấp; cần được quan tâm và điều trị đúng cách để hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Trong đó, bấm huyệt trị ho là phương pháp ít rủi ro, dễ thực hiện mà vẫn đạt hiệu quả. Thế nhưng, cần hiểu rõ rằng đây chỉ là một cách hỗ trợ triệu chứng tạm thời. Nên phối hợp với nhiều biện pháp chuyên sâu hơn nếu tình trạng nặng hoặc có những nguyên nhân thực thể gây bệnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Trường Đại học Y Hà Nội (2005). Bài giảng Y học cổ truyền. NXB Y học, Hà Nội.
- Bộ Y tế (2013). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành y học cổ truyền
- PGS.TS Nguyễn Thị Bay (2007). Bệnh học và điều trị nội khoa kết hợp Đông-Tây y, NXB Y học, Hà Nội.
- Học viện Y học cổ truyền Trung Quốc (2000). Châm cứu học Trung Quốc, NXB Y học, Hà Nội.
-
Cách Bấm Huyệt Dũng Tuyền Trị Dứt Cơn Ho Nhanh Chóng
https://vienyduocdantoc.org.vn/huyet-dung-tuyen-tri-dut-con-ho.html
Ngày tham khảo: 13/09/2021
-
TOP 6+ phương pháp bấm huyệt chữa ho có đờm cực an toàn, hiệu quả
https://who.org.vn/bam-huyet-chua-ho-co-dom.html
Ngày tham khảo: 13/09/2021