Bé đổ mồ hôi lạnh, cha mẹ nên làm gì để khắc phục?
Nội dung bài viết
Trẻ ra mồ hôi, tay chân lạnh khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Ngoài triệu chứng bé đổ mồ hôi lạnh, có thể kèm theo một số dấu hiệu khác. Những dấu hiệu này cảnh báo một bệnh lý tiềm ẩn. Vậy chứng đổ mồ hôi lạnh ở trẻ là gì? Tại sao lại có tình trạng này? Cha mẹ nên làm gì khi trẻ toát mồ hôi lạnh? Mời bạn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Chí Hiếu tìm hiểu chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.
Đổ mồ hôi lạnh là gì?
Đổ mồ hôi lạnh là tình trạng bé ra mồ hôi nhưng da bé lại có cảm giác ẩm ướt hoặc lạnh. Vị trí ra mồ hôi lạnh thường gặp nhất là lòng bàn tay, và lòng bàn chân.
Việc đổ mồ hôi là bình thường nếu trẻ đang ở trong môi trường có nhiệt độ cao. Hoặc khi bé hoạt động thể chất, cơ thể cũng bài tiết mồ hôi.
Khi bé đổ mồ hôi lạnh, cha mẹ cần chú ý thêm đến các triệu chứng khác của trẻ. Vì những triệu chứng ấy có thể gợi ý nguyên nhân gây ra đổ mồ hôi cho trẻ.
Nguyên nhân bé đổ mồ hôi lạnh
Bé bị đổ mồ hôi lạnh có thể là do nguyên nhân sinh lý hoặc nguyên nhân bệnh lý
1. Nguyên nhân sinh lý
Hệ thần kinh chưa ổn định
Ở trẻ, hệ thần kinh điều tiết mồ hôi hoạt động chưa ổn định. Do đó, tay chân có thể lạnh và tiết nhiều mồ hôi. Chứng đổ mồ hôi lạnh này có thể hết khi trẻ lớn hơn. Hoặc có thể trẻ vẫn sẽ bị đổ mồ hôi lạnh đến tuổi trưởng thành. Khi đó, nếu trẻ cảm thấy bất tiện trong sinh hoạt thì cha mẹ có thể cân nhắc cho trẻ điều trị.
Thiếu chất dinh dưỡng
Thiếu một vài dưỡng chất thiết yếu, đặc biệt là canxi có thể khiến bé đổ mồ hôi lạnh. Tuy nhiên, để biết chính xác, cha mẹ cần theo dõi theo dõi thêm các biểu hiện khác đi kèm ở trẻ. Chẳng hạn:
- Trẻ thường xuyên quấy khóc.
- Bé hay giật mình, ngủ không ngon…
Những trẻ thiếu các dưỡng chất cũng thường bị ra mồ hôi nhiều ở vùng trán, vùng gáy. Tình trạng này có kể cả khi trời lạnh và đặc biệt là trong lúc ngủ.
2. Nguyên nhân bệnh lý
Bé đổ mồ hôi lạnh có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý:
Nhiễm trùng
Nhiễm trùng có thể khiến bé đổ mồ lạnh. Nguyên nhân có thể do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Nặng hơn có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng huyết. Nếu tình trạng này không được chữa trị kịp thời sẽ đe dọa đến tính mạng.
Ngoài đổ mồ lạnh, bé bị nhiễm trùng sẽ có thêm các biểu hiện sau:
- Sốt cao (> 38°C).
- Bé quấy khóc do lạnh run.
- Mạch đập nhanh.
Bệnh lý tim mạch
Bé đổ mồ hôi lạnh có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch ở trẻ. Ngoài ra còn có các triệu chứng:
- Trẻ hay ho, khó thở khi bú sữa.
- Trẻ thường cảm thấy lạnh.
- Ngón tay, ngón chân tím tái.
- Trẻ chậm tăng cân, hay quấy khóc ban đêm.
Huyết áp thấp ở trẻ em
Chỉ số huyết áp bình thường của trẻ tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, chiều cao. Khi huyết áp thấp, tim, não và các bộ phận khác của cơ thể không nhận đủ máu. Từ đó khiến bé đổ mồ hôi lạnh.
Có rất nhiều nguyên nhân gây huyết áp thấp ở trẻ. Trong đó có:
- Mất nước.
- Thiếu máu.
- Suy thượng thận.
- Sốc.
Hạ huyết áp ở trẻ em rất nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời. Do đó, các bác sĩ nên đo huyết áp cho trẻ từ 3 tuổi trở lên.
Ba mẹ nên làm gì khi bé đổ mồ hôi lạnh?
Việc bé đổ mồ hôi lạnh không chỉ khiến cho bố mẹ lo lắng mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ. Ví dụ trẻ ngủ không ngon giấc, tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp.
Cha mẹ có thể giúp tình trạng đổ mồ hôi lạnh của con cải thiện hơn bằng cách:
Bổ sung vitamin D cho trẻ
Vitamin D là dưỡng chất quan trọng trong quá trình tạo xương. Vitamin D còn có nhiều vai trò khác trong quá trình phát triển của trẻ. Vì vậy, việc bổ sung vitamin D cho trẻ là rất cần thiết.
Cha mẹ có thể bổ sung vitamin D cho trẻ bằng cách:
- Xây dựng chế độ ăn uống đa dạng, chứa nhiều loại thực phẩm giàu vitamin D.
- Thường xuyên cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Cách tốt nhất là cho trẻ tắm nắng vào sáng sớm. Lưu ý là chỉ để da của bé tiếp xúc với ánh nắng. Không nên để mắt trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
- Nhỏ giọt vitamin D. Cách này cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.
Xem thêm: Vitamin D và những vấn đề liên quan đến sức khỏe của bé
Tăng cường canxi cho trẻ
Đối với những trẻ dưới 6 tháng tuổi nên cho trẻ bú sữa mẹ. Vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng dồi dào nhất đối với trẻ ở giai đoạn này.
Khi trẻ bước sang giai đoạn ăn dặm (từ 6 tháng tuổi), nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm chứa protein, carbohydrate, canxi và axit amin. Đây là những dưỡng chất thiết yếu đối với quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Bổ sung canxi trong các thực phẩm như:
- Sữa và các chế phẩm từ sữa.
- Hải sản: tôm, cá…
- Các loại trái cây: chuối, táo,..
- Các loại quả: hạnh nhân
Ngoài ra cũng có thể bổ sung canxi bằng viên uống. Nhưng cha mẹ hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng để được hướng dẫn chi tiết nhất.
Bé đổ mồ hôi lạnh có thể do nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý. Nếu do nguyên nhân sinh lý, bố mẹ cần thay đổi cách chăm sóc và chế độ dinh dưỡng để cải thiện. Còn nếu do bệnh lý, cha mẹ nên sớm đưa con đi khám bác sĩ để kiểm tra chính xác. Để từ đó được tư vấn cách chăm sóc phù hợp và hiệu quả.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What Is Diaphoresis?https://www.verywellhealth.com/causes-and-treatment-of-cold-sweats-1298949
Ngày tham khảo: 26/05/2021